Liệu người này có đáng tin?

“Đừng tin tưởng bất cứ một ai”.

Nghe có quen không? Ngoài kia, tôi từng nghe rất nhiều người truyền tai nhau câu nói này.

Câu nói này vô cùng ấu trĩ. Ấu trĩ vì đơn giản, con người chúng ta là một sinh vật sống theo cộng đồng. Chúng ta phải dựa vào cộng đồng nơi mình đang sống để có thể tồn tại, mà muốn như vậy, con người ta buộc phải tin tưởng và nương tựa vào nhau. Hãy để ý mà xem, trong đời sống hằng ngày, gần như trong mọi hoạt động, chúng ta phải ĐẶT NIỀM TIN vào người khác: Tại sao giữa lòng đường đầy xe cộ đủ loại mà bạn lại dám sang đường? Bạn không sợ một người tham gia giao thông nào đó sẽ “nổi điên” lên mà đụng bạn hay sao? Bạn vào quán cafe, chọn đồ uống và trả tiền, liệu em nhân viên kia có nổi lòng tham mà quịt luôn đồ uống của bạn, để bạn ngồi như 1 thằng ngốc góc phòng không? Bạn lấy cơ sở gì để tin tưởng những con người xa lạ đó?

 

Tôi nhắc lại, để có thể tồn tại, con người chúng ta buộc phải TIN TƯỞNG lẫn nhau.

Nhưng đặt niềm tin CHO AINHƯ THẾ NÀO mới là thứ làm chúng ta đau đầu.

Một khi có lời giải cho câu hỏi hóc búa trên, đấy cũng là lúc bạn làm chủ được thứ gọi là NIỀM TIN, lấy nó làm một “công cụ”, một lợi thế để đạt được những thứ bạn muốn.

===========================

Vậy điều gì tạo nên niềm tin? Điều gì đóng vai trò là sợi dây gắn kết niềm tin giữa hai con người?

Trở lại 2 ví dụ mà tôi lấy trên kia, lấy cơ sở nào mà bạn lại tin tưởng vào những người lái xe trên đường khi đó? Tại sao bạn lại có thể tin tưởng cô nhân viên phục vụ đồ uống kia?

Những người tài xế sẽ không ngu dại mà nhấn ga đè bạn bẹp dí, làm vậy họ sẽ bị trì trệ công việc, tán gia bại sản và tù tội. Cô nhân viên kia có mặt tại đó để phục vụ bạn, để cô được nhận lương và nuôi sống bản thân. See the point? Bạn nhìn thấy vấn đề chưa?

————‐———-

Bởi vì bạn hiểu được ĐỘNG CƠ của họ!

———————–

Đây là yếu tố quan trọng nhất của bài viết mà tôi phải đóng khung lại. Một khi bạn nhìn thấy được ĐỘNG CƠ của một người, đấy cũng là lúc bạn có cơ sở để tin hay không tin người đó.

Trust- sự tin tưởng, nghĩa là gì? Tức là bạn nhìn ra được động cơ của người đó, và đoán trước được hành động của họ trong tương lai. Và khi mà hành động trong tương lai đó đúng với những gì bạn MONG ĐỢI, lúc đấy bạn TIN TƯỞNG họ. Đơn giản phải không?

===========================

Trong quá khứ tôi đã từng cộng tác kinh doanh với một người bạn. Chúng tôi đi đến quyết định cộng tác đó bởi vì anh ta chia sẻ với tôi rất nhiều điểm chung ăn ý: về tương lai khả thi của dự án, về những khó khăn mà anh ta và tôi có thể hỗ trợ nhau vượt qua… Tôi quý anh bạn này đến nỗi đặt toàn bộ niềm tin vào anh, mà bỏ quên mất một yếu tố chí tử: anh ta là một con nghiện rượu và cờ bạc hạng nặng. Và quả thật thời gian đã chứng minh, tất cả những hoài bão mà anh ta từng nói với tôi đều vứt sọt rác khi những “cơn nghiện” ấy kéo đến. Công việc bị trì trệ do thiếu lao động, bởi những đêm anh ta thức trắng bên sới bạc, tiền vốn ban đầu dành cho dự án mà anh ta hứa cũng “bốc hơi”. Tất cả tiền bạc, thời gian cá nhân anh ta lần lượt nướng vào những thứ vô bổ. ĐỘNG CƠ của anh ta ở đây, chính là THỎA MÃN những cơn nghiện.

Bạn và một cô gái đang yêu nhau. Mục tiêu của bạn muốn tiến tới một cuộc hôn nhân, một mái nhà và những đứa trẻ. Còn cô nàng kia ngay từ đầu đã rõ ràng ĐỘNG CƠ của cô ấy khi ở trong mối quan hệ này: bạn làm cô cảm thấy “vui”, cảm thấy “được yêu”. Và hành động của cô gái cũng tương xứng với những gì cô nói, toàn bộ tiền kiếm được cô dành dụm cho những bộ cánh, những chuyến du lịch, những cuộc vui trên bar. Bạn có lấy cô ấy làm vợ không?

 

Tất nhiên là KHÔNG. Mặc dù tôi biết ngoài kia nhiều thằng khờ sẽ nhắm mắt mà bỏ qua mọi chi tiết tưởng như mờ nhạt trên. Một khi cô ta thấy hết “vui” khi bên anh, hoặc khi cô ta tìm thấy người đàn ông nào làm cô cảm thấy “được yêu” nhiều hơn? Anh đoán được kết cục rồi đấy.

===========================

Tóm gọn lại. Để có thể đặt niềm tin vào một người, bạn chỉ cần làm được 3 bước sau:

I. Hiểu rõ ĐỘNG CƠMỤC ĐÍCH của bạn là gì.

II. Tìm cho ra ĐỘNG CƠ MỤC ĐÍCH của người đối diện: nhìn cho kĩ những gì họ làm, và những điều họ nói ra, chúng có tương thích với nhau không?

III. Nếu điều I và điều II của 2 người TƯƠNG ĐỒNG với nhau, đấy là lúc bạn có thể tin họ trong nhất thời. TẠM THỜI thôi nhé, không phải là vĩnh viễn.

—————————–

Bạn có thể TẠM THỜI tin một người, khi mà ĐỘNG CƠ của bạn và người đó TƯƠNG ĐỒNG với nhau.

————‐—————–

Ngoài kia, tôi nhìn thấy con người ta rất thường hay sai lầm khi ĐẶT NIỀM TIN hoặc KHÔNG TIN một ai đó.

Họ rất thích chơi trò “dán nhãn”. Tức là chỉ sau một vài lần quan sát và đánh giá, họ xếp loại “đối tượng” kia vào những ngăn riêng biệt:

Người này TỐT, cho nên anh ta ĐÁNG TIN TUYỆT ĐỐI.

Người này XẤU, cho nên anh ta HOÀN TOÀN KHÔNG ĐÁNG TIN.

Thế giới loài người trong mắt họ chỉ có phải và trái, đúng và sai, tốt và xấu, thiên thần và ác quỷ.

SAI LẦM!

Họ nhìn đời dưới đôi mắt của những đứa trẻ, thế giới ngoài kia là thế giới cổ tích, nơi mà phe thiện đối đầu phe ác, lằn ranh rất rõ rệt và dễ thấy. Phe thiện có chàng hoàng tử, công chúa cùng 7 chú lùn. Phe ác tất nhiên là mụ dì ghẻ, bà phù thủy cùng con cú vọ của bà.

Bạch tuyết và bảy chú lùn

Họ không biết rằng, con người chúng ta là những sinh vật phức tạp hơn như thế.

Khi bị đưa đẩy đến những hoàn cảnh cụ thể, một người tốt bụng hoàn toàn có thể biến thành ác quỷ. Một ông bố mẫu mực đang cần tiền chữa bệnh cho đứa con mắc bệnh hiểm nghèo, ông sẵn sàng làm những việc kinh khủng mà suốt đời không dám nghĩ đến. Tìm cho ra bằng được cái ĐỘNG CƠ của mỗi cá nhân, đó là công việc quan trọng bắt buộc đối với mọi nhân viên điều tra hình sự.

Một người nào đó, anh biết gã là thằng asshole thực thụ, anh ghét cay ghét đắng gã. Nhưng nếu rơi vào những hoàn cảnh bắt buộc cần thiết, khi chỉ có gã mới giải quyết triệt để được vấn đề thì sao? Khi bạn và gã có cùng chung kẻ thù thì sao, liệu câu nói “kẻ thù của kẻ thù là bạn” có đúng trong trường hợp này?

===========================

“Trust, but verify”Ronald Reagan.

“Hãy tin tưởng, nhưng luôn kiểm chứng”.

Tại sao tôi lại cho rằng chỉ nên tin ai đó TẠM THỜI? Bởi vì con người ta sẽ bị hoàn cảnh xô đẩy liên tục, dẫn đến mục tiêu và động cơ của họ sẽ thay đổi theo thời gian. Rất ít người trong chúng ta có đủ tính kỉ luật và sự kiên trì để theo đuổi mục tiêu trọn đời. Ở ví dụ trên khi đề cập đến những người tài xế trên đường hay cô nhân viên quán cafe, họ BUỘC PHẢI tuân thủ những giới luật do người ta đặt ra, nếu không sẽ phải chịu những hậu quả không mong đợi. Nhưng còn nhiều trường hợp khác thì sao?

Lấy ví dụ dễ thấy nhất, cái thực thể GIA ĐÌNH ngày nay.

Ngày nay, xã hội đẩy những cặp vợ chồng đến những tình huống thật khó khăn. Cái thị trường tình dục không kiểm soát (sexual market deregulation – tôi sẽ viết riêng một bài về chủ đề này) nó vừa là một miếng mồi ngon, vừa là một cạm bẫy đối với loài người. Khi mà cả đàn ông và đàn bà, ai cũng có thể “ngoái cổ” ra ngoài khỏi mối quan hệ vợ chồng đang có, để mà tìm đối tác tình dục mới trẻ trung hơn, giàu có hơn, địa vị xã hội cao hơn. Không còn tồn tại cái ÁP LỰC XÃ HỘI đủ lớn để đàn ông và phụ nữ phải CHUNG THỦY với nhau nữa. Không còn hình phạt nào đặt ra cho những kẻ dám làm đổ vỡ giá trị gia đình.

 

Anh/cô có thể dễ dàng đến với nhau để xây dựng một gia đình, tại thời điểm đó, cả hai có cùng ĐỘNG CƠ với nhau. Nhưng cuộc sống luôn có những khó khăn trắc trở đón đầu họ. Liệu những khó khăn đó có làm họ lung lạc, thay đổi cái mục tiêu ban đầu đã cùng thống nhất với nhau? Khi mà cái mối liên kết cộng đồng: làng xóm láng giềng, bạn bè, họ hàng thân thích, nhà thờ…, ngày nay càng trở nên mờ nhạt, liệu cái gì sẽ đứng ra KIỂM SOÁT anh/cô ấy?

Nhớ nhé. ĐỘNG CƠ của một người sẽ luôn thay đổi theo thời gian, cho nên bạn phải luôn tỉnh táo.

===========================

Bạn muốn tìm hiểu về động cơ của người khác, muốn hiểu rõ hơn về tâm lý con người?

Hãy đọc những cuốn tiểu thuyết.

Bất cứ cuốn tiểu thuyết nào mà loài người truyền tay nhau. Tuổi thọ cuốn sách cành cao, độ nổi tiếng càng lớn, càng chứng tỏ sức hút và giá trị thực tiễn của nó. Đọc tiểu thuyết, để bạn có điều kiện chiêm ngưỡng cái thế giới nội tâm của nhiều kiểu người, để nhìn ra điều gì thôi thúc họ, ĐỘNG CƠ của họ là gì? Bỏ qua những lời nói và hành động bề ngoài, người đọc sẽ nhìn ra thế giới này một cách có “chiều sâu” hơn. Đấy chính là lý do ngày nay người ta còn đọc chúng. Khác hẳn với những ấn phẩm giải trí dạng kinh dị-lãng mạn-hành động nông cạn, không để lại trong người đọc/người xem một giá trị giáo dục nào.

Bộ phim “kiêu hãnh và định kiến”, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Jane Austen, thuở nhỏ không hiểu sao tôi vẫn ngồi xem hết cả bộ phim đoạt nhiều giải Oscar này dù chán ngấy cốt truyện của nó. Phim củ chuối thực sự. Tất cả xoay quanh cuộc đời ảm đạm của mấy cô ả quý tộc Anh thể kỉ 18, chán chết, nhạt toẹt. Vài “ả điên” quý tộc muốn lấy chồng bằng mọi giá.

Kiêu hãnh và định kiến

Nhưng nếu bạn đọc cuốn tiểu thuyết bạn sẽ nhận ra một sự thật thú vị. Người cha sắp chết đi và 5 chị em bọn họ nhìn thấy cái tương lai đen tối, khi mà bọn họ sẽ từ những quý cô bị biến thành những cô nàng rỗng túi và vô gia cư. Đấy là lý do bọn họ phải lấy chồng BẰNG MỌI GIÁ, không cần người đàn ông quá giàu có, chỉ cần anh ta đủ yêu thương và cho họ một mái nhà là đủ. Đấy chính là ĐỘNG CƠ của họ.

Nhiều khi, để giải thích cho hành động của một người, không thể căn cứ vào việc người đó TỐT hay XẤU. Chỉ đơn giản rằng người đó bị hoàn cảnh thôi thúc mạnh mẽ dẫn đến lựa chọn như vậy.

Bài này nói về sự cần thiết của việc nhìn ra được ĐỘNG CƠ của kẻ khác, nhìn nó rõ rệt hơn bằng cách nào thì tôi sẽ viết trong những bài tới. Còn cái ĐỘNG CƠ của cá nhân bạn thì sao? Liệu bạn có nên đưa ra cho thiên hạ nhìn thấy không?

Bạn ra đang mua hàng và cảm thấy thích thú một món đồ. Bằng cách nào đó bạn show cái cảm giác thích thú đó cho người bán hàng, bạn biết kết cục rồi đấy. Khi mà người mua bị thôi thúc bởi cảm giác thèm muốn thì người bán được phép ép giá lên trời. Đơn giản phải không?

Anh bạn đang trong quá trình tán tỉnh một phụ nữ trẻ. Chẳng may anh buột miệng nói câu “anh thích em” thử xem, đấy cũng là lúc anh chính thức tự mình ghi tên vào cuốn sổ Friend zone huyền thoại của cô ta.

Trong truyện “Bố già”, khi thằng trùm buôn ma túy người Thổ đưa ra lời mời về thương vụ hàng trắng, Bố già Corleone đã từ chối khéo. Tất cả thân tín của ông trong căn phòng đó đều khôn ngoan mà “ngậm miệng”, chỉ duy có thằng đầu đất Sonny. Nó tỏ ra “khoái” cái miếng bánh béo bở này, và công khai phản lại quyết định của bố nó trước mặt một thằng lạ hoắc. Một thằng rất có thể là kẻ thù của gia tộc mình.

 

Và quả đúng như dự đoán. Bọn người Thổ đưa quân sát hại ông trùm ngay sau đó, cùng với cả tay sát thủ thân tín Luca Brasi của ông. Với mục đích rằng nếu ông trùm chết đi, thằng Sonny lên thay đương nhiên sẽ hợp tác làm ăn với chúng.

Thấy gì không? Chỉ có những THẰNG NGU mới để lộ ra ĐỘNG CƠ quá sớm.

Đây là cuộc chiến tàn khốc. Bạn phải tìm cho ra động cơ của kẻ khác, và giấu tiệt đi động cơ của chính mình. Nói theo cách cuả người Tàu xa xưa: “giấu kín móng vuốt, tích trữ bạo phạt”.

Đọc thêm bài viết về tiểu thuyết bố già:

————–pill.

 

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments