HỌC như thế nào?

Phần II của loạt bài bàn về giáo dục. Bạn tìm đọc phần I tại đây: bài viết “Học để làm gì?” https://bit.ly/2wwV5AR.

Khái niệm “học” ở đây phải được hiểu là “thực học”, tức là cách bạn nạp vào đầu những kiến thức thực tế, bổ ích, những thứ trong tương lai sẽ phục vụ cho cuộc sống của bạn, làm nên thành công cho bạn.

Chớ có hiểu từ “học” theo nghĩa thông thường của đám cừu: Họ cho rằng cứ đến trường, đóng tiền cho người ta, ngồi vào bàn, nghe và ghi chép rất nhiều “kiến thức”. Xong quá trình đó bạn trải qua vài kì kiểm tra và được cấp cho một tấm giấy chứng minh SỰ HỌC của bạn. Cái phương pháp “học” này ngày nay đã bộc lộ quá nhiều lỗ hổng. Nó sẽ bị đào thải trong thời gian tới. Sớm thôi.

Đây cũng là phương pháp học mà rất nhiều, tất cả những người thầy dẫn đường mà tôi đi theo đã chỉ. Đó là cách trong quá khứ họ đã thu nạp và mài dũa kiến thức, để ở độ tuổi 50 60 70 họ mới trở thành những vị “giáo sư” thực thụ, được hàng triệu thanh niên đi theo. Nay tôi tổng hợp chúng lại vào bài viết này. 

 

THỰC HỌC – ấy mới là con đường đi đến thành công thực sự của bạn. Nó đầy gian nan và đau khổ. Không có đường tắt cho những kẻ lười biếng đâu. Những con người thành công nhất ngoài xã hội kia (thành công thực ấy nhé, mang cái vỏ thành công không tính), họ đều là những cá nhân nắm rõ quy luật này. Họ không chỉ thành công về sự nghiệp, về tài chính. Thành công về sự học, ấy mới chính là nền tảng làm nên chiến thắng của họ.

Những tỉ phú hàng đầu thế giới ngày nay, họ là những người học ngày đêm, học điên rồ. Họ trân quý kiến thức. Họ là những trí thức thực thụ.

Lại có người hỏi rằng: “Vậy tôi chỉ là một nhân viên trong ngành kỹ thuật, một kẻ làm thuê, một tay thợ thuyền làng nhàng mà thôi. Tôi đâu có ham muốn trở thành giảng sư ở các trường, các viện, vậy cớ gì tôi phải học?”  NHẦM TO. Sai rồi bạn hiền ơi.

Ở bất cứ ngành nghề nào, bạn cũng đều cần đến sự học. Để thăng tiến trong sự nghiệp, để phát triển ra những công nghệ mới, để vượt trội hơn kẻ khác, để mang lại những đóng góp quan trọng cho lĩnh vực ấy… đều cần đến sự học. Năng lực làm nên sự tự tin. Tự hoàn thiện, làm bản thân trở nên xuất chúng trong một lĩnh vực nào đó, lúc ấy tự khắc địa vị xã hội của bạn sẽ được nâng tầm. Những kẻ sống phủ phê, an phận với đồng lương hiện tại, thiếu cầu tiến, thiếu sự ham học hỏi, sớm muộn cũng bị nhân loại đào thải mà thôi.

Ngày nay chúng ta ít được gặp những “trí thức” thực thụ lắm. Đa số là “trí ngủ”. Đám này làm đủ mọi cách, mọi chiêu trò, để “sắm” cho mình cái vỏ bọc của kẻ mang tri thức, vốn được là một thân phận cao quý trong xã hội. Hiện tượng LẠM PHÁT bằng cấp, các chức danh tiến sĩ, giáo sư “đẻ” như lợn con ngoài xã hội kia là một ví dụ.

Ngày càng nhiều “học giả” xuất hiện trong xã hội này.

THỰC HỌC – Nó bao gồm chỉ 2 quá trình thôi:

===============================

Quá trình I: ĐỌC.

Đây là quá trình bắt buộc. Cho dù bạn đang ở bất cứ độ tuổi nào, một đứa trẻ, một thiếu niên, hay một trung niên đã qua tuổi 40. Bạn buộc phải ngồi xuống, cầm lấy và đọc những cuốn sách dày cộm, đầy những con chữ khô khan. Quá trình này, phải nói nó khá là “đau đớn” với nhiều người. Bởi vì với đa số ngoài kia, người ta thường tìm đến những ấn phẩm mang tính giải trí, dễ nuốt, dễ tiêu hóa hơn là những cuốn sách mang kiến thức thực sự. Với họ, quá trình đọc sách – việc bắt bộ não phải tập trung suy nghĩ, tưởng tượng nó còn đau khổ hơn cả việc ông sếp bắt họ làm thêm nhiều giờ nữa.

 

Đây là một quá trình không mấy dễ chịu. Bạn phải “train” bộ não, cơ thể, thói quen hằng ngày… đấy là bước đầu tạo ra khác biệt.

Văn hóa đọc đại chúng của người Việt Nam phải nói là rất tệ. Họ chỉ đọc những thứ mang lại cảm xúc tích cực trong nhất thời. Những cuốn tạp chí đăng thông tin giật gân, những cuốn self help thủ dâm tinh thần, hay mấy cuốn truyện kiếm hiệp, ngôn tình vuốt ve cảm xúc của họ. Không ăn thua. Bỏ đi.

Vậy thì đọc cái gì?

Đọc tham khảo bài “Giá trị của những tác phẩm nghệ thuật kinh điển” https://bit.ly/33CJf4m

Những cuốn sách đã được nhân loại KIỂM CHỨNG. Kiểm chứng qua thời gian, hoặc qua số lượng đầu sách đã được bán ra. Càng lâu đời, càng nổi tiếng, càng được truyền tay nhiều người, chứng tỏ nó truyền tải những thông tin giá trị. Thế giới có bao nhiêu đại văn hào? Những Dante, Tagore, Balzac, Shakespeare, Lỗ Tấn … nhiều lắm. Sách của họ, tên tuổi của họ, không phải tự dưng mà được nhân loại truyền tay nhau nhiều đến như vậy. Nó chứa những triết lý sống, những bài học, những “viên red pill”- sự thực về bản chất tự nhiên con người. 

Đọc, để nhìn thấy Đàn Ông phải mang những đặc tính gì nổi bật? Trẻ em suy nghĩ ra sao? Tâm lý Phụ Nữ như thế nào? Vào những thời khắc cụ thể, con người ta tại sao lại có phản ứng như thế?

Đọc, để nhận ra nhiều sự thật thú vị về bản chất tự nhiên – Human Nature nơi con người. Loài người ngày nay, so với vài chục năm, vài trăm năm, hay vài ngàn năm trước đều có những đặc tính KHÔNG THAY ĐỔI.

Đọc, là lúc ta được “in” vào não bộ những “great language”, những lối dùng từ, hành văn độc đáo, những phép tư duy, phản biện, phép loại suy, ẩn dụ v..vv… Cơ thể của những người tập thể hình để trở nên đẹp như vậy, cần hàng ngàn giờ tôi luyện đau đớn. Bộ não bạn cũng y như vậy.

Đọc, là khi chúng ta được SỐNG thêm nhiều cuộc đời khác. Những trải nghiệm độc đáo, hiếm hoi, mang đầy kinh nghiệm, suy tưởng, bài học sống của những con người trong quá khứ, có khi họ phải đánh đổi bằng cả cuộc đời. Giờ này chúng được đúc kết trong 1 cuốn sách. Ta chỉ mất chút thời gian để lãnh hội nó, ngu gì mà không đọc? Đấy là lý do mà những người có thói quen đọc sách trông toát ra cái thần thái “sâu sắc” hơn người bình thường, không liên quan đến tuổi tác của họ.

 

===============================

Quá trình II: VIẾT.

Tham khảo về quan điểm của J.Peterson về việc luyện viết https://spiderum.com/bai-dang/Cach-viet-luan-van-cua-Jordan-B-Peterson-imo

Người tập gym, ngoài quá trình rèn luyện (TRAIN) ở phòng tập ra, để có cơ thể như vậy họ phải ĂN. Không ăn đủ chất thì không tạo được cơ. 

Việc học cũng như vậy. Quá trình bạn ĐỌC, là khi bạn chuyển vào một lượng lớn thông tin thô (tương tự với ĂN). Còn phải VIẾT (quá trình TRAIN của dân gymer), ấy mới là lúc bạn thực sự mài dũa, chuyển hóa chúng thành kiến thức của mình. 

Những bước đầu tiên, cứ viết. Chẳng cần viết thứ gì hay ho to tát. Cứ viết ra những dòng suy nghĩ trong đầu, giống như một cái status trên facebook vậy. Xong rồi xóa đi cũng được. Nâng lên dần thành một bài viết với đầy đủ bố cục, truyền tải thông điệp. Đây là quá trình bạn bắt đầu HỆ THỐNG LẠI KIẾN THỨC trong não bộ.

Một số người sinh ra đã có khả năng này, một số khác thì không. Họ phải trải qua nhiều năm trời rèn luyện, mỗi ngày vài trang giấy, vài trăm từ.

Khi viết, bộ não người ta dường như được chuyển sang một cách thức hoạt động khác. Trật tự hơn, quy củ hơn. Lúc ấy tư duy dường như cũng “bén” hơn. Chính tôi, tôi cũng không thể tin bản thân lại có thể “lôi” ra nhiều kiến thức trong đầu như vậy khi viết. Nó là những mảng kí ức, những “tệp thông tin” mã hóa, được giấu đâu đó trong bộ não mà lâu nay tôi còn không biết nó nằm ở đấy. Ví dụ việc tôi có thể mô tả chính xác ngoại hình của một cô sinh viên đi cùng xe buýt 10 năm trước vậy.

Quá trình này, cũng tương đương với quá trình rèn luyện ở phòng tập gym, nó rất “đau”. Nhưng sự đau đớn ban đầu ấy sẽ qua đi. Để lại cho người ta một bộ não khỏe hơn, tư duy trật tự hơn, khả năng tập trung mạnh hơn. Bạn còn nhớ ngày đi học, mỗi khi bước chân ra khỏi phòng thi là chúng ta lại thấy choáng váng, chân nam đá chân xiêu chứ? Đó là do bộ não bạn chưa được “tôi luyện”, việc tập trung 3h đồng hồ liên tục khiến nó quá tải. Luyện viết hằng ngày sẽ loại bỏ được tình trạng ấy.

 

Học viết, nghe có vẻ là thứ dành cho tụi học sinh phổ thông. Nhưng không, nó là thứ gần như BẮT BUỘC, nếu bạn muốn tồn tại trong môi trường lao động. Bạn phải biết VIẾT hoặc NÓI, tức truyền đạt thông tin từ não bộ bạn đến người khác. Không làm được một trong 2 điều này ư? Bạn cho rằng bạn thông minh, tài giỏi, bản lĩnh, bạn học cao hiểu rộng ư, ai tin?

Tôi đã bắt đầu viết hơn 10 năm trước, từ cái thời blog 360 của yahoo ấy. Nền tảng đó giờ đã biến mất cùng với gần 2000 bài viết dài ngắn của tôi. Chẳng sao. Giờ tôi đang làm lại từ đầu. Quá trình “tôi luyện” ấy giúp tôi có cái khả năng đặc biệt, ấy là khả năng THUYẾT PHỤC kẻ khác bằng ngôn từ. 

Ví dụ bài viết này: https://bit.ly/2WzP3u0. Nếu chỉ đọc cái tiêu đề không thôi -”Phụ nữ KHÔNG CHUNG THỦYVÔ NGUYÊN TẮC”, nhiều người sẽ đấm vỡ mũi tôi vì cái thói ngông cuồng, khinh thường Phụ Nữ. Nhưng sau khi đọc xong bài viết hơn 2000 chữ thì nhiều người lại tin thông điệp ấy. Đấy chính là sức mạnh của ngôn từ.

Viết – nó là công cụ mà mọi con người hiện đại phải học. Bất kể bạn là nhân viên hay nhà lãnh đạo.

===============================

Bên trên là 2 quá trình mà mọi người thành công đều phải trải qua.

Cái thực tại ngày nay, nơi chúng ta đang sống, để làm được điều này thì khó lắm. Người ta dễ dàng bị xao nhãng bởi vô số điều lặt vặt. Biết là đọc sách là tốt, nhưng nó lại khô khan và nhàm chán. 

“Em định đọc nhưng mà tối nay có sinh nhật đứa bạn”.

“Con với cái nó chiếm hết quỹ thời gian mất rồi”.

“Tối nay người yêu nó bắt chở đi mua đồ”.

Chưa kể những facebook, twitter, insta, game online…

Chính nó đấy. Nếu bạn không chịu thay đổi ngay hôm nay, thì tương lai bạn sau 1 ngày, 1 năm, 10 năm sau nó vẫn y chang như vậy đấy. Quỹ đạo cuộc đời là do bạn chọn.

Bạn không sẵn sàng TÀN NHẪN, tàn nhẫn với chính bản thân và với người khác, thì bạn không học được đâu.

Sự lười biếng nó sẽ giết chết từng người chúng ta. Nếu mọi hoạt động hằng ngày của con người đều “comfortable”, đều sướng, đều thấy thoải mái, không có chút trở ngại áp lực nào, liệu người ta có học hỏi được kỹ năng gì mới hay không?

Những vận động viên trước khi lên sàn đấu đều phải trải qua nhiều năm khổ luyện ở sàn tập.

Đứng trước một dãy kí tự tiếng Anh, ngập tràn từ mới, liệu bạn có đủ kiên trì để tra từ điển, tìm nghĩa của từng từ  không? hay là bạn thấy khó quá bỏ qua? Ấy là khác biệt của dân pro tiếng Anh và mấy người “không có năng khiếu” học ngoại ngữ đấy.

Hãy tập thói quen THỰC HỌC. Luyện đến khi nào mà mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn đều cảm thấy mãn nguyện vì ngày hôm nay đã học được một chút kiến thức mới. Luyện đến khi bạn cảm thấy bị thu hút bởi bất cứ cuốn sách hay bài giảng nổi tiếng nào. Đó là dấu hiệu của sự đam mê kiến thức.

“Khi người học trò đã sẵn sàng, người thày sẽ xuất hiện” – Câu này của ai tôi quên rồi.

Ngoài kia có rất rất nhiều người Thày dẫn đường thực thụ. Họ đầy kiến thức, kinh nghiệm, tài năng và bản lĩnh. Họ đang chờ bạn đấy. Họ chỉ truyền dạy cho những “học sinh” trân quý kiến thức và phẩm chất của họ thôi.

Tới đây, nhân loại sẽ phải trải qua một quãng thời gian dài cách li bởi dịch bệnh. Bạn sẽ có một quãng thời gian rảnh rất lớn. Còn chờ gì nữa mà không bắt tay vào HỌC ngay đi. Biết đâu sau 1, 2 năm tới dân Việt Nam lại có hàng loạt những nhà tư tưởng, triết gia xuất chúng mới nổi, được cả thế giới biết đến? Biết đâu đấy.

————————————————–Pill.

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments