Bài học về Margaret Thatcher dành cho phụ nữ

(Một bài viêt của Chẻ)

Phụ nữ cánh hữu không được truyền thông và mạng xã hội cung phụng. Mỗi lần tôi mặc cảm vì quan điểm khác biệt của mình, tôi lại nghĩ tới người đàn bà vĩ đại này. Bài viết này dành tặng các bạn nữ cánh tả mong muốn có cả sự nghiệp và gia đình vẹn toàn. Điều này là có thể nhé, chỉ là nó hơi khó. Các bạn đọc qua cuộc đời của bà Thatcher sẽ rõ.

Margaret Thatcher – Người đàn bà sắt

Margaret Thatcher là một trong những chính trị gia cánh hữu vĩ đại nhất thế giới. Bà là thủ tướng nữ đầu tiên trong lịch sử nước Anh, và cũng là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất quốc gia này từng có. Margaret Thatcher là người dám nói dám làm. Vì là một người phụ nữ theo phe bảo thủ, Thatcher không mang thù hằn gì với đàn ông, và bà không hề sử dụng ngón đòn “tôi là nạn nhân” để tiến bước trên đấu trường chính trị như phụ nữ phe tả hay sử dụng.

Bà Thatcher có tên khai sinh là Margaret Roberts. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu khá giả, gia đình bà sở hữu một cửa tiệm tạp hóa nhỏ suốt thời kì giai đoạn thế chiến thứ hai. Hồi còn chạy việc giúp đỡ bố mẹ với công việc của cửa tiệm, Roberts rất hay tranh luận tay đôi với khách hàng. Cả khu phố đều biết gia đình nhà Roberts có một cô con gái hiếu thắng trong lúc tranh luận.

Về sau, bà Thatcher bình luận về tính cách của mình: “Đúng thế! Chúng tôi (bà và chị gái) hay tranh luận. Cha dạy chúng tôi cách cãi nhau. Đúng vậy, không bao giờ được quên rằng mình phải tự suy luận lấy. Bạn phải biết tự kiểm chứng vấn đề, bạn phải học cách suy nghĩ độc lập. Chúng tôi được dạy cách tranh cãi và chúng tôi thực hành lời dạy đó.”

Ở nhà là vậy, ở trường thì Margaret rất thích chất vấn giáo viên về tất cả các vấn đề từ cổ chí kim. Các bạn gái cùng lớp thường chỉ ngồi im nghe giảng, nhưng Margaret thích dơ tay phát biểu và đặt câu hỏi. Bà khác biệt và bà nhận ra điều đó. Bà tâm sự với cha về điều này, và cha bà dặn con gái: “Con phải tự quyết định lấy tương lai của mình. Không bao giờ làm bất cứ thứ gì chỉ vì người khác cũng làm y chang.”

Suốt thời thơ ấu, Margaret nghe theo lời dạy của cha về quan điểm sống: “Làm cái gì là phải làm cho xong. Việc mà làm nửa vời thì không bao giờ đáng làm!”, “Đã dám làm cái gì thì phải có gan hoàn thành nó tới cùng.” “Làm việc chăm chỉ”, “Kỉ luật”“trách nhiệm cá nhân” là ba nền tảng chắc nịch xây dựng thành công tính cách và con người của Margaret.

Trong thời gian theo học ngành hóa học tại trường đại học Oxford, Roberts là một học viên xuất sắc. Thời gian biểu của Margaret trong lúc đi học đại học như sau: đến lớp, làm bài tập, tham gia hoạt động trong nhóm sinh viên phe hữu và vận động hành lang để trở thành chủ tịch hội đoàn. Chưa hết, trong thời gian rảnh của Margaret, bà dành để học thêm về luật và khoa học chính trị. Đúng là người tài thì không bao giờ bỏ phí thời gian!

Khi một người quen hỏi về tương lai của cô gái trẻ, rằng cô sẽ theo đuổi công việc gì? Roberts nói thẳng rằng: “Cháu sẽ làm thủ tướng.” Chỉ 5 chữ gỏn gọn như vậy. Không thêm lời giải thích. Và chúng ta biết rõ cô gái trẻ này có hoài bão và quyết tâm lớn lao tới mức nào để lúc trưởng thành, Nga phải đặt cho Margaret một biệt danh đặc biệt “Người đàn bà sắt”.

Margaret Thatcher và chồng Denis Thatcher

Sau khi tốt nghiệp Đại Học, Roberts làm việc ngắn hạn với vị trí nghiên cứu viên của một công ty nhỏ. Tuy nhiên, do hoài bão rất lớn, không chịu ở yên một vị trí nhỏ quá lâu, bà liền nộp đơn xin vào một công ty có tiếng tên Imperial Chemical industries. Tréo ngoe thay, công ty từ chối bà thẳng thừng, ghi rõ lí do: “Người phụ nữ này quá cứng đầu và bảo thủ. Cô ta không chịu nghe ý kiến của ai khác.” Bị từ chối công việc ở công ty mơ ước, Thatcher không để bản thân buồn quá lâu. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, bà vẫn tiếp tục tham gia hội đoàn đảng Bảo Thủ trong khu vực. Thậm chí bà còn nhận được thành công nhất định trong quá trình tranh cử. Một đảng viên đảng bảo thủ kể lại rằng:

“Lúc đầu tôi không thích bà ta chút nào. Bà ấy là một phụ nữ, mà phụ nữ không có quan điểm giống cánh đàn ông. Nhưng khi tôi nghe bài phát biểu của Thatcher, nó rất chặt chẽ, cá tính và hợp lí. Tôi thay đổi quyết định ngay lập tức. Tôi bỏ phiếu cho bà ấy không một chút do dự.”

Thế rồi Roberts thắng cử một ghế thành viên trong hội đoàn. Bấy giờ bà mới chỉ 24 tuổi, một người phụ nữ không những trẻ và đẹp, bà còn khiến những người đàn ông xung quanh phải kính nể. Roberts nhanh chóng chốt hạ Dennis Thatcher, bấy giờ cũng là thành viên trong hội và là một thương gia thành công. Hai người kết hôn và ở cạnh nhau tới tận lúc đầu bạc răng long.

Khi được hỏi về hồi mới quen chồng mình, Thatcher nhận xét: “Trông anh ấy hơi kì cục.”

Bà nói rõ hơn về quan điểm lựa chọn bạn đời: “Tôi không hề có tiêu chuẩn rõ ràng về ngoại hình. Không hề. Ngoại hình không quan trọng chút nào. Quan trọng nhất là nhân cách.”

Trong thời gian mang thai hai đứa trẻ sinh đôi, Dennis động viên và tài trợ cho vợ học hành và đậu bằng cử nhân luật. Bà hạ sinh hai bé sinh đôi, một nam, một nữ kháu khỉnh ngay cuối năm đó. Cuộc sống của Thatcher vô cùng bận rộn.

“Hiếm khi nào tôi có lúc thư giãn.” – Bà nói.

Hai vợ chồng Thatcher có cuộc sống và quan điểm hôn nhân rất thực tế. Ông Thatcher không bao giờ yêu cầu bà Margaret phải làm bất cứ thứ gì bà không thích và ngược lại, mỗi người lo một việc. Bà Margaret luôn luôn bận rộn, sau khi lo chuyện con cái và nhà cửa, bà lại lao vào ngay với đam mê ấy là chính trị. Dennis không bao giờ phàn nàn về chuyện này. Hai con nhỏ và một căn nhà để thu vén, Margaret vẫn có khả năng thu xếp công việc, đạt được sự chú ý nhất định từ truyền thông vào thời điểm tranh cử ở khu vực Dartford. Thatcher là một nhân vật tranh cử danh giá. Khi được hỏi có khó khăn không khi tham gia chính trị và bản thân là một phụ nữ, bà nói:

“Không, tôi không để ý chuyện đó. Tôi dựa vào chất lượng những thính giả của mình để đánh giá, và hầu hết họ đều có kinh nghiệm hơn tôi và họ biết mình đang làm gì.”

Tuy nhiên, năm 1951, bà Thatcher quyết định không tranh cử, nêu rõ lí do:

“Mấy đứa nhỏ nhà tôi mới chỉ được hai tuổi. Tranh cử lúc này thì sớm quá. Tôi không làm thế được. Phải chờ cho hai bé lớn hơn chút nữa, lúc đó tôi sẽ sẵn sàng.”

Hai đứa trẻ sinh đôi của Margaret Thatcher

Sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ làm mẹ với con nhỏ, Margaret dốc toàn nguồn lực vào sự nghiệp chính trị của mình. Vào năm 1970, thủ tướng tiền nhiệm của bà Thatcher là Edward Keath bị áp lực phải đề cử ít nhất một người phụ nữ vào nội các của mình. Đồng nghiệp gợi ý cho Keath cái tên Margaret Thatcher, bàn bạc với nhau rằng: “Khi nào xong việc của ta rồi thì đá bà ta ra.” Thatcher được bầu cử làm bộ trưởng bộ giáo dục. Bấy giờ khi được hỏi về mục tiêu tiếp theo của bà, chính bà cũng đã từ bỏ mục đích làm thủ tướng, công bố rằng: “Tôi không nghĩ nước Anh sẽ có thủ tướng nữ, không phải trong thế hệ của tôi. Phe đàn ông vẫn còn quá định kiến.”

Trong thời gian là bộ trưởng bộ giáo dục, Thatcher cắt bỏ hỗ trợ sữa dành cho trẻ em từ 7-11 tuổi, lập luận rằng các em nhỏ sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thay đổi này. Dư luận nổi sóng, gọi bà là “Thatcher, the milk snatcher.” (Thatcher, kẻ cướp sữa.)Trước phản ứng tiêu cực này, Thatcher nói: “Đừng đánh giá thấp năng lực của tôi, tôi đã chứng kiến Keath bị hạ gục, họ sẽ không hạ gục được tôi.”

Năm 1979, Thatcher chính thức trở thành thủ tướng của nước Anh. Trong quá trình tranh cử, bà không hề bị áp lực phải đối mặt với người tiền nhiệm. Không nhượng bộ, cũng không vì lòng trung thành, Thatcher buộc Keath phải từ chức. Keath không hề vui vẻ khi bị đánh bại bởi một người phụ nữ mà chính mình tiến cử. Ông còn từng đánh giá rằng Margaret sẽ không dám tiến xa hơn trong thời gian làm bộ trưởng GD. Sự thật chứng minh đánh giá của ông không thể nào sai hơn.

Bà Thatcher đưa ra phát biểu về năm mình nhận chức:

“Tôi chỉ hi vọng rằng người ta chấp nhận tôi vì những gì tôi có thể làm. Không phải vì là đàn ông hay đàn bà, mà là vì một con người có nhân cách và niềm tha thiết tuyệt đối cho những gì tốt đẹp nhất dành tặng nước Anh. Tôi không thể chứng kiến nước Anh thoái trào. Tôi chỉ không thể. Chúng ta đã đánh bại và giải cứu một nửa châu Âu. Chúng ta đã bảo vệ tự do của một nửa châu Âu khỏi áp bức. Giờ nhìn nước Anh mà xem. Tôi chỉ hi vọng rằng người ta nhìn ra vấn đề và bảo nhau rằng, có quan trọng hay không, đàn ông hay đàn bà? Chẳng phải quan trọng nhất vẫn là làm những việc đúng đắn hay sao?”

1979 UK

Nước Anh lúc Thatcher mới nhận chức đang rơi vào một thời kì hỗn loạn. Tỉ lệ lạm phát  tăng tới 12% chỉ trong vòng một năm, hàng triệu người không có việc làm, biểu tình, đình công xảy ra khắp nơi. Các quốc gia đồng minh châu Âu đã mất đi sự kính nể của mình dành cho Anh Quốc. Để thêm dầu vào lửa, đa số người dân không ưa gì Thatcher và chính sách cải cách nhà nước của bà.

Thatcher ngay lập tức áp dụng phương án như sau để giải quyết vấn đề: Một là cắt giảm chi tiêu và quyền lực của chính phủ, hai là tư hữu hóa các ngành công nghiệp do chính phủ quản lí. Bà Margaret tin vào chủ nghĩa tiền tệ. Có nghĩa là chính phủ chỉ nên chi tiêu trong mức khả năng của mình và không tích lũy nợ lãi.

Nhiều người nhận xét Thatcher đã ép nước Anh uống một liều thuốc cực đắng. Khủng hoảng kinh tế xảy ra ngay sau đó. Các liên đoàn lao động chao đảo, bạo lực bấy giờ đi kèm với đình công. Phe đối đầu là đảng Lao Động được dịp sỉ nhục và lên án Thatcher công khai. Chính nội các của Thatcher cũng đứng ngồi không yên, đa số khuyên bà nên nhượng bộ và đưa ra kế sách khác. Trước sức ép từ cả hai bên đồng nghiệp và đối thủ, Thatcher phản hồi trước giới báo chí:

“Các quý ông cứ việc quay đầu, quý bà đây sẽ không nhượng bộ.”

Cảm giác khi làm việc với Margaret Thatcher như thế nào? Khốn khổ và nhục nhã là hai tính từ được nói tới nhiều nhất khi phỏng vấn đồng nghiệp xung quanh Thatcher. Bà nổi tiếng là một lãnh đạo nóng nảy, thô lỗ và thiếu kiên nhẫn. Đặc biệt, bà rất ghét những ai đi họp tay không, không chuẩn bị, không tài liệu và văn bản hợp lí.

“Mấy người này chẳng chịu làm bài tập gì cả.”

Đây là câu cửa miệng người ta hay nghe bà lẩm bẩm vào cuối cuộc họp. Trên tay bà luôn có một cây bút đánh dấu để gạch chân và sửa lỗi chính tả trong văn bản mà đồng nghiệp trình bày.

“Con mụ đàn bà đó…” – và đây là câu cửa miệng của các quý ông sau mỗi cuộc họp bị bà Thatcher bắt nạt và hạ nhục.

Tuy nhiên, Thatcher lại thích kết bạn và trò chuyện với các quý ông hơn các quý bà. Hiếm khi nào người ta nhìn thấy thủ tướng trò chuyện thân mật với phụ nữ như thân mật với Ronald Reagan. Người ta gán ghép mối quan hệ của cựu tổng thống Mỹ Reagan và thủ tướng Thatcher là “Mối tình vượt Đại Tây Dương”. Hai người ngay lập tức trở nên thân thiết bởi họ có nhiều điểm chung, đặc biệt là quan điểm của họ về chủ nghĩa xã hội và chiến tranh lạnh.

Margaret và tổng thống Mỹ Ronald Reagan

Tuy nhiên, không ai phủ nhận Thatcher là người làm việc chăm chỉ hơn tất thảy những ai có mặt trong nội các. Bà làm việc cần mẫn và năng động từ sáng đến tối kể từ ngày chuyển vào số 10 phố Downing cho tới 11 năm sau. Di sản của bà vẫn được đem ra đánh giá và nâng lên hạ xuống, nhưng rất nhiều ý kiến cho rằng bà là một trong những thủ tướng vĩ đại nhất của nước Anh. Quan điểm đanh thép của bà về chủ nghĩa xã hội là chính xác. Bà đã góp phần thanh tẩy tư tưởng dựa dẫm vào chính phủ của người dân Anh Quốc, giảm mức lạm phát và nợ chính phủ trong thời gian đương chức. Bà là một nhà lãnh đạo sáng suốt, nhìn xa trông rộng, và là một người phụ nữ mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Một người phụ nữ cánh hữu nhiều tham vọng, dám nói dám làm, có cái đầu thực tế và sáng suốt.

Các cô gái đọc redpill, phụ nữ cánh hữu cũng có thể sở hữu sự nghiệp lộng lẫy. Nếu các cô tham vọng có cả hai giá trị gia đình và sự nghiệp, cánh hữu chưa bao giờ ngăn cản các cô. Chỉ là ông Pill chưa nói đến vấn đề này thôi. Haha. Đừng ngần ngại nêu ra quan điểm cá nhân. Chuẩn bị kĩ kiến thức về quan điểm để sẵn sàng đứng ra tranh cãi nếu cần thiết. Chúc các bạn tiếp tục mở rộng tầm mắt, suy nghĩ tinh thông.

—Chẻ

Beyond Absurdity

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments