Sách: Chủ nghĩa khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản | Part 4

PHẦN HAI: CÁC KỸ THUẬT TÂM LÝ CỦA CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ

4- Tưởng tượng tiêu cực

Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?

Bất kỳ người thận trọng nào cũng sẽ thường xuyên suy ngẫm về những điều tồi tệ có thể xảy đến với mình. Lý do hiển nhiên là nhằm ngăn chặn những điều đó xảy ra. Chẳng hạn, một người có thể dành thời gian suy nghĩ về những cách kẻ gian có thể đột nhập vào nhà anh ta, nhờ thế mà ngăn chặn trước chuyện đó. Hoặc dành thời gian suy nghĩ về những căn bệnh mà anh ta có thể mắc phải, từ đó thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Nhưng cho dù chúng ta có làm mọi cách để ngăn chặn những chuyện tồi tệ xảy đến với mình, một số chuyện vẫn sẽ cứ xảy ra. Do đó, Seneca chỉ ra lý do thứ hai để suy ngẫm về những điều tồi tệ có thể xảy ra với chúng ta. Nếu nghĩ về những điều này, ta sẽ giảm bớt tác động của chúng đến bản thân khi chúng xảy ra: “Anh ta dập tắt sức mạnh của những vận rủi trong hiện tại bởi trước đó anh ta đã nhận thức được nguy cơ xảy đến của chúng.” Ông cho rằng tai họa sẽ gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người “chỉ biết mong cầu vận may”. Epictetus lặp lại lời khuyên này: Chúng ta nên nhớ rằng “mọi thứ ở khắp mọi nơi đều sẽ có ngày tàn lụi”. Nếu không nhận ra điều này và lầm tưởng rằng chúng ta sẽ luôn luôn được thụ hưởng những thứ mà mình coi trọng, chúng ta có thể sẽ phải gánh chịu nhiều đau khổ khi những thứ đó bị tước đoạt mất.

Bên cạnh những lý do trên, còn có một lý do thứ ba để suy ngẫm về những điều tồi tệ có thể xảy ra với chúng ta và lý do này được cho là quan trọng hơn cả. Con người không hạnh phúc chủ yếu là vì chúng ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Sau khi nỗ lực để có được những thứ mình muốn, chúng ta thường mất hứng thú với đối tượng mà mình ham muốn. Thay vì cảm thấy thỏa mãn, chúng ta lại cảm thấy buồn chán, và để đối phó với nỗi buồn chán này, chúng ta tiếp tục hình thành những ham muốn mới, thậm chí còn lớn hơn.

Các nhà tâm lý học Shane Frederick và George Loewenstein đã nghiên cứu hiện tượng này và đặt tên là hiệu ứng thích nghi với khoái lạc. Để minh họa quá trình thích nghi này, họ đưa ra nghiên cứu về những người trúng xổ số. Thông thường, việc trúng xổ số sẽ cho phép một người sống cuộc đời trong mơ của mình. Tuy nhiên, sau giai đoạn hồ hởi ban đầu, mức độ hạnh phúc của họ rốt cuộc sẽ quay trở lại như mức trước khi trúng xổ số. Họ bắt đầu xem nhẹ chiếc xe Ferrari và căn biệt thự mới của mình, giống như trước đây từng xem nhẹ chiếc xe bán tải rỉ sét và căn hộ chật chội của họ.

Một biểu hiện khác ít cực đoan hơn của hiệu ứng thích nghi với khoái lạc xuất hiện khi chúng ta mua sắm. Ban đầu, chúng ta thích thú với chiếc tivi màn hình rộng hoặc cái túi xách da vừa mới mua. Nhưng sau một thời gian, chúng ta lại xem nhẹ chúng và muốn một chiếc tivi màn hình rộng hơn hoặc một cái túi xách đắt đỏ hơn. Tương tự thế, chúng ta cũng trải nghiêm hiệu ứng thích nghi với khoái lạc trong sự nghiệp. Chúng ta có thể từng mơ ước một công việc nào đó. Thành thử, chúng ta vất vả đèn sách thời đại học và có khi là cả cao học để đi đúng hướng trên con đường sự nghiệp, và quá trình này có thể mất nhiều năm trời. Khi cuối cùng cũng có được công việc trong mơ, chúng ta sẽ rất vui sướng, nhưng chẳng bao lâu sau chúng ta có xu hướng bất mãn trở lại. Chúng ta sẽ ca cẩm về chuyện lương lậu, đồng nghiệp và việc không được sếp trọng dụng.

Chúng ta cũng trải nghiệm hiệu ứng thích nghi với khoái lạc trong các mối quan hệ. Chúng ta gặp người đàn ông hoặc phụ nữ trong mơ của mình, và sau thời gian tìm hiểu nồng nhiệt, chúng ta kết hôn với người đó. Mới đầu, chúng ta đắm chìm trong niềm hạnh phúc hôn nhân, nhưng chẳng mấy chốc, chúng ta lại cảm thấy khó chịu trước những thói xấu của người bạn đời và không lâu sau đó, mơ tưởng đến việc bắt đầu một mối quan hệ với người mới.

Quá trình thích nghi này dẫn đến việc mọi người rơi vào một guồng quay thỏa mãn. Họ cảm thấy không hạnh phúc nếu nhận thấy có một ham muốn trong mình chưa được đáp ứng. Họ tìm cách đáp ứng ham muốn này, tin rằng một khi đáp ứng được nó, họ sẽ cảm thấy thỏa mãn. Tuy nhiên vấn đề là sau khi đáp ứng được một ham muốn về thứ gì đó, họ lại thích nghi với sự có mặt của thứ đó trong cuộc sống và thành thử không còn khao khát nó nữa – hoặc không còn cảm thấy nó đáng khao khát như trước. Rốt cuộc, họ lại cảm thấy bất mãn hệt như trước khi họ đáp ứng ham muốn này.

Thế nên, một bí quyết để có được hạnh phúc là chặn trước quá trình thích nghi: Chúng ta cần áp dụng các biện pháp để ngăn không cho bản thân xem nhẹ những thứ mà chúng ta đã nỗ lực vất vả mới có được. Và bởi trước giờ không áp dụng các biện pháp này, thế nên chúng ta ắt hẳn đã thích nghi với nhiều thứ trong cuộc sống, những thứ mà chúng ta từng ao ước nhưng bây giờ lại xem nhẹ, có thể kể đến người bạn đời, con cái, nhà cửa, xe cộ và công việc của chúng ta.

Có nghĩa là bên cạnh việc tìm cách chặn trước quá trình thích nghi, chúng ta còn cần tìm cách đảo ngược nó. Tức là, chúng ta cần một kỹ thuật để tạo cho mình ham muốn đối với những thứ chúng ta đã có sẵn. Trên khắp thế giới và trong suốt hàng thiên niên kỷ qua, những ai từng suy xét kỹ về cách thức hoạt động của ham muốn đều nhận ra điều này – cách dễ dàng nhất để có được hạnh phúc là học cách muốn những thứ mà chúng ta đã có sẵn. Lời khuyên đúng đắn này nói ra thì đơn giản nhưng khó là ở chỗ áp dụng nó vào cuộc sống. Suy cho cùng, làm sao để thuyết phục bản thân muốn những thứ mà chúng ta đã có sẵn?

Các nhà Khắc kỷ tin rằng họ có câu trả lời cho câu hỏi này. Họ khuyên chúng ta dành thời gian tưởng tượng rằng bản thân mất đi những thứ mình quý trọng – rằng người vợ bỏ ta mà đi, chiếc xe của ta bị lấy cắp, hoặc ta bị mất việc. Theo các nhà Khắc kỷ, làm vậy sẽ khiến chúng ta trân trọng vợ mình, chiếc xe và công việc của mình hơn. Kỹ thuật này – cho phép chúng tôi gọi nó là tưởng tượng tiêu cực – đã được các nhà Khắc kỷ sử dụng chí ít cũng phải từ thời Chrysippus*. Theo tôi, đây là kỹ thuật giá trị nhất trong bộ công cụ tâm lý học của các nhà Khắc kỷ.

Seneca mô tả kỹ thuật tưởng tượng tiêu cực trong bức thư an ủi Marcia, một người phụ nữ vẫn sống trong đau khổ mòn mỏi kể từ ngày cô chôn cất đứa con trai ba năm về trước. Trong bức thư này, bên cạnh việc chỉ cho Marcia cách vượt qua nỗi đau buồn hiện tại, Seneca còn đưa ra lời khuyên giúp cô có thể tránh được nỗi đau buồn tương tự trong tương lai: điều cô cần làm là lường trước những sự kiện có thể khiến mình đau buồn. Cụ thể, ông nói, cô cần phải nhớ rằng mọi thứ chúng ta có đều là “vay mượn” từ Vận mệnh, nó có thể lấy lại mà không cần sự cho phép của chúng ta – kỳ thực là còn không cần thông báo trước. Do đó, “chúng ta cần phải yêu thương tất cả những người thân yêu của mình…, nhưng luôn nhớ rằng chúng ta không được hứa hẹn là có thể giữ họ bên mình mãi mãi, thậm chí còn không được hứa hẹn là có thể giữ họ bên mình lâu dài.” Trong khi tận hưởng thời gian bên cạnh những người thân yêu, chúng ta nên định kỳ dành thời gian đê’ suy ngẫm về khả năng niềm vui này sẽ kết thúc. Hoặc là cái chết của chúng ta sẽ kết thúc nó.

Epictetus cũng ủng hộ kỹ thuật tưởng tượng tiêu cực. Ví dụ, ông khuyên chúng ta khi hôn con mình, hãy nhớ rằng đứa trẻ có thể chết và nó không phải là vật sở hữu của chúng ta – rằng đứa trẻ được trao cho chúng ta “vào giây phút hiện tại, chứ không phải là mãi mãi hoặc không thể chia lìa”. Ông khuyên rằng chính trong lúc hôn đứa trẻ, chúng ta hãy tự nhủ rằng đứa trẻ có thể chết vào ngày mai.

Để hiểu tại sao việc tưởng tượng về cái chết của một đứa trẻ có thể khiến chúng ta trân trọng đứa trẻ đó nhiều hơn, hãy xem xét trường hợp của hai người cha sau. Người cha đầu tiên ghi nhớ lời khuyên của Epictetus và định kỳ nghĩ về cái chết của con mình. Người cha thứ hai gạt phăng những suy nghĩ ảm đạm như vậy. Thay vào đó, ông cho rằng đứa con sẽ sống lâu hơn mình và cô bé sẽ luôn ở bên làm ông vui. Người cha đầu tiên chắc chắn sẽ quan tâm và yêu thương con nhiều hơn người cha thứ hai. Khi nhìn thấy con gái mình vào buổi sáng, ông sẽ vui mừng vì cô bé vẫn còn là một phần trong cuộc sống của ông, và ông sẽ tận dụng tối đa mọi cơ hội trong ngày để tương tác với cô bé. Ngược lại, người cha thứ hai sẽ khó lòng có được cảm giác hạnh phúc trào dâng mỗi khi nhìn thấy đứa con vào buổi sáng. Kỳ thực, ông ta thậm chí còn không buồn rời mắt khỏi tờ báo để xác nhận sự có mặt của cô bé trong phòng. Trong ngày, ông ta sẽ không tận dụng mọi cơ hội để chơi với con vì cho rằng chuyện đó có thể hoãn lại đến ngày mai. Và khi ông ta rốt cuộc cũng dành thời gian cho con, có lẽ niềm vui mà ông ta có được khi ở bên cạnh cô bé sẽ không sâu sắc bằng niềm vui của người cha đầu tiên khi chơi cùng con.

Bên cạnh việc suy ngẫm về cái chết của người thân, các nhà Khắc kỷ cho rằng chúng ta nên dành thời gian suy ngẫm về việc mất đi những người bạn do họ qua đời hoặc có thể là do đôi bên tranh cãi dẫn đến bất hòa. Bởi vậy, Epictetus khuyên rằng mỗi lần nói lời tạm biệt một người bạn, chúng ta nên thầm nhắc bản thân rằng đây có thể là lần từ biệt cuối cùng. Nếu làm vậy, chúng ta sẽ quý trọng bạn bè của mình hơn, nhờ đó mà nhận được nhiều niềm vui hơn từ những tình bạn này.

Epictetus nói rằng chúng ta cũng nên suy ngẫm về cái chết của chính mình. Tương tự thế, Seneca khuyên bạn ông là Lucilius sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời, thậm chí ông còn khuyên rằng chúng ta nên sống như thể chính khoảnh khắc hiện tại này là khoảnh khắc cuối cùng của đời mình.

Sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của đời mình có nghĩa là gì? Một số người cho rằng nó có nghĩa là sống bản năng và chạy theo những lạc thú vô độ. Suy cho cùng, nếu hôm nay là ngày cuối cùng trong đời thì chúng ta sẽ không phải trả giá cho lối sống phóng túng của mình. Chúng ta có thể sử dụng ma túy mà chẳng sợ bị nghiện. Tương tự, chúng ta có thể tiêu pha vô tội vạ mà chẳng cần lo chuyện nợ nần sau này.

Thế nhưng, đây không phải là chủ ý của các nhà Khắc kỷ khi họ khuyên chúng ta sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình. Đối với họ, sống như thể mỗi ngày đều là ngày cuối cùng đơn thuần là sự mở rộng của kỹ thuật tưởng tượng tiêu cực. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nên định kỳ dành thời gian để suy ngẫm về thực tế rằng chúng ta sẽ không sống mãi, thế nên ngày hôm nay có thể là ngày cuối cùng của chúng ta. Thay vì biến chúng ta thành những người chạy theo chủ nghĩa khoái lạc, sự suy ngẫm này sẽ khiến chúng ta trân trọng việc mình đang sống và có cơ hội lấp đầy ngày hôm nay bằng các hoạt động. Nhờ thế, chúng ta sẽ bớt phung phí những tháng ngày của đời mình. Nói cách khác, khi các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của đời mình, họ không hướng đến việc thay đổi các hoạt động của chúng ta, mà là thay đổi trạng thái tâm trí của chúng ta khi thực hiện những hoạt động đó. Cụ thể, họ không muốn chúng ta ngừng suy nghĩ hoặc thôi lên kế hoạch cho ngày mai; thay vào đó, họ muốn chúng ta khi suy nghĩ và lên kế hoạch cho ngày mai thì hãy nhớ trân trọng ngày hôm nay.

Vậy tại sao các nhà Khắc kỷ lại muốn chúng ta suy ngẫm về cái chết của mình? Đó là bởi điều này có thể giúp chúng ta tận hưởng cuộc sống nhiều hơn đáng kể.

Và bên cạnh việc suy ngẫm về cái chết của bản thân, các nhà Khắc kỷ còn khuyên chúng ta suy ngẫm về việc mất đi tài sản sở hữu. Phần lớn chúng ta đều dành thời giờ rảnh rỗi để nghĩ đến những thứ chúng ta muốn mà không có. Marcus nói rằng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu dành khoảng thời gian này để nghĩ đến mọi thứ mình đang sở hữu và ngẫm xem ta sẽ nhớ chúng nhiều thế nào nếu chúng không còn là của ta nữa. Theo đó, chúng ta nên nghĩ đến việc mình sẽ cảm thấy thế nào nếu mất đi những tài sản sở hữu, bao gồm nhà cửa, xe cộ, quần áo, thú cưng và tài khoản ngân hàng; chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu mất đi các khả năng của mình, bao gồm khả năng nghe, nói, đi lại, thở và nuốt; và chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu mất đi sự tự do.

Phần lớn chúng ta đang “sống như trong mơ tức là sống cuộc đời mà chúng ta từng mơ ước. Chúng ta có thể đã kết hôn được với người từng trong mộng, có những đứa con và công việc từng mơ ước, cũng như sở hữu chiếc xe mà mình từng mong mỏi mua được. Nhưng vì hiệu ứng thích nghi với khoái lạc, ngay khi chúng ta thấy mình đang sống cuộc đời như mơ, chúng ta bắt đầu xem nhẹ cuộc sống đó. Thay vì dành những ngày tháng cuộc đời để tận hưởng vận may đó, chúng ta lại dành thời gian này để hình thành và theo đuổi những giấc mơ mới, to lớn hơn. Kết quả là chúng ta không bao giờ thỏa mãn với cuộc sống của mình. Tưởng tượng tiêu cực có thể giúp chúng ta tránh được nghiệp chướng này.

Nhưng còn những người rõ ràng là không hề đang sống như trong mơ thì sao? Một người vô gia cư chẳng hạn? Điểm quan trọng cần hiểu là chủ nghĩa Khắc kỷ tuyệt nhiên không phải là triết lý của người giàu. Người nghèo cũng có thể hưởng lợi từ việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Mặc dù hoàn cảnh cơ hàn sẽ hạn chế họ trong nhiều việc, nhưng không thể ngăn cản họ thực hành kỹ thuật tưởng tượng tiêu cực.

Hãy xét đến tình huống một người nghèo tới nỗi chỉ sở hữu duy nhất một cái khố. Hoàn cảnh của anh ta vẫn có thể trở nên bi đát hơn: anh ta có thể bị mất cái khố. Theo các nhà Khắc kỷ, anh ta cũng nên suy ngẫm về khả năng này. Giả dụ là sau đó anh ta đánh mất cái khố, vậy thì chừng nào anh ta còn khỏe mạnh, hoàn cảnh của anh ta vẫn có thể trở nên bi đát hơn. Và nếu sức khỏe của anh ta xấu đi thì sao? Anh ta có thể biết ơn vì mình vẫn còn sống.

Khó có chuyện ai đó rơi vào hoàn cảnh không thể bi đát hơn được nữa. Thế nên khó có ai lại không được hưởng lợi từ việc thực hành tưởng tượng tiêu cực. Ý tôi không phải là việc thực hành tưởng tượng tiêu cực sẽ khiến cuộc sống của những người chẳng có cái gì trở nên thú vị như cuộc sống của những người sung túc, mà là việc thực hành tưởng tượng tiêu cực – và nói rộng ra là thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ – có thể giúp những người có cuộc sống thiếu thốn bớt khổ sở.

Một điểm khác cần hiểu rõ: Mặc dù đưa ra lời khuyên để làm cuộc sống trở nên dễ chịu hơn cho những người đang bị đối xử tồi tệ và bất công, các nhà Khắc kỷ tuyệt nhiên không ủng hộ những người này khuất phục trước hoàn cảnh. Các nhà Khắc kỷ sẽ tìm cách cải thiện hoàn cảnh bên ngoài, nhưng đồng thời, họ cũng đề xuất những việc có thể làm để giảm bớt đau khổ đến khi cải thiện được hoàn cảnh đó.

Người ta có thể cho rằng các nhà Khắc kỷ sẽ có xu hướng bi quan, vì họ quanh đi quẩn lại chỉ nghĩ đến những tình huống xấu nhất. Thế nhưng, chúng tôi nhận thấy rằng thực hành tưởng tượng tiêu cực đều đặn có tác dụng chuyển biến các nhà Khắc kỷ thành những người vô cùng lạc quan. Cho phép tôi giải thích thêm về điều này.

Chúng ta thường mô tả người lạc quan là người nhìn thấy ly nước của mình đầy một nửa thay vì vơi một nửa. Đối với một nhà Khắc kỷ, mức độ lạc quan này mới chỉ là điểm khởi đầu. Sau khi bày tỏ thái độ cảm kích vì ly nước của anh ta đầy một nửa thay vì không có nước, anh ta tiếp tục bày tỏ niềm vui sướng vì có một cái ly: Suy cho cùng, cái ly có thể bị vỡ hoặc bị lấy cắp. Và nếu muốn, anh ta có thể tiếp tục nhận xét những đặc tính đáng ngạc nhiên của cái ly thủy tinh: Nó rẻ tiền và khá bền, không làm nước rót vào bị pha tạp mùi, và – nhiệm màu hơn cả! – cho phép chúng ta nhìn thấy những gì nó chứa đựng. Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng với một người không đánh mất khả năng tận hưởng niềm vui, thế giới là một nơi tuyệt vời. Đối với một người như vậy, những cái ly thật nhiệm màu; còn đối với những người khác, cái ly chỉ là cái ly mà thôi, cái ly này đang vơi một nửa và cần được rót đầy.

Sự thích nghi với khoái lạc có sức mạnh dập tắt niềm vui của chúng ta với thế giới. Do quá trình thích nghi, chúng ta xem cuộc sống của mình và những gì mình có là điều đương nhiên, thay vì hân hoan tận hưởng chúng. Tưởng tượng tiêu cực là liều thuốc đặc trị hiệu ứng thích nghi với khoái lạc. Nhờ suy nghĩ một cách có ý thức về sự mất đi của những thứ mà ta sở hữu, ta có thể lấy lại cảm giác trân trọng với chúng, từ đó phục hồi khả năng tận hưởng niềm vui.

Trẻ em có khả năng tận hưởng niềm vui một phần là bởi chúng không xem bất cứ thứ gì là đương nhiên. Đối với chúng, thế giới này vô cùng mới mẻ và bất ngờ. Hơn nữa, chúng còn chưa hiểu rõ cơ chế hoạt động của thế giới này: Biết đâu những thứ chúng có ngày hôm nay sẽ biến mất một cách bí ẩn vào ngày mai. Chúng khó mà xem nhẹ một thứ gì đó khi chúng còn không biết chắc nó có tiếp tục tồn tại nữa không.

Nhưng khi con trẻ lớn lên, chúng ngày càng chai lì. Đến độ tuổi vị thành niên, chúng có thể xem nhẹ gần như mọi thứ và mọi người xung quanh. Chúng có thể ca cẩm về cuộc sống, nhà cửa, cha mẹ, anh chị em. Và trong một số trường hợp cực đoan, những đứa trẻ này lớn lên trở thành những người trưởng thành không chỉ mất đi khả năng tận hưởng thế giới xung quanh mà dường như còn lấy làm tự hào với sự vô cảm này. Họ sẽ đưa ngay cho bạn một danh sách dài những điều họ không thích ở bản thân và cuộc sống của họ, nếu có thể, họ ao ước được thay đổi người bạn đời của họ, con cái họ, nhà cửa, công việc, xe ô tô, tuổi tác, tài khoản ngân hàng, cân nặng, màu tóc và hình dạng cái rốn của họ. Nếu hỏi họ trân trọng điều gì trên đời – nếu hỏi họ liệu có bất cứ thứ gì làm họ thỏa mãn không – sau một hồi suy nghĩ, họ có thể miễn cưỡng nêu ra một hoặc hai thứ.

Đôi khi một tai họa xảy đến và phá vỡ vỏ bọc chai lì của những người trên. Giả dụ có một trận lốc xoáy phá hủy nhà của họ. Tất nhiên, đây là những sự kiện bi thảm, nhưng đồng thời trong cái rủi lại có cái may: những người sống sót có thể cảm thấy trân trọng bất cứ thứ gì mà họ còn sở hữu. Nhìn chung, chiến tranh, bệnh tật và thiên tai là bi kịch vì chúng lấy đi những thứ ta coi trọng, nhưng chúng cũng có sức mạnh chuyển hóa những người trải qua chúng. Trước kia, những người này có thể sống như kẻ mộng du; còn giờ đây cuộc sống của họ ngập tràn niềm vui và sự biết ơn. Trước kia, họ có thể thờ ơ với thế giới xung quanh, còn giờ đây họ tỉnh giác trước vẻ đẹp của thế giới.

Tuy nhiên, biến chuyển do tai họa đem lại có những mặt hạn chế. Đầu tiên là bạn không thể trông chờ tai họa giáng xuống đầu mình. Kỳ thực, nhiều người sống cả đời mà không gặp phải tai họa nào và hệ quả là cuộc đời của họ thiếu đi niềm vui. (Trớ trêu thay, có một cuộc đời chẳng gặp phải vận rủi nào lại chính là vận rủi của họ.) Hạn chế thứ hai là những tai họa có sức mạnh chuyển hóa một người thì cũng có thể lấy đi mạng sống của người đó. Chẳng hạn như một hành khách trên một chiếc máy bay bị cháy động cơ khi đang trên không trung, bước ngoặt này có thể khiến vị hành khách suy xét lại cuộc sống của anh ta, nhờ đó có được cái nhìn sâu sắc về những gì thực sự có giá trị trong cuộc sống. Đáng tiếc là ngay sau khoảnh khắc giác ngộ này, anh ta có thể sẽ chết.

Hạn chế thứ ba của các biến chuyển do tai họa đem lại là trạng thái vui vẻ được chúng kích hoạt có xu hướng giảm dần. Những người trở về từ cõi chết thường lấy lại được niềm vui sống. Chẳng hạn, họ có hứng đi ngắm hoàng hôn mà hồi xưa họ không mấy khi để ý đến, hoặc thích thú được trò chuyện tâm tình với người bạn đời mà trước đây họ từng xem nhẹ. Họ sống như vậy được một thời gian, nhưng rồi sau đó, trong rất nhiều trường hợp, họ lại trở nên thờ ơ. Họ có thể không để ý đến khung cảnh hoàng hôn rực rỡ bên ngoài cửa sổ bởi đang mải kêu ca với người bạn đời rằng chẳng có chương trình nào đáng xem trên ti vi.

Tưởng tượng tiêu cực không có những hạn chế này. Chúng ta không cần phải chờ đợi để thực hành tưởng tượng tiêu cực. Tai họa có thể giết chết chúng ta, còn thực hành tưởng tượng tiêu cực thì không. Và bởi lẽ tưởng tượng tiêu cực có thể được thực hiện nhiều lần, cho nên tác dụng tích cực của nó, không như tác dụng của một tai họa, có thể kéo dài vô hạn. Do đó, tưởng tượng tiêu cực là một kỹ thuật hiệu quả giúp chúng ta lấy lại cảm giác trân quý cuộc sống và cùng với đó là khả năng tận hưởng niềm vui.

Các nhà Khắc kỷ không phải là đối tượng duy nhất khai thác sức mạnh của tưởng tượng tiêu cực. Ví dụ, hãy xét đến những người nói lời tạ ơn trước bữa ăn. Một số người có thể cho rằng đấy đơn giản chỉ là thói quen, số khác lại cho rằng vì họ sợ Thượng đế sẽ trừng phạt họ nếu họ không làm như vậy. Nhưng nếu hiểu đúng, nói lời tạ ơn – và mọi lời cầu nguyện mang tính tạ ơn – là một dạng tưởng tượng tiêu cực. Trước khi dùng bữa, những người nói lời tạ ơn tạm dừng một lúc để suy nghĩ về thực tế rằng họ có thể không có sẵn chỗ thức ăn này, trong trường hợp đó họ sẽ bị đói. Và ngay cả nếu có sẵn thức ăn, họ cũng có thể không chia sẻ được với những người đang ngồi tại bàn ăn. Khi nghĩ như vậy, lời tạ ơn có khả năng chuyển hóa một bữa ăn bình thường thành một lý do để ăn mừng.

Một số người không cần các nhà Khắc kỷ hay một mục sư chỉ cho họ biết rằng chìa khóa để có tâm tính vui vẻ là định kỳ suy ngẫm về những ý nghĩ tiêu cực, tự họ đã khám phá ra điều đó. Tôi đã gặp nhiều người như vậy. Họ nhìn nhận hoàn cảnh sống của mình không phải trên phương diện những gì họ không có, mà trên phương diện những gì họ đang có và cái cảm giác thiếu vắng trong họ nếu đánh mất chúng. Nói một cách khách quan, nhiều người trong số họ khá xui xẻo; tuy nhiên, họ sẽ kể chi tiết cho bạn rằng họ may mắn đến thế nào – vì vẫn còn sống, còn có thể đi lại, sống ở nơi họ đang sống, … Có thể rút ra nhiều điều khi so sánh họ với những người “có tất cả” nhưng chẳng biết trân quý bất cứ thứ gì mình có nên thành ra lại vô cùng khổ sở.

Lại nói đến những người dường như lấy làm tự hào vì bản thân không tận hưởng niềm vui trong thế giới xung quanh. Vì một lý do nào đó, họ tin rằng từ chối tận hưởng niềm vui cuộc sống là biểu hiện của sự trưởng thành về mặt cảm xúc: Họ cho rằng nếu lúc nào cũng tận hưởng niềm vui trong mọi thứ thì thật ấu trĩ. Hoặc có lẽ họ quyết định rằng từ chối tận hưởng niềm vui cuộc sống mới là hợp thời. Nói cách khác, từ chối tận hưởng niềm vui cuộc sống là dấu hiệu của sự tinh tế.

Nếu bạn hỏi ý kiến những kẻ bất mãn trên về những người lúc nào cũng hớn hở – hoặc về những nhà Khắc kỷ lạc quan thích phân tích chi tiết các đặc tính tuyệt diệu của một cái ly thủy tinh – có lẽ họ sẽ dè bĩu: “Những người như vậy đúng là ngu xuẩn. Họ không nên thỏa mãn với những thứ quá nhỏ bé. Họ nên tham vọng nhiều hơn và không được bằng lòng đến khi nào đạt được mục tiêu.” Thế nhưng theo tôi, sự ngu xuẩn thực sự là sống cả đời trong trạng thái bất mãn do chính mình tạo ra, trong khi bản thân có quyền được lựa chọn. Có thể thỏa mãn với những điều nhỏ bé không phải là một nhược điểm, mà là một phúc phận – nếu điều bạn đang tìm kiếm là sự thỏa mãn. Và nếu bạn đang tìm kiếm một thứ khác ngoài sự thỏa mãn, tôi sẽ lấy làm ngạc nhiên và rất muốn tìm hiểu xem bạn thấy điều gì còn đáng khao khát hơn cả sự thỏa mãn. Liệu có thứ gì đáng cho chúng ta hy sinh sự thỏa mãn để có được nó không?

Nếu có trí tưởng tượng phong phú, chúng ta sẽ dễ dàng thực hành tưởng tượng tiêu cực, chẳng hạn như dễ dàng tưởng tượng ra ngôi nhà của mình bị thiêu rụi, chúng ta bị đuổi việc hoặc bị mù. Nếu khó tưởng tượng ra những chuyện như vậy, chúng ta có thể thực hành kỹ thuật này bằng cách chú ý tới những chuyện tồi tệ xảy đến với người khác và suy ngẫm về sự thật rằng những chuyện đó có thể xảy đến với mình. Chúng ta cũng có thể tìm hiểu lịch sử để xem tổ tiên mình từng sống như thế nào. Chúng ta sẽ nhanh chóng khám phá ra rằng mình đang có cuộc sống mà các vị tổ tiên hẳn sẽ xem là cuộc sống trong mơ – chúng ta thường xem nhẹ những thứ mà tổ tiên chúng ta không hề có, bao gồm thuốc kháng sinh, máy điều hòa, giấy vệ sinh(!), điện thoại di động, tivi, cửa sổ, kính mắt và hoa quả tươi giữa kỳ giá rét. Khi nhận ra điều này, chúng ta có thể cảm thấy thật may mắn vì không phải sống vào thời của tổ tiên mình, giống như cách con cháu chúng ta sau này có lẽ cũng sẽ cảm thấy thật may mắn vì không phải sống vào thời của chúng ta!

Kỹ thuật tưởng tượng tiêu cực cũng có thể được dùng theo cách ngược lại. Ngoài việc tưởng tượng những điều tồi tệ từng xảy đến với người khác xảy ra với chúng ta, chúng ta có thể tưởng tượng những chuyện tồi tệ xảy ra với chúng ta xảy đến với người khác. Trong cuốn Discourse, Epictetus ủng hộ kỹ thuật “tưởng tượng phóng chiếu” này. Ông nói rằng giả sử người hầu của chúng ta làm vỡ một chiếc cốc. Chúng ta có thể nổi giận và trạng thái bình thản của chúng ta bị sự cố này phá vỡ. Một cách để ngăn chặn cơn giận là nghĩ về việc chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu sự cố này xảy ra với người khác. Nếu đang ở nhà người khác và người hầu của họ làm vỡ cốc, rất có thể chúng ta sẽ không nổi giận; có khi chúng ta còn cố gắng xoa dịu chủ nhà: “Chỉ là một cái cốc thôi mà; rơi vỡ là chuyện bình thường.” Epictetus tin rằng thực hành tưởng tượng phóng chiếu sẽ giúp ta nhận rõ tính chất vô nghĩa của những chuyện tồi tệ xảy đến với mình và do đó ngăn không cho chúng phá hỏng sự bình thản của ta.

Ở điểm này, một người không theo trường phái Khắc kỷ có thể phản biện như sau. Các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta theo đuổi sự bình thản và để đạt được nó, họ khuyên chúng ta thực hành tưởng tượng tiêu cực. Nhưng đây chẳng phải là một lời khuyên mâu thuẫn sao? Giả dụ một nhà Khắc kỷ được mời đi chơi dã ngoại. Trong lúc mọi người tận hưởng buổi dã ngoại, nhà Khắc kỷ sẽ ngồi trầm ngâm suy ngẫm về những chuyện có thể phá hỏng buổi dã ngoại: “Món xa-lát khoai tây có thể bị thiu và mọi người sẽ bị ngộ độc thực phẩm. Ai đó có thể bị vỡ xương mắt cá chân trong lúc chơi bóng chày. Có thể xuất hiện một trận giông bão dữ dội khiến mọi người bỏ chạy tán loạn. Có thể tôi sẽ bị sét đánh chết.” Điều này nghe chẳng vui chút nào. Hơn nữa, một nhà Khắc kỷ có lẽ sẽ khó lòng đạt được sự bình thản sau khi suy xét đến những viễn cảnh như vậy. Ngược lại, ông ta có thể trở nên ủ rũ và lo âu.

Tuy nhiên, thật sai lầm khi cho rằng các nhà Khắc kỷ dành toàn bộ thời gian để suy ngẫm về những tai họa tiềm tàng. Thay vì vậy, họ thực hành một cách định kỳ. Vài lần mỗi ngày hoặc vài lần mỗi tuần, một nhà Khắc kỷ sẽ tạm ngừng tận hưởng cuộc sống để nghĩ đến chuyện tất cả những điều mà ông ta đang tận hưởng có thể bị tước mất như thế nào.

Hơn nữa, có một sự khác biệt giữa suy ngẫm về chuyện gì đó tệ hại có thể xảy ra và lo lắng về nó. Suy ngẫm là một bài tập liên quan đến trí óc, và chúng ta có thể thực hành mà không ảnh hưởng đến cảm xúc của mình. Chẳng hạn, một nhà khí tượng học có thể dành thời gian nghĩ về những cơn lốc xoáy mà không cảm thấy sợ chết vì lốc xoáy. Tương tự, một nhà Khắc kỷ có thể suy ngẫm về những chuyện tồi tệ có thể xảy ra mà không bị lo âu chi phối.

Cuối cùng, thay vì làm cho chúng ta trở nên ủ rũ, tưởng tượng tiêu cực sẽ giúp chúng ta gia tăng mức độ thích thú đối với thế giới xung quanh, bởi lẽ nó sẽ ngăn không cho chúng ta xem nhẹ thế giới này. Mặc cho – hay đúng hơn là chính vì – những suy nghĩ u ám của mình, nhà Khắc kỷ có thể tận hưởng buổi dã ngoại trọn vẹn hơn hẳn những người không cân nhắc đến những viễn cảnh u ám; ông ta tham gia buổi dã ngoại trong niềm hân hoan vì hiểu rõ rằng nó hoàn toàn có thể bị phá hỏng.

Lúc này, những người phê phán chủ nghĩa Khắc kỷ có thể đưa ra một mối quan ngại khác. Với thứ mà bạn không trân trọng, bạn sẽ không bận tâm đến chuyện đánh mất nó. Nhưng vì liên tục thực hành tưởng tượng tiêu cực, các nhà Khắc kỷ sẽ rất trân trọng những người và vật xung quanh họ. Nếu vậy, chẳng phải là họ tự đặt mình vào tình thế đau khổ hay sao? Chẳng phải là họ sẽ chịu đựng nỗi đau cùng cực khi cuộc sống lấy đi những người và vật này, bởi lẽ đôi khi điều đó là không thể tránh khỏi hay sao?

Để dễ hiểu, hãy xét đến ví dụ về hai người cha mà tôi đã đề cập trước đó. Người cha đầu tiên định kỳ suy ngẫm về sự ra đi của đứa trẻ và do đó không xem sự hiện diện của cô bé là đương nhiên; trái lại, ông ta rất trân trọng cô bé. Người cha thứ hai thì giả định rằng đứa trẻ sẽ mãi mãi ở bên ông ta và do đó không biết trân trọng cô bé. Người ta có thể lập luận rằng bởi lẽ người cha thứ hai không trân trọng con mình nên ông ta sẽ hờ hững trước cái chết của đứa con, còn người cha đầu tiên sẽ đau khổ tột cùng nếu đứa con bị chết vì ông ta vô cùng trân trọng cô bé.

Theo tôi, các nhà Khắc kỷ sẽ đáp trả bằng cách lập luận rằng người cha thứ hai chắc chắn sẽ đau khổ trước cái chết của đứa con: ông ta sẽ cảm thấy vô cùng hối hận vì đã không trân trọng cô bé. Rất có thể ông ta sẽ bị những suy nghĩ “giá như” giày vò: “Giá như tôi dành nhiều thời gian để chơi với con bé hơn! Giá như tôi kể nhiều chuyện cho con bé nghe trước lúc đi ngủ hơn! Giá như tôi đến dự buổi biểu diễn vĩ cầm của con bé thay vì đi chơi gôn!” Tuy nhiên, người cha đầu tiên sẽ không có những tiếc nuối tương tự, bởi lẽ ông ta trân trọng con gái mình nên đã tận dụng mọi cơ hội để tương tác với cô bé.

Xin đừng nhầm lẫn: người cha đầu tiên có đau khổ vì cái chết của đứa con. Như chúng ta sẽ thấy, các nhà Khắc kỷ thường suy ngẫm về những chuyện đau buồn như một phần của thân phận con người. Nhưng ít ra thì người cha này có thể được an ủi vì biết rằng mình đã tận dụng trọn vẹn khoảng thời gian ngắn ngủi bên con. Người cha thứ hai sẽ không có được sự an ủi nào, dẫn đến cảm giác vừa đau khổ vừa tội lỗi. Tôi cho rằng chính người cha thứ hai mới là người tự đặt mình vào tình thế đau khổ.

Các nhà Khắc kỷ cũng sẽ lập luân rằng thực hành tưởng tượng tiêu cực vừa giúp chúng ta trân trọng thế giới, vừa chuẩn bị tinh thần cho chúng ta trước những thay đổi trong thế giới đó. Xét cho cùng, thực hành tưởng tượng tiêu cực là suy ngẫm về tính vô thường của thế giới xung quanh chúng ta. Do đó, nếu một người cha thực hành tưởng tượng tiêu cực đúng cách, ông ta sẽ đi đến hai kết luận: ông ta may mắn vì có một đứa con, và bởi lẽ ông ta không thể chắc chắn được chuyện đứa con có tiếp tục hiện diện trong cuộc đời mình hay không, nên ông ta cần chuẩn bị cho việc mất đi đứa con.

Đó là lý do tại sao Marcus, ngay sau khi khuyên độc giả dành thời gian để nghĩ về việc họ sẽ nhớ những tài sản sở hữu của mình nhiều như thế nào nếu chúng mất đi, liền cảnh báo họ “hãy cẩn thận kẻo sự vui sướng khiến anh trân quý chúng quá mức đến nỗi việc đánh mất chúng sẽ phá hủy sự bình an trong tâm hồn anh”. Tương tự thế, Seneca, sau khi khuyên chúng ta tận hưởng cuộc sống, liền cảnh báo chúng ta đừng nên dành “tình yêu quá mức” đối với những thứ mình yêu thích. Ngược lại, chúng ta phải cố gắng trở thành “người sử dụng, chứ đừng làm nô lệ cho những món quà của Vận mệnh”.

Nói cách khác, tưởng tượng tiêu cực dạy chúng ta đón nhận cuộc sống của mình bất kể nó có như thế nào và chắt lọc mọi niềm vui từ đó. Nhưng đồng thời, nó cũng dạy chúng ta chuẩn bị tinh thần đón nhận những thay đổi sẽ tước đi những thứ mang lại niềm vui cho chúng ta. Nói cách khác, nó dạy chúng ta tận hưởng những thứ mình đang có mà không bám chấp vào chúng. Có nghĩa là bằng cách thực hành tưởng tượng tiêu cực, chúng ta không những gia tăng cơ hội trải nghiệm niềm vui mà còn gia tăng cơ hội kéo dài niềm vui đó, nó sẽ không suy suyển khi hoàn cảnh của chúng ta thay đổi. Do đó, bằng cách thực hành tưởng tượng tiêu cực, chúng ta có thể hy vọng đạt được cái mà Seneca xem là lợi ích chính yếu của chủ nghĩa Khắc kỷ, đó là “một niềm vui vô hạn, bền vững và bất biến”.

Như tôi đã đề cập trong phần giới thiệu, một số điểm cuốn hút tôi đến với Phật giáo cũng có thể được tìm thấy ở chủ nghĩa Khắc kỷ. Giống như các Phật tử, các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta suy ngẫm về tính vô thường của thế giới. Seneca nhắc chúng ta rằng: “Vạn vật, kể cả con người, đều chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi và sẽ có ngày tàn lụi.” Marcus cũng nhắc chúng ta rằng những thứ chúng ta trân trọng giống như những chiếc lá trên cây, dễ dàng rơi rụng khi một cơn gió thổi qua. Ông cũng cho rằng “dòng chảy và sự thay đổi” của thế giới xung quanh chúng ta không phải là một sự tình cờ mà là một phần thiết yếu của vũ trụ.

Chúng ta cần ghi nhớ rằng mọi thứ mà ta coi trọng và những người mà ta yêu thương một ngày nào đó sẽ không còn thuộc về ta nữa. Hoặc là cái chết sẽ mang chúng ta đi. Khái quát hơn, chúng ta nên ghi nhớ rằng bất kỳ hoạt động nào của con người mà không thể tiếp diễn mãi mãi thì ắt phải có một lần cuối cùng. Sẽ có – hoặc đã có! – một lần cuối cùng trong đời mà bạn đánh răng, cắt tóc, lái xe, cắt cỏ hoặc chơi nhảy lò cò. Sẽ có một lần cuối cùng bạn được nghe tiếng tuyết rơi, ngắm trăng lên, ngửi mùi bỏng ngô, cảm nhận sự ấm áp của một đứa trẻ ngủ trong vòng tay bạn, hoặc ân ái. Một ngày nào đó, bạn sẽ ăn bữa ăn cuối cùng của đời mình, và chẳng bao lâu sau bạn sẽ trút hơi thở cuối cùng.

Đôi khi thế giới sẽ báo trước cho chúng ta rằng chúng ta sắp làm điều gì đó lần cuối. Chẳng hạn, chúng ta có thể ăn tại một nhà hàng yêu thích vào đêm trước khi nó dự kiến đóng cửa, hoặc chúng ta có thể hôn người yêu vốn phải chuyển đến một nơi xa xôi trên thế giới do hoàn cảnh bắt buộc, có lẽ là mãi mãi. Trước đây, khi ta cho rằng mình có thể lặp lại chúng bất cứ khi nào ta muốn, một bữa ăn ở nhà hàng này hoặc một nụ hôn với người ta yêu có lẽ chẳng phải điều gì đặc biệt. Nhưng giờ đây, ta biết rằng mình sắp không thể thực hiện được chúng nữa, chúng có thể sẽ trở thành những sự kiện phi thường: bữa ăn này sẽ là bữa ngon nhất mà ta từng ăn tại nhà hàng này, và nụ hôn chia tay sẽ là một trong những trải nghiệm buồn vui lẫn lộn nhất mà cuộc sống mang lại.

Một khi suy ngẫm về sự vô thường của mọi thứ trên đời, chúng ta ắt phải thừa nhận rằng mỗi lần chúng ta làm điều gì đó thì đó có thể là lần cuối cùng chúng ta làm nó, và sự thừa nhận này có thể khiến điều chúng ta làm thêm phần ý nghĩa và xúc cảm. Chúng ta sẽ không còn là kẻ mộng du lạc trôi giữa đời. Có một số người sẽ cảm thấy việc suy ngẫm về tính vô thường thật mệt mỏi hoặc thậm chí là không lành mạnh. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng cách duy nhất để chúng ta có thể thực sự sống là đều đặn nghiêm túc xem xét những suy nghĩ này.

>>> Quay lại trang: Mục lục

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments