Tốt hơn 1% mỗi ngày: Cải thiện bản thân bằng phương pháp Kaizen

Ngày đó rồi sẽ xảy ra với tất cả chúng ta.

Ngày mà mày tìm đến chúa, ngày mà mày quyết định thay đổi cuộc đời. Có thể mày cần giảm vài Kg (hoặc hơn thế nữa), trả hết nợ, hoặc ngưng lãng phí thời gian trên internet.

Và sau đó, mày bắt đầu lập kế hoạch.

Mày chồm lấy quyển nhật kí, lập ra một chiến lược táo bạo về cách mà mày sẽ hoàn thành các nhiệm vụ thay đổi bản thân. Mày đặt ra một mục tiêu lớn, khó nhằn tuân theo các tiêu chí S.M.A.R.T(https://en.wikipedia.org/wiki/SMART_criteria), thậm chí mày còn đưa ra một deadline rõ ràng cụ thể. Mày tải đủ các ứng dụng, mua đủ thứ đồ đạc giúp mày hoàn thành mục tiêu đó.

Mày nhìn thấy một viễn cảnh tươi đẹp phía trước, nó mang theo niềm tin rằng cuộc đời mày sẽ bước sang một trang mới, và quả nhiên, những ngày đầu thực sự rất tuyệt. “lần này”, mày tự nhủ, “lần này sẽ khác mấy lần trước”.

Nhưng sau đó…

Mày trải qua một ngày dài làm việc, mày không còn đủ sức đi đến phòng gym nữa, và thật ngạc nhiên, mày cảm thấy ăn một chiếc pizza vào ngay lúc này sẽ giúp mày cảm thấy tốt hơn là đi tập.

Hoặc một khoản chi phí bất ngờ phát sinh và tài khoản ngân hàng của mày lại lâm vào tình trạng báo động.

Hoặc mày cảm thấy mọi thứ đang tiến triển rất tốt cho nên lướt web vài phút cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều?

Và chỉ trong vòng vài ngày, tham vọng thay đổi bản thân cháy bỏng của mày bị dập tắt. Thế còn cái chiến lược táo bạo của mày thì sao? Mày thậm chí còn không thèm nhìn vào nó thêm một lần nào nữa vì cái mục tiêu giảm cân và ghi nhật kí mỗi ngày của mày bị dập tắt không đúng thời điểm nên mày chán không muốn làm nữa.

Và mày lại trở về vạch xuất phát ban đầu, mà thậm chí mày còn tệ hơn lúc trước cơ. Vì bây giờ mày không còn là một thằng béo phì, nợ nần chồng chất, làm việc dễ bị phân tán như lúc trước nữa. Bây giờ mày khác rồi, mày là một thằng béo phì, nợ nần chồng chất, làm việc dễ bị phân tán và thất bại trong việc thay đổi bản thân mày, nỗi đau của sự thất bại khiến mày cảm thấy như mày bị đấm một cú chí mạng vào ruột gan phèo phổi.

Nhưng mọi vết thương rồi cũng sẽ lành, và thiên nhiên – dù tốt hay xấu – đều phù hộ mày và mang đi những kí ức đau thương, cho nên mày sẽ quên mất mày đã từng cảm thấy tồi tệ như thế nào khi mày thất bại trong việc thay đổi bản thân.

Vì vậy, sáu tháng sau, cảm giác ngứa ngáy muốn thay đổi bản thân của mày lại quay trở lại và toàn bộ kịch bản lại diễn ra, giống như phim Groundhog Day nhưng mà là phiên bản Nghĩ Giàu và Làm Giàu.

Thoát ra khỏi cái tàu lượn siêu tốc mang tên phát triển bản thân đi!

Việc phát triển bản thân của bọn mày thường giống như một đoàn tàu lượn siêu tốc ấy, lúc lên lúc xuống. Nhưng khi mà mày phi thẳng từ trên đỉnh đồi xuống đến tận mặt đất tới lần thứ 20 thì việc mày nôn mửa là điều không thể tránh khỏi. Mày tự nguyền rủa, mày thấy kinh tởm bản thân mày, nhưng mày lại tiếp tục mua vé để chơi tiếp.

Vậy tại sao khi mày cố gắng trở nên tốt hơn thì con đường ấy lại không bằng phẳng một tí nào, tại sao nó lại có lúc lên lúc xuống , tại sao nó thường kết thúc trong thất bại? Sau đây là một vài nguyên nhân:

Tập trung vào mục tiêu quá lớn khiến mày bị choáng ngợp và nó dẫn đến việc mày không bắt tay vào thực hiện nó:

Ở trong lĩnh vực phát triển bản thân thì chúng nó tin rằng mày phải đặt ra một mục tiêu thật lớn, tạo ra một đế chế của riêng mày. Mày không chỉ muốn làm bá chủ của cuộc đời mày – mày còn muốn làm bá chủ của cả thế giới.

Và rồi mày lên một kế hoạch để vượt qua 99% lũ ngu ngoài kia, mày phải đứng trong tầng lớp tinh anh, mày phải đứng trong nhóm 1% ấy – không nhất thiết phải là người giàu nhất, mà là có thể ở trong lĩnh vực khác. Chẳng hạn như là huấn luyện viên giỏi nhất, người độc lập tài chính nhất,  người có nhiều bức ảnh nhất về thành phố cổ đại Machu Picchu trên instagram.

Nhưng cuối cùng thì mục tiêu của mày quá to lớn, nó đè bẹp mày, khiến mày không thể bắt tay vào hành động. Cái mà ngày nay chúng mày gọi là “Stress”, gọi là “sự căng thẳng” ấy, lẽ ra nó nên được gọi là “sự hoảng sợ” bởi vì phản ứng sinh lý của mày là như nhau ở cả hai trạng thái này. Cái mục tiêu to lớn và táo bạo ấy, đối với bộ não của mày, nó giống như một con hổ nanh kiếm đang rình rập chúng mày trong rừng vậy. Và việc trả hết khoản nợ 100 ngàn đô la tiền học phí dường như là bất khả thi đối với mày, nó khiến mày hoảng sợ thực sự. Khi mà bộ não của mày cảm nhận được sự sợ hãi,  hạch hạnh nhân cổ xưa khiến mày rơi vào trạng thái “đánh – bỏ chạy – sợ đứng hình”. Và mày chọn cách hành xử như cách mà một con hươu húc đầu vào đèn pha ô tô.

Những mục tiêu to lớn có thể khiến mày cảm thấy nó thật vĩ đại. Nhưng mục tiêu to lớn của mày cũng như những thứ vĩ đại khác – con sư tử, hố đen, hẻm núi Grand Canyon – những thứ ấy cũng có thể nuốt chửng mày.

Mày nghĩ rằng sẽ có viên đạn thần kì cứu lấy mày. Bây giờ hãy cứ coi như là mày vượt qua được nỗi sợ hãi đó và bắt tay vào theo đuổi mục tiêu đi, nhưng không, thay vì bắt tay vào làm những việc nhàm chán, khổ sở, đã được kiểm chứng rằng qua thời gian chúng sẽ mang lại kết quả thì mày lại BẮT ĐẦU ĐI TÌM HACK! Mày không muốn làm nhưng vẫn muốn có ăn. Mày muốn có viên đạn thần kì đó, viên đạn giúp mày bắn chúng con mồi chỉ với một phát súng.

Cái nguy hiểm thứ nhất của việc đi tìm viên đạn đó là mày dành quá nhiều thời gian đi tìm nó, thay vì dành thời gian để hoàn thành những việc mày cần làm. Mày đọc vô số các bài viết trên những blogs giúp tăng năng suất với hy vọng rằng mày sẽ tìm được một thứ giúp mày có năng lực siêu phàm. Mày nghe hết podcast này đến podcast khác của những bọn ngu, thu nhập chính của chúng nó đến từ việc chém gió về cách kiếm tiền online, và mày hy vọng rằng một ngày nào đó mày sẽ nghe được một bí kíp giúp phát huy tối đa tiềm năng kiếm tiền của mày để rồi mày có thể dạy lại cho người khác cách kiếm tiền online.

Cái nguy hiểm thứ hai là mày có cảm giác như mày đang làm được rất nhiều thứ để hoàn thành mục tiêu, nhưng thực ra là không, mày chẳng làm được gì cả. Việc đi săn lùng cái viên đạn thần kì này chính là thủ dâm tinh thần.

Mày dừng làm những thứ đã giúp mày tạo ra kết quả. Được thôi. Hãy coi như là mày không bị choáng ngợp bởi mục tiêu của mày, và mày cũng chẳng màng đến việc đi săn lùng viên đạn thần kì.

Mày cắm đầu vào thực hiện mục tiêu. Tuy chậm nhưng mày dần dần thấy kết quả. Mày giảm được vài Kg, mày trả nợ được vài trăm đô. Mày thiền 20 phút mỗi ngày trong suốt một tuần.

Mày đã có chút thành công!

Nhưng mày nên tự an ủi bản thân mày đi là vừa, và mày nên nghe theo lời cảnh báo của Napoleon: “Nguy hiểm lớn nhất xảy ra vào thời khắc của sự chiến thắng.”

Đa số bọn mày coi việc cải thiện bản thân như một cuộc hành trình có đích đến. Bọn mày nghĩ rằng một khi đã đạt được mục tiêu, mày coi như đã hoàn thành nhiệm vụ và mày chủ quan. Cho nên khi chúng mày có được một chút kết quả, cuộc sống có chút thay đổi thì chúng mày lại bắt đầu dừng làm những việc mà đã giúp mày có được những thành tựu đó. Và kết quả ra sao? chúng mày lại bắt đầu bị thụt lùi.

Tao đã rơi vào cái bẫy này khi tao đang cố gắng chữa căn bệnh trầm cảm của bản thân. Tao đã làm một số thứ như dắt chó đi dạo mỗi ngày, thiền, viết nhật kí, ra ngoài nhiều hơn. Qua thời gian, tao dần cảm thấy tốt hơn và tao bắt đầu nghĩ ” Ô, tao vượt được qua khoảng thời gian khó khăn này rồi, tao khỏi rồi này, hahahaha”. Và rồi tao từ bỏ, tao dừng làm những thứ đã giúp tao cảm thấy tốt hơn. Và đương nhiên, mọi thứ lại trở về như cũ.

Phát triển bản thân không phải là một hành trình có đích đến. Hành trình này không bao giờ là kết thúc cả. Ngay cả khi mày đã có được một chút kết quả, nếu mày không muốn nó biến mất, mày phải tiếp tục làm những thứ đã giúp mày có được nó.

Hiệu ứng Kaizen: Tốt hơn 1% mỗi ngày.

 

“Những nhát rìu nhỏ đốn gục một cây sồi lớn” – Benjamin Franklin

Đã đến lúc mày phải thoát ra khỏi chiếc tàu lượn siêu tốc mang tên phát triển bản thân rồi!

Để thoát ra được khỏi nó, mày phải áp dụng một triết lý giúp mày tạo ra kết quả nhỏ nhưng kéo dài liên tục

Đó chính là Kaizen. Nghe nó có vẻ như một triết lý huyền bí của người Nhật Bản được truyền lại bởi các nhà hiền triết thông thái, râu ria xồm xoàm ở ẩn trong các hang động.

Nhưng sự thật là nó được phát triển trong thời kì suy thoái bởi những thuyết gia quản trị kinh doanh* người Mỹ để xây dựng kho vũ khí dân chủ giúp nước Mĩ dành chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ II. Thay vì khuyên các công ty tạo ra sự thay đổi cấp tiến, quyết liệt đối với cơ sở hạ tầng và tiến trình của công ty thì các thuyết gia này lại khuyên họ hãy tạo ta những sự thay đổi nhỏ nhưng kéo dài liên tục. Chính phủ Hoa Kỳ đã tạo ra một cuốn sổ tay hướng dẫn giúp các công ty đang thực hiện triết lý kinh doanh này thúc giục các giám sát viên nhà máy ” Hãy tìm kiếm hàng trăm điều nhỏ mà công ty có thể cải thiện, đừng cố lập kế hoạch bố trí lại toàn bộ các bộ phận – hoặc tiến hành nâng cấp, mua thêm thiết bị mới. Không có thời gian cho những thứ ấy. Thay vào đó hãy tìm cách cải thiện những trang thiết bị hiện tại.”

*(American business management theorists)

Sau khi nước Mĩ và đồng minh đánh bại phát xít Đức và Nhật bằng các vũ khí được tạo ra từ kế hoạch này, họ đã đem triết lí được áp dụng trong kế hoạch đến với các nhà máy của Nhật Bản, giúp họ dần dần khôi phục nền kinh tế. Và người Nhật đã đặt cho nó cái tên Kaizen.

Trong khi các công ty Nhật Bản áp dụng triết lý Kaizen vào kinh doanh và liên tục tạo ra thành quả thì trong khi đó, các công ty mỹ có vẻ như bị mất trí nhớ đồng loạt cho nên đã quên khuấy đi triết lý này. Thay vào đó, các công ty lại quan tâm đến “đổi mới cấp tiến”. Áp dụng Kaizen, Toyota Nhật Bản tuy chậm mà chắc đã vượt trội các hãng xe hơi của Mỹ trong những năm 1970-1980. Và người Mỹ thấy vậy bèn đi hỏi các công ty Nhật Bản, nhờ họ chỉ dạy cho triết lý kinh doanh do chính người Mỹ đã từng dạy lại cho Nhật Bản. Hài chưa. Xem biểu đồ này là hiểu ngay:

Dù Kaizen được tạo ra là để giúp các doanh nghiệp phát triển, nhưng nó cũng có thể áp dụng được vào đời sống cá nhân. Và nó cũng là liều thuốc giải độc giúp mày thoát khỏi con tàu lượn siêu tốc mang tên phát triển bản thân. 

Thay vì cố gắng hết sức nhảy một bước thật xa, hãy bước từng bước nhỏ mỗi ngày giúp mày tiến gần tới mục tiêu hơn. 

Mỗi ngày, hãy cố gắng tốt hơn hôm qua 1% ở lĩnh vực mà mày muốn thay đổi, đúng vậy, chỉ cần vậy thôi, chỉ 1%. 

Nghe nó có vẻ không nhiều nhưng 1% đó sẽ dần dần gộp lại. Mới đầu, những thay đổi đó nó nhỏ đến mức thậm chí mày nghĩ nó còn đéo tồn tại. Nhưng dần dần, từ từ, chậm rãi và qua thời gian mày sẽ bắt đầu thấy được có sự thay đổi trong cuộc sống của mày. Nó có thể mất hằng tháng trời hay thậm chí là hằng năm trời để mày có thể bắt đầu nhìn thấy kết quả, nhưng kết quả chắc chắn sẽ đến nếu mày kiên trì, bền bỉ, tập trung mỗi ngày đều cố gắng tốt hơn hôm qua 1%. 

Rồi mày sẽ tới một cái điểm mà 1% của mày lúc này nó to bằng 1% của mấy chục ngày đầu cộng lại. Hãy nghĩ thử mà xem: 1% của 1 chỉ là 0.01; 1% của 100 là 1. Có thể bây giờ mày mới chỉ đang đứng ở số 1 và chỉ có thể tạo ra được những thay đổi nhỏ tí ti trong một khoảng thời gian. Nhưng hãy kiên trì. Rồi mày sẽ đến được cái mức 100 đó (và xa hơn). Lúc này, mức mà mày sẽ thay đổi mỗi ngày là 1 thay vì là 0.1 như lúc đầu, kinh khủng chưa. 

Đó là sức mạnh của hiệu ứng tích tiểu thành đại.

Tại sao Kaizen có thể lại mang đến kết quả? 

“Tuy mày chỉ cố gắng một chút mỗi ngày, nhưng những thứ khổng lồ sẽ được tạo ra. Tuy mày chỉ cải thiện một chút điều kiện mỗi ngày, nhưng điều kiện thuận lợi nhất sẽ đến. Không phải ngày mai, cũng không phải ngày kia, nhưng những thứ ấy đang được tạo ra và rồi nó sẽ đến với mày. Đừng thử bước một bước thật to hay cố gắng chạy thật nhanh để rồi kiệt sức và bỏ cuộc. Hãy đi bước nhỏ, chậm rãi, kiên trì mỗi ngày. Đó là cách duy nhất mà những thứ ấy được tạo ra — và khi nó được tạo ra, nó sẽ kéo dài mãi mãi.”

— John Wooden

Triết lý Kaizen là khắc tinh của những lần “lên voi xuống chó” khi phát triển bản thân. Bằng cách hô biến những mục tiêu khổng lồ, choáng chợp thành những mảnh siêu nhỏ, rời rạc, triết lí này khích lệ mày bắt tay vào hành động. Những thành công nhỏ mày đạt được từ những bước đi tí hon sẽ khích lệ mày bước tiếp và nó bắt đầu tạo ra lực quán tính, cứ thế, cứ thế bước tiếp không dừng lại. Và từ những bước đi tí hon ấy, nó sẽ dẫn mày đến thành công khổng lồ. 

Và thêm nữa là, khi thực hành triết lý Kaizen, mày biết rằng sẽ không có một viên đạn thần kỳ nào giúp mày đột ngột thay đổi mọi thứ trong tức khắc. Thành công đến từ những thay đổi nhỏ, liên tục. Thay vì lãng phí thời gian đi tìm “một thứ” mà giúp thay đổi mọi thứ, Kaizen bình tĩnh điều hướng sự chú ý của mày tới những nhiệm vụ mà mày cần phải làm và đưa ra lời nhắc này: “Mày đã biết mày cần phải làm gì. Hãy thực hiện nó và đi tìm những thứ nhỏ mà mày có thể cải thiện trong suốt quãng đường còn lại đi”.

Kaizen không phải là cách tiếp cận cuộc sống theo kiểu “one shot one kill”. Nó là một quá trình của những sự cải thiện liên tục. Mày sẽ không bao giờ “bộc phát” với Kaizen, do đó, sự cám dỗ về việc mày đã dành được vinh quang khi mày cảm thấy có chút tiến bộ sẽ giảm đi. Triết lý Kaizen văng vẳng trong đầu mày rằng mọi sự tiến bộ phải luôn luôn được duy trì nếu mày không muốn đánh mất những thành tựu mày đã đạt được. Như Rory Vaden đã từng nói: “Thành công không phải là thứ mà mày có thể sở hữu, đó là thứ để cho thuê, và nó được gia hạn theo ngày”. 

Bắt đầu áp dụng triết lý Kaizen vào cuộc sống của mày như thế nào?

Mỗi sáng thức dậy, hãy tự hỏi bản thân mày rằng: Điều nhỏ nhất mà tôi có thể làm để cải thiện bản thân là gì? 

Sau đó, hãy bước một bước nhỏ thôi. Thật nhỏ thôi, kiểu như: 

  • Muốn tạo ra thói quen tập thể thao? Hãy chống đẩy 1 cái mỗi ngày ngay sau khi mày ra khỏi giường, ngày hôm sau, thêm một cái, và cứ thế như vậy. Sau hai tháng, mày sẽ chống đẩy 60 cái mỗi ngày. Và sau một năm, mày có thể one hit được như one punch man. 
  • Muốn tạo ra một thói quen vào buổi sáng và tối? Hãy bắt đầu với buổi tối trước đi. Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy tập trung trong vòng 10 phút. Lên kế hoạch mày sẽ làm những gì trong 10 phút đó — nó có thể đơn giản như là: đánh răng 2 phút, xỉa răng 1 phút, đọc sách 7 phút — và hãy biến nó thành thói quen. Mỗi ngày đều tăng thêm một chút thời gian thành 15, 20 phút và làm thêm những việc khác cho đến khi mày đạt được mục tiêu (nhưng phải nhớ duy trì chứ không phải xong là thôi đâu, không thì cũng vứt). Và làm điều tương tự với buổi sáng.
  • Muốn tạo thói quen viết nhật ký mỗi ngày? Đừng đặt ra mục tiêu phải viết 1 trang mỗi ngày vội, mày nên bắt đầu viết 1 phút mỗi ngày thôi. Chỉ vậy thôi. Có thể mày chỉ viết được 1-2 dòng, kệ đi, đéo sao cả. Ngày tiếp theo, viết thêm 1 phút. Trong 1 tháng, mày đã có thể ngồi viết nhật ký trong 30 phút rồi, nếu đó là điều mà mày thật sự muốn làm. 
  • Muốn tập thiền? Hãy bắt đầu thiền 1 phút mỗi ngày. 
  • Muốn giảm cân? Hãy ăn vặt ít đi một chút và giảm dần.

Mày hiểu bản chất rồi chứ? Hãy bước những bước đi nhỏ nhất có thể, nó sẽ giúp mày từng bước đạt được mục tiêu. Thậm chí mày có thể bước những bước nhỏ hơn, nhưng không được dừng lại. 

Khi mày muốn đạt được 1 mục tiêu lớn, mọi người thường khuyên mày tập trung vào 1 thứ thôi. Nhưng với Kaizen, mày có thể thực hiện vài mục tiêu cùng lúc.

Mày chỉ cần cố gắng tốt hơn hôm qua 1% thôi. Làm những thứ nhỏ nhặt và tăng cường độ lên dần dần. Tránh tuyệt đối những cám dỗ khiến mày mất kiên nhẫn, vội vã, dùng hết sức để chạy những bước thật to về phía mục tiêu. Đừng làm vậy, hãy làm từ từ thôi, vững chắc, kiên trì. 

Chỉ đơn giản là mỗi ngày mày đều cố gắng tốt hơn hôm qua 1 chút.

Đúng vậy, thành quả sẽ từng bước mà phát triển. Có những lúc, mày thậm chí không thấy nổi sự tiến bộ của mày và mày sẽ bị cám dỗ rằng bỏ cuộc đi, làm việc khác đi. Nhưng với Kaizen, thần thời gian là đồng minh của mày. Để phát triển bản thân, mày phải chơi đường dài — mày phải rèn luyện cái mà đô vật huyền thoại Dan Gable gọi là “patience of change — kiên nhẫn thay đổi”.

Như ông bạn Mark Rippetoe của tao đã từng nói, “hãy cứ làm theo kế hoạch đi” ( nguyên gốc là “just do the program” — program ở đây ý chỉ là chương trình tập luyện trong môn thể hình nhưng tao dịch là kế hoạch nghe cho nó thuận tai ) 

Một khi mày đã đạt được mục tiêu, hãy lên kế hoạch duy trì nó suốt quãng đời còn lại. 

Giảm đủ cân rồi? Mày phải duy trì chế độ ăn lành mạnh, vô thời hạn. Mày đã đạt được mục tiêu đọc sách 30 phút mỗi ngày? Duy trì nó, sau vài năm mày sẽ đọc hết cả cái thư viện. 

Phát triển bản thân không phải là một hành trình có đích đến. Nó là một quá trình. Giống việc cạo râu ấy, hôm nay mày cạo mai nó lại mọc, mày phải tiếp tục cạo nếu không râu của mày sẽ dài đến hai hòn dái. Quá trình này sẽ không bao giờ kết thúc. 

Quên cái suy nghĩ rằng một ngày tự dưng mày sẽ đổi đời đi, đéo có đâu. Thay vì tập trung vào kết quả của sự nỗ lực, mày nên tập trung vào quá trình. Tận hưởng niềm vui của cả quá trình ấy. 

Và mày phải nhớ, nếu mày không muốn bị vụt mất những thành quả mày đã đạt được, mày phải duy trì làm những việc đã giúp mày đạt được những thành quả ấy. Đừng ngủ quên trên chiến thắng mà để chiếc xe của mày mất lái lao xuống vực như con tàu lượn siêu tốc thảm hại kia. 

Vậy những lúc mày bị thụt lùi thì sao? 

Chắc chắn, sẽ lúc mày bị thụt lùi. Sẽ có ngày mày tệ hơn 1%. Đéo sao, chuyện nhỏ như con thỏ. Chỉ tệ hơn có 1% thôi mà. Quên nó đi và tập trung vào ngày hôm nay. Đứng dậy đi tiếp, tiếp tục cố gắng tốt hơn hôm qua 1%. 

Mày có thể thay đổi.

Mày có thể trở nên tốt hơn.

Chỉ cần thời gian và sự kiên trì.

Bởi những nhát rìu nhỏ, mày đốn ngã cây sồi lớn.

—-Dang Truong

Nguồn: https://www.artofmanliness.com/articles/get-1-better-every-day-the-kaizen-way-to-self-improvement/

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments