Sách: Chủ nghĩa khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản | Part 9

PHẦN BA: LỜI KHUYÊN CỦA CÁC NHÀ KHẮC KỶ

9- Bổn phận

Về tình yêu thương nhân loại

Như đã thấy, các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta tìm kiếm sự bình thản. Tuy nhiên, họ nhận ra rằng tự thân lời khuyên này không mấy hữu ích, thế nên họ tiếp tục chỉ dẫn cách tốt nhất để đạt được sự bình thản. Trước hết, họ khuyên chúng ta thực hành các kỹ thuật tâm lý được mô tả ở phần 2 của cuốn sách này. Họ cũng đưa ra lời khuyên đối với các khía cạnh cụ thể trong đời sống hằng ngày. Chẳng hạn, họ khuyên chúng ta không nên theo đuổi danh vọng và của cải, bởi lẽ điều này có thể phá vỡ sự bình thản của chúng ta. Họ cảnh báo chúng ta phải thận trọng lựa chọn bạn bè; vì suy cho cùng, người khác có sức mạnh phá vỡ sự bình thản của chúng ta – nếu chúng ta cho phép họ. Họ tiếp tục đưa ra lời khuyên về cách ứng phó với những lời lăng mạ, cơn giận, nỗi đau buồn, tuổi già và thậm chí chúng ta nên quan hệ tình dục trong những trường hợp nào.

Trong chương này và chương tiếp theo, chúng ta sẽ tập trung vào lời khuyên của các nhà Khắc kỷ đối với đời sống hằng ngày, bắt đầu từ lời khuyên của họ về việc hình thành và duy trì các mối quan hệ xã hội.

Khi xem xét cuộc sống của mình, chúng ta sẽ thấy người khác là khởi nguồn của một số niềm vui lớn lao nhất trên đời, bao gồm tình yêu và tình bạn. Nhưng chúng ta cũng sẽ khám phá ra rằng họ chính là nguyên nhân gây ra hầu hết các cảm xúc tiêu cực mà chúng ta trải nghiệm. Những người xa lạ khiến chúng ta nổi đóa khi họ tạt ngang đầu xe chúng ta trên đường. Những người thân thích gây rắc rối cho chúng ta với các vấn đề của họ. Lời lẽ miệt thị của cấp trên có thể phá hỏng một ngày của chúng ta, và sự kém cỏi của đồng nghiệp có thể khiến chúng ta căng thăng bởi phải gánh vác nhiều việc hơn. Bạn bè có thể ngó lơ không mời chúng ta dự tiệc và do đó làm chúng ta cảm thấy bị xem thường.

Ngay cả khi người khác không làm gì chúng ta, họ vẫn có thể phá vỡ sự bình thản của chúng ta. Chúng ta thường muốn người khác – bạn bè, người thân, hàng xóm, đồng nghiệp và thậm chí những người hoàn toàn xa lạ – nghĩ tốt về mình. Do đó, chúng ta dành thời gian và năng lượng để cố gắng ăn vận trang phục đúng, lái chiếc xe đúng, song trong căn nha đúng ở khu dân cư đúng,… Tuy nhiên, những cố gắng đó kéo theo một mức độ lo lắng nhất định: Chúng ta sợ rằng mình sẽ đưa ra những lựa chọn sai và khiến người khác nghĩ xấu về mình.

Cũng cần lưu ý rằng để chi trả cho những bộ quần áo, xe cộ và nhà cửa được xã hội ngưỡng mộ, chúng ta phải làm việc kiếm tiền và ắt hẳn sẽ có những mối lo liên quan đến công việc. Và kể cả, sau những nỗ lực của bản thân, chúng ta được mọi người ngưỡng mộ, thì sự bình thản trong ta vẫn có thể bị phá vỡ bởi cảm giác ghen tị mà những người thua kém hơn dành cho chúng ta. Seneca đã nói rất rõ: “Muốn biết có bao nhiêu người ghen tị với bạn, hãy đếm số người ngưỡng mộ bạn.” Ngoài ra, chúng ta sẽ phải đối phó với cảm giác ghen tị của chính mình đối với những người còn thành công hơn chúng ta.

Bởi lẽ các nhà Khắc kỷ đề cao sự bình thản và hiểu rõ người khác có sức mạnh phá vỡ sự bình thản của chúng ta như thế nào, chúng ta có thể cho rằng họ sẽ sống cuộc đời ẩn dật và khuyên chúng ta làm theo, nhưng các nhà Khắc kỷ không hề làm vậy. Họ cho rằng con người về bản chất là động vật có tập tính xã hội, do đó chúng ta có bổn phận hình thành và duy trì mối quan hệ với người khác, bất chấp những rắc rối mà họ có thể gây ra cho chúng ta.

Trong cuốn Meditations, Marcus giải thích về bản chất của bổn phận xã hội này. Ông nói rằng các vị thần tạo ra chúng ta là có nguyên do – tạo ra chúng ta “cho một số bổn phận”. Cũng giống như chức năng của một cây sung là làm bổn phận của một cây sung, chức năng của một con chó là làm bổn phận của một con chó, và chức năng của một con ong là làm bổn phận của một con ong, chức năng của một con người là làm bổn phận của con người – tức là thực hiện chức năng mà các vị thần đã tạo ra cho chúng ta.

Vậy chức năng của con người là gì? Theo các nhà Khắc kỷ, chức năng chính của chúng ta là sống có lý trí. Để tìm ra các chức năng phụ, chúng ta chỉ cần vận dụng khả năng suy xét của mình. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng chúng ta được thiết kế để sống cùng người khác và tương tác với họ theo cách có lợi cho đôi bên; như Musonius đã nói, chúng ta sẽ khám phá ra rằng “bản chất của con người rất giống với loài ong. Một con ong không thể sống đơn độc: nó sẽ chết khi bị cô lập.” Chúng ta cũng sẽ khám phá ra rằng, như Marcus đã nhận định, “tình bằng hữu là mục đích đằng sau việc tạo ra loài người chúng ta”. Bởi vậy, một người thực hiện tốt chức năng của con người sẽ vừa có lý trí vừa có tính xã hội.

Để hoàn thành bổn phận xã hội của mình – để thực hiện bổn phận của mình với đồng loại – tôi phải quan tâm đến toàn thể nhân loại. Tôi phải nhớ rằng con người được tạo ra để sống vì người khác, hay theo Marcus, chúng ta được sinh ra để làm việc cùng nhau như đôi bàn tay hoặc hai mí mắt trên và dưới. Bởi vậy, trong mọi việc tôi làm, tôi phải xem việc “phụng sự và hòa hợp với mọi người” là mục tiêu của mình. Hay nói đúng hơn, “tôi phải làm những điều tốt đẹp cho đồng loại và khoan dung với họ”.

Và theo Marcus, khi thực hiện bổn phận xã hội của mình, tôi nên thực hiện một cách âm thầm và hiệu quả. Lý tưởng nhất là một người Khắc kỷ sẽ không ghi nhớ những việc mà anh ta đã làm cho người khác, giống như cây nho cho quả nhưng chẳng bao giờ cần người bán rượu vang báo đáp. Anh ta sẽ không dừng lại để huênh hoang về việc giúp đỡ người khác mà sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tiếp theo, như cây nho tiếp tục ra quả. Do đó, Marcus khuyên chúng ta kiên định thực hiện các bổn phận mà con người được tạo ra để thực hiện. Ông nói rằng chúng ta không nên bị sao nhãng vì bất cứ điều gì khác. Thật vậy, khi thức dậy vào buổi sáng, thay vì lười nhác nằm trên giường, chúng ta nên tự nhủ rằng chúng ta phải dậy để làm công việc chân chính của con người, công việc mà chúng ta được tạo ra để thực hiện.

Có thể thấy rõ là Marcus chống lại quan điểm thực hiện các bổn phận xã hội một cách có chọn lọc. Chẳng hạn, chúng ta không thể cứ thế tránh xa những người phiền toái, mặc dù làm vậy sẽ khiến cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn. Chúng ta cũng không thể đầu hàng những người phiền toái này để tránh xích mích. Thay vào đó, Marcus quả quyết rằng chúng ta nên đương đầu với họ và làm việc vì lợi ích chung. Kỳ thực, chúng ta nên “thể hiện tình yêu thật lòng” với những người mà vận mệnh đã sắp đặt bên cạnh chúng ta.

Cũng thật đáng chú ý khi Marcus đưa ra lời khuyên này. Trong việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, các nhà Khắc kỷ gặp phải những thách thức không giống nhau. Chẳng hạn, một số người thấy khó nhất là ngừng chìm đắm trong quá khứ; số khác thì thấy khó nhất là vượt qua được ham muốn đối với danh vọng và của cải. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của Marcus có lẽ là cảm giác chán ghét nhân loại trong ông.

Quả thực, xuyên suốt cuốn sách Meditations, Marcus tỏ rõ rằng ông không quá xem trọng những người xung quanh mình. Tôi đã trích dẫn lời khuyên của ông là chúng ta nên bắt đầu mỗi ngày bằng cách nhắc nhở bản thân rằng những người mà mình sắp tiếp xúc phiền toái như thế nào – nhắc nhở bản thân về sự vô ơn bạc nghĩa, xấc xược, bất trung, ác tâm và ích kỷ của họ. Theo Marcus, ngay cả với những người hòa hợp với chúng ta nhất, cũng thật khó để ứng phó với họ. Ông nhận xét rằng khi ai đó nói là anh ta muốn hoàn toàn thành thật với chúng ta, thì chúng ta cũng nên đề phòng anh ta giấu dao găm trong tay áo.

Ở đoạn khác, Marcus gợi ý rằng khi chúng ta biết cái chết của mình đang đến gần, chúng ta có thể giảm bớt nỗi khổ của mình khi phải từ giã thế giới này bằng cách dành thời gian để suy ngẫm về tất cả những người phiền toái mà ta sẽ không còn phải ứng phó với họ nữa sau khi chúng ta qua đời. Ông nói, chúng ta cũng nên suy ngẫm về sự thật rằng khi chúng ta chết, nhiều người bạn mà chúng ta từng vất vả đáp ứng nhu cầu của họ sẽ ăn mừng trước cái chết của chúng ta. Sự chán ghét của ông đối với đồng loại được tóm gọn trong câu sau: “Ăn, ngủ, giao hợp, bài tiết, và những thứ tương tự; giống loài gì thế này!”

Điều đáng chú ý là mặc dù có những cảm giác chán ghét này, Marcus không hề quay lưng lại với đồng loại. Chẳng hạn, ông có thể có một cuộc sống dễ dàng hơn nếu giao phó việc triều chính cho thuộc cấp hoặc buông xuôi mọi sự, nhưng ý thức trách nhiệm của ông đã thắng thế; kỳ thực, ông nổi tiếng vì “luôn làm tròn trách nhiệm to lớn của mình với lòng nhiệt thành bền bỉ”. Và trong suốt thời gian đó, ông không chỉ nỗ lực để thiết lập và duy trì mối quan hệ với người khác mà còn để thực sự yêu thương họ.

Tất nhiên, độc giả thời nay sẽ không hiểu bằng cách nào mà Marcus có thể làm được kỳ tích này, làm thế nào mà ông có thể vượt qua cảm giác chán ghét đối với những người xung quanh và làm việc vì lợi ích của họ. Một phần lý do chúng ta kinh ngạc trước thành tựu của Marcus là bởi chúng ta có quan niệm về bổn phận khác với ông. Thứ thúc đẩy phần lớn chúng ta thực hiện bổn phận của mình là nỗi sợ rằng chúng ta sẽ bị trừng phạt – có thể là bởi Thượng đế, chính phủ hoặc sếp của chúng ta – nếu chúng ta không làm. Thế nhưng, Marcus thực hiện bổn phận của ông không phải là do lo sợ bị trừng phạt mà là vì viễn cảnh về một phần thưởng.

Phần thưởng này không phải là lời cảm ơn của những người mà chúng ta giúp đỡ; Marcus nói rằng ông không mong đợi nhận được lời cảm ơn cho những việc mình làm. Ông cũng không cần được người khác ngưỡng mộ hoặc đồng cảm. Trái lại, theo Marcus, phần thưởng cho việc thực hiện bổn phận xã hội là một thứ còn tuyệt vời hơn cả những lời cảm ơn, sự ngưỡng mộ hay đồng cảm.

Marcus tin rằng các vị thần tạo ra chúng ta với một số chức năng nhất định. Ông cũng tin rằng khi tạo ra chúng ta, các vị thần đã đảm bảo rằng nếu hoàn thành chức năng này, chúng ta sẽ trải nghiệm được sự bình thản và có cảm giác thích thú với mọi thứ. Quả thật, nếu làm những việc mà mình được sinh ra để làm, theo Marcus, chúng ta sẽ tận hưởng “niềm vui thực sự của một con người”. Nhưng như chúng ta đã biết, một thành phần quan trọng trong chức năng của con người là làm việc cùng và vì đồng loại. Do đó, Marcus kết luận rằng việc thực hiện bổn phận xã hội của mình sẽ cho ông cơ hội tốt nhất để có được một cuộc sống tốt đẹp. Với Marcus, đây là phần thưởng khi một người thực hiện bổn phận của mình: một cuộc sống tốt đẹp.

Tôi nhận ra rằng đối với nhiều độc giả, lý lẽ này sẽ không thuyết phục. Họ sẽ khăng khăng rằng bổn phận là kẻ thù của hạnh phúc và do đó, cách tốt nhất để có được một cuộc sống tốt đẹp là tránh xa mọi bổn phận: Thay vì dành cả đời để làm những việc cần phải làm, chúng ta nên dành thời gian đó để làm những việc mình muốn làm. Đến chương 19, tôi sẽ quay lại bàn về vấn đề trên. Còn bây giờ, tôi chỉ xin nói điều này: Trong suốt hàng thiên niên kỷ qua và tại khắp các nền văn hóa, những người suy xét kỹ lưỡng về chủ đề ham muốn đã rút ra kết luận rằng, việc dành những tháng ngày đời mình để có được bất kể điều gì mà chúng ta nghĩ là bản thân mong muốn khó lòng mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc hay sự bình thản.

>>> Quay lại trang: Mục lục

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments