Xin chào anh em, dạo này tôi đang xây dựng một kênh tin tức với chủ đề công nghệ là MacLife tại địa chỉ maclife.io.vn. Website này chuyên viết về các sản phẩm của Apple, bao gồm nhận định về các sản phẩm, hệ điều hành, thủ thuật cũng như các tin tức có liên quan. Anh em có quan tâm đến chủ đề này có thể ghé qua để tìm hiểu tại các kênh thông tin sau đây. Cảm ơn anh em!
“Tự do tài chính” là một cụm từ được nhắc tới rất nhiều trong thời gian trở lại đây. Tuy nhiên, với hầu hết mọi người thì đây giống như một “ảo ảnh trong sa mạc” mà chúng ta muốn tới nhưng lại không biết làm thế nào để tới được đó.
Và bài viết đầu tiên trong chuỗi bài viết về “Hành trình tự do tài chính” này sẽ giúp bạn giải đáp các câu hỏi What? – Why? – How? về hành trình này cũng như các lý do tại sao chúng ta nên quan tâm tới việc quản lý tài chính cá nhân, tại sao tự do tài chính có thể tạo ra những thay đổi vô cùng tích cực cho cuộc sống của các bạn.
Cụ thể, các câu hỏi đó chính là:
- Hành trình tự do tài chính là gì?
- Vì sao chúng ta lại cần tự do tài chính?
- Và để được tự do tài chính chúng ta sẽ phải làm gì?
Tôi cũng phải nói luôn, chuỗi bài viết về hành trình tự do tài chính này không phải do tôi đã trải nghiệm mà đây là những điều mà tôi đã tổng kết lại được từ chuỗi bài podcast cùng tên của anh Hiếu TV (hieu.tv). Link
Tôi viết ra đây nhằm mục đích ghi chú cho chính bản thân mình và đồng thời nếu vô tình bạn cũng quan tâm đến vấn đề này, thì đây chính là thứ tôi sẽ chia sẻ cùng với các bạn để chúng ta có thể đi cùng nhau.
Tôi cũng mới biết đến nguồn kiến thức này và đang từng ngày để đi trên hành trình này. Rất vui vì những ghi chú này của tôi có thể hữu ích phần nào cho các bạn.
Và không chần chừ nữa, chúng ta sẽ bắt đầu ngay thôi!
Lời mở đầu
Trước khi bắt tay vào thực hiện bất cứ điều gì, chúng ta nên đặt ra 3 câu hỏi đó là What? – Why? – How. Hay tạm dịch sang tiếng Việt sẽ là Là gì? – Tại sao? – Như thế nào?
Đối với Hành trình tự do tài chính, việc trả lời được 3 câu hỏi này sẽ giúp chúng ta hình thành một sự hình dung nhất định về cái đích đến.
Đặc biệt, đây là một hành trình rất dài, không phải chỉ ngày một ngày hai mà có thể sẽ khiến chúng ta mất khoảng trên dưới 10 năm. Vì vậy, biết được các câu hỏi Là gì và Tại sao là đặc biệt quan trọng để biết vì sao mình cần tham gia hành trình này và những gì chúng ta phải đối mặt.
Như vậy thì chúng ta mới có đủ động lực để đi hết hành trình này mà không bỏ dở giữa chừng.
What? – Hành trình tự do tài chính là gì?
Hẳn là trong các bạn, ai cũng đã từng trải qua tình trạng mà khi ra đời, đi làm, nhận được những đồng lương đầu tiên cho đến nay thì thường chúng ta sẽ kiểu nhận được bao nhiêu, tiêu xài bấy nhiêu.
Thậm chí còn tiêu quá khả năng chi trả của bản thân dẫn đến việc đi vay nợ, để rồi sang tháng nhận lương, trả nợ, tiêu xài quá trớn để rồi lại nợ. Vòng lặp đó cứ liên tục lặp đi lặp lại khiến chúng ta bị trói buộc bởi đồng tiền.
Tự do tài chính là một khái niệm xuất hiện khá sớm ở các nước phương Tây và cũng dần manh nha tại Việt Nam vài năm trở lại đây. Để cho dễ hiểu thì có một câu nói trong tiếng Anh đã phản ánh tương đối chính xác về Hành trình tự do tài chính này.
Đó là:
“Living a few years of your life like most people won’t
So you can spend the rest of your life like most poeple can’t”
Tạm dịch: “Bạn hãy sống vài năm theo cái cách mà không một ai muốn, để rồi bạn có thể dành toàn bộ thời gian còn lại của cuộc đời sống theo cái cách mà không ai có thể sống như vậy được”.
Nghĩa là hãy dành “vài năm” của cuộc đời bạn để sống khác với mọi người xung quanh, để rồi bạn sẽ có một cuộc sống mà những người khác không thể có được.
Cụm từ “Vài năm” ở đây được hiểu là một khoảng thời gian rất dài, khoảng trên dưới 10 năm tùy thuộc vào tình hình tài chính của mỗi người. Do vậy, cái mốc “10 năm” này có thể sẽ ngắn hơn hay dài hơn và không cố định.
Và từ đây tôi sẽ dùng cụm từ “10 năm” này cho dễ diễn đạt.
Tuy nhiên, các bạn có thể yên tâm là trong 10 năm đó chúng ta vẫn sẽ có một cuộc sống rất chất lượng chứ không phải 10 năm khổ ải vì có rất nhiều người cho rằng. Để tham gia hành trình này chúng ta không được tiêu xài gì hết.
Không hoàn toàn là như vậy!
Đó là trong 10 năm này, chúng ta cần có một kế hoạch chi tiêu một cách có khoa học hơn và chúng ta sẽ có một cuộc sống không giống những người xung quanh mình. Để rồi sau 10 năm đó, chúng ta sẽ đạt được một ngưỡng về tài chính mà chúng ta có thể nói một câu, đó là:
“Fuck you, money”
“Fuck you, money” là một câu nói rất phổ biến trong cộng đồng tự do tài chính. Nó mang hàm ý là từ nay chúng ta sẽ không còn bị lệ thuộc vào tiền bạc nữa.
Chúng ta đều biết tiền là một thứ có thể trói buộc chúng ta vào rất nhiều thứ mà một phần không nhỏ trong số đó là những thứ khiến cho cuộc sống của chúng ta rất bí bách.
Nhưng một khi chúng ta thoát khỏi sự ràng buộc bởi tiền bạc thì chúng ta có thể dễ dàng nói “Không” với những thứ không tạo ra giá trị cho cuộc sống của mình. Những thứ mà nó sẽ làm cho chất lượng cuộc sống của chúng ta giảm đi.
Và từ nay, khi đã được tự do thì chúng ta sẽ có thêm một sự lựa chọn là từ bỏ một cách nhẹ nhàng những thứ như vậy.
Tiền bạc trói buộc chúng ta như thế nào?
Chúng ta hãy cùng nhau xem một ví dụ nhỏ về sự trói buộc của đồng tiền đến cuộc sống của chúng ta như thế nào.
Đó là trường hợp các bạn học xong rồi đi làm, lâu dần bắt đầu nhận ra mình không thích công việc hiện tại đang làm và trong những trường hợp như vậy thì chúng ta hay nhận được những lời khuyên như:
Hãy từ bỏ công việc đang làm, hãy theo đuổi đam mê thì bạn sẽ không phải làm việc thêm bất cứ ngày nào nữa …
Nhưng trên thực tế thì không dễ vì nếu nghỉ việc rồi thì tiền đâu sống.
Chưa kể là chúng ta sẽ phải đi học thêm về lĩnh vực mới, rồi khi mà học xong thì mức lương lúc này ở công việc mới sẽ không thể bằng mức lương ở công việc cũ được và sẽ phải mất nhiều thời gian mới đạt được mức lương như cũ.
Và kết quả là chúng ta lại phải chấp nhận tiếp tục công việc mà chúng ta không ưa thích này.
Và vòng lặp này lại cứ thế tiếp tục khiến chúng ta có một cuộc sống không chất lượng.
Đó chính là ví dụ dễ hiểu nhất về sức cản của đồng tiền.
Vì một khi chúng ta xóa bỏ đi biến số về tiền bạc thì chắc chắn là việc ra quyết định của các bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Một cách đơn giản để xác định liệu các bạn có đang thích công việc hiện tại của mình hay không.
Đó là hãy đặt ra câu hỏi: “Nếu một ngày nào đó, bạn trúng số được vài chục tỷ đồng thì liệu bạn có tiếp tục công việc hiện tại hay không?”
Và tôi tin chắc là các bạn có thể trả lời được và hiểu được ý nghĩa của câu trả lời của mình rồi.
Một ví dụ khác về tự do tài chính đó là chúng ta có thể tự do sống ở bất cứ đâu mà mình muốn.
Liệu bạn đã bao giờ có suy nghĩ rằng mình rất thích sống ở một nơi nào đó nhưng vì phải kiếm tiền, chúng ta buộc phải bon chen ở những thành phố lớn, chật chội và đông đúc chỉ vì đó là những nơi chúng ta dễ kiếm tiền.
Thì đó chính là sự ràng buộc của đồng tiền giới hạn những lựa chọn của chúng ta.
Why? – Vì sao chúng ta cần tự do tài chính?
Tự do tài chính hiểu đơn giản chúng ta có được tự do ở mọi quyết định mà chúng ta muốn.
Chúng không nằm ở việc chúng ta có bao nhiêu tiền bởi vì có rất nhiều người có nhiều tiền nhưng không thể có được tự do.
Như những người chủ doanh nghiệp lớn, mặc dù họ có nhiều tiền nhưng họ không thể có thời gian để trải nghiệm vì một khi thiếu họ thì những doanh nghiệp đó sẽ không thể vận hành được.
Đó là sự tự do mà không gì có thể đánh đổi được, kể cả là tiền bạc, xe cộ, nhà cửa.
Và đó chính là lý do chúng ta cần tự do tài chính.
Vì hai từ “Tự do”
Ngoài ra, tự do tài chính không đơn giản chỉ là cái đích đến mà chính trong thời gian chúng ta thực hiện, chúng ta đã thay đổi tư duy (mindset) mà từ đó sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta chất lượng hơn.
Do đó, không cần đợi đến khi nào bạn có được tự do tài chính mới thấy hạnh phúc mà ngay khi trên hành trình này, các bạn đã thấy hạnh phúc rồi.
How? – Làm thế nào để có được tự do tài chính
Như đã nói ở phía trên, câu hỏi How này là một câu hỏi khó và để trả lời nó thì rất là dài.
Và vì lý do đó nên toàn bộ các bài viết tiếp theo sẽ là hành trình để trả lời câu hỏi How này.
Nhưng trước hết, chúng ta cần lưu ý 3 yếu tố quan trọng sau đây vì chỉ cần thiếu một trong ba yếu tố này, thì hành trình tự do tài chính sẽ rất dẽ dẫn đến thất bại.
Đó là: Mindset biết đủ, Escape velocity và Milestone.
1 – Mindset biết đủ
Trong hành trình tự do tài chính, Mindset biết đủ rất quan trọng, nó giống như là xăng vì cần có nó thì chúng ta mới có thể đi đường dài được. Đồng thời đây cũng là thứ khiến chúng ta hạnh phúc trong suốt hành trình này.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở biết đủ thôi thì cũng không đủ vì nếu biết đủ mà chỉ dừng lại ở đó thôi thì nó dẫn đến việc chúng ta sẽ giậm chân tại chỗ, chúng ta sẽ có tâm lý an phận ở một cuộc sống căn bản.
Điều này cũng không hẳn là xấu nhưng nó làm cho cuộc sống của chúng ta mất an toàn về tài chính, từ đó dẫn đến việc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Do vậy chúng ta cần thêm một khía cạnh thứ hai nữa, đó chính là Escape Velocity.
2- Escape velocity
Trong ngành khoa học vũ trụ thì “Escape velocity” là vận tốc mà từ đó các vật thể có thể thắng được lực hút của Trái đất, từ đó chúng ta có thể thoát khỏi quỹ đạo của Trái đất.
Tương tự như vậy, trong khía cạnh tài chính thì đó là một con số cụ thể để mà từ đó chúng ta có thể thoát được sự ảnh hưởng của tiền bạc, từ đó chúng ta có thể sống cuộc sống của mình mà không phải bận tâm về tiền bạc nữa.
Việc biết được con số cụ thể này không phải là để chúng ta dừng lại khi đã đạt được mà để chúng ta biết rằng là. À, từ nay tôi có thêm một sự lựa chọn nữa trong danh sách tự do lựa chọn của mình.
Chúng ta có thể chọn dừng lại nếu chúng ta muốn.
Đồng thời việc biết được cái mốc này rất quan trọng vì nếu không có nó thì giống như chúng ta đang thực hiện một hành trình mà không có đích đến, không có mục tiêu cụ thể và sẽ dẫn đến là trở nên mông lung, không rõ ràng.
3- Milestone
Và cuối cùng, một khi đã có mục tiêu cụ thể rồi mà chúng ta không có những “Milestone” – những cột mốc nho nhỏ – trên hành trình này thì mục tiêu đó rất dễ trở thành mơ ước. Nghĩa là chúng ta cứ nghĩ về nó nhưng mà sẽ không bao giờ thực sự bắt tay vô thực hiện.
Mà để biến mục tiêu nào đó trở thành hiện thực thì điều cốt lõi là chúng ta phải chia nhỏ nó ra thành những cột mốc nhỏ hơn. Từ đó sẽ giúp chúng ta có cái nhìn gần hơn, rõ hơn và có nhiều động lực hơn để bước vào cuộc hành trình này.
Để làm được điều đó thì đó là một câu chuyện dài và tôi sẽ chia sẻ thêm ở những bài viết sau.
Chào mừng các bạn đến với hành trình gian nan này!
Nội dung được tổng hợp từ bài Podcast: https://youtu.be/HOPMqOCZ0jI
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.