Sách: Chủ nghĩa khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản | Part 21

21- Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ

Tôi sẽ khép lại cuốn sách này bằng việc chia sẻ một số hiểu biết mà tôi đã đạt được trong quá trình thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Cụ thể, tôi sẽ đưa ra lời khuyên về cách mà những cá nhân muốn thử thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ như một triết lý sống của họ có thể thu được lợi ích tối đa từ phép thử này với nỗ lực và sự thất vọng ít nhất có thể. Tôi cũng sẽ mô tả một số điều bất ngờ cũng như niềm vui đang chờ đợi những ai muốn trở thành người Khắc kỷ.

Lời khuyên đầu tiên của tôi dành cho những ai muốn thử làm theo chủ nghĩa Khắc kỷ là thực tập cái mà tôi gọi là chủ nghĩa Khắc kỷ trầm lặng: Tôi nghĩ bạn sẽ làm tốt nếu giữ bí mật chuyện bạn đạng thực hành Khắc kỷ. (Đây có lẽ là chiến lược của riêng tôi, có thể tôi đã dùng chiến thuật này nếu tôi không có duyên trở thành một giảng viên về chủ nghĩa Khắc kỷ.) Bằng cách thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ trầm lặng, bạn có thể đạt được những lợi ích của nó đồng thời tránh được một cái giá phải trả khá lớn: sự trêu chọc và chế giễu của bạn bè, người thân, hàng xóm và đồng nghiệp của bạn.

Tôi xin nói thêm rằng, khá dễ để thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ một cách lặng lẽ: Chẳng hạn, bạn có thể tham gia vào tưởng tượng tiêu cực mà không cần phải trở nên uyên thâm hơn. Nếu chuyện thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ của bạn đạt thành tựu, thì bạn bè, người thân, hàng xóm và đồng nghiệp của bạn có thể nhận thấy một sự khác biệt ở bạn – một sự thay đổi tốt hơn – nhưng họ có lẽ sẽ bị thôi thúc muốn đi tìm lời giải đáp cho sự thay đổi. Nếu họ tìm gặp bạn, với vẻ mặt khó hiểu, và hỏi bí mật của bạn là gì, bạn có thể chọn tiết lộ sự thật đen tối cho họ biết: rằng bạn là một người Khắc kỷ trầm lặng.

Lời khuyên tiếp theo của tôi dành cho những ai muốn trở thành người Khắc kỷ là đừng cố gắng để thành thạo tất cả các kỹ thuật Khắc kỷ cùng một lúc mà hãy bắt đầu với một kỹ thuật và khi đã thành thạo nó thì mới chuyển sang kỹ thuật khác. Và theo tôi, một kỹ thuật tốt để bắt đầu thực hành là tưởng tượng tiêu cực. Vào những lúc rảnh rỗi trong ngày, hãy cố gắng suy ngẫm về sự ra đi của bất cứ thứ gì mà bạn coi trọng trong cuộc đời. Kiểu trầm tư mặc tưởng này có thể tạo ra một sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách nhìn của bạn về cuộc sống. Nó có thể khiến bạn nhận ra, dù chỉ là trong thoáng chốc, bạn may mắn biết nhường nào – bạn phải biết ơn biết bao nhiêu thứ, gần như bất kể hoàn cảnh sống của bạn ra sao.

Theo kinh nghiệm của tôi, tập tưởng tượng tiêu cực hằng ngày cũng giống như thêm muối vào thức ăn. Một đầu bếp chỉ cần đầu tư một lượng thời gian, năng lượng và tài năng ít ỏi để thêm muối vào thức ăn, dẫn đến hương vị của hầu hết món ăn mà anh ấy thêm muối vào sẽ đậm đà, thơm ngon hơn. Cũng giống như vậy, mặc dù thực hành tưởng tượng tiêu cực đòi hỏi khoảng thời gian, năng lượng và tài năng chẳng đáng là bao, những ai thực hành nó sẽ thấy khả năng thưởng thức cuộc sống của họ tăng lên đáng kể. Bạn có thể thấy mình, sau khi tưởng tượng tiêu cực, chấp nhận chính cuộc đời này, mà chỉ ít lâu trước đó bạn đã phàn nàn rằng cuộc đời này không đáng sống.

Có một điều mà tôi đã khám phá ra trong việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, đó là ta dễ dàng quên thực hành tưởng tượng tiêu cực và hệ quả là không làm liên tục trong suốt nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần. Tôi nghĩ mình biết lý do tại sao điều này xảy ra. Bằng cách thực hiện tưởng tượng tiêu cực, chúng ta làm tăng sự thỏa mãn với hoàn cảnh sống của ta, nhưng để đạt được cảm giác thỏa mãn này, điều tự nhiên cần làm chỉ đơn giản là tận hưởng cuộc sống.

Quả thật, rõ ràng là thật bất thường khi một người nào đó đang thỏa mãn với cuộc sống lại dành thời gian nghĩ về những chuyện tồi tệ có thể xảy ra. Tuy nhiên, các nhà Khắc kỷ sẽ nhắc chúng ta rằng tưởng tượng tiêu cực, bên cạnh việc khiến chúng ta cảm kích sâu sắc đối với những thứ ta có, có thể giúp chúng ta tránh bám chấp vào những thứ mà ta trân quý. Hệ quả là, thực hành tưởng tượng tiêu cực trong những thời kỳ hạnh phúc cũng quan trọng như những thời kỳ khó khăn.

Tôi đã cố gắng biến việc tưởng tượng tiêu cực mỗi tối trước khi đi ngủ thành thói quen của mình, như một phần của bài tập “suy tưởng trước giờ đi ngủ” được mô tả trong Chương 8, nhưng cuộc thử nghiệm này đã thất bại. Vấn đề của tôi là tôi có xu hướng ngủ rất nhanh ngay sau khi ngả lưng xuống giường; đơn giản là tôi không có thời gian để mà tưởng tượng. Thay vào đó tôi tập lấy thói quen tưởng tượng tiêu cực (và nhìn chung để đánh giá sự tiến bộ của tôi như một người Khắc kỷ) trong khi lái xe đi làm. Bằng cách này, tôi đã biến khoảng thời gian nhàn rỗi thành khoảng thời gian có ích, được sử dụng một cách đích đáng.

Sau khi thành thạo về tưởng tượng tiêu cực, một người mới tập Khắc kỷ nên tiến tới trở thành người thành thạo trong việc ứng dụng sự tam phân quyền kiểm soát, được mô tả trong chương 5. Theo các nhà Khắc kỷ, chúng ta nên tiến hành phân loại, trong đó phân biệt giữa những thứ ta không thể kiểm soát, những thứ mà ta có toàn quyền kiểm soát, và những điều mà chúng ta chỉ có chút quyền kiểm soát chứ không thể kiểm soát hoàn toàn; và khi phân biệt điều này, chúng ta nên tập trung chú ý đến hai loại sau. Cụ thể là, chúng ta sẽ lãng phí thời gian và khiến mình lo lắng không cần thiết nếu cứ bận tâm đến những việc mà ta không thể kiểm soát.

Nhân đây, tôi cũng khám phá ra rằng, việc áp dụng phép tam phân quyền kiểm soát, bên cạnh việc giúp tôi quản lý những nỗi lo lắng của mình, nó còn là một kỹ thuật hiệu quả để xoa dịu những nỗi lo lắng của những người không theo phái Khắc kỷ xung quanh tôi, mà những lo lắng của họ có thể phá vỡ sự bình thản của tôi. Khi người thân và bạn bè chia sẻ với tôi về những nguồn cơn gây phiền muộn, lo lắng trong cuộc sống của họ, hóa ra những thứ họ lo lắng thường lại nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Phản ứng của tôi trước những trường hợp như vậy là chỉ cho họ thấy điều này: “Anh có thể làm được gì trong tình huống này? Không có gì cả! Vậy thì tại sao anh vẫn cứ lo lắng về chuyện đó? Nó nằm ngoài tầm tay của anh, vậy nên đừng phí công lo lắng.” (Và nếu tôi đang có hứng thú, tôi sẽ đưa thêm một trích dẫn từ Marcus Aurelius sau lời nhận xét cuối cùng này: “Đừng làm những việc vô nghĩa.”) Điều thú vị là mặc dù một số người được mô tả là kiểu người dễ lo lắng, nhưng khi tôi thử áp dụng điều này, phản ứng của họ trước lôgic của phép tam phân quyền kiểm soát gần như luôn luôn là: Nỗi lo của họ bị xua tan, dù là chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Là người mới làm quen với chủ nghĩa Khắc kỷ, bạn sẽ muốn, là một phần của việc trở nên thông thạo trong việc áp dụng phép tam phân quyền kiểm soát, để thực hành nội tại hóa những mục tiêu của bạn. Chẳng hạn, thay vì đặt mục tiêu giành chiến thắng trong một trận tennis, bạn hãy coi việc chuẩn bị cho trận đấu một cách tốt nhất có thể và cố gắng hết sức trong trận đấu là mục tiêu của mình. Bằng cách thường xuyên nội tại hóa các mục tiêu, bạn có thể giảm thiểu (nhưng có lẽ không thể xóa bỏ được hẳn) một nguồn cơn gây ra nhiều đau khổ trong cuộc sống của bạn: cảm giác không đạt được một số mục tiêu.

Trong việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, bạn cũng sẽ muốn kết hợp áp dụng phép tam phân quyền kiểm soát với việc trở thành một người tin vào thuyết định mệnh về quá khứ và hiện tại – chứ không phải tương lai. Mặc dù bạn sẽ sẵn sàng nghĩ về quá khứ và hiện tại để học hỏi những thứ có thể giúp bạn ứng phó tốt hơn với những chướng ngại cản trở sự bình thản của bạn trong tương lai, nhưng bạn sẽ từ chối dành thời gian cho mấy cái suy nghĩ “giá mà, phải chi” về quá khứ và hiện tại. Bạn sẽ nhận ra rằng vì quá khứ và hiện tại không thể thay đổi, cho nên thật vô nghĩa khi ta cứ ước chúng khác đi. Bạn sẽ cố gắng hết sức để chấp nhận quá khứ, bất kể nó như nào, và cố hết sức để đón nhận hiện tại, bất kể nó có ra sao.

Như chúng ta thấy, người khác là kẻ thù trong cuộc chiến giành sự bình thản của chúng ta. Chính bởi lý do này mà các triết gia Khắc kỷ đã dành thời gian để phát triển các chiến lược ứng phó với kẻ thù này và đặc biệt là những chiến lược để ứng phó với những lời lăng mạ từ phía những người mà chúng ta kết giao. Một trong những tiến bộ thú vị nhất trong việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ của tôi là tôi đã thay đổi từ một người khiếp sợ trước những lời sỉ nhục, lăng mạ thành một chuyên gia sành sỏi về lĩnh vực lăng mạ. Một lý do là, tôi trở thành một nhà sưu tập những lời lăng mạ. Tôi đã phân tích và phân loại những lời lăng mạ. Thứ hai, tôi mong đợi bị người ta xúc phạm vì nó cho phép tôi có cơ hội để thành thạo trong “trò chơi lăng mạ” của mình. Tôi biết điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng một hệ quả của việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ là người ta sẽ tìm kiếm các cơ hội để áp dụng các kỹ thuật Khắc kỷ vào cuộc sống. Tôi sẽ bàn nhiều hơn về hiện tượng này dưới đây.

Một trong những điều khiến cho chúng ta khó ứng phó với những lời lăng mạ là chúng thường xảy ra một cách bất ngờ. Bạn đang nhẹ nhàng nói chuyện với một người và – bùm! – anh ta nói câu gì đó, mặc dù nó có thể không có ý xúc phạm, nhưng lại dễ gây hiểu nhầm. Chẳng hạn, gần đây khi tôi đang nói chuyện với một đồng nghiệp về cuốn sách mà anh ấy đang viết. Anh ta nói rằng trong cuốn sách này, anh ta sẽ bình luận về một số tài liệu chính trị mà tôi đã xuất bản. Tôi rất vui vì anh ấy biết đến công trình của mình và sẽ đề cập về nó, nhưng sau đó anh ta lại buông ra lời phê phán: “Tôi đang cố đưa ra quyết định,” anh ta nói, “liệu, để đáp lại những điều ông đã viết, tôi có nên mô tả ông là kẻ xấu xa hay chỉ đơn giản là kẻ ấu trĩ không.”

Hãy hiểu rằng những nhận xét kiểu đó không hiếm thấy ở giới học giả. Chúng tôi là những kẻ thích gây sự một cách đáng thương. Chúng tôi muốn người khác không chỉ biết đến công việc, tác phẩm, công trình của mình mà còn phải ngưỡng mộ nó và, hơn thế nữa là làm theo những kết luận mà chúng tôi đã rút ra. Vấn đề là các đồng nghiệp cũng đang kiếm tìm sự ngưỡng mộ và tôn trọng đó. Và kết quả là, phải luôn có những sự mâu thuẫn ở mọi giảng đường, giới học giả thường xuyên tham gia vào mấy trò công kích nhau. Những lời chỉ trích mỉa mai là điều bình thường cũ rích, còn những lời xúc phạm thì đầy rẫy.

Vào cái thời mà tôi còn chưa biết đến chủ nghĩa Khắc kỷ, tôi sẽ cảm nhận được cảm giác đau nhói của lời châm chọc này và có thể sẽ nổi giận. Tôi sẽ quyết liệt bảo vệ công trình của mình và sẽ cố gắng hết sức để tung đòn đáp trả. Nhưng vào chính ngày hôm đó, do bị thu phục bởi các nhà Khắc kỷ, tôi đã khôn ngoan đáp trả lời lăng mạ này đúng theo nguyên tắc của phái Khắc kỷ, cùng với óc hài hước tự cười cợt chính mình: “Tại sao anh lại không tả luôn rằng tôi là kẻ vừa xấu xa và ấu trĩ nhỉ?” Tôi hỏi.

Tự cười vào chính mình đã trở thành cách đáp trả thông thường của tôi trước những lời lăng mạ. Khi ai đó chỉ trích tôi, tôi đáp rằng vấn đề thậm chí còn có thể tồi tệ hơn so với anh ta tưởng. Chẳng hạn, nếu có ai đó nói rằng tôi là kẻ lười biếng, tôi sẽ đáp lại rằng việc tôi hoàn thành xong bất cứ việc gì đó là một điều kỳ diệu. Nếu ai đó buộc tội tôi có cái tôi lớn, tôi đáp rằng thường thì phải mất kha khá thời gian tôi mới nhận thức được sự tồn tại của người khác trên hành tinh này. Những lời đáp trả như vậy có vẻ phản tác dụng khi nói ra, theo một nghĩa nào đó thì tôi đang xác nhận những lời chỉ trích của kẻ lăng mạ tôi. Nhưng bằng cách đưa ra những phản hồi như vậy, tôi cho kẻ lăng mạ tôi hiểu rõ rằng tôi đủ tự tin vào bản thân để miễn nhiễm trước mấy lời lăng mạ của anh ta; đối với tôi, chúng chỉ là một chuyện bỡn cợt cho vui mà thôi. Hơn nữa, bằng cách từ chối tham gia trò lăng mạ – bằng cách từ chối ăn miếng trả miếng với kẻ lăng mạ – tôi tỏ thái độ rõ ràng rằng tôi đặt bản thân mình cao hơn hành vi đó. Việc tôi từ chối tham gia trò chơi lăng mạ có thể sẽ gây khó chịu cho kẻ lăng mạ hơn là tấn công lại anh ta.

Nổi giận là một trong những điều tồi tệ nhất chúng ta có thể làm khi người khác chọc tức ta. Rốt cuộc, cơn giận sẽ trở thành một chướng ngại lớn cho sự bình thản của chúng ta. Các nhà Khắc kỷ nhận ra rằng tức giận là thứ đối lập với niềm vui và nó có thể hủy hoại cuộc sống của chúng ta nếu ta cho phép nó muốn làm gì thì làm. Trong quá trình quan sát những cảm xúc của mình, tôi đã chú ý kỹ đến sự tức giận và nhờ đó mà phát hiện được một vài điều về nó.

Trước hết, tôi trở nên ý thức đầy đủ về mức độ tổn tại độc lập của cơn giận bên trong tôi. Nó có thể ngủ yên giống như một con vi rút, nó chỉ tỉnh lại và làm tôi khổ sở những lúc tôi ít ngờ tới nhất. Thí dụ, tôi có thể đang ở lớp tập yoga cố gắng làm đầu óc mình trống rỗng, không suy nghĩ, khi không biết từ đâu, tôi thấy trong lòng trào lên nỗi tức giận về một số chuyện đã xảy ra nhiều năm trước.

Hơn nữa, tôi đã rút ra kết luận rằng Seneca đã sai lầm khi cho rằng việc bộc lộ sự tức giận không mang lại niềm vui nào cả. Đây là vấn đề với sự tức giận: Người ta cảm thấy tốt khi trút giận và cảm thấy khó chịu khi phải kìm nén nó. Quả thật, khi sự tức giận của chúng ta là chính đáng – khi ta tự tin rằng mình đúng và cái người mà ta đang giận là sai trái – thì nổi nóng sẽ cho ta một cảm giác tuyệt vời và cho người sai trái với ta biết rằng ta đang giận họ. Nói cách khác, tức giận cũng giống như bị muỗi đốt: Không gãi ngứa sẽ khiến bạn thấy khó chịu và bạn cảm thấy đã khi gãi. Tất nhiên, vấn đề của bị muỗi đốt là sau khi bạn gãi chỗ ngứa, bạn thường ước rằng mình đừng gãi: Sự ngứa ngáy quay trở lại, ngứa dữ dội hơn, và khi gãi ngứa, chỗ vết muỗi cắn của bạn có thể bị nhiễm trùng. Điều tương tự cũng đúng với cơn giận: Dù bạn thấy đã khi xả giận, nhưng sau đó bạn có thể sẽ hối hận vì làm vậy.

Trút giận (hay tốt hơn, giả vờ tức giận) với mục tiêu nhằm thay đổi hành vi của người khác là một chuyện: Con người chắc chắn phản ứng với sự giận dữ. Thế nhưng, điều tôi khám phá ra là phần lớn cơn giận mà tôi xả ra không thể được giải thích theo lối đó. Thí dụ, khi tôi đang lái xe, thi thoảng tôi cũng tức giận – tôi nghĩ đó là cơn giận chính đáng – trước những người lái xe kém, và đôi lúc tôi còn quát họ. Vì cửa kính của xe tôi và xe họ đều đóng kín nên họ chẳng thể nghe được tôi nói gì và không thể đáp lại sự tức giận của tôi bằng cách không lặp lại hành động này trong tương lai. Cơn giận này dù chính đáng nhưng lại hoàn toàn vô ích. Bằng cách trút giận, tôi chẳng thu được gì ngoài việc làm xáo trộn sự bình thản của chính mình.

Trong những trường hợp khác, dù tôi có lý do chính đáng để giận một người nào đó, nhưng vì hoàn cảnh mà tôi không thể bộc lộ cơn giận trực tiếp với anh ta, vì vậy thay vào đó tôi thấy mình đang nghĩ xấu về anh ta. Một lần nữa, những cảm xúc giận dữ đó thật chẳng đi tới đâu: Chúng khiến tôi khổ sở nhưng không ảnh hưởng gì đến cái người mà tôi giận. Quả thực, có thể những cảm xúc ấy còn đang góp phần vào thiệt hại mà người kia gây ra cho tôi. Thật là lãng phí!

Nhân đây tôi cũng phát hiện ra việc rèn luyện chủ nghĩa Khắc kỷ đã giúp tôi giảm bớt tần suất nổi giận trước những tài xế khác: Tần suất tôi la hét quát tháo có lẽ chỉ còn một phần mười so với khi xưa. Nó cũng giúp tôi giảm số lượng suy nghĩ đen tối về những người có lỗi với tôi từ ngày xưa. Và khi những suy nghĩ đen tối này có nhiễm vào tôi, chúng không còn kéo dài như trước.

Vì cơn giận có những đặc tính này – vì nó có thể nằm im lìm trong chúng ta và bởi vì việc trút giận khiến ta thấy sung sướng – ta sẽ khó mà chế ngự cơn giận, và học cách vượt qua nó là một trong những thách thức lớn nhất mà người thực hành Khắc kỷ phải đối diện. Nhưng có một điều mà tôi phát hiện ra, đó là bạn càng suy nghĩ về cơn giận và hiểu được nó thì bạn càng dễ dàng kiểm soát nó. Tôi tình cờ đọc bài luận của Seneca về sự tức giận trong khi đang ngồi đợi ở phòng khám của bác sỹ. Bác sỹ trễ giờ kinh khủng, khiến tôi phải ngồi đợi trong phòng chờ gần một tiếng. Tôi có quyền nổi giận, và nếu như là tôi trước đây, khi chưa thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, tôi gần như chắc chắn sẽ nổi trận lôi đình. Nhưng bởi vì tôi đã chiêm nghiệm về cơn giận trong suốt một giờ nên tôi thấy mình không thể nào giận nổi.

Tôi cũng nhận thấy việc sử dụng óc hài hước để đối phó với cơn giận cũng khá hữu dụng. Cụ thể là, tôi đã tìm được một phương cách tuyệt vời để tránh nổi giận, đó là tưởng tượng bản thân mình là một nhân vật trong một vở kịch ngớ ngẩn: Vở kịch không cần phải có ý nghĩa, diễn viên trong đó cũng chẳng cần có tài năng, và công lý, nếu có xảy ra, thì cũng chỉ là tình cờ. Thay vì để cho mình nổi giận trước các sự kiện đó, tôi thuyết phục bản thân cười nhạo chúng. Quả thực, tôi cố gắng nghĩ theo cách mà nhà soạn kịch ngớ ngẩn trong tưởng tượng có thể khiến mọi thứ trở nên lố bịch hơn nữa.

Tôi chắc chắn rằng Seneca đã đúng khi ông coi thật nhiều tiếng cười là cách phản hồi chính xác cho những điều khiến ta rơi nước mắt.” Seneca cũng nhận xét rằng “người không bao giờ kìm chế tiếng cười của bản thân thì khôn ngoan hơn những kẻ không kìm chế những giọt nước mắt của anh ta, vì tiếng cười biểu lộ cảm xúc một cách hết sức dịu dàng,” và cho rằng “chẳng có điều gì quan trọng, chẳng có thứ gì là nghiêm túc cũng như khốn khổ, trong cả cuộc đời này.”

Bên cạnh việc khuyên chúng ta tưởng tượng về những chuyện tồi tệ xảy đến với ta, như chúng ta đã thấy, các nhà Khắc kỷ còn khuyên chúng ta gây ra những chuyện tồi tệ do việc thực hiện chương trình tình nguyện chịu khổ của chúng ta. Chẳng hạn Seneca khuyên chúng ta thỉnh thoảng sống như thể ta là người nghèo, và Musonius khuyên chúng ta làm những việc khiến bản thân cảm thấy không thoải mái. Làm theo lời khuyên này đòi hỏi mức độ tự kỷ luật bản thân lớn hơn so với thực hành các kỹ thuật Khắc kỷ khác. Những chương trình tự nguyện chịu khổ do đó phù hợp nhất cho “những người Khắc kỷ cấp cao”.

Tôi đã thử nghiệm chương trình tự nguyên chịu khổ. Tôi không thử đi chân trần như Musonius gợi ý, mà chỉ thử những việc ít khó hơn, chẳng hạn như ăn mặc phong phanh vào thời tiết mùa đông, không bật máy sưởi trong xe ô tô vào mùa đông, và không dùng điều hòa vào mùa hè.

Tôi cũng bắt đầu ghi danh học các lớp yoga. Yoga đã cải thiện sự cân bằng và tính linh hoạt của tôi, nhắc nhở tôi về tầm quan trọng của việc vui chơi và làm tôi ý thức sâu sắc rằng tôi gần như có rất ít quyền kiểm soát đối với những ý nghĩ trong tâm trí tôi. Nhưng bên cạnh việc mang lại những lợi ích này kia cho tôi, yoga còn là một nguồn tuyệt vời mang lại sự khó chịu tự nguyện. Trong lúc tập yoga, tôi vặn mình vào những tư thế không thoải mái hoặc có lúc đến gần với sự đau đớn. Chẳng hạn, tôi sẽ bẻ cong chân cho đến khi chúng gần chuột rút và sau đó thả lỏng ra một chút. Giáo viên yoga của tôi chưa từng nói về sự đau đớn; thay vào đó, cô ấy nói về những tư thế làm phát sinh “quá nhiều cảm giác.” Cô ấy dạy tôi cách “hít vào” vị trí bị tổn thương, mà tất nhiên điều này là bất khả thi về mặt sinh lý nếu những gì tôi đang trải nghiệm là chuột rút ở chân chẳng hạn. Ấy thế nhưng kỹ thuật này lại rất hiệu quả.

Một nguồn gây khó chịu khác – và phải thừa nhận nó cũng là một nguồn đem lại niềm vui và sự giải trí cho tôi – là chèo thuyền. Ít lâu sau khi tôi bắt đầu thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, tôi học chèo thuyền đua và kể từ đó bắt đầu tham gia cuộc đua thuyền. Những tay chèo thuyền chúng tôi phải tiếp xúc với sự nóng, ẩm vào mùa hè và gió, lạnh, thậm chí cả tuyết vào mùa xuân và thu. Thỉnh thoảng chúng tôi bị nước bắn tung tóe. Chúng tôi còn bị phồng giộp và chai da. (Gọt giũa mấy vết chai da là một hoạt động yêu thích của những tay chèo thuyền nghiêm túc.)

Bên cạnh việc là nguồn cơn gây ra sự khó chịu về thể chất, chèo thuyền còn gây ra sự không thoải mái về tâm lý. Cụ thể là, chèo thuyền mang đến cho tôi một danh sách những nỗi sợ hãi mà tôi phải vượt qua. Chiếc thuyền mà tôi chèo khá là bấp bênh; quả thật, nếu được tạo cơ hội, họ sẽ vui mừng mà ném một tay chèo thuyền xuống nước. Tôi phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua nỗi sợ bị lật thuyền (bằng cách vẫn sống sót qua ba vụ lật thuyền). Rồi từ đó, tôi tiếp tục vượt qua những nỗi sợ khác, bao gồm nỗi sợ chèo thuyền lúc sáng sớm tinh mơ khi trời còn tối, nỗi sợ bị đẩy ra xa khỏi bến tàu khi đang đứng trên thuyền, và nỗi sợ chèo ra giữa hồ, cách bờ gần nhất hàng trăm mét, trên một chiếc thuyền nhỏ (đã ba lần phản bội tôi).

Bất cứ khi nào bạn thực hiện một hoạt động có khả năng bị thất bại trước sự chứng kiến của công chúng, bạn có thể trải nghiệm cảm giác bồn chồn. Tôi đã đề cập ở trên rằng kể từ khi thực hành Khắc kỷ, tôi đã thành một người đi sưu tập những lời lăng mạ. Và tôi cũng trở thành người đi sưu tập cảm giác hồi hộp, bồn chồn nữa. Tôi thích tham gia vào những hoạt động mang lại cho tôi cảm giác hồi hộp, chẳng hạn như đua thuyền, đơn giản vì nhờ thế mà tôi có thể thực tập ứng phó với chúng. Rốt cuộc thì những cảm xúc đó là một phần quan trọng của nỗi sợ thất bại, như thế bằng cách xử lý chúng, tôi đang nỗ lực vượt qua nỗi sợ thất bại của mình. Vài giờ trước khi cuộc đua bắt đầu, tôi cảm nhận được cảm giác bồn chồn hồi hộp thật mãnh liệt. Tôi cố hết sức để biến chúng thành lợi thế cho mình: Chúng làm tôi tập trung vào cuộc đua phía trước. Một khi cuộc đua đã bắt đầu, tôi sung sướng khi nhận thấy cảm giác bồn chồn hồi hộp mất đi.

Tôi cũng tìm kiềm cảm giác hồi hộp ở những nơi khác. Chẳng hạn, sau khi bắt đẩu thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, tỏi quyết định học chơi một nhạc cụ, việc mà trước giờ tôi chưa từng làm. Nhạc cụ mà tôi chọn là đàn banjo. Sau vài tháng theo học, giáo viên hỏi liệu tôi có muốn tham gia buổi hòa nhạc do các học viên của ông ấy tổ chức không. Lúc đầu tôi từ chối lời đề nghị này; nghe chẳng có gì vui khi bạn có nguy cơ bị mất mặt khi chơi đàn banjo trước một nhóm người lạ. Nhưng sau đó tôi nhận ra đây là một cơ hội tuyệt vời để tự làm bản thân khó chịu về mặt tâm lý hòng đối diện – và hy vọng làm nó biến mất – nỗi sợ thất bại của bản thân. Và tôi đồng ý tham gia.

Buổi biểu diễn là sự kiện gây căng thẳng nhất mà tôi từng trải qua trong một thời gian dài. Tôi không sợ đám đông; tôi có thể bước vào một lớp có sáu mươi sinh viên tôi chưa từng gặp, mà không hề cảm thấy lo lắng và bắt đầu giảng bài cho họ. Nhưng sự kiện lần này lại khác. Trước buổi biểu diễn, tôi có cảm giác bồn chồn. Không chỉ vậy, tôi còn rơi vào trạng thái biến đổi ý thức mà trong đó thời gian bị bóp méo và các định luật vật lý dường như ngừng hoạt động. Nhưng để tóm tắt câu chuyện thì, tôi đã sống sót qua buổi biểu diễn.

Những cảm giác bồn chồn hồi hộp dồn dập mà tôi trải nghiệm trong một cuộc đua thuyền hay trong buổi biểu diễn đàn banjo, tất nhiên, là một triệu chứng của lo lắng, và điều này dường như đối lập với các nguyên tắc của người Khắc kỷ rằng hãy cố hết sức tránh làm bản thân lo lắng. Quả thật, nếu một mục tiêu của chủ nghĩa Khắc kỷ là đạt được sự bình thản, thì chẳng phải là tôi nên cố gắng hết sức tránh những hoạt động gây ra lo lắng sao? Chẳng phải tôi nên lánh xa chúng thay vì đi sưu tập những cảm giác bồn chồn hồi hộp?

Không hề. Chẳng hạn, khi khiến bản thân lo lắng bằng cách tham gia buổi diễn đàn banjo, tôi đã ngăn chặn được nhiều lo lắng trong tương lai. Bây giờ, khi đối mặt với một thử thách mới, tôi có được một chút lý do tuyệt vời mà tôi có thể sử dụng: “So với buổi biểu diễn đàn banjo, thử thách mới này chẳng là gì cả. Tôi đã sống sót qua thử thách đó, bởi vậy chắc chắn tôi cũng sẽ sống sót qua thử thách lần này.” Nói cách khác, bằng cách tham gia buổi hòa nhạc, tôi đã tạo cho bản thân khả năng miễn dịch khá lớn trước những nỗi lo lắng trong tương lai. Tuy nhiên, sự miễn dịch này sẽ mất dần tác dụng theo thời gian, và tôi sẽ cần tăng miễn dịch lại bằng một liều cảm giác bồn chồn khác.

Khi làm những việc khiến bản thân khó chịu về thể chất lẫn tinh thần, tôi xem bản thân – hay, một phần của bản thân tôi – như một đối thủ trong một trò chơi. Đối thủ này – “cái tôi khác” của tôi – đang ở trong chế độ lái tự động theo tiến hóa: Anh ta chẳng muốn điều gì khác ngoài sự thoải mái và tận dụng mọi cơ hội để có được lạc thú. “Cái tôi khác” của tôi thiếu khả năng tự kỷ luật bản thân; khi bạn để yên cho anh ta tự đưa ra quyết định thì anh ta sẽ luôn chọn con đường dễ nhất trong cuộc sống và kết quả là không hơn gì một kẻ chạy theo lạc thú có đầu óc đơn giản. Anh ta cũng là kẻ hèn nhát. “Cái tôi khác” đó không phải là bạn của tôi; trái lại anh ta bị xem như, theo lời của Epictetus, “một kẻ thù đang rình rập.”

Để giành chiến thắng trong cuộc thi với cái tôi khác của mình, tôi phải giành áp chế đối với anh ta. Để làm điều này, tôi phải khiến anh ta trải qua sự khó chịu, không thoải mái mà anh ta có thể dễ dàng né tránh, và tôi phải ngăn không cho anh ta trải nghiệm lạc thú mà anh ta có thể tận hưởng. Khi anh ta sợ làm việc gì đó, tôi phải ép buộc anh ta đối diện với những sợ hãi của mình và vượt qua chúng.

Tại sao lại tham gia trò chơi chống lại cái tôi khác của bản thân? Một phần để đạt được khả năng kỷ luật bản thân. Và tại sao khả năng kỷ luật bản thân lại đáng sở hữu? Bởi vì những người sở hữu nó có khả năng định đoạt những việc họ làm với cuộc đời họ. Còn những ai thiếu khả năng kỷ luật bản thân thì con đường mà họ đi qua cuộc đời này sẽ được quyết định bởi người khác hay một điều gì khác, và do đó, họ có nguy cơ sống lầm đường lạc lối.

Tham gia trò chơi chống lại cái tôi khác của bản thân cũng giúp tôi rèn giũa con người mình. Tôi nhận ra, ngày nay người ta có thể nhếch mép cười mỉa khi nói về chuyện rèn giũa con người, nhưng đấy là một hoạt động mà các triết gia Khắc kỷ hết lòng ủng hộ và muốn giới thiệu cho những ai ao ước có một cuộc sống tốt đẹp.

Một lý do khác để tham gia trò chơi chống lại cái tôi khác của bản thân là trò đó rất thú vị, hơi bất ngờ nhỉ. Nó khá là thú vị khi bạn “ghi một điểm” trong trò chơi này bằng cách, chẳng hạn, vượt qua được một nỗi sợ. Các triết gia Khắc kỷ đã nhận ra điều này. Epictetus, như ta thấy ở chương 7, nói về cái lạc thú có được từ việc bản thân chúng ta từ chối nhiều thú vui. Tương tự thế, Seneca nhắc chúng ta rằng mặc dù việc chịu đựng một điều gì đó có thể là khó chịu, nhưng nếu chịu đựng được thì ta sẽ hài lòng về bản thân.

Khi tôi tham gia đua thuyền, nhìn bên ngoài có vẻ như tôi đang cố gắng đánh bại những tay chèo khác, nhưng trên thực tế tôi đang tham gia vào một cuộc đua quan trọng hơn rất nhiều: cuộc đua với cái tôi khác của tôi. Anh ta không muốn học cách chèo thuyền. Anh ta không muốn tập luyện, thay vào đó anh ta thích dành thời gian vào buổi sáng tinh mơ để ngủ nướng trên một chiếc giường ấm áp. Anh ta không muốn chèo thuyền đến điểm xuất phát của cuộc đua. (Thật vậy, trên đường tới đó, anh ta liên tục than vãn về việc anh ta cảm thấy mệt mỏi ra sao.) Trong suốt cuộc đua, anh ta muốn bỏ chèo và để các tay chèo khác giành chiến thắng. (“Chỉ cần anh bỏ cuộc,” anh ta sẽ nói bằng một giọng quyến rũ nhất có thể, “mọi đau đớn thể xác sẽ chấm dứt. Thế thì tại sao lại không từ bỏ? Nghĩ xem anh sẽ cảm thấy dễ chịu biết nhường nào!”)

Thật kỳ lạ, nhưng các đối thủ của tôi trong một cuộc đua lại đồng thời cũng là đồng đội của tôi trong một cuộc đua quan trọng hơn nhiều với cái tôi khác của tôi. Để tranh đua với nhau, chúng ta đồng thời đều đang đua với chính mình, mặc dù không phải tất cả chúng ta đều ý thức được mình đang làm việc này. Để tranh đua với nhau, chúng ta phải chiến thắng được bản thân mình – chiến thắng những nỗi sợ, tính lười biếng của chúng ta, sự thiếu kỷ luật bản thân của ta. Và người ta hoàn toàn có thể thất bại trong cuộc đua với những tay chèo thuyền khác – thực sự về chót – nhưng trong quá trình nỗ lực lại giành được chiến thắng trong cuộc đua với cái tôi khác của anh ta.

Như chúng ta đã thấy, các nhà khắc kỷ khuyên ta đơn giản hóa lối sống. Cũng giống như các chương trình tự nguyện chịu khổ khác, đơn giản hóa lối sống là một quá trình tốt nhất là nên dành cho những người Khắc kỷ đẳng cấp cao. Như tôi đã lý giải, một người mới làm quen với chủ nghĩa Khắc kỷ có lẽ sẽ muốn tránh thu hút sự chú ý. Nếu bạn bắt đầu ăn mặc tuềnh toàng, mọi người sẽ để ý. Tương tự thế, người ta sẽ chú ý nếu bạn vẫn đang lái chiếc xe cũ kĩ đó hoặc – kinh dị! – bỏ xe hơi để đi xe buýt hay đạp xe đạp. Người ta sẽ nghĩ tới những tình huống xấu nhất: sắp phá sản, hay có lẽ bạn đang ở giai đoạn đầu của bệnh tâm thần. Và nếu bạn giải thích với họ rằng bạn đã vượt qua được cái ham muốn gây ấn tượng với người khác, những người bị thu hút bởi cái vỏ bên ngoài của con người, bạn sẽ chỉ khiến cho vấn đề trở nên tệ hơn.

Khi tôi bắt đầu thử nghiệm lối sống đơn giản, tôi phải mất một thời gian mới quen dần với việc này. Chẳng hạn, khi một ai đó hỏi tôi về chiếc áo thun mà tôi đang mặc mua ở đâu và tôi đáp rằng tôi mua nó ở cửa hàng đồ cũ, tôi thấy có chút xấu hổ. Sự cố này khiến tôi đánh giá cao cách ứng phó của Cato trước những cảm giác như vậy. Như chúng ta đã thấy, Cato ăn mặc lập dị như một dạng bài tập huấn luyện: Ông ta muốn dạy bản thân “chỉ xấu hổ trước những điều đáng xấu hổ.” Do đó ông đã phá lệ khi làm những việc sẽ khiến bản thân ông thấy xấu hổ, đơn giản để ông ta có thể luyện tập vượt qua những cảm giác như thế. Dạo gần đây tôi đang cố gắng thi đua với Cato về điều này.

Kể từ khi trở thành người khắc kỷ, những ham muốn của tôi đã thay đổi chóng mặt: Tôi không còn thèm muốn nhiều thứ mà trước đây tôi từng xem là điều thiết yếu để sống một cách đàng hoàng. Hồi xưa tôi ăn mặc chải chuốt, lịch lãm bao nhiêu thì giờ đây tủ quần áo của tôi, nói một cách dễ hiểu nhất, lại rất thực dụng: Tôi có một chiếc cà vạt và một chiếc áo khoác thể thao mà tôi có thể tặng cho ai đó nếu họ cần; may là họ ít khi xin. Tôi từng ước mình tậu được một chiếc xe hơi mới, nhưng khi chiếc xe hơi 16 tuổi của tôi gần đây bị hỏng, tôi đã thay nó bằng một chiếc xe có tuổi đời 9 năm, một việc mà một thập kỷ trước tôi chẳng thể nào tưởng tượng nổi mình có thể làm. (Nhân đây tôi xin nói luôn, chiếc xe hơi “mới” có hai thứ mà chiếc xe cũ của tôi thiếu: một cái khay giữ cốc nước và một đài phát thanh còn hoạt động được. Mừng thay!) Có một thời tôi hiểu được tại sao ai đó lại muốn sở hữu một chiếc đồng hồ Rolex; còn bây giờ hành vi ấy như đánh đố tôi. Tôi thường có ít tiền hơn nhu cầu của mình; bây giờ điều này không còn là vấn đề nữa, một phần bởi vì tôi muốn rất ít thứ mà tiền có thể mua được.

Tôi đọc được rằng nhiều đồng bào Mĩ của tôi đang gặp rắc rối về tài chính. Đáng tiếc là họ có khuynh hướng tiêu xài hết hạn mức thẻ tín dụng và khi điều này vẫn không thỏa mãn được ham muốn mua sắm của họ thì họ vẫn cứ tiếp tục tiêu xài. Ai đó có thể cho rằng nhiều người trong số họ sẽ trở nên giàu có thay vì bị khánh kiệt – và sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều nếu như họ phát triển được khả năng tận hưởng những niềm vui đơn giản của cuộc đời.

Tôi đã trở thành một kiểu khách hàng dị thường. Chẳng hạn, khi đi đến một trung tâm thương mại, tôi không mua đồ; thay vào đó tôi ngó nghiêng mọi thứ xung quanh và tôi thấy bất ngờ trước tất cả những món đồ mà họ đang bán mà tôi không chỉ không cần tới mà còn chẳng thể nào tưởng tượng nổi bản thân mình lại khao khát chúng. Thú vui duy nhất của tôi ở một trung tâm mua sắm là quan sát những vị khách khác đang làm gì ở đó. Tôi đồ rằng đa số bọn họ đến trung tâm mua sắm không phải vì có một thứ gì đó mà họ cần mua. Thay vào đó họ đến với hy vọng rằng làm như vậy sẽ khơi dậy một ham muốn về thứ gì đó mà trước khi đi mua sắm họ không có. Nó có thể là một khao khát mua một cái áo len cashmere, hoặc điện thoại di động mẫu mới nhất.

Tại sao lại làm mọi cách để khơi dậy một ham muốn? Vì nếu họ khơi dậy ham muốn, họ có thể tận hưởng được cảm giác vui thú khi dập tắt ham muốn đó bằng cách mua món đồ họ cần. Tất nhiên, đó là một cảm giác hưng phấn, không liên quan gì đến hạnh phúc về lâu dài của họ cũng như việc chơi heroin không liên quan gì hạnh phúc đến lâu dài của một người nghiện heroin.

Nói thế chứ, tôi xin bổ sung thêm là lý do mà tôi ít ham muốn đối với chuyện mua sắm không phải vì tôi ý thức đấu tranh chống lại sự nảy sinh ham muốn. Trái lại, những ham muốn ấy chỉ đơn giản là ngừng xuất hiện trong tâm trí tôi – hoặc ở mức độ nào đó, chúng không còn xuất hiện thường xuyên như trước đây. Nói cách khác, khả năng hình thành ham muốn của tôi đối với hàng hóa tiêu dùng có vẻ như bị teo đi.

Điều gì đã mang đến tình trạng này? Nhờ rèn luyện chủ nghĩa Khắc kỷ, tôi nghiệm ra một cách sâu sắc rằng đạt được những điều mà mọi người trong vòng tròn xã hội của tôi khao khát và làm việc chăm chỉ để có được, về lâu về dài, chẳng tạo nên khác biệt gì trong mức độ hạnh phúc của tôi và hoàn toàn không góp phần mang lại cho tôi một cuộc sống tốt đẹp. Cụ thể là, nếu có được một chiếc xe hơi mới, một tủ quần áo đẹp, một chiếc đồng hồ Rolex, và một ngôi nhà lớn hơn, tôi tin chắc rằng mình sẽ chẳng vui hơn so với hiện tại – và thậm chí còn ít vui hơn.

Là một người tiêu dùng, dường như tôi đã có duyên tao ngộ với một điều gì đó thần thánh vĩ đại. Và có vẻ như từ sau nhân duyên này tôi sẽ không thể nào quay lại với chủ nghĩa tiêu thụ mù quáng mà tôi từng lấy làm thích thú nữa.

Bây giờ cho phép tôi mô tả về một tác dụng phụ đầy bất ngờ của việc rèn luyện chủ nghĩa Khắc kỷ. Là một người Khắc kỷ, bạn sẽ liên tục chuẩn bị tinh thần để đối diện với gian khổ bằng cách, chẳng hạn như, tham gia vào hoạt động tưởng tượng tiêu cực hoặc tự nguyện gây ra sự khó chịu cho bản thân. Nếu khó khăn không đến, bạn có thể khởi sinh một kiểu thất vọng tò mò. Bạn có thể thấy bản thân mình đang mong rằng kỹ năng Khắc kỷ của bạn sẽ được thử thách để bạn có thể biết liệu mình có thực sự có những kỹ năng quản lý khó khăn mà bạn đã nỗ lực để đạt được hay không. Nói cách khác, bạn giống như một lính cứu hỏa rèn luyện các kỹ năng cứu hỏa trong nhiều năm trời nhưng chưa từng được gọi đi chữa cháy một vụ hỏa hoạn nào hoặc giống như một cầu thủ bóng đá, mặc dù siêng năng luyện tập suốt mùa giải, nhưng chưa bao giờ được cho ra sân đá chính thức.

Về phương diện này, nhà sử học Paul Veyne đã nhận xét rằng nếu chúng ta cố gắng thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, “một cuộc sống bình lặng thực sự là đáng lo ngại vì chúng ta không biết được liệu mình vẫn giữ được sự mạnh mẽ trong trường hợp bão tố nổi lên không.” Tương tự vậy, theo Seneca, khi một ai đó cố hãm hại một người đàn ông khôn ngoan, ông ta thực tế còn chào đón nỗ lực ấy, vì những lời xúc phạm chẳng thể làm tổn thương ông ta mà trái lại còn có thể giúp ông: “Cho đến giờ… có phải từ những lần quằn quại vì những lúc bị hoàn cảnh hoặc người khác vùi dập mà anh ta coi những tổn thương đó là có lợi cho mình, vì qua đó anh ta tìm được phương tiện để biến mình thành một nhân chứng sống và thử thách đạo đức của mình.” Seneca cũng cho rằng một người Khắc kỷ có thể chào đón cái chết, vì nó đại diện cho bài kiểm tra cuối cùng, thử thách tột cùng chất Khắc kỷ của anh ta.

Mặc dù tôi không còn luyện tập chủ nghĩa Khắc kỷ từ rất lâu rồi, tôi khám phá thấy trong mình một khao khát được thử thách kỹ năng Khắc kỷ của bản thân. Tôi đã đề cập đến mong muốn bị người khác xúc phạm của mình: Tôi muốn thử xem liệu mình sẽ đáp lại những lời lăng mạ đó theo đúng cách của người Khắc kỷ hay không. Tương tự, tôi cũng đặt bản thân vào những tình huống thử thách lòng can đảm và ý chí của mình, một phần để biết liệu tôi có vượt qua được những bài kiểm tra đó không. Và trong khi tôi đang viết cuốn sách này, một sự cố đã xảy đến, cho tôi một sự hiểu biết sâu săc về cái ham muốn được thử thách của người Khắc kỷ.

Sự cố mà ta đang bàn bắt đầu xảy ra khi tôi để ý thấy có những tia sáng dọc theo ngoại vi tầm nhìn của tôi mỗi lần tôi chớp chớp mắt trong một căn phòng tối. Tôi đã đi khám bác sĩ mắt và được thông báo rằng tôi bị rách võng mạc, và để ngăn võng mạc của tôi không bị bong, tôi nên phẫu thuật bằng laser. Y tá đã chuẩn bị tinh thần cho tôi làm phẫu thuật bằng cách giải thích rằng bác sỹ sẽ liên tục bắn một chùm tia laser rất mạnh vào võng mạc của tôi. Cô ấy hỏi liệu tôi đã từng xem một buổi biểu diễn ánh sáng chưa và nói rằng những gì tôi sắp chứng kiến là một cảnh tượng tuyệt vời hơn thế nhiều. Sau đó bác sỹ bước vào phòng và bắt đầu bắn laser vào mắt tôi. Những tia sáng đầu tiên thực sự mãnh liệt và đẹp đẽ, nhưng rồi một điều bất ngờ đã xảy ra: Tôi không còn nhìn thấy những chùm ánh sáng được nữa. Tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng cồm cộp của máy bắn laser nhưng không nhìn thấy gì. Quả thật, khi họ tắt máy laser, tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy qua con mắt được phẫu thuật là một đốm màu tím bao phủ toàn bộ tầm nhìn của tôi. Tôi nhận ra rằng có điều gì đó không ổn trong quá trình phẫu thuật – có thể máy laser gặp trục trặc – và tôi có thể bị mù một bên mắt.

Chắc chắn là ý nghĩ này khiến tôi lo lắng nhưng sau đó, tôi phát hiện thấy mình còn có một ý nghĩ khác nữa, hoàn toàn bất ngờ: tôi thấy mình đang suy ngẫm xem tôi sẽ phản ứng như thế nào trước việc bị mù một con mắt. Cụ thể là, liệu tôi có thể ứng phó với chuyện này theo đúng phong cách của một người Khắc kỷ hay không? Nói cách khác, tôi phản ứng trước khả năng bị mù một bên mắt bằng cách phóng đại nguy cơ mất thị lực! Phản ứng này có lẽ lạ lẫm đối với các bạn; và nó vẫn vô cùng kỳ lạ đối với tôi. Tuy thế, đấy là cách phản ứng của tôi, và khi đáp ứng theo cách này, tôi rõ ràng đang trải nghiệm được một hiệu ứng phụ dễ đoán của việc rèn luyện chủ nghĩa Khắc kỷ (và một số người sẽ bảo điều đó là xằng bậy).

Tôi đã thông báo với y tá rằng tôi không thể nhìn thấy gì ở bên mắt đang được phẫu thuật. Cuối cùng cô ấy nói với tôi – tại sao cô ấy không nói trước cho tôi biết? – điều này là bình thường và thị lực của tôi sẽ trở lại trong vòng một giờ. Đúng thế thật, và kết quả là tôi bị tước đi cơ hội thử thách kỹ năng Khắc kỷ của mình – mà tôi nghĩ là đáng mừng thay.

Trừ phi một cái chết đột ngột ngăn chặn điều này, còn không thì trong khoảng một thập kỷ nữa, tôi sẽ phải đối diện với một thử thách cam go đối với kỹ năng Khắc kỷ của tôi. Tôi sẽ ở vào độ tuổi giữa sáu mươi; nói cách khác, tôi sẽ đứng trước ngưỡng cửa của tuổi già.

Trong suốt cuộc đời, tôi luôn tìm kiếm những tấm gương sáng, những người đang ở giai đoạn tiếp theo của cuộc đời mà tôi nghĩ là họ đang ứng phó tốt với giai đoạn đó. Khi bước sang độ tuổi năm mươi, tôi bắt đầu xem xét những người ở độ tuổi bảy mươi và tám mươi mà tôi biết trong một nỗ lực tìm kiếm một hình mẫu thần tượng. Tôi phát hiện ra, tìm một người ở nhóm tuổi này nhưng đóng vai hình tượng tiêu cực thì rất dễ; tôi cho rằng mục tiêu của tôi là nên tránh đi vào vết xe đổ như họ. Mặc dù, những tấm gương tích cực có vẻ hiếm hoi.

Khi tôi tìm đến những người ở độ tuổi bảy mươi và tám mươi mà tôi biết và xin lời khuyên về cách ứng phó với sự khởi đầu của tuổi già, họ đưa ra lời khuyên giống nhau có khuynh hướng gây khó chịu cho bạn: “Đừng có già đi!” Trừ phi người ta tìm ra được loại thuốc “suối trường xuân”, cách duy nhất để tôi có thể làm theo lời khuyên này là tự sát. (Sau đó tôi đã nhận ra rằng đây chính xác là những gì họ khuyên tôi nên làm, mặc dù họ nói theo cách gián tiếp. Tôi chợt nhận ra rằng lời khuyên đừng có già của họ lặp lại lời nhận xét của Musonius rằng “Người có phúc không phải người có cái chết đến chậm mà là người ra đi thanh thản.”)

Có khả năng khi tôi ở vào độ tuổi bảy mươi hay tám mươi tôi cũng sẽ đi đến kết luận, giống như những người cao tuổi mà tôi biết dường như đã kết luận, rằng thà không tồn tại còn hơn là phải chịu đựng tuổi già. Nhưng cũng có thể những người xem tuổi già là gánh nặng chỉ có thể tự đổ lỗi cho bản thân vì cảnh ngộ của họ mà thôi: Khi còn trẻ, họ đã bỏ bê không chuẩn bị cho tuổi già. Nếu họ dành thời gian để chuẩn bị đầy đủ cho bản thân họ – đặc biệt, nếu họ bắt đầu rèn luyện chủ nghĩa Khắc kỷ – thì chúng ta có tưởng tượng là họ sẽ không còn thấy tuổi già là gánh nặng; thay vào đó, họ có thể xem nó như một trong những giai đoạn phấn khích nhất của cuộc đời, như lời tuyên bố của Seneca, một giai đoạn “đầy niềm vui nếu người ta biết cách tận dụng nó.”

Trong khi tôi đang viết cuốn sách này, người mẹ tám mươi tám tuổi của tôi bị đột quỵ và tôi đã đưa bà đến một viện dưỡng lão. Cơn đột quỵ đã làm suy yếu phần cơ thể bên trái của bà đến nỗi bà không còn khả năng tự mình ra khỏi giường. Không chỉ thế, bà cũng mất khả năng tự nuốt, nên việc bà ăn thức ăn bình thường và uống chất lỏng bình thường sẽ gây nguy hiểm, vì chúng có thể đi xuống khí quản và gây ra một cơn viêm phổi có khả năng dẫn đến tử vong. Thức ăn của bà phải được xay nhuyễn, và những chất lỏng mà bà uống phải được làm cô đặc lại.

Khá dễ hiểu, mẹ tôi không hài lòng với ngã rẽ của cuộc đời bà, và tôi thì cố hết sức để khích lệ bà. Nếu tôi sùng đạo, tôi có thể đã cố gắng làm mẹ vui lên bằng cách câu nguyện với ba hoặc cầu nguyện cho bà, hoặc bằng cách nói với bà rằng tôi đã sắp xếp để hàng chục hay thậm chí hàng trăm người tiếp tục cầu nguyện giúp bà. Mặc dù trong chuyện này, tôi thấy những lời động viên khích lệ hay nhất mà tôi phải đưa ra là một lời khuyên Khắc kỷ rõ ràng cho mẹ. Chẳng hạn, bà sẽ nói với tôi rằng hoàn cảnh của bà sao mà khổ quá chừng, và tôi sẽ trích dẫn lời của Marcus: “Vâng, họ nói rằng cuộc sống giống môn đấu vật hơn là khiêu vũ.”

“Hoàn toàn chính xác,” bà sẽ thì thầm đáp lại.

Bà sẽ hỏi tôi bà cần phải làm gì để có thể đi lại được. Tôi nghĩ bà hẳn là sẽ không thể đi bộ được nữa nhưng không nói gì. Thay vào đó, tôi động viên bà (chứ không thuyết giảng về chủ nghĩa Khắc kỷ) nội tại hóa các mục tiêu của bà về chuyện đi lại: “Điều mẹ cần tập trung bây giờ là cố gắng hết sức khi người ta tập vật lý trị liệu cho mẹ.”

Bà sẽ than phiền về chuyện cánh tay trái của bà mất hầu hết chức năng, và tôi sẽ động viên mẹ thực hiện bài tưởng tượng tiêu cực: “Ít ra thì mẹ vẫn còn khả năng nói chuyện,” tôi sẽ nhắc bà. “Trong mấy ngày đầu tiên sau khi bị đột quỵ, mẹ chỉ có thể nói lầm bầm. Trước đó, mẹ thậm chí chẳng cử động nói cánh tay phải và vì thế mẹ không thể tự ăn, nhưng bây giờ thì mẹ có thể làm được. Thực sự thì mẹ có rất nhiều điều để mà biết ơn.”

Bà sẽ lắng nghe phản ứng của tôi và, sau một hồi suy nghĩ, bà thường sẽ đáp lại một cách quả quyết: “Mẹ biết mình phải làm gì rồi.” Bài tập tưởng tượng tiêu cực dường như giúp giảm bớt nỗi đau khổ của bà, dù chỉ là tạm thời.

Hết lần này đến lần khác trong suốt giai đoạn này, cách mà những nguyên tắc của chủ nghĩa Khắc kỷ giúp một người đương đầu với những thách thức của tuổi già và bệnh tật khiến tôi vô cùng ấn tượng, rất tự nhiên và phù hợp.

Tôi đã nói ở trên rằng chứng đột quỵ khiến mẹ tôi sẽ gặp nguy hiểm nếu uống nước bình thường, chưa được cô đặc. Hiển nhiên, bị từ chối cho uống nước khiến mẹ tôi bắt đầu thèm nước. Bà sẽ nài nỉ xin một ly nước, “Đừng đặc quá nhưng phải từ vòi nước nhé.” Tôi sẽ từ chối yêu cầu này và giải thích lý do, nhưng ngay khi tôi nói xong, bà sẽ lại tiếp tục, “Mẹ chỉ xin một ly nước thôi mà!” Tôi thấy mình đang ở vào vị trí của một đứa con thương mẹ nhưng phải liên tục từ chối yêu cầu đơn giản của mẹ già – một ly nước.

Sau khi phải chịu đựng lời năn nỉ của mẹ tôi một thời gian, tôi hỏi y tá nên làm gì trong trường hợp này. “Anh hãy cho bà ấy mấy cục đá để mút,” cô ấy nói. “Nước đá sẽ tan chậm nên bà ấy sẽ ít bị nguy hiểm hơn.”

Vì lời khuyên này mà tôi trở thành người giao đá cho mẹ tôi, mỗi lần đến thăm tôi lại mang cho bà một cốc đá. (“Người giao đá đến rồi!” Tôi sẽ nói câu ấy khi đến phòng bà.) Tôi sẽ đút một viên đá vào miệng bà, và trong khi ngậm viên đá, bà sẽ nói với tôi rằng viên đá mới tuyệt vời làm sao. Mẹ tôi, thời trẻ từng là một người sành sỏi về những loại đồ ăn thức uống hảo hạng, bây giờ lại trở thành người say mê mấy viên đá lạnh. Một thứ mà cả cuộc đời bà đã xem thường – đối với bà, một viên đá chỉ đơn giản là thứ mà bạn dùng để làm lạnh đồ uống giờ lại trở thành thức uống đáng giá – và giờ đây mang lại cho bà niềm vui mãnh liệt. Bà rõ ràng là yêu thích viên đá này nhiều hơn cả một người sành ăn thưởng thức rượu sâm banh cổ điển.

Nhìn mẹ mút mấy viên đá một cách ngon lành, trong lòng tôi thoáng chút ganh tị. Tôi nghĩ, chẳng phải cuộc đời sẽ tuyệt diệu lắm sao khi một viên đá nhỏ cũng có thể khiến ta sung sướng quá chừng? Tôi từng cho rằng một mình sự tưởng tượng tiêu cực khó mà cho phép tôi trân quý tột cùng mấy viên đá lạnh giống như mẹ tôi; bất hạnh thay, có khi cần một cơn đột quỵ xảy đến thì tôi mới có thể làm được điều đó. Song việc quan sát mẹ mút đá lạnh đã dạy cho tôi một bài học. Nó khiến tôi nhận thức được một điều khác mà tôi toàn xem thường: khả năng nốc cạn một cốc to nước lạnh vào một ngày hè nóng nực.

Trong một lần đi thăm mẹ, tôi tình cờ gặp một quý ông lớn tuổi đang ngồi xe lăn được một người chăm sóc đẩy đi. Khi tôi đến gần, người chăm sóc đã thu hút sự chú ý của tôi và chỉ vào ông ấy mà nói, “Người này cũng là một giáo sư.” (Hóa ra mẹ tôi đã kể cho tất cả mọi người về tôi.)

Tôi dừng lại và chào hỏi người bạn đồng đạo này, hóa ra, ông đã nghỉ hưu một thời gian trước đó. Chúng tôi trò chuyện một lúc, nhưng trong lúc chuyện trò, tôi bị ám ảnh vì ý nghĩ rằng trong vài thập kỷ tới thôi tôi cũng có thể lặp lại cuộc trò chuyện này. Đến lúc đó, tôi sẽ là người ngồi trên xe lăn và sẽ có một vài giáo sư trẻ tuổi đứng trước mặt tôi, dành đôi ba phút trong ngày làm việc bận rộn của anh ta để tán gẫu với một ông giáo sư già về hưu.

Đã đến lúc, tôi tự nhủ, và tôi phải làm những việc có thể để chuẩn bị cho điều này.

Như chúng ta đã thấy, mục tiêu của chủ nghĩa Khắc kỷ là đạt được sự bình thản. Độc giả tất nhiên sẽ muốn biết liệu việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ có giúp tôi đạt được mục tiêu này hay không. Hỡi ôi, nó không giúp tôi đạt được sự bình thản hoàn hảo. Tuy nhiên, nó giúp tôi sống bình thản hơn rất nhiều so với trước đây. Đặc biệt là tôi đã có sự tiến bộ lớn trong việc chế ngự những cảm xúc tiêu cực của mình. Tôi ít khi nổi giận như trước đây, và khi tôi thấy mình trút giận lên người khác, tôi sẵn sàng hơn trong việc xin lỗi họ so với trước đây. Tôi không chỉ khoan thứ hơn xưa trước những lời lăng mạ mà còn phát triển được một sự miễn dịch gần như tuyệt đối trước những câu lăng mạ thường gặp.

Tôi cũng ít lo lắng hơn xưa về những tai họa có thể xảy ra với tôi và đặc biệt là về cái chết của tôi – mặc dù thử thách thật sự cho điều này, theo lời của Seneca, sẽ là khi tôi sắp trút hơi thở cuối cùng.

Tuy nhiên, tôi xin nói thêm là mặc dù tôi có thể chế ngự được những cảm xúc tiêu cực của mình, tôi cũng không thể diệt trừ chúng tận gốc; tôi cũng không muốn thế. Tuy nhiên tôi rất vui mừng vì đã tước đi sức mạnh của những cảm xúc đó dù khi xưa chúng từng tác động lên tôi.

Một sự thay đổi lớn về tâm lý đã diễn ra kể từ khi tôi bắt đầu thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Đó là tôi ít bất mãn hơn so với trước đây. Dường như nhờ rèn luyện tưởng tượng tiêu cực mà tôi thấy biết ơn sâu sắc những thứ mình nhận được. Chắc chắn là vẫn còn câu hỏi rằng liệu tôi có thể tiếp tục trân quý cuộc đời nếu như hoàn cảnh sống của tôi thay đổi hoàn toàn không; biết đâu chừng, một cách vô thức, tôi đã lại bám lấy những điều mà tôi quý trọng, vậy thì tôi sẽ tan nát cõi lòng khi mất đi những điều ấy. Tất nhiên tôi sẽ không biết được câu trả lời cho câu hỏi này cho đến khi cuộc đời thử thách kỹ năng Khắc kỷ của tôi.

Một khám phá khác của tôi trong việc luyện tập chủ nghĩa Khắc kỷ có liên quan đến niềm vui. Thứ niềm vui mà các nhà Khắc kỷ quan tâm có thể được mô tả như một kiểu niềm vui phi đối tượng – một niềm vui không phải vì bất kỳ đối tượng cụ thể nào, mà nó hướng đến tất cả mọi điều. Nó đơn giản là một niềm vui vì có thể tham dự vào cuộc sống. Đó là sự trực nhận to lớn rằng mặc dù mọi điều này không nhất thiết phải xảy ra, nhưng nó lại đang diễn ra – một cách màu nhiệm, diễn ra với đầy đủ vẻ huy hoàng tráng lệ.

Và nhân đây tôi muốn nói để các bạn biết luôn là chuyện thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ của tôi không giúp tôi trải nghiệm được thứ niềm vui trọn vẹn, không thể nào dập tắt; điều đó còn xa vời lắm. Tôi cũng không có được một thứ niềm vui cao cấp hơn mà một nhà hiền triết Khắc kỷ có thể trải nghiệm, một niềm vui vì nhận ra rằng niềm vui của ông ta không thể bị phá vỡ bởi những sự kiện bên ngoài. Nhưng chuyện rèn luyện chủ nghĩa Khắc kỷ của tôi có vẻ khiến tôi nhạy cảm hơn trước những niềm vui thi thoảng lại bùng phát.

Thật là lạ, nhưng khi bắt đầu trải nghiệm những đợt bùng phát ấy, tôi cũng không biết nên làm gì với chúng. Tôi nên đón nhận những cảm xúc vui sướng của mình hay giữ khoảng cách với chúng? Quả thực, tôi có nên hành xử như một người lớn điềm đạm, cố gắng dập tắt cảm xúc không? (Kể từ lúc đó tôi đã phát hiện rằng không phải chỉ có mình tôi hoài nghi những cảm xúc vui mừng.) Rồi sau đó tôi nhận ra thật là ngu ngốc khi làm bất cứ điều gì khác ngoài việc đón nhận chúng. Và vì thế tôi cứ vui mừng thôi.

Tôi nhận ra, những lời nhận xét trên làm tôi có vẻ tự mãn kinh khủng và thích khoe khoang. Hãy an tâm là việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ không yêu cầu mọi người phải chạy đi khắp nơi để khoe với người khác rằng họ hạnh phúc biết bao vì đang còn sống hay huênh hoang về sự tuôn trào niềm vui mà họ đã trải qua gần đây; quả thật, các nhà Khắc kỷ chắc chắn sẽ không khuyến khích những hành động này. Vậy thì tại sao tôi lại kể cho bạn nghe về trạng thái tinh thần của tôi? Vì nó trả lời cho câu hỏi mà bạn chắc chắn sẽ hỏi: Liệu chủ nghĩa Khắc kỷ có giao cho ta những món quà tâm lý như nó đã hứa hay không? Trong trường hợp của tôi là có, còn hơn cả sự thỏa mãn nữa. Dù bày tỏ quan điểm như vậy, nhưng trong tương lai tôi sẽ cố gắng hết sức để khiêm tốn khi đưa ra những đánh giá công khai với mọi người về trạng thái tinh thần của bản thân.

Mặc dù là một người thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, tôi cũng xin thú nhận rằng, trong những đoạn kết thúc cuốn sách này, tôi đã có một số nghi ngại về triết lý này.

Theo các nhà Khắc kỷ, nếu đang tìm kiếm sự bình thản thì tôi cần từ bỏ những mục tiêu khác mà một người cùng hoàn cảnh với tôi thường có, chẳng hạn như sở hữu một chiếc xe hơi đời mới đắt tiền hoặc sống trong căn nhà trị giá một triệu đô la. Nhưng điều gì xảy ra nếu tất cả những người khác thì đúng còn các nhà Khắc kỷ thì sai? Có khả năng một ngày nào đó tôi sẽ nhìn lại đời mình và sẽ gọi đó là “giai đoạn Khắc kỷ của tôi” để rồi trở nên rối trí vả chán nản, mất hết tinh thần. “Tôi đang nghĩ gì à?” tôi sẽ tự hỏi bản thân. “Giá mà tôi có thể lấy lại những năm tháng đó!”

Tôi không phải là người Khắc kỷ duy nhất đang chứa chấp những hoài nghi đó. Chẳng hạn, trong bài luận về sự bình thản, Seneca đã có một cuộc trò chuyện tưởng tượng với Serenus, một người Khắc kỷ có những mối nghi ngờ về chủ nghĩa Khắc kỷ. Khi Serenus còn sống giữa những người có hệ giá trị bình thường – chẳng hạn, sau khi ông ta dùng bữa tối trong một ngôi nhà “nơi mà người ta thậm chí còn giẫm phải những viên đá quý và sự giàu có phơi bày ở mọi ngóc ngách của căn nhà” – ông phát hiện ra trong mình “một sự day dứt và hoài nghi thầm lặng không biết liệu còn có một cuộc sống khác tốt hơn thế này nữa không.” Những nhận xét trên cho thấy rõ rằng tôi cũng mang trong lòng cảm giác “day dứt thầm lặng” này.

Đành rằng nói thế cũng chả ích gì, những người nghĩ rằng danh tiếng và tài sản đáng giá hơn sự bình thản chiếm số lượng áp đảo hơn những người, như bản thân tôi, cho rằng sự bình thản thì quý giá hơn rất nhiều. Liệu tất cả những người khác đó có thể phạm sai lầm không? Từ góc nhìn đó thì tất nhiên tôi chính là người đang mắc sai lầm!

Đồng thời, tôi biết, nhờ vào nghiên cứu về ham muốn của tôi, hầu như không có ngoại lệ, các triết gia và các nhà tư tưởng tôn giáo, những người đã chiêm nghiệm về cuộc sống và lối sống của người bình thường, đều đi đến kết luận rằng đại đa số mọi người đang phạm sai lầm trong lối sống của họ. Các nhà tư tưởng này cũng có xu hướng bị cuốn hút trước sự bình thản như một thứ gì đó vô cùng quý giá đáng theo đuổi, mặc dù nhiều người trong số họ không đồng tình với các triết gia Khắc kỷ về phương cách tốt nhất để theo đuổi nó.

Khi tôi bắt đầu nghĩ lại về chủ nghĩa Khắc kỷ, việc thực tập hiện tại của tôi là nhắc nhở rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự chắc chắn chỉ có thể có trong toán học mà thôi. Nói cách khác, chúng ta đang sống trong một thế giới mà bất kể bạn làm gì, bạn cũng có thể phạm sai lầm. Điều này có nghĩa là mặc dù đúng là tôi có thể phạm phải sai lầm khi thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, nhưng tôi cũng thể phạm sai lầm nếu tôi bác bỏ chủ nghĩa Khắc kỷ để chạy theo những triết lý sống khác. Và tôi cho rằng sai lầm lớn nhất mà nhiều người mắc phải là hoàn toàn không có triết lý sống nào. Những người này đang dò dẫm lần mò để đi qua cuộc đời bằng cách làm theo những thúc giục của sự lập trình tiến hóa của họ, bằng cách vồn vã truy tìm những gì mang lại cảm giác khoái sướng và tránh xa những thứ gây khó chịu. Bằng cách này, họ có thể có một cuộc sống thoải mái hoặc thậm chí một cuộc đời đầy ắp lạc thú. Tuy nhiên, vẫn còn đó câu hỏi là liệu họ có thể có một cuộc sống tốt hơn bằng cách quay lưng lại với sự lập trình tiến hóa của họ và thay vào đó dành thời gian và năng lượng để đạt được một thứ triết lý sống. Theo các triết gia Khắc kỷ, câu trả lời cho câu hỏi này là một ai đó có thể có được cuộc sống tốt đẹp hơn – một cuộc sống có lẽ chứa đựng ít sự thoải mái và khoái lạc, nhưng niềm vui thì lại nhiều hơn đáng kể.

Tôi đồ rằng trong những thập kỷ tới (nếu tôi sống lâu đến thế) bất kỳ hoài nghi nào của tôi về chủ nghĩa Khắc kỷ cũng sẽ sụp đổ cùng với quá trình lão hóa sẽ mang đến nhiều điều khó khăn. Các kỹ thuật của chủ nghĩa Khắc kỷ có thể cải thiện cuộc sống khi mọi việc còn đang tốt đẹp, nhưng chính những lúc mà sự việc chuyển biến xấu đi thì hiệu quả của những kỹ thuật này sẽ trở nên rõ ràng nhất. Nếu tôi thấy chủ nghĩa Khắc kỷ có lợi ích cho thập kỷ thứ sáu của cuộc đời tôi thì, tôi có khả năng không thể sống thiếu nó trong trong thập kỷ thứ tám hoặc thứ chín. Trừ phi tôi là một kẻ bất bình thường, những thử thách lớn nhất trong cuộc đời vẫn đang còn ở phía trước. Tôi nghĩ rằng mình sẽ rất vui mừng vì đã phát triển được một sự hiểu biết và cảm kích đối với chủ nghĩa Khắc kỷ trước khi đương đầu với những thử thách đó.

Nếu có một bằng chứng cho thấy chủ nghĩa Khắc kỷ (hoặc một số triết lý sống khác) là thứ triết lý “đúng đắn” thì thật tuyệt. Không may là, bằng chứng mà các triết gia Khắc kỷ đưa ra lại thiếu sức thuyết phục, và một bằng chứng thay thế thì lại chưa có. Trong trường hợp thiếu bằng chứng như vậy, chúng ta phải hành động dựa trên xác suất. Đối với một kiểu người nhất định – tức là đối với một người đang ở hoàn cảnh nào đó với một kiểu tính cách nào đó – có nhiều lý do để tin rằng chủ nghĩa Khắc kỷ đáng để thử. Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ không cần nhiều sự cố gắng; quả thực, nó không tốn mấy công sức so với những nỗ lực mà con người ta có thể phí phạm do thiếu triết lý sống. Người ta có thể thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ mà không cần phải trở nên uyên thâm hơn, và người ta có thể thử luyện tập nó một thời gian rồi từ bỏ và cũng chẳng thiệt gì khi cố gắng. Nói cách khác, bạn chẳng mất gì nhiều khi thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ như một thứ triết lý sống của bạn, và thứ bạn đạt được thì có thể là rất nhiều.

Quả thật, theo Marcus, chúng ta có thể có được một cuộc sống hoàn toàn mới thông qua việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ.

>>> Quay lại trang: Mục lục

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments