Sách: Chủ nghĩa khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản | Part 2

2- Các nhà Khắc kỷ đầu tiên

ZENO (333-261 TCN) là nhà Khắc kỷ đầu tiên. (Và Zeno này là Zeno xứ Citium, đừng nhầm lẫn với Zeno xứ Elea, người nổi danh vì một nghịch lý liên quan đến Achilles và một con rùa, hay với bất kỳ ông Zeno nào trong số bảy ông Zeno khác được Diogenes Laertius đề cập đến trong các bản tóm tắt tiểu sử của ông.) Cha của Zeno là một lái buôn thuốc nhuộm tím và sau những chuyến đi, ông thường mang sách về tặng cho Zeno. Trong số đó có những cuốn sách triết học mua ở Athens. Những cuốn sách này đã khơi dậy sự quan tâm của Zeno về cả triết học và Athens.

Vào khoảng năm 300 TCN, do bị đắm tàu, Zeno mắc kẹt ở Athens, và trong lúc lang thang tại đó, ông quyết định tận dụng những nguồn lực triết học mà thành phố này mang lại. Ông đến một tiệm sách và hỏi nơi có thể tìm gặp những người giống như Socrates. Ngay lúc đó thì Crates – người theo chủ nghĩa Yếm thế – đi ngang qua. Người bán sách chỉ vào ông ta và nói: “Hãy đi theo người đàn ông đằng kia”. Và thế là, như chúng ta được biết, Zeno trở thành học trò của Crates. Nhìn lại quãng thời gian này trong cuộc đời, Zeno nhận xét: Tôi đã có một chuyến đi thành công khi bị đắm tàu.”

Những người theo chủ nghĩa Yếm thế không quan tâm nhiều đến lý thuyết triết học. Thay vào đó, họ ủng hộ một lối sống triết học khá cực đoan. Họ là những người khổ hạnh. Về mặt xã hội, họ cũng giống như những người mà ngày nay chúng ta gọi là người vô gia cư: Họ sống trên đường phố và ngủ dưới nền đất. Họ chỉ sở hữu quần áo mặc trên người, thường là một cái áo choàng rách nát, thứ mà người xưa gọi là “y phục của người Yếm thế”. Họ sống cuộc đời giật gấu vá vai hết ngày này qua tháng nọ.

Khi ai đó nói với Epictetus – một người hiểu rõ về chủ nghĩa Yếm thế, mặc dù bản thân ông là một nhà Khắc kỷ – rằng anh ta định gia nhập trường phái Yếm thế, Epictetus sẽ giải thích những hệ quả của việc trở thành một người Yếm thế: “Anh phải hoàn toàn gạt bỏ ý muốn chiếm hữu, và phải ngăn ngừa tất cả những gì nằm trong phạm vi ý chí: anh không còn được dung dưỡng sự tức giận, phẫn nộ, ganh tị, lòng thương hại: một cô thiếu nữ, một danh vọng, những sở thích hoặc những chiếc bánh ngọt không được còn có ý nghĩa gì với anh.” Một người Yếm thế, như ông giải thích, “phải có một tinh thần bền bỉ to lớn mới có thể xuất hiện trước quần chúng với dáng vẻ vô cảm như sắt đá. Những lời mạt sát, lăng mạ hay những tai họa chẳng có nghĩa lý gì đối với anh ta.” Có thể thấy là ít ai đủ can đảm và sức chịu đựng để sống cuộc đời của một người Yếm thế.

Những người Yếm thế nổi tiếng là khôn ngoan và thông thái. Chẳng hạn, khi ai đó hỏi một người đàn ông nên kết hôn với kiểu phụ nữ nào, Antisthenes đáp rằng dù có chọn mẫu phụ nữ nào làm vợ thì anh ta cũng sẽ hối tiếc về cuộc hôn nhân đó: “Nếu nàng xinh đẹp, anh sẽ không có được nàng cho riêng mình; còn nếu nàng xấu xí, anh sẽ phải trả giá đắt. Bàn về mối quan hệ của chúng ta với những người khác, ông nhận xét rằng “thà rơi vào tay lũ quạ còn hơn là những kẻ xu nịnh; bởi trong trường hợp đầu tiên, ta bị ăn thịt khi đã chết, trong trường hợp còn lại, ta bị ăn thịt khi đang sống”. Ông cũng khuyên thính giả của ông “hãy chú ý đến kẻ thù của bạn, vì họ là những người đầu tiên phát hiện ra lỗi lầm của bạn”.

Diogenes thành Sinope (đừng nhầm lẫn với Diogenes Laertius, người đã viết một bản tóm tắt tiểu sử về ông và các triết gia khác) là học trò của Antisthenes và trở thành người theo chủ nghĩa Yếm thế nổi tiếng nhất. Để ủng hộ lối sống đơn giản, Diogenes nhận xét rằng “các vị thần đã ban cho loài người các phương tiện sống dễ dàng, nhưng điều này đang bị che khuất, bởi vì chúng ta đòi hỏi bánh mật ong, thuốc mỡ và những thứ tương tự”. Ông cho rằng con người thật điên rồ vì chọn cuộc sống khổ sở trong khi có quyền năng để được hạnh phúc. Vấn đề là “người xấu tuân theo những ham muốn của họ cũng giống như tôi tớ tuân lệnh chủ nhân”, và do không thể kiểm soát được những ham muốn của bản thân nên họ không bao giờ có thể thỏa mãn.

Diogenes quả quyết rằng các giá trị của con người đang trở nên bại hoại. Ông lấy ví dụ minh họa là một bức tượng vốn chỉ để làm cảnh có thể tiêu tốn ba ngàn drachma*, trong khi chỉ với hai xu là đã mua được một đấu bột lúa mạch, thực phẩm duy trì mạng sống. Ông tin rằng cơn đói là món khai vị tốt nhất, và bởi ông đợi đến khi cảm thấy đói hoặc khát rồi mới ăn hoặc uống, nên “ông ăn một chiếc bánh lúa mạch với niềm thỏa mãn lớn hơn cả những người ăn loại thực phẩm đắt tiền nhất, và thích thú uống nước từ một dòng suối hơn cả những người đang uống rượu Thasian”. Khi ai đó đề cập đến chuyện ông không có nhà cửa, Diogenes đáp rằng ông đã ở trong những ngôi nhà to lớn nhất tại mọi thành phố – đó là những ngôi đền thờ và nhà thi đấu thể thao. Và khi được hỏi ông đã học được gì từ triết học, Diogenes đáp: “Có chuẩn bị cho mọi vận mệnh”. Câu trả lời này báo trước về một chủ đề quan trọng của chủ nghĩa Khắc kỷ.

Những người Yếm thế không rao giảng triết học ở vùng ngoại ô, như Epicurus và Plato, mà trên đường phố của Athens, giống như Socrates. Và tương tự Socrates, những người Yếm thế không chỉ nỗ lực hướng dẫn cho học trò mà là cho bất cứ ai, kể cả những người không muốn được dạy. Thật vậy, triết gia Yếm thế Crates – người thầy triết học đầu tiên của triết gia Khắc kỷ Zeno – không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi những người ông gặp trên đường phố, ông còn tự tiện xông vào nhà dân để thuyết giảng cho những người trong nhà. Vì thói quen này mà ông còn được gọi là “Người mở cửa”.

Sau khi theo học Crates một thời gian, Zeno nhận thấy rằng ông quan tâm đến lý thuyết hơn so với Crates. Do đó, ông nảy ra ý tưởng là không chỉ tập trung vào một lối sống hoặc lý thuyết triết học, mà kết hợp lối sống với lý thuyết, theo cách mà Socrates đã làm. Nhà triết học người Đức thế kỷ 19 Arthur Schopenhauer đã tóm tắt mối quan hệ giữa chủ nghĩa Yếm thế và chủ nghĩa Khắc kỷ bằng nhận định rằng các triết gia Khắc kỷ tiếp nối các triết gia Yếm thế “bằng cách thay đổi thực hành thành lý thuyết”.

Do đó, Zeno bắt đầu tìm hiểu lý thuyết triết học. Ông theo học Stilpo của trường phái Megarian. (Crates đã phản đối và cố kéo ông ra.) Ông cũng theo học Polemo ở học viện Academy, và vào khoảng năm 300 TCN, ông bắt đầu sáng lập trường phái triết học riêng. Trong bài giảng của mình, ông dường như pha trộn lời khuyên về lối sống của Crates với lý thuyết triết học của Polemo. Trong sự pha trộn này, ông cũng hợp nhất mối quan tâm về lô-gic và nghịch lý của trường phái Megarian.

Trường phái triết học của Zeno ngay lập tức có được tiếng vang. Học trò của ông ban đầu được gọi là Zenonian, nhưng vì ông có thói quen giảng bài ở Stoa Poikile, nên sau này họ được gọi là những nhà Stoic*.

Một điều làm cho chủ nghĩa Khắc kỷ trở nên thu hút là nó từ bỏ chủ nghĩa khổ hạnh của người Yếm thế: các nhà Khắc kỷ chủ trương lối sống đơn giản nhưng vẫn cho phép con người được ăn ngon mặc đẹp. Họ lập luận rằng nếu tránh xa những “điều tốt đẹp” như cách của những người Yếm thế, họ chỉ chứng tỏ rằng những thứ đó là thực sự tốt đẹp – đó là những thứ, nếu họ không che giấu chúng khỏi chính mình, họ ắt sẽ thèm muốn. Các nhà Khắc kỷ tận hưởng bất cứ thứ tốt đẹp nào đến với họ, nhưng họ cũng chuẩn bị tinh thần để từ bỏ những thứ đó.

Triết học của Zeno bao hàm đạo đức, vật lý và lô-gic. Những người theo học chủ nghĩa Khắc kỷ dưới thời của ông bắt đầu với lô- gic, rồi chuyển sang vật lý và kết thúc bằng đạo đức.

Mặc dù các nhà Khắc kỷ không phải là những người đầu tiên tìm hiểu về lô-gic – chẳng hạn, Aristotle cũng như những người theo trường phái Megarian đã làm điều đó trước họ – nhưng lô-gic học của phái Khắc kỷ cho thấy một mức độ công phu chưa từng thấy. Mối quan tâm với lô-gic của các nhà Khắc kỷ là hệ quả tự nhiên của niềm tin rằng đặc điểm phân biệt con người với động vật là lý tính của anh ta. Suy cho cùng, lô-gic là môn học về cách sử dụng lập luận chính xác. Các nhà Khắc kỷ trở thành chuyên gia về các hình thức tranh luận, ví dụ “Nếu A, thì B; Không A, do đó B” hay “Hoặc A hoặc B; nhưng không A, do đó B”. Những hình thức lập luận đó lần lượt được gọi là modus ponens (khẳng định luận) và modus tollendo ponens (phủ định – khẳng định), hiện vẫn được các nhà lô-gic học sử dụng.

Để hiểu mối quan tâm của các nhà Khắc kỷ với lô-gic, ta cần nhớ rằng các bậc cha mẹ gửi con cái theo học các trường triết học với kỳ vọng rằng chúng không những học được cách sống tốt mà còn có thể mài giũa kỹ năng thuyết phục. Bằng cách dạy lô-gic cho học trò, các nhà Khắc kỷ giúp chúng phát triển những kỹ năng đó: những học trò hiểu lô-gic có thể phát hiện ra lỗi ngụy biện của người khác và nhờ vậy chiếm ưu thế trong các cuộc tranh luận.

Vật lý là thành phần thứ hai trong chủ nghĩa Khắc kỷ của Zeno. Sống trong một thời đại chưa có khoa học, các học trò của Zeno hiển nhiên sẽ đánh giá cao những lý giải về thế giới xung quanh họ. Và bên cạnh việc đưa ra giải thích về các hiện tượng tự nhiên, giống như cách làm của vật lý hiện đại, vật lý của chủ nghĩa Khắc kỷ còn quan tâm đến cái mà chúng ta gọi là thần học. Ví dụ, Zeno cố gắng giải thích những thứ như sự tồn tại và bản chất của các vị thần, lý do các vị thần tạo ra vũ trụ và con người, vai trò của các vị thần trong việc định đoạt kết quả của các sự kiện, và mối quan hệ đúng đắn giữa con người với các vị thần.

Đạo đức là thành phần thứ ba và quan trọng nhất trong chủ nghĩa Khắc kỷ của Zeno. Độc giả cần nhận ra điểm khác biệt giữa quan niệm của chủ nghĩa Khắc kỷ và quan niệm hiện đại về đạo đức. Chúng ta xem đạo đức học là ngành nghiên cứu tính đúng sai về mặt đạo đức. Chẳng hạn, một nhà đạo đức học thời nay sẽ muốn tìm hiểu xem việc phá thai có được phép về mặt đạo đức hay không, và nếu được thì trong hoàn cảnh nào. Ngược lại, đạo đức của chủ nghĩa Khắc kỷ là đạo đức eudaemonistic, theo tiếng Hy Lạp eu nghĩa là “tốt” và daimon nghĩa là “tinh thần”. Nó không quan tâm đến tính đúng sai về mặt đạo đức, mà quan tâm đến việc có một “tinh thần tốt”, tức là đến việc sống một cuộc đời hạnh phúc, tốt đẹp – hoặc quan tâm đến cái còn được gọi là trí tuệ đạo đức. Như nhà triết học Lawrence C. Becker đã nói: “Đạo đức của chủ nghĩa Khắc kỷ là một dạng chủ nghĩa hạnh phúc. Mối quan tâm chính của nó là về những gì chúng ta cần làm để sống tốt và phát triển.” Theo nhà sử học Paul Veyne: “chủ nghĩa Khắc kỷ không hẳn là một tiêu chuẩn đạo đức bởi nó là một phương pháp nghịch lý để đạt được hạnh phúc.”

Độc giả hiện đại rất dễ hiểu sai quan niệm “một cuộc sống tốt đẹp” của các nhà Khắc kỷ. Quả thực, nhiều độc giả sẽ đánh đồng việc có một cuộc sống tốt đẹp với việc kiếm được nhiều tiền – tức là có một công việc lương cao. Tuy nhiên, các nhà Khắc kỷ lại cho rằng hoàn toàn có khả năng một người dù kiếm được rất nhiều tiền nhưng vẫn có một cuộc sống tồi tệ. Chẳng hạn anh ta căm ghét cái công việc lương cao của mình, hoặc công việc đó tạo ra nhiều mâu thuẫn trong anh ta bởi nó yêu cầu anh ta làm những việc mà anh ta biết là sai trái.

Vậy thì theo các nhà Khắc kỷ, một người cần phải làm gì để có được cuộc sống tốt đẹp? Hãy sống đức hạnh! Nhưng một lần nữa, “đức hạnh” là một từ dễ gây hiểu lầm. Nói với một độc giả thời nay rằng các nhà Khắc kỷ đề cao lối sống đức hạnh, rất có thể người đó sẽ tỏ thái độ ngán ngẩm; quả thật, với độc giả này, các nữ tu sẽ là ví dụ điển hình của những cá nhân sống đức hạnh, và điều khiến họ có đức hạnh là sự trong trắng, khiêm nhường và lòng tốt của họ. Vậy thì có phải các nhà Khắc kỷ khuyến khích chúng ta sống như những nữ tu không?

Trên thực tế, đây không phải là quan niệm về đức hạnh của các nhà Khắc kỷ. Chẳng hạn, đối với các nhà Khắc kỷ, đức hạnh của một người không phụ thuộc vào đời sống tình dục của họ. Thay vào đó, nó phụ thuộc vào sự ưu việt của họ trong vai trò một con người – họ có thực hiện tốt các chức năng đã được định sẵn cho con người hay không. Tương tự thế, một cây búa “đức hạnh” (hoặc ưu việt) là cây búa thực hiện tốt chức năng đã được định sẵn cho nó, tức là đóng đinh – một cá nhân đức hạnh là người thực hiện tốt chức năng đã được định sẵn cho con người. Do đó, sống đức hạnh là sống theo lối sống đã được định sẵn cho con người, hay theo lời của Zeno là sống thuận theo tự nhiên. Các nhà Khắc kỷ bổ sung thêm rằng nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ có một cuộc sống tốt đẹp.

Vậy những chức năng nào đã được định sẵn cho con người? Để trả lời câu hỏi này, các nhà Khắc kỷ cho rằng chúng ta chỉ cần xem xét lại bản thân. Khi đó, chúng ta sẽ khám phá ra rằng mình cũng có những bản năng nhất định, như mọi loài vật. Chúng ta cảm thấy đói, đây là cách tự nhiên khiến chúng ta nuôi dưỡng bản thân. Chúng ta cảm thấy ham muốn tình dục, đây là cách tự nhiên khiến chúng ta sinh con đẻ cái. Nhưng chúng ta không giống những loài vật khác ở một khía cạnh quan trọng: chúng ta có khả năng suy luận. Theo Zeno, từ đó có thể kết luận rằng chúng ta được định sẵn để trở thành người có lý trí.

Và nếu sử dụng lý trí của mình, chúng ta sẽ kết luận thêm rằng chúng ta được định sẵn để làm một số việc cụ thể, rằng chúng ta có những bổn phận nhất định. Quan trọng hơn hết, vì tự nhiên đã ấn định con người là loài sống theo quần thể, thế nên chúng ta có bổn phận với đồng loại của mình. Ví dụ, chúng ta nên kính trọng bố mẹ, hòa thuận với bạn bè và quan tâm đến lợi ích của đồng bào. Chính ý thức trách nhiệm xã hội này đã thúc đẩy triết gia Khắc kỷ Cato hoạt động tích cực trong chính trường La Mã, mặc dù điều đó khiến ông phải trả giá bằng tính mạng của mình.

Như tôi đã nói, mặc dù mối quan tâm hàng đầu của các nhà Khắc kỷ là đạo đức – việc sống đức hạnh và nhờ đó có được một cuộc sống tốt đẹp – họ cũng chú ý đến lô-gic và vật lý. Thông qua nghiên cứu về lô-gic, họ hy vọng có thể thực hiện tốt một trong những chức năng đã được định sẵn cho chúng ta; đó là hành xử một cách hợp lý. Và thông qua nghiên cứu vật lý, họ hy vọng có thể hiểu rõ hơn về mục đích đã được định sẵn cho chúng ta. Các nhà Khắc kỷ đã đưa ra nhiều ẩn dụ để giải thích cho mối quan hệ giữa ba thành phần trong triết lý của họ. Ví dụ, họ khẳng định rằng triết học Khắc kỷ giống như một cánh đồng màu mỡ, với “Lô-gic là hàng rào bao quanh, Đạo đức là cây trồng, còn Vật lý là đất”. Ẩn dụ này làm sáng tỏ vai trò trung tâm của đạo đức trong triết lý của họ: Trừ phi muốn có một vụ mùa bội thu còn không thì sao phải bận tâm đến đất và xây hàng rào cơ chứ?

Nếu sống hoàn toàn thuận theo tự nhiên, tức là thực hành thuần thục chủ nghĩa Khắc kỷ, chúng ta sẽ trở thành một người mà các nhà Khắc kỷ gọi là người khôn ngoan hay nhà hiền triết. Theo Diogenes Laertius, một nhà hiền triết Khắc kỷ là người “thoát khỏi sự phù phiếm; bởi anh ta dửng dưng trước danh tiếng tốt hoặc xấu”. Anh ta chẳng bao giờ cảm thấy đau buồn vì anh ta nhận ra đau buồn là một “sự teo nhỏ phi lý của tâm hồn”. Hành vi của anh ta mẫu mực. Anh ta không để cho bất cứ thứ gì ngăn cản mình thực hiện các bổn phận. Mặc dù uống rượu, nhưng anh ta không uống để say. Nói ngắn gọn, nhà hiền triết Khắc kỷ “giống như thần thánh”.

Trạng thái giống như thần thánh này là cực kỳ hiếm gặp. Thế nhưng, đối với các nhà Khắc kỷ, việc gần như không thể trở trành một nhà hiền triết không phải là một vấn đề. Họ nói về các nhà hiền triết chủ yếu để có được một hình mẫu trong việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Nhà hiền triết là một mục tiêu để họ hướng đến, mặc dù họ có lẽ sẽ không đạt được. Nói cách khác, nhà hiền triết đối với chủ nghĩa Khắc kỷ cũng giống như Đức Phật đối với Phật giáo. Đa số các Phật tử không mong cầu trở nên giác ngộ như Đức Phật, tuy nhiên, việc chiêm nghiệm sự hoàn hảo của Đức Phật có thể giúp họ đạt đến một mức độ giác ngộ nào đó.

Cleanthes (331-232 TCN) là một học trò thuộc trường phái Khắc kỷ của Zeno, và khi Zeno qua đời, ông kế thừa vị trí lãnh đạo của trường phái này. Khi Cleanthes già đi, ông bắt đầu để mất học trò về tay các trường phái khác, và tương lai của chủ nghĩa Khắc kỷ trở nên ảm đạm. Sau khi ông mất, vai trò lãnh đạo của trường phái Khắc kỷ được truyền lại cho học trò của ông là Chrysippus (khoảng 282-206 TCN), dưới sự dẫn dắt của ông, trường phái Khắc kỷ đã lấy lại được vị thế trước đây.

Sau khi Chrysippus qua đời, trường phái Khắc kỷ tiếp tục hưng thịnh dưới sự kế thừa của các nhà lãnh đạo, bao gồm Panaetius của Rhodes, người được ghi nhớ đến trong lịch sử của chủ nghĩa Khắc kỷ không phải với vai trò của một nhà canh tân mà là một người xuất khẩu triết học. Khi Panaetius tới Rome vào khoảng năm 140 TCN, ông mang theo chủ nghĩa Khắc kỷ. Ông kết thân với vị tướng nổi tiếng Scipio Africanus và các quý ông La Mã khác, khiến họ quan tâm đến triết học, và do đó ông trở thành người sáng lập chủ nghĩa Khắc kỷ La Mã.

Sau khi tiếp nhận chủ nghĩa Khắc kỷ, người La Mã đã điều chỉnh học thuyết này cho phù hợp với nhu cầu của họ. Bởi một lẽ, không như người Hy Lạp, họ tỏ ra ít hứng thú với lô-gic và vật lý. Thực vậy, dưới thời Marcus Aurelius, nhà Khắc kỷ La Mã vĩ đại cuối cùng, lô- gic và vật lý về cơ bản là bị hắt hủi. Trong cuốn Meditations (Suy tưởng), chúng ta thấy Marcus tự hào về bản thân vì đã không lãng phí thời gian học mấy môn đó.

Người La Mã cũng có những thay đổi tinh tế trong cương lĩnh đạo đức của các nhà Khắc kỷ Hy Lạp. Như chúng ta đã biết, mục tiêu chính của các nhà Khắc kỷ Hy Lạp là có được đức hạnh. Các nhà Khắc kỷ La Mã vẫn giữ lại mục tiêu này, nhưng họ cũng liên tục hướng đến một mục tiêu thứ hai: có được sự bình thản. Và theo họ, sự bình thản không phải là một trạng thái giống như thây ma. (Suy cho cùng, ủng hộ kiểu bình thản đó đồng nghĩa với việc từ bỏ lý tính mà các nhà Khắc kỷ tin là cần thiết cho lối sống đức hạnh.) Nói đúng hơn, sự bình thản của phái Khắc kỷ là một trạng thái tâm lý không có các cảm xúc tiêu cực như đau buồn, tức giận, lo lắng, mà chỉ có các cảm xúc tích cực như vui mừng, hân hoan.

Đối với các nhà Khắc kỷ La Mã, mục tiêu đạt được sự bình thản và mục tiêu đạt được đức hạnh có liên quan với nhau, thế nên khi luận bàn về đức hạnh, họ cũng luận bàn về sự bình thản. Cụ thể, họ thường chỉ ra một lợi ích của việc đạt được đức hạnh là chúng ta sẽ trải nghiệm được sự bình thản. Do đó, ngay từ những trang đầu của cuốn Discourses (Các bài giảng), Epictetus khuyên chúng ta theo đuổi đức hạnh nhưng cũng ngay lập tức nhắc chúng ta nhớ rằng đức hạnh “hứa hẹn… tạo ra hạnh phúc, sự tĩnh tâm và thanh thản” và rằng “quá trình hướng đến đức hạnh là quá trình hướng đến từng trạng thái tâm trí đó”. Kỳ thực, ông xem sự thanh thản là thành quả mà đức hạnh hướng đến.

Bởi vì dành quá nhiều thời gian luận bàn về sự bình thản (như một sản phẩm phụ của lối sống đức hạnh), các nhà Khắc kỷ La Mã dễ tạo ra ấn tượng rằng họ không quan tâm đến đức hạnh. Ví dụ, hãy xem xét cuốn sách Handbook (Cẩm nang) hay còn được gọi là Encheiridion của Epictetus. Arrian (một học trò của Epictetus) đã biên soạn tác phẩm này với mục tiêu cung cấp cho các thính giả La Mã thế kỷ thứ hai một tài liệu nhập môn dễ hiểu về chủ nghĩa Khắc kỷ. Tuy cuốn cẩm nang này đưa ra nhiều lời khuyên của Epictetus về những gì cần phải làm để đạt được và duy trì sự bình thản, nhưng Arrian lại hoàn toàn không đề cập đến đức hạnh.

Bên cạnh việc khẳng định rằng theo đuổi đức hạnh sẽ mang lại sự bình thản, tôi cho là các nhà Khắc kỷ La Mã cũng sẽ lập luận rằng việc đạt được sự bình thản sẽ giúp chúng ta theo đuổi đức hạnh. Một người không bình thản – tức là dễ bị phân tâm bởi các cảm xúc tiêu cực như tức giận hoặc đau buồn – có thể thấy khó mà làm theo những gì lý trí mách bảo anh ta: cảm xúc sẽ chiến thắng lý trí của anh ta. Bởi vậy, người này có thể lẫn lộn về những gì thực sự là tốt, hậu quả là anh ta không thể theo đuổi được chúng, và do đó không đạt được đức hạnh. Bởi thế, đối với các nhà Khắc kỷ La Mã, theo đuổi đức hạnh và theo đuổi sự bình thản là những thành phần của một vòng tròn đức hạnh – thật vậy, một vòng tròn đức hạnh kép: Theo đuổi đức hạnh mang lại một mức độ bình thản nhất định, điều đó thành thử lại giúp chúng ta dễ dàng theo đuổi đức hạnh hơn.

Vậy tại sao so với các bậc tiền bối Hy Lạp, các nhà Khắc kỷ La Mã lại gán cho việc đạt được sự bình thản một vai trò nổi bật hơn? Theo tôi, một phần lý do là bởi các nhà Khắc kỷ La Mã ít tin tưởng vào chuyện sức mạnh lý trí thuần túy có thể thúc đẩy con người hành động. Các nhà Khắc kỷ Hy Lạp tin rằng cách hiệu quả nhất để khiến con người theo đuổi đức hạnh là làm cho họ hiểu ra được thứ gì mới là tốt. Nếu một người đã hiểu được những thứ thực sự tốt là gì, anh ta, vốn là một người có lý trí, nhất định sẽ theo đuổi chúng và nhờ đó mà trở nên đức hạnh. Do đó, các nhà Khắc kỷ Hy Lạp cảm thấy không cần phải đề cập đến những kết quả phát sinh từ việc theo đuổi đức hạnh, bao gồm cả điều quan trọng nhất là đạt được sự bình thản.

Ngược lại, các nhà Khắc kỷ La Mã cho rằng người dân La Mã sẽ không hiểu rõ tại sao bản thân nên theo đuổi đức hạnh. Họ cũng nhận ra rằng người dân La Mã theo bản năng sẽ coi trọng sự bình thản và do đó sẽ dễ tiếp nhận các chiến lược để đạt được nó. Thế nên, các nhà Khắc kỷ La Mã dường như đã đi đến kết luận rằng bằng cách lồng ghép sự bình thản bên ngoài đức hạnh – chính xác hơn là, bằng cách nhắm đến sự bình thản mà con người có thể đạt được nếu theo đuổi đức hạnh – họ sẽ làm cho học thuyết Khắc kỷ trở nên hấp dẫn hơn với người dân La Mã.

Ngoài ra, những người thầy thuộc phái Khắc kỷ như Musonius Rufus và Epictetus còn nhấn mạnh sự bình thản vì một lý do nữa: đó là làm cho trường phái của họ trở nên hấp dẫn hơn với các học trò tiềm năng. Chúng ta nên nhớ rằng trong thế giới cổ đại, các trường phái triết học cạnh tranh trực tiếp với nhau. Nếu một trường phái dạy một triết lý mà mọi người thấy cuốn hút, nó sẽ giành được “thị phần”, nhưng nếu triết lý của một trường phái không còn được các học trò tiềm năng ưa chuộng thì trường phái đó có thể bị chìm vào quên lãng – điều suýt chút nữa đã xảy ra với trường phái Khắc kỷ dưới thời Cleanthes.

Để thu hút và giữ chân học trò, các trường phái sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt các triết thuyết mà họ giảng dạy. Chẳng hạn có giả thuyết cho rằng vào giữa thế kỷ thứ ba TCN, bởi lẽ học viện Academy và trường phái Khắc kỷ đang dần đánh mất học trò vào tay trường phái đối thủ Epicurean, thế nên họ đã quyết định thành lập một liên minh triết học và sửa đổi học thuyết cho phù hợp, với mục đích chung là lôi kéo học trò khỏi trường phái Epicurean. Tương tự thế, có thể hình dung rằng bằng cách nhấn mạnh sự bình thản trong triết lý của mình, các nhà Khắc kỷ La Mã cũng đang tìm cách lôi kéo học trò khỏi trường phái Epicurean, vốn cũng đưa triển vọng về sự bình thản ra để chiêu dụ học trò.

Nếu cảm thấy khó tin có chuyện các triết gia cổ đại sẵn sàng “bóp méo” học thuyết triết của mình nhằm thu hút học trò, chúng ta nên nhớ rằng đây đích xác là cách mà nhiều trường phái triết học cổ đại được thành lập. Thí dụ, khi Potamo của Alexandria quyết định thành lập một trường phái triết học, ông đã có một cách quảng bá thiên tài. Ông quyết định rằng cách tốt nhất để thu hút học trò là lựa chọn những gì tốt nhất từ triết thuyết của các trường phái đang cạnh tranh nhau. Ông lập luận rằng những ai tham gia trường phái Chiết trung của ông có thể thu được những tinh túy của tất cả các trường phái triết học thời đó. Quan trọng hơn, chúng ta nên nhớ rằng bản thân Zeno, để tạo ra chủ nghĩa Khắc kỷ Hy Lạp, đã chỉnh sửa và pha trộn học thuyết của (ít nhất) ba trường phái triết học khác nhau: Yếm thế, Megarian và Academy.

Bằng cách nêu bật sự bình thản trong triết lý của mình, các nhà Khắc kỷ không chỉ làm cho nó trở nên hấp dẫn hơn với người La Mã cổ đại mà theo tôi, còn khiến nó hấp dẫn hơn với con người thời nay. Xét cho cùng, thật khó để con người thời nay quan tâm đến việc trở thành một người đức hạnh hơn, theo ý nghĩa cổ xưa của từ này. Bởi vậy, nếu nói với một người nào đó rằng bạn muốn chia sẻ với anh ta một chiến lược cổ xưa để đạt được đức hạnh, nhiều khả năng bạn sẽ nhận được một cái nhìn đầy ngao ngán. Nhưng nếu nói với anh ta rằng bạn muốn chia sẻ một chiến lược cổ xưa nhằm đạt được sự bình thản, có thể anh ta sẽ tỏ ra hứng thú; thông thường, mọi người đều tin vào giá trị của sự bình thản. Quả thật, nếu được hỏi, có thể anh ta sẽ giãi bày chuyện cuộc đời mình bị hủy hoại ra sao vì những cảm xúc tiêu cực phá hỏng sự bình thản.

Do đó, trong các trang tiếp theo, tôi sẽ tập trung vào các nhà Khắc kỷ La Mã hơn là các nhà Khắc kỷ Hy Lạp, và cũng chủ yếu phân tích lời khuyên của họ về cách đạt được sự bình thản chứ không phải về cách đạt được đức hạnh. Nói vậy nhưng tôi cũng xin bổ sung thêm rằng độc giả nào làm theo lời khuyên của các nhà Khắc kỷ La Mã để đạt được sự bình thản thì họ cũng sẽ nhờ đó mà đạt được đức hạnh.

>>> Quay lại trang: Mục lục

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments