Giải ảo: Về luận điệu cho rằng Chúa Jesus không sở hữu sự nam tính.

Damian Michael, đăng tải vào ngày 11 tháng Năm năm 2017

 

Một trong những luận điệu buồn cười và lố bịch của Ki-tô giáo “ôn hòa” thời hiện đại – thứ luận điệu khiến cho các hệ phái Ki-tô giáo trở nên dễ bị coi thường trong mắt người ngoại đạo – đó là việc thường xuyên khắc họa Đức Jesus như một cá nhân yếu đuối, nhu mì và dễ phục tùng. Để các con chiên của ngài ngày nay cũng đang phải noi theo lối sống ấy.

Họ YẾU ĐUỐIBẠC NHƯỢC. Họ thường hay bảo vệ tư tưởng đó bằng cách trích đoạn từ sách Phúc âm Mathew (Mt 5:39): “…nếu ai bị vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa”. Đoạn Kinh Thánh này đã bị hiểu sai, sẽ được chúng tôi giải thích ở trong một bài khác.

Trên thực tế, những người “đạo gốc cây” (Churchians) này đã biến hình tượng Chúa Jesus trở thành một tay “hippie thiện lành”, một con người chỉ muốn sự hòa bình, bao dung và “tình yêu” mà thôi! Nhưng không gì có thể che khuất được sự thật. Thực ra, Chúa Jesus là Đấng đầy cứng rắn, và mang tư tưởng red-pill. Sức mạnh và tính bạo dạn nơi Ngài là một tấm gương để những người đàn ông đích thực, đầy nam tính ngưỡng mộ và học hỏi theo. Ai không tin tôi, xin hãy đọc và nghiền ngẫm ba điều tôi trình bày sau đây.

Sự bền bỉ về thể chất

 

Ngài đã lao động bằng chính đôi tay mình, trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng

Thứ nhất, đó là sự bền bỉ về mặt thể chất, một kiểu cứng rắn mà Chúa Jesus đã thể hiện rõ ràng ở nơi Ngài. Theo Phúc Âm Thánh Matthew (13:55) và Mark (6:3) chép lại, ta biết rằng Chúa Jesus là một người thợ đúng nghĩa, thế cho nên, hẳn là Ngài phải sở hữu sức mạnh thể chất tự nhiên và sự bền bỉ có được từ các công việc nặng nhọc hằng ngày. Nhưng cũng có một tình tiết thể hiện rõ nét sức mạnh thể lý của Đức Jesus: sự kiện Ngài tẩy uế Đền Thờ.

“ [14] Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền. [15] Người liền lấy roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ”.

John (2: 14-15)

 

Tự mình đuổi đánh cả một đám đông ra khỏi Đền Thờ – thời nay chắc ít ai dám làm.

Ở đây, chúng ta thấy Người tự lấy roi và đuổi đánh hết mọi thương nhân, trâu bò gà vịt ra khỏi Đền Thờ. Ta không thể biết được con số chính xác bao nhiêu người đã hiện diện ở Đền Thờ lúc đó. Nhưng thực lòng mà nói, phải là một con người cực kỳ gan dạ mới dám một thân một mình đuổi hết cả một ngôi đền đầy người, đụng đến cả tiền bạc của cải và gia súc, thú vật của họ.

Nói thật, tôi không cần biết bạn có đồng tình với hành động Đức Jesus đã làm hay không. Chứ trên đời ngày nay, ít gã đàn ông nào có cho mình sự ngoan cường bất suy chuyển, dám đương đầu với cả một đám đông tha hóa, chỉ với một cây roi trên tay và lòng căm phẫn sự xấu xa.

Sự bền bỉ trong trí tuệ, cảm xúc và đối nhân xử thế

Ví dụ ở trên là một minh họa rõ nét cho sự mạnh mẽ về thể chất của Đấng Ngôi Hai. Nhưng thêm nữa, Đức Jesus cũng rất mạnh mẽ và nam tính, xét trên khía cạnh trí tuệ, cảm xúc và cách Ngài đối nhân xử thế. Ý tôi muốn chỉ ra là gì? Trong lời nói và hành động, Người không thèm quỳ gối trước thứ lề luật cứng nhắc của giới cầm quyền đương thời, cũng không hề bỏ qua sự thật để đổi lấy cái tiếng “kẻ ngoan ngoãn”. Đức Jesus cũng để ngoài tai lời lẽ của các môn đệ mình, cho rằng Ngài làm vậy thì cũng đồng nghĩa với việc hủy hoại tính chính danh và làm ảnh hưởng đến sứ mệnh cứu chuộc nhân loại.

 

Không ngại đụng chạm tới giới quyền lực.

Hơn nữa, liệu bạn có dám gọi cả một dàn những con người quyền lực là “con cái của ma quỷ” (John 8:39-47)? Bạn có dám hiên ngang thuyết giáo trước đám đông, dù biết thừa rằng những lời đó sẽ khiến bạn mất mạng (Luke 4:16-30; John 8:58-59)? Tôi cũng thách bạn dám kiên định nói thẳng ra sự thật, mặc dù biết rằng điều đó sẽ khiến một số lớn những môn đệ sẽ bỏ bạn mà đi (John 6:60-71)? Nhưng Chúa Jesus đã dám làm vậy. Điều đó chứng tỏ Đức Ki-tô sở hữu một sức mạnh về trí tuệ và cảm xúc. Trên thực tế, Chúa Jesus mạnh mẽ tới mức Ngài có thể lên án người môn đệ thân cận nhất – Thánh Peter – khi ông ta nói điều sai, cản bước Ngài (Matthew 16:22-23). Đó là ta còn chưa đề cập tới “tinh thần thép” của Người qua 40 ngày đêm ăn chay trong hoang địa, đương đầu với cơn cám dỗ của Quỷ Dữ (Matthew 4:2, Luke 4: 1-2).

Chúng ta có thể thấy sức mạnh của Chúa không chỉ thể hiện ở thể chất, nhưng cả ở trí tuệ và cảm xúc. Ngài là Đấng mang năng lượng nam tính, thường giải quyết các tình huống theo hướng rất nam tính. Người rất là cứng rắn về mặt cảm xúc và tinh thần. Vì Đức Jesus mang một sứ mạng, và Ngài sẽ không để bất cứ một ai – dù bạn hay thù – cản trở con đường thực thi nó.

Sự bền bỉ trong sứ mạng

 

Cuộc Khổ Nạn (hay còn gọi là cuộc Thương Khó) của Đức Jesus

Cuối cùng,ta có thể thấy rằng, Đức Jesus sở hữu một kiểu bền bỉ mà đàn ông ngưỡng mộ nhất: ngài can đảm tới mức dám bỏ mình vì sứ mạng, điều ít gã đàn ông nào dám làm. Theo Kinh Thánh ghi chép lại, trước khi chịu cuộc khổ nạn – để hoàn tất sứ mạng cứu chuộc nhân loài khỏi ách cai trị của thế lực ma quỷ nơi trần thế (John 12:31, 2 Corinthians 4:4) – Chúa Jesus đã giơ mình ra để chịu đòn roi, đánh đập và cuối cùng thì bị đóng đinh trên Thập Tự giá.

Nhiều người nhìn vô, có thể cho rằng kết cục như vầy chỉ dành cho kẻ yếu đuối. Sau tất cả, Đấng Cứu Thế đã không làm gì để tự bảo vệ bản thân khỏi đòn roi và những lời nhục mạ, nên sự khuất phục lúc đó của Người trước cái chết thật là thảm hại, chẳng oai dũng hay uy hùng gì hết. Nhưng vấn đề thì hoàn toàn ngược lại. Bởi vì sức mạnh và sự cứng rắn thực sự được thể hiện thông qua sức chịu đựng nỗi đau đớn và khổ ải để hoàn thành sứ mạng. Chứ sứ mạng không nhất thiết phải được hoàn thành theo một hướng nhất định nào cả.

Ta thử nghĩ mà xem, ví dụ một trường hợp, vị chỉ huy một trung đội nọ chứng kiến binh lính của mình co cụm lại, bị kìm chân bởi hỏa lực của giặc thù, và không thể tiến lên được, vì một hàng rào kẽm gai giăng ngang đường. Để cứu binh lính và đảm bảo cho nhiệm vụ được hoàn thành, vị chỉ huy trung đội thúc quân tiến lên giữa làn mưa đạn của địch thù, và rồi ông lao mình vô hàng rào kẽm gai, để cho binh lính dẫm qua thân mình mà tiến lên, từ đó hoàn thành mệnh lệnh được giao. Liệu vị chỉ huy trung đội đó có phải là kẻ chết nhát không? Ông ta yếu đuối chăng? Binh lính dẫm gót giày lên xác ông để tiến lên giữa làn tên mũi đạn nhằm cứu đồng đội và sống sót, họ là những kẻ thảm hại à? Nói thế thì Arnold Winkelried cũng là kẻ nhát gan luôn chăng? Khi trận đánh Sempach diễn ra vào năm 1386, ông đã hy sinh bằng cách xông pha, lao mình vô đoàn lính Áo đầy trên tay đầy những giáo mác, tạo nên một chiến thắng mở đầu quan trọng. Chiến thắng này đã giúp những người chiến hữu Thụy Sĩ của Arnold phá vòng vây của quân Áo, dành lấy tự do cho quê hương xứ sở của mình.

 

Anh hùng Thụy Sĩ Arnold von Winkelried và trận Sempach năm 1386

Cũng phải nói rằng, những nhân vật được đề cập ở trên không hề yếu đuối. Ngược lại, họ là những người can đảm nhất trong tất cả, vì họ dám giương mình, một cách an nhiên, đón nhận những đau đớn và đày đọa từ bàn tay của muôn vạn quân thù, để cứu mạng đồng đội, bạn hữu và hoàn thành nhiệm vụ. Điều này cũng tương tự khi nói về Chúa Jesus: Ngài đã thong thả và quyết tâm, bỏ mình chịu những đau đớn tột cùng, để đảm bảo rằng sứ mạng của mình được hoàn thành trọn vẹn – sứ mạng cứu rỗi nhân loại.

Khi ta nhìn vào bằng lăng kính thần học, cuộc khổ nạn của Đấng Cứu Thế còn kỳ diệu hơn nữa. Lý do vì, có lời giải thích khá hợp lý về cuộc khổ nạn cho thấy rằng, Chúa đã thực sự chứng kiến tội lỗi của loài người. Và Đức Jesus – Con Một của Thiên Chúa – đã bỏ mạng trên Thập Giá, chịu trừng phạt để đền lại tất cả tội lỗi mà mọi con người trong nhân loại đã phạm phải. Cộng dồn mọi thứ tội lỗi từ nhỏ tới lớn của loài người, thì sẽ thấy nỗi đau mà Chúa Jesus phải chịu thật không thể tưởng tượng được đối với người phàm chúng ta.  Mà Ngài chịu đớn đau một cách rất thư thả, một hành động mà ít ai – nếu có – sẽ làm được như vậy.

 

Trong khi Chúa Jesus, Đấng lập nên Thiên Chúa giáo, là một nhân vật rất hòa nhã và tốt bụng đối với nhiều cá nhân, thì Ngài cũng cực kỳ cứng rắn. Thêm nữa, sự ngoan cường và thái độ đậm chất “red-pill” của Ngài thể hiện trong rất nhiều hướng, mà những người đàn ông đích thực có thể học hỏi theo. Tóm lại, rất cần thiết phải nhớ rằng Đức Jesus không phải là một con người yếu đuối hay đầm tính (feminine). Trên thực tế, Ngài là người đàn ông cứng rắn nhất từng sống trên đời, và ta nên nhớ tới Đấng theo hướng đó.

Translator: X.T

======================

Mỗi một like, share, comment của các bạn là một đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments