Thằng Pill học tiếng Anh.

Trên mạng ngày nay tràn lan những kênh youtube, fanpage, các trang web dạy tiếng Anh online, đến các trung tâm. Sáng lập ra những thứ đó thì cũng đủ dạng, có nhiều người rất giỏi, nói tiếng Anh còn khá hơn cả người bản xứ, cũng có những người chỉ là “thợ dạy” trình độ bập bõm nhưng vẫn “mở lớp” dậy tiếng Anh thu tiền.

Bài này chỉ là chia sẻ cá nhân thôi. Tôi không dám nhận mình giỏi giang gì về khoản này. Trình độ tôi làng nhàng, đủ để đọc báo và xem youtube tiếng anh ở mức độ cơ bản. Mà chả sao, đây là đất của tôi, tôi có quyền :D.

Ở quê tôi trước kia có nghề làm muối. Hồi nhỏ lang thang theo người ta đi làm tôi quan sát được cách thức của nó. Đầu tiên họ lấy nước biển lên, đem phơi trên những cái máng tráng xi măng. Công đoạn này chưa thành muối ngay được đâu, nước biển đó sẽ bốc hơi bớt, và để lại một lớp nước mới có độ mặn cao hơn nước biển cũ (nồng độ % NaCl cao hơn, hình như vậy). Sau vài lần phơi như vậy, lớp sau mặn hơn lớp trước, cuối cùng người ta mới thu được một lớp nước đậm đặc, siêu mặn, đem phơi mới thành hạt muối tinh thể.

Vậy thì chuyện làm muối tôi kể có liên quan gì đến chuyện học tiếng Anh?

Nó có liên quan đấy. Chìa khóa học tiếng Anh, nó nằm ở việc bạn phải NGHE. Người ta phân rõ chu trình học ra “nghe, nói, đọc, viết” là như vậy.

Khi bạn nghe người bản xứ nói tiếng Anh, lúc ấy cho dù không hiểu họ đang nói gì, nhưng thực tình nó đang “download” hằng loạt thông tin về lưu trữ trong bộ não bạn đấy. Lớp thông tin này ban đầu nó thưa thớt, không rõ ràng, nhưng càng ngày, khi bạn càng nạp nhiều thì nó trở nên hoàn chỉnh hơn. Nó giống hệt quá trình nạp nồng độ muối tôi kể trên kia vậy.

Nó chính xác là quá trình học tiếng Anh của một đứa trẻ đấy. Nó làm gì biết tra từ điển? hay nó đâu biết viết chữ? Nó học bằng cách nghe rất nhiều, một bộ từ vựng được “nạp” vào đầu nó bằng giọng nói, hình ảnh, mùi vị… thông qua các giác quan. Cái này là “Pineapple” này, bố mẹ gọi nó là như thế, vị nó chua chua ngọt ngọt, mùi nó như thế, nó màu vàng như thế…

Lấy 1 ví dụ như này cho dễ hiểu hơn. Mới lần đầu tiên bạn nghe một từ mới. Bạn không biết nghĩa nó là gì. Tôi gọi nó là từ X đi. Nhưng khi nghe nó nằm trong nhiều kiểu câu, nhiều ngữ cảnh khác nhau bạn sẽ nhớ được nghĩa của nó:

_ X is an animal that lives in water.

_ X is covered with scales and breathes by taking water in through its mouth.

_Several large X live in the pond.

_He caught the biggest X I’ve ever seen.

Bạn đoán ra từ X rồi chứ? Nó là Fish – con cá. Bạn nghe lần đầu có thể không hiểu, nhưng nhiều lần, ở nhiều kiểu cách khác nhau, bộ ngôn ngữ của bạn càng hoàn thiện.

Đấy là mới chỉ NGHE thôi nhé. Mọi thứ sẽ nhanh hơn rất nhiều nếu bạn nhìn thấy, sờ thấy, ngửi thấy.

Đấy là lý do bạn nên bỏ thời gian xem những chương trình thế giới động vật bằng tiếng Anh, hay những phim sitcom cũng được. Phải nhớ, xem BẰNG TIẾNG ANH nhé, có 1 chút tiếng Việt vào là bạn thua, coi như thời gian xem đó trở thành công cốc. Bạn xem chăm chú, vừa nghe vừa nhìn hình ảnh, đấy là lúc bộ não bạn đang thu nạp vô số dữ liệu rời rạc vào khu vực lưu trữ ngôn ngữ.

Đó cũng là lý do dân pro tiếng Anh họ luôn tra từ điển Anh- Anh mà không phải là Anh -Việt. Họ tư duy bằng tiếng Anh. Mấy ông gà mờ thích ăn xổi mới tra từ điển Anh- Việt, trong ngắn hạn thì anh hiểu ngay nghĩa của từ đó, nhưng trong dài hạn thì anh thua, quá trình học của anh bị kéo dài vô ích.

Đấy cũng là nguyên nhân mà nhiều người sống hay học trong môi trường nói tiếng Anh, có nhiều từ họ hiểu nghĩa của nó rõ ràng, nhưng không tài nào dịch sang tiếng Việt được. Nói chuyện cứ lẫn lộn Anh- Việt tùm lum các kiểu. Trừ mấy đứa mới đi du học 2 năm về làm màu ra nhé.

Bộ não bạn nó TUYỆT VỜI hơn bạn tưởng đấy. Tin tôi đi. Đừng có nản lòng khi mới đầu học tiếng Anh vì nghe không hiểu người ta nói gì cả.

Một anh bạn người Mỹ của tôi khi sang Việt Nam từng nói : “Bọn mày học sai hết cả rồi. Tiếng Anh nó là một VĂN HÓA, nó không phải là một chuỗi các bài học thuộc”. Khi mà bạn “sống” trong môi trường tiếng Anh mới là lúc bạn thực sự học nó, chứ không phải do người khác ép bạn học. Vô ích.

Điều này giải thích cho lý do tại sao đa số học sinh Việt Nam sau nhiều năm trời học tiếng Anh trong nhà trường vẫn dốt đặc. Bởi vì họ được dạy và học sai cách. Có chịu NGHE mẹ đâu? Khi mà người ta chưa có một chút nền tảng nào về tiếng Anh, phải để họ NGHE. Chứ không phải là bắt họ ghi nhớ máy móc hàng loạt từ mới, ghi nhớ những con chữ loằng ngoằng được ráp nối với nhau, không phải tiếng mẹ đẻ.

Nó giống như ghi nhớ mớ kí tự này: “@xnh%$89y77qwerty” – Đây các em đọc theo cô nhé. Từ này có nghĩa là bao cao su đấy. Nhớ chưa?

Tụi học sinh nó không nản mới là lạ đấy. Đây là DẠY NGU, chứ không phải giáo dục mẹ gì hết á. Học hết tiếng Anh cấp đại học mà gặp tây lảng mẹ ra chỗ khác, “I’m fine thank you and you” cũng đúng thôi.

Mấy trung tâm tiếng Anh trôi nổi ngoài thị trường kia, nếu họ không dạy cho bạn điều này thì tụi nó cũng là thứ ác ôn lừa tiền người non dại hết.

Cái việc NGHE cũng lắm công phu. Bạn phải được nghe tiếng Anh chuẩn cơ. Hiện nay có 2 dòng tiếng Anh được coi là chuẩn, khác nhau không nhiều lắm đấy là giọng Anh Mỹ và Anh Anh. Lý do vì sao bạn phải nghe tiếng Anh chuẩn?

Bởi vì bạn học tiếng Anh với mục đích là giao tiếp và làm việc với họ. Bạn không thể nạp thứ tiếng anh bồi tạp nham như của người Ấn, người Hoa hay Vinglish của người Việt được.

Ví dụ từ này: “a”. Người Mỹ họ đọc từ này rất rõ ràng, theo phiên âm nó phải đọc là /ei/ – Nối chữ “e” và chữ “i” lại.

Về Việt Nam, không biết mấy bố “thợ dạy” trong các trường bị ngu hay sao đó, phang ngay một âm tiếng Việt gần gần giống, biến nó thành “ây”. Thế là bọn học sinh bắt chước theo cứ ây ây miết.

“ ây” cái mả cha tụi bây. Học kiểu đó cho nên tới khi nghe người Mỹ nói không hiểu gì cũng đúng thôi. Tới giờ này đi qua mấy trường cấp II cấp III vẫn thấy cô giáo tiếng Anh ở đó đọc sai tùm lum, biết là mình phát âm ngu nhưng không chịu sửa, suốt ngày đem mớ bài test trên mạng về bắt tụi học sinh viết nhăng viết cuội để thu tiền. Tôi nghe rõ ràng cả cô cả trò đọc “Sờ Cun” (School) – hết cả hồn.

Nghe không chuẩn, dẫn đến phát âm sai bét, dẫn đến đọc sai bét, tới khi nghe người bản xứ nói không hiểu gì cả.

Chúng mày đang dạy cái gì?

Đấy là lý do mà đám nhóc cuối 9x về sau này chúng nó được tiếp xúc với tiếng Anh chuẩn nhờ internet, thông qua youtube, phim ảnh, tiếng Anh của nó tốt hơn hẳn tụi 8x đầu 9x bọn tôi. Lơ ngơ như bò đội nón, đem tiền đi ném vào tụi trung tâm hoài mà vẫn dốt đặc.

Ráng mà học tiếng Anh đi. Cả một kho tàng kiến thức nhân loại được truyền tải bằng thứ ngôn ngữ đó đấy các bạn.

Đây mới chỉ là Nghe. Còn nói, đọc, viết nữa, bạn nào thích hôm nào tôi viết tiếp.

————————Pill

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

1 Comment
Inline Feedbacks
View all comments
Võ Nhựt Quyền
Võ Nhựt Quyền
6 months ago

viết tiếp phần nói, đọc và viết đi anh.