Tự do và âu lo: Phần thần và phần súc bên trong con người

Tác giả: https://www.facebook.com/invisiblepartner/

“Tự do có thể trở thành gánh nặng, quá nặng để con người có thể chịu đựng, thứ gì đó mà anh ta cố gắng trốn thoát?”- Erich Fromm, Escape from Freedom

 

Con người là một sinh vật mãi mãi bị lôi kéo giữa hai thái cực, giữa cái mà một số học giả gọi là phần nội-Thần (inner-God) và phần nội-Súc (inner-Worm). Phần Thần của chúng ta đại diện cho sức mạnh của trí tưởng tượng và nhận thức biểu tượng, giúp chúng ta phóng chiếu vào tương lai và dự tính những điều khả thi dường như vô hạn, mang đến món quà của tự do tâm lý. Nó cho thấy tiềm năng của mỗi cá nhân và, ít nhất một phần số mệnh nằm trong tầm điều khiển nếu chúng ta tiến về phía trước, bước vào lãnh địa của sự khả thi. Nhưng bên cạnh phần Thần còn tồn tại phần con Súc, thứ làm chúng ta sợ tự do và bị trói buộc, giống như tất cả các loài động vật khác, bị hạn chế khả năng và hành vi. Thật không may, đối với nhiều người, phần con Súc đang cai trị cuộc sống của họ chứ không phải phần Thần. Chúng ta sợ tự do tâm lý nhiều hơn chúng ta mong muốn nó, và trong bài này, hãy cùng khám phá lý do.

“Tự do không hỗ trợ cho con người và xã hội. Con người bị dằn vặt vì không có nỗi lo lắng nào lớn hơn là tìm một người mà anh ta có thể nhanh chóng trao đi món quà tự do đó, mà cùng với nó sinh vật xấu số (anh ta) được sinh ra”- Fyodor Dostoevsky, The Brothers Karamazovs

Nếu tự do tâm lý đòi hỏi khả năng nghĩ về những đường lối có tính xây dựng để thay đổi cuộc sống và sau đó hành động dựa theo, thì tại sao chúng ta phải sợ điều này? Theo Dostoevsky, một trong những lý do chính là mối liên hệ mật thiết giữa tự do và lo lắng – vì lo lắng đi theo tự do như cái bóng của nó. Khả năng hướng tới tương lai và tưởng tượng mọi thứ có thể khiến chúng ta nhận thức về những cách sống tốt hơn, nhưng chúng ta không chắc chắn liệu theo đuổi khả năng kia sẽ được cứu rỗi hay chuốc thêm đau khổ. Chúng ta phát huy phần Thần khi hình dung ra điều khả thi nhưng lại thiếu sức mạnh toàn tri để biết liệu những gì chúng ta thấy là đúng hay sai và liệu mình có khả năng đạt được những gì mình mong muốn. Do đó, phần Thần muốn theo đuổi điều khả thi nhưng phần con Súc lại làm chúng ta lo sợ nếu tiến hành. Sự pha trộn kỳ lạ giữa ham muốn và sợ hãi nảy sinh khi đối mặt với khả năng xảy ra xung đột nội tâm ,mà đối với Kierkegaard, là bản chất của sự lo lắng. Ông viết :

“Lo lắng là mong muốn những gì người ta sợ hãi, một ác cảm có tính chất thông cảm (sympathetic antipathy). Lo lắng là một sức mạnh “ngoài hành tinh” nắm giữ một cá nhân, nhưng người ta không thể xé mình ra, cũng không có ý chí để làm điều đó; một người sợ hãi, nhưng lại mong muốn thứ mình sợ hãi. Lo lắng sau đó làm cho cá nhân bất lực”- Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety

Hoặc như Rollo May giải thích:

“Lo âu là trạng thái khi một người đối đầu với sự tự do của mình. Mỗi khi anh ta hình dung về một điều khả thi, sự lo lắng có thể xuất hiện trong cùng một trải nghiệm…những cơ hội mới như vậy đều dính dáng đến sự lo lắng, như việc không rõ về những con đường phía trước vì người ta chưa đi qua và trải nghiệm chúng. Đối với Kierkegaard, một cá nhân càng có nhiều lựa chọn khả thi, càng mang nhiều lo lắng tiềm ẩn”- Rollo May, The Meaning of Anxiety

Để bảo vệ bản thân khỏi lo âu vốn đi kèm với tự do tâm lý, nhà tâm lý học thế kỷ 20 Erich Fromm đề nghị chúng ta lập ra các chiến lược hành vi để chạy trốn khỏi tự do. Ông gọi những chiến lược như vậy là “các cơ chế thoát hiểm” và lập luận rằng các cơ chế trốn thoát này chủ yếu được thúc đẩy bởi những đấu tranh khổ dâm (masochistic strivings). Trong văn hóa phổ biến, khổ nhục/khổ dâm thường liên quan đến tình dục, nhưng Sigmund Freud đã chỉ ra một hình thức phổ biến hơn mà ông gọi là khổ dâm đạo đức, và nhà phân tâm học Anita Weinreb Katz định nghĩa là:

“…bất kỳ hành hành vi, lời nói, hoặc ảo mộng – bởi thiết kế vô thức – gây tổn thương về thể chất hoặc tinh thần cho chính mình, tự đánh bại, làm nhục hoặc tự hy sinh quá mức”- Anita Weinreb Katz, Paradoxes of Masochism

Ở bề mặt, khổ nhục đạo đức có vẻ khó hiểu. Vì làm thế nào một nỗi khao khát cho sự khuất phục, cho sự sỉ nhục và đau khổ và sự coi thường của một người, có thể được cảm nhận như một mục tiêu xứng đáng để phấn đấu? Nhưng Fromm nghĩ rằng câu đố của khổ nhục đạo đức có thể được lý giải khi nó được xem như một nỗ lực để thoát khỏi những lo lắng của tự do bằng cách phục tùng một kẻ mạnh khác. Theo Fromm, cho dù người chịu khổ thích phục tùng một vị ngoại Thần, một nhà thờ, một quốc gia, nhà nước, một nhà lãnh đạo, một hệ tư tưởng, một công ty, một người quan trọng khác, chất gây nghiện hay sự thôi thúc bên trong, mục tiêu luôn luôn giống nhau. Người chịu khổ không chịu đựng được những lo lắng về sự lựa chọn – điều khả thi và tự do – và thật hạnh phúc khi anh ta trao lại dây cương của linh hồn mình cho một ông chủ khác, như Fromm đã viết:

“Một người khổ nhục, cho dù chủ nhân của anh ta là người có thẩm quyền bên ngoài anh ta hay anh ta đã nội bộ hóa “người chủ” thành lương tâm hay sự cưỡng ép về mặt tâm thần, được cứu khỏi việc đưa ra quyết định, được cứu khỏi trách nhiệm cuối cùng đối với số phận của chính mình, và nhờ đó được cứu rỗi khỏi nghi ngờ khi phải đưa ra quyết định. Anh ta cũng được cứu khỏi sự nghi ngờ về ý nghĩa của đời mình hoặc việc anh ấy là ai. Những câu hỏi này được trả lời bởi mối quan hệ với sức mạnh mà anh ta đã gắn bó. Ý nghĩa của cuộc đời và bản sắc của bản thân anh ta được quyết định bởi thực thể toàn bộ lớn hơn mà bản thân anh ta đã bị nhấn chìm vào đó”- Erich Fromm, Escape from Freedom

Khổ nhục đạo đức có tính hủy hoại đến sức khỏe tâm lý. Sự phụ thuộc cực độ mà người chịu khổ dành cho một thế lực khác dẫn đến tình trạng trẻ con hóa và sự chấp nhận nhiệt tình các xiềng xích. “Sự từ chối tự do và rồi ai cũng bị phạt. Nó biến anh ta thành nô lệ của sự cần thiết.”– (Viktor Gorskii). Tuy nhiên, sự dịch chuyển khổ nhục từ tự do có tác dụng chính trị và xã hội rộng lớn hơn. Dễ dàng tìm thấy nhiều ví dụ về các xã hội, trong đó những công dân sợ tự do đến mức phương tiện trốn thoát duy nhất họ thấy là phải phục tùng một người khác mạnh mẽ dưới hình thức chế độ độc tài.

“…người dân nắm lấy chủ nghĩa chính trị độc đoán trong sự tuyệt vọng để được giải tỏa lo lắng – …people grasp at political authoritarianism in the desperate need to be relieved of anxiety.”- Rollo May, The Meaning of Anxiety

Trong cuốn sách “The Quest of our Lives”, tác giả Ida Wylie ghi chú một lời nhận xét từ một người Đức trẻ tuổi trước sự kinh hoàng của Thế chiến thứ hai:

“Người Đức chúng tôi rất hạnh phúc. Chúng tôi được giải thoát khỏi sự tự do”- Ida Wylie, The Quest of our Lives

Các tác động xã hội tiêu cực của chủ nghĩa khổ nhục đạo đức không chỉ được nhìn thấy trong sự phục tùng hàng loạt đối với một chế độ độc đoán. Tồn tại một cơ chế bí mật hơn của lối thoát khổ dâm, và điều này liên quan đến sự phục tùng của đa số đối với bạo quyền, hoặc những gì Fromm gán là tuân theo “lẽ thường (common sense), khoa học, sức khỏe tâm lý, tính bình thường (normality), dư luận xã hội” – (Erich Fromm, Escape from Freedom). Chiến lược đằng sau cơ chế trốn thoát này liên quan đến việc xác định bản thân một cách thấu đáo với bất cứ điều gì xã hội coi là tự-thể-hiện, “bình thường”, và “được trông chờ”, và chúng ta được cứu khỏi việc phải xây dựng và cam kết với các nguyên tắc, giá trị, niềm tin của chính mình và cách sống. Chúng ta kìm nén nhận thức của mình về các cơ hội và chỉ chấp nhận những gì được xã hội đưa ra. Cơ chế trốn thoát này có thể bảo vệ chúng ta khỏi những lo lắng của tự do, nhưng chúng ta càng tuân theo sự chuyên chế của đa số, chúng ta càng đánh mất bản thân và xã hội càng bị chiếm lấy bởi những kẻ tự động tẩy chay tất cả những ai dám đi chệch khỏi hiện trạng. Như Rollo May đã viết:

“…không có tự do chính trị mà không bị ràng buộc một cách bất đắc dĩ vào sự tự do cá nhân bên trong (inner personal freedom), của những người tạo nên quốc gia đó, không có tự do cho một quốc gia toàn người chỉ biết tuân thủ (conformists), không một quốc gia tự do nào được tạo thành từ robot”- Rollo May, Freedom and Destiny

Nếu cho rằng khổ nhục đạo đức làm chúng ta yếu đuối và phục tùng và thúc đẩy sự nô lệ hóa của một xã hội, phải đặt câu hỏi: làm sao chúng ta phát triển sức mạnh để đương đầu với lo âu mà sự tự do khơi gợi ra và tiến lên trong cuộc sống thay vì trì trệ? Làm thế nào chúng ta có thể kích hoạt lại vị Thần bên trong? Nhớ rằng tự do tâm lý là nhận thức về các khả năng cộng với sự can đảm để tiến về hướng khả thi, Kierkegaard đề nghị một cách để trở nên tự do: nhận ra rằng khi quyết định có nên theo đuổi điều khả thi đó hay không, thì việc mạo hiểm và dấn thân vào những gì chưa xác định phía trước sẽ luôn tốt hơn.

“Tự do nằm trong sự táo bạo”- Robert Frost

Hay như Kierkegaard viết :

“…khi không mạo hiểm, rất dễ để đánh mất những điều khó mất ngay cả trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm nhất. Nếu tôi đã mạo hiểm – rất tốt, cuộc sống sẽ giúp tôi bằng hình phạt của nó. Nhưng nếu tôi không mạo hiểm chút nào – thì ai sẽ giúp tôi?”- Soren Kierkegaard, Sickness Unto Death

Tuy việc lựa chọn một cuộc sống mạo hiểm và nắm bắt cơ hội mới có thể mang sự không chắc chắn vào cuộc sống, chúng ta sẽ không bị cám dỗ trở lại con đường khổ nhục đạo đức. Thay vào đó, trong việc mạo hiểm, chúng ta liên tục mở rộng giới hạn của vùng an toàn, học cách duy trì sự kiên cường khi đối mặt với thất bại, và rèn luyện lòng can đảm, sự tự lực, tính độc lập và sự tự trọng. Nhưng vẫn còn một câu hỏi: chúng ta sẽ dùng phần Thần và chọn một cuộc sống mạo hiểm, hay chúng ta sẽ chịu thua phần Súc bên trong rồi chạy trốn khỏi những lo lắng của tự do, và tìm kiếm ai đó hoặc một cái gì đó để gọi là chủ nhân? “Hành động đầu tiên của tự do là chọn nó” (William James, The Will to Believe). Hành động thứ hai là làm những việc cần thiết để được tự do và nhận ra rằng cuộc sống rất ngắn ngủi và cả người táo bạo lẫn kẻ hèn nhát có thể phải chịu đựng những đau khổ khốc liệt nhất.

“Biển nguy hiểm và những cơn bão của nó rất khủng khiếp, nhưng đây chưa bao giờ là lý do đủ lớn để nán lại trên bờ. Không giống như những người tầm thường, những linh hồn gan dạ tìm kiếm chiến thắng trước những điều dường như không thể. Với một ý chí sắt đá, họ dấn thân vào những thử thách táo bạo nhất, để không sợ hãi khi đón đầu tương lai mờ ám và chinh phục những điều chưa biết.”- Attributed to Ferdinand Magellan

Nguồn: academyofideas

 

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments