Tôi đã học được gì từ Breaking Bad Phần 2

EP 2.1: BÀI HỌC VỀ GIÁO DỤC GIA ĐÌNH TỪ JESSE VÀ WALTER JR.

Jordan Peterson đã viết hẳn một chương về giáo dục gia đình trong quyển “12 Rules of life” (2018) với đại ý thế này:

“Đừng để con bạn làm những điều khiến bạn không ưa nổi và đừng bao giờ cố gắng để trở thành bạn bè của chúng”- Jordan Peterson 

________________________________

Mặc dù là một bộ phim theo dạng “anti-hero-world” (thế giới không thật sự tồn tại anh hùng bảo vệ chính nghĩa) và lấy chủ đề về tội phạm ma túy. Tuy nhiên những giá trị và ví dụ về giáo dục gia đình trong series này là cực kỳ đáng giá. Điển hình là hai nhân vật: Jesse Pinkman và Walter Jr.

1. Jesse Pinkman:

 

Nếu phải lấy ví dụ về một đứa trẻ có trái tim nhân hậu nhưng lại không có được sự dạy bảo đúng mực từ gia đình sẽ trở nên đáng thương như thế nào thì tôi sẽ chọn Jesse Pinkman. Với tôi Jesse là một nạn nhân của những sai lầm trong giáo dục gia đình.

Chắc bạn còn nhớ một chi tiết ở đầu season 2 khi Jesse Pinkman nhìn thấy một con bọ dưới chân mình, anh đã ngồi xuống, chơi đùa với nó và nở một nụ cười khi thả nó đi. Rồi khi Skinny Pete đến, tên này vô tư nghiền nát con bọ ngay trước mặt Jesse. Anh chỉ nhìn xuống, một chút đau xót trên khuôn mặt và không nói gì. Với những bộ phim chất lượng và đầu tư có chiều sâu về hệ thống nhân vật như Breaking Bad thì chi tiết này không hề thừa một giây nào cả. Nó diễn tả chính xác phần giá trị cốt lõi tạo nên nhân vật Jesse Pinkman. Một đứa trẻ nhân hậu muốn bảo vệ những người yếu thế dễ bị tổn thương. Từ sau chi tiết này cho đến hết series, bạn có thể thấy bên trong Jesse luôn toát ra một thứ tình cảm đối với những ai yếu thế trong xã hội và đặc biệt là những đứa trẻ.

Vậy điều này đến từ đâu?

Đến từ những sai lầm trong phương pháp giáo dục gia đình mà anh là nạn nhân. Jesse là một đứa trẻ bị bỏ rơi.

Mặc dù bộ phim không đào sâu vào tuổi thơ của anh tuy nhiên người xem cũng có thể dễ dàng nhận ra anh là nỗi thất vọng của bố mẹ mình. Họ đã chọn bỏ rơi anh. Với lý do anh phải tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Đúng! Anh ta phải chịu trách nhiệm với hành vi sai trái của mình nhưng sự thiếu hụt các giá trị đến từ giáo dục gia đình thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai đây? Vài chi tiết ngắn ngủi trong phim tiết lộ việc anh đã bị bố mẹ đẩy ra khỏi nhà và phải đến sống với người cô bị ung thư phổi có tên là Ginny trong những ngày cuối đời của người này. Khi người cô mất đi, bố mẹ Jesse là người dành quyền sở hữu ngôi nhà và cho phép anh ở lại đấy theo như tâm nguyện của người cô quá cố.

Sau khi trở thành cộng sự của Mr. White và “xử đẹp” (thật ra cũng không đẹp lắm) hai tên buôn đá có tiếng, anh đã sợ hãi trốn về ngôi nhà cũ của bố mẹ mình. Ở đây anh vẫn được đối xử tử tế nhưng có chừng mực từ bố mẹ. Phần nào đó, bố mẹ của Jesse cũng là những người yêu thương con cái. Họ đã suy nghĩ đến việc cho Jesse ở lại và hy vọng sẽ nhìn thấy anh thay đổi cuộc đời. Tuy nhiên cách thức đối mặt của họ với vấn đề của những đứa con đã tạo ra những sai lầm lặp lại.

Chi tiết người quét dọn tìm thấy điếu c.ầ.n-s.a trong lúc dọn dẹp và sau đó bố mẹ Jesse ngay lặp tức đuổi cổ anh ra khỏi nhà mà không hề biết rằng điếu c.ầ.n này thuộc về thằng em trai quý tử. Quyết định từ chối trách nhiệm phải giáo dục đứa con và hỗ trợ chúng giải quyết các vấn đề một lần nữa tái diễn. Điều này chẳng giúp ích gì cho đứa con cả, đây chỉ đơn giản là sự bất lực từ bố mẹ anh ta mà thôi. Đấy là trốn tránh không phải là giáo dục. Họ chẳng mong mỏi điều gì tốt đẹp cho Jesse cả, họ chỉ muốn không bị vạ lây.

Breaking Bad S1E4: Cancer Man – Bà giúp việc bắt được điếu thuốc của em trai Jesse Pinkman

Ngoài ra một sai lầm khác còn tồi tệ hơn đã một lần nữa lặp lại với đứa em trai của Jesse. Cụ thể sai lầm ở đây là gì?

Không chỉ sai lầm trong việc từ chối hỗ trợ và bỏ mặc con cái trong việc giải quyết các vấn đề của chúng, một sai lầm khác thậm chí còn tồi tệ hơn đó là khiến cho đứa trẻ không cảm thấy được yêu thương và công nhận một cách đúng mực. Điều này thể hiện ở chỗ đứa em trai giỏi giang của Jesse cũng không cảm thấy mình là đứa trẻ được bố mẹ yêu thương và quan tâm nhiều nhất. Nó đã cau có phản bát lại ông anh của mình khi bị gọi là “the favourite son” (thằng con quý tử). Và trong đầu óc non nớt của thằng nhỏ, nó đã nghĩ gì khi muốn trở thành “thằng con quý tử” đây? Tập hút hít giống thằng anh nó! Đây chính hậu quả lặp lại từ sai lầm trong giáo dục con cái. Hình ảnh thằng em của Jesse bước ra cửa cảm ơn ông anh vì đã nhận tội thay cho nó và sau chỉ muốn xin lại đ.i.ế.u-c.ầ.n chính là chi tiết để mở cho tương lai của thằng em trai mà đạo diễn muốn người xem phải tự suy nghĩ.

Một cảnh trong Breaking Bad S1E4: Cancer Man – Thằng em trai Jesse Pinkman xin lại điếu thuốc

Khao khát được công nhận cũng thể hiện rất rõ ở Jesse khi anh trở thành cộng sự của Mr. White xấu tính, anh liên tục phải chịu những lời chỉ trích, quát mắng thậm chí là lăng mạ từ người cộng sự. Jesse bị xem như một kẻ chỉ biết làm hỏng việc, một tên vô dụng chỉ biết tạo ra rắc rối. Anh bị ông thầy xua đuổi như tên tội phạm và xem thường anh hết lần này đến lần khác. Ngay cả khi anh tự mình chế một “mẻ đá” với độ tinh khiết gần như sánh ngang với “ông thầy”, anh vẫn bị ông gọi đấy là “rác rưởi”. Chúng ta sẽ chưa phân tích vội về “tính nam độc hại” của Mr. White trong bài viết này mà hãy nhìn vào nạn nhân của nó, Jesse Pinkman. Như đã nói ở đầu bài, Jesse là một đứa trẻ với tấm lòng nhân hậu, luôn muốn bảo vệ cho kẻ yếu và thèm khát được công nhận từ gia đình. Với Jesse, Mr. White giống như người cha thứ hai vì ông này giúp anh đối mặt được với những vấn đề thay vì bỏ mặc anh với mớ hỗn độn. Ông cũng cho anh giải pháp để xử lý những điều mà gần như anh không thể tự mình đối mặt. Phần nào đó ông cũng cho Jesse cảm thấy anh vẫn còn chút giá trị. Tuy nhiên như vậy vẫn còn thiếu! Vẫn còn thiếu một điều cực kỳ quan trọng đó chính là sự công nhận từ “người cha”. Anh đã thiếu thốn điều này kể từ khi còn là một đứa trẻ. Và sự công nhận từ Mr. White (anh vẫn luôn gọi ông là Mr. White thay vì là Walter, đây là dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng và lễ phép) chính là điều mà chàng trai trẻ này khao khát.

Mr. White, Yeah Science

Mãi cho đến khi anh bị Hank (thanh tra cục phòng chống ma túy và là em rễ của Mr. White) đấm cho gần chết thì anh mới nhận được những lời khen ngợi và công nhận thật lòng từ “ông thầy” của mình. Chính điều này đã xoa dịu đứa trẻ đầy uất hận bên trong anh, anh tha thứ cho Hank thay vì sẽ kiện cho ông này đến “thân bại danh liệt” như đã nói.

Một đoạn Hank đánh Jesse Pinkman trong Breaking Bad S3E7: One Minute

______________________________________

Sai lầm trong quan điểm giáo dục gia đình đã đẩy cuộc đời Jesse vào những hố sâu của tội lỗi, tệ nạn và hút chích. Chúng biến anh thành một đứa trẻ ngu ngơ tìm kiếm những giá trị gia đình trong hình hài gai góc và nổi loạn. Jesse chính là đặc điểm chung của những đứa trẻ thiếu tình yêu thương và phải chịu quá nhiều vết thương trong quá khứ. Chúng bị đối xử quá tệ và nếu không muốn tiếp tục là nạn nhân chúng phải trở thành những kẻ đáng sợ hoặc gây tổn thương lên người khác. Tất cả những gì mà “những đứa trẻ” này cần để trở nên tốt đẹp hơn là một gia đình với sự quan tâm đúng mực và sự công nhận từ đấy. Tuy nhiên không phải cứ muốn là được, đối với những thứ đã trở thành “hậu quả” thì “gánh chịu” sẽ luôn là cái đến trước nhất còn kế tiếp là “khắc phục” hay sẽ tiếp tục là “gánh chịu” thì chưa thể nói trước được.

Jordan Peterson từng viết một đoạn với đại ý thế này: Đừng để con cái bạn làm những điều mà bạn không ưa nổi vì như vậy sẽ khiến bạn ghét bỏ chúng nhiều hơn. Hãy uốn nắng chúng thay vì để chúng vượt quá những giới hạn của đúng sai. Sự kềm cặp vừa phải sẽ tạo ra những nguyên tắc đúng và sự sáng tạo chứ chẳng hề giới hạn sự phát triển nào ở trẻ cả. Và đặc biệt hơn hết là cả bạn và chúng sẽ yêu thương và gắn bó với nhau nhiều hơn.

(còn tiếp)

Đọc thêm Series:

-Light- : https://fb.com/SomethingInside97/

 

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments