Sách: Chủ nghĩa khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản | Part 16

16- Tuổi già

Bàn về việc bị gửi vào viện dưỡng lão

Là một giáo sư đại học, tôi thường xuyên làm việc cùng với những thanh niên ở độ tuổi đôi mươi. Tôi nhận ra nhiều người trong số họ tin rằng thế giới tự do này là của họ. Họ nghĩ rằng họ có thể trở thành ngôi sao nhạc rock, về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. (Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Điều làm tôi bối rối là niềm tin của họ, họ tin rằng khi trở thành ngôi sao nhạc rock họ sẽ tìm được hạnh phúc to lớn và vĩnh cửu. Có lẽ họ nên theo dõi tin tức ngành giải trí sát sao hơn.) Những thanh niên độ tuổi đôi mươi này sẽ không chịu an phận với “sự thanh thản nhàm chán” khi có quá nhiều thứ họ cần phải sở hữu: một người bạn trai, bạn gái hoàn hảo, hoặc một người bạn đời, một công việc vừa ý, và tình yêu cũng như những sự ngưỡng mộ xung quanh họ. Đối với họ, chủ nghĩa Khắc kỷ nghe như một thứ triết học cho kẻ thất bại, và họ không phải là kẻ thất bại.

Trong những trường hợp cực đoan, người trẻ còn ấp ủ một định kiến to lớn mà họ tự phong cho mình. Họ nghĩ cuộc sống có trách nhiệm phải trải tấm thảm đỏ phía trước họ, xuyên qua bất kỳ con đường nào mà họ đi. Khi cuộc sống không đáp ứng điều đó cho họ – khi con đường mà họ chọn quá gập ghềnh và lồi lõm, hoặc thậm chí không thể đi qua được – họ cảm thấy bị sốc. Đáng ra không thể như thế này được! Chắc hẳn có ai đó, ở đâu đó, đã phạm sai lầm khủng khiếp!

Năm tháng trôi qua, những người trẻ này nhận ra cuộc sống sẽ đem đến cho họ trở ngại, và họ bắt đầu phát triển các kỹ năng để vượt qua những trở ngại này. Cụ thể như khi thế giới không dâng cho họ danh tiếng và tiền tài trên một chiếc đĩa bạc, họ nhận ra họ phải làm việc để đạt được nó, và họ bắt tay vào thực hiện. Thường thì thế giới đền trả lại nỗ lực của họ, và rồi ở tuổi ba mươi họ nhận ra, những điều kiện bên ngoài cho dù không xảy ra theo như những gì mà họ đã hy vọng ở tuổi hai mươi cũng không sao cả. Vào lúc này, họ thường sẽ cố gắng gấp đôi để cải thiện những điều kiện bên ngoài với niềm tin rằng điều đó sẽ đem lại cho họ cuộc sống hoàn hảo như họ hằng mơ ước.

Sau khi thử chiến thuật này thêm một thập kỷ nữa, mọi thứ dường như sáng tỏ đối với họ rằng họ vẫn chưa đi đến đâu cả. Họ được trả lương gấp hai mươi lần mức lương họ từng nhận, họ sống trong một căn nhà với bốn phòng ngủ thay vì một căn hộ studio, và họ là chủ đề của những bài báo tâng bốc trên những trang thông tin, nhưng họ không tiến gần đến với hạnh phúc hơn trước chút nào. Thật vậy, cũng vì sự phức tạp trong kế hoạch của họ để đạt được hạnh phúc, họ nhận ra bản thân bị nhấn chìm trong lo âu, giận dữ và tức giận. Họ còn nhận ra rằng thành công của họ cũng có mặt trái: Họ trở thành mục tiêu ganh tỵ của người khác. Chính ở giai đoạn này mà nhiều người trước kia chưa từng quan tâm đến triết học bắt đầu sống có triết lý hơn. “Có phải đây là tất cả những gì cuộc sống đem lại?” họ thầm nghĩ. “Đây có phải cuộc sống mà mình muốn sống hay không?”

Đôi khi giai đoạn chiêm nghiệm mang tính triết học này gây ra một thứ mà nền văn hóa của chúng ta gọi là khủng hoảng tuổi trung niên. Người đang phải trải qua cuộc khủng hoảng này đưa ra một kết luận đúng đắn rằng nỗi đau khổ của họ chính là kết quả của việc muốn những thứ sai lầm. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, người ta không thể rút ra được kết luận này; thay vì vậy, anh ta kết luận rằng anh ta không hạnh phúc bởi vì anh ta đã hy sinh những điều trước mắt để đạt được những mục tiêu lâu dài. Vì vậy anh ta ngưng việc chấp nhận hy sinh những thứ ngắn hạn: Anh ta mua xe, hay bỏ vợ và đi tìm nhân tình. Sau một khoảng thời gian, mọi chuyện trở nên rõ ràng với anh ấy rằng chiến thuật anh đang sử dụng để đạt đến hạnh phúc không tốt hơn trước chút nào và xét về nhiều phương diện nó còn tệ hơn chiến thuật trước kia.

Đến lúc này, anh ta có thể chuyển hướng chú ý của mình sang những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Và nếu điều này vẫn chưa đủ để anh ta chiêm nghiệm về những câu hỏi này, quá trình già đi, đi kèm với nó chính là viễn cảnh về cái chết đang ngày một kề cận, sẽ bắt anh ta trả lời những câu hỏi đó. Và thông qua việc chiêm nghiệm về những câu hỏi này, anh ta có thể nhận thấy chủ nghĩa Khắc kỷ, điều hoàn toàn không có sức hấp dẫn đối với anh ta khi còn trẻ, dường như bây giờ đã trở thành một thứ đáng tán dương như là một triết lý của cuộc sống.

Khi còn trẻ, chúng ta có thể đã từng tự hỏi già đi sẽ như thế nào. Và nếu chúng ta là những người Khắc kỷ, chúng ta có thể sẽ đã tưởng tượng ra quá trình đó sẽ như thế nào thông qua việc thực hành tưởng tượng tiêu cực. Trừ khi Tử thần xen ngang, cái ngày mà chúng ta không còn phải tự hỏi và tưởng tượng về tuổi già rồi cũng sẽ đến; chúng ta sẽ biết nó rất rõ. Những khả năng mà chúng ta đã từng coi là đương nhiên sẽ mất đi. Chúng ta khi xưa có thể chạy hàng dặm; bây giờ thì thở hổn hển khi bước đi dọc theo dãy hành lang. Chúng ta khi xưa từng quản lý tài chính cho cả một tập đoàn; bây giờ chúng ta chật vật với cuốn sổ ghi nợ nhỏ bé. Chúng ta khi xưa có thể nhớ ngày sinh nhật của tất cả mọi người; bây giờ đến cả ngày sinh của mình cũng là một con số lạ lẫm.

Mất đi những khả năng này đồng nghĩa với việc chúng ta không còn có thể tự nuôi sống bản thân, và vì vậy chúng ta bị tống vào trại dưỡng lão. Viện dưỡng lão chắc chắn không phải là một hoang đảo giống nơi mà Musonius bị lưu đày. Thực ra, nơi đó khá là tiện nghi về vật chất, với những bữa ăn thường nhật và ai đó giúp chúng ta giặt giũ, dọn phòng cho ta, và thậm chí giúp chúng ta tắm rửa. Nhưng cho dù môi trường mới này đầy đủ tiện nghi như vậy, giao tiếp vẫn là một vấn đề rất khó khăn. Chúng ta sẽ nhận ra bao quanh mình là những người mà ta không hề chọn. Kết quả là chúng ta có thể phải tương tác, mỗi ngày, mỗi buổi sáng và trước khi chúng ta uống cà phê, với những con người khó chịu đó. Chúng ta có thể nhận ra rằng mặc dù chúng ta đã từng được tận hưởng những giây phút huy hoàng khi đứng trên đỉnh cao của danh vọng, hiện tại chúng ta chỉ là một kẻ thấp kém trong nấc thang xã hội của viện dưỡng lão; ví dụ như, có một chiếc “bàn ăn đặc biệt” trong nhà ăn của viện, và chúng ta vẫn chưa được mời để ngồi vị trí đó.

Sống trong viện dưỡng lão giống với thời đi học trung học trên nhiều phương diện. Mọi người chia ra nhiều nhóm riêng, và những thành viên trong một nhóm dành nhiều thời gian để nói xấu những người thuộc những nhóm thù địch. Mặt khác, nó giống với cuộc sống ở ký túc xá: Bạn ở trong một căn phòng đơn, mở cửa ra là hành lang chung; bạn có thể ở lì trong phòng và nhìn bốn góc tường, hoặc mạo hiểm ra khỏi phòng để bước vào một môi trường bạn có thể cảm thấy khó khăn khi giao tiếp.

Sống trong viện dưỡng lão cũng giống như sống trong một thời kỳ bệnh dịch: Bạn thấy xe cứu thương đến vài lần mỗi tháng, hoặc ở những viện lớn thì vài lần mỗi tuần, để đem xác chết của những người không qua được đêm hôm trước đi. Nếu bạn không sống trong một viện dưỡng lão, bạn sẽ thoát khỏi sự tra tấn của những lần đến và đi của xe cứu thương, nhưng bạn có thể cũng sẽ không thể thoát khỏi việc biết được cái chết của những người bạn lâu năm, những người anh chị em, và thậm chí có thể là con cái của mình.

Một người hai mươi tuổi có thể khước từ chủ nghĩa Khắc kỷ vì họ tin rằng thế giới này là của họ; một người tám mươi tuổi biết rõ rằng thế giới không phải của bà ấy và mọi thứ chỉ ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi năm tháng trôi qua. Mặc dù khi ở độ tuổi hai mươi, bà ấy từng tin rằng mình là một người bất tử, sinh mệnh của bà ấy bây giờ đã hiển lộ ra một cách đầy đau đớn. Phải đối mặt với tử thần, bà ấy cuối cùng sẽ phải chịu chấp nhận “sự thanh thản nhàm chán,” và bà ấy có thể đủ điều kiện để đến với chủ nghĩa Khắc kỷ.

Tôi xin được nói thêm rằng bạn hoàn toàn có thể già đi mà vẫn không sẵn sàng cho chủ nghĩa Khắc kỷ hoặc bất kỳ triết lý khác của cuộc sống. Thật vậy, nhiều người sống và lặp đi lặp lại những lỗi lầm cũ, không gần hạnh phúc hơn chút nào ở tuổi tám mươi so với khi họ ở tuổi hai mươi. Những người này, thay vì tận hưởng cuộc sống, lại để cho cuộc sống trút hết cay đắng lên mình, và đến bây giờ, khi đã cận kề bờ vực của cái chết, họ lại sống để than trách về những thứ xảy ra, về người thân, thức ăn, thời tiết, nói tóm lại là về tất cả mọi thứ.

Những trường hợp này bi thảm bởi vì những người này từng có đầy đủ khả năng – và thực tế là vẫn còn khả năng – để tận hưởng niềm vui, nhưng họ chọn những mục tiêu sai lầm trong cuộc sống, hoặc chọn những mục tiêu đúng đắn nhưng với một chiến thuật tệ hại để hiện thực hóa những mục tiêu này. Đây chính là hậu quả của sự thất bại trong việc đưa ra một triết lý sống hiệu quả: Bạn cuối cùng đánh mất đi cuộc sống duy nhất mà bạn có.

Seneca phản biện rằng, tuổi già cũng có những lợi ích của nó: “Chúng ta hãy quý trọng và yêu quý tuổi già; bởi vì nó tràn ngập hỷ lạc nếu người ta biết tận dụng nó.” Thật vậy, ông ấy khẳng định rằng quãng thời gian vui vẻ nhất của con người là “khi đi xuống con dốc, nhưng chưa đến điểm chấm dứt.” ông nói thêm rằng ngay cả “điểm chấm dứt” cũng có cái hỷ lạc của nó. Điều quan trọng nhất là khi một người đánh mất khả năng tận hưởng lạc thú, họ sẽ mất đi ý muốn được tận hưởng chúng: “Thật sảng khoái làm sao,” ông nói, “khi khát vọng đã cạn, và ta không còn liên quan gì đến chúng!”

Hãy nói về ham muốn tình dục, sự thèm muốn được thỏa mãn về tình dục. Ham muốn tình dục đối với nhiều người – và đặc biệt là với nam giới, theo ý tôi – là một sự sao nhãng to lớn trong cuộc sống thường nhật. Chúng ta có thể kiểm soát việc có nên can thiệp vào những cảm xúc ham muốn hay không, nhưng chính những cảm xúc đó dường như đã bám rễ sâu trong chúng ta. (Nếu chúng ta thiếu đi những cảm xúc này hoặc có thể dễ dàng dập tắt chúng, chúng ta đã khó có thể tồn tại trong vai trò một giống loài.) Cũng bởi vì chúng làm ta xao nhãng, cảm xúc ham muốn gây ảnh hưởng rất lớn đến cách chúng ta dùng thời gian trong ngày.

Nhưng khi chúng ta già đi, cảm xúc ham muốn và tình trạng xao nhãng đi theo chúng cùng dần mờ nhạt đi. Một số người cho rằng đây là một điều xấu, vì đây chính là một ví dụ về một trong những lạc thú của tuổi trẻ mà chúng ta đánh mất. Nhưng kịch gia người Hy Lạp Sophocles đã đưa ra một góc nhìn khác. Khi ông ấy già đi và ai đó hỏi ông liệu ông còn có thể làm tình với một phụ nữ hay không, ông đáp, “Ta rất vui sướng vì đã vượt thoát khỏi điều đó, như một người nô lệ thoát khỏi ông chủ điên cuồng và độc ác.”

Seneca chỉ ra rằng bằng việc bắt cơ thể hoại diệt từ từ, tuổi già làm cho những thứ xấu xa và đám lâu la của chúng suy tàn theo. Tuy nhiên, quá trình lão hóa đó không nhất thiết làm cho trí óc của chúng ta tàn phế đi; thực tế, Seneca nhắc lại rằng cho dù ở tuổi già, tâm trí của ông “rất minh mẫn và vui mừng rằng nó chỉ còn lại một kết nối rất mong manh với xác thân này.” Ông cảm thấy biết ơn vì tâm trí của ông “đã buông bỏ được phần lớn gánh nặng của nó.”

Một nhược điểm của sự già đi là chúng ta phải sống với nhận thức rằng cái chết đang cận kề theo một cách nào đó. Lúc còn trẻ, chúng ta thường tự huyễn hoặc rằng cái chết là thứ dành cho người khác. Khi đến tuổi trung niên, chúng ta hiểu rằng mình rồi sẽ phải chết, nhưng chúng ta cũng nghĩ mình sẽ sống thêm nhiều thập kỷ nữa. Khi chúng ta già, ta biết rõ ràng mình sẽ chết – có thể không phải ngày mai nhưng ngày đó sẽ không xa. Đối với nhiều người, sự hiểu biết này làm cho tuổi già trở thành giai đoạn sầu thảm nhất của cuộc đời.

Tuy nhiên, người Khắc kỷ cho rằng viễn cảnh của cái chết, thay vì làm chúng ta sầu muộn, có thể làm những ngày tháng của ta trở nên đáng sống hơn. Chúng ta đã xem xét điều tưởng chừng như nghịch lý này ở chương 4. Chúng ta thấy rằng bằng cách tưởng tượng ra cuộc đời mình có thể còn tồi tệ hơn đến mức nào – và đặc biệt là bằng cách suy nghiệm về cái chết của chính mình – chúng ta có thể tăng khả năng cảm nhận được sự vui thú. Lúc còn trẻ, cần rất nhiều nỗ lực để suy nghiệm về cái chết; trong những năm cuối đời, nỗ lực đó dùng để tránh suy nghĩ về nó. Vì vậy tuổi già có cách để bắt chúng ta phải mà một việc mà, theo như những nhà Khắc kỷ nói, chúng ta đáng lẽ phải làm từ sớm rồi.

Do đó, trạng thái cận kề cái chết, thay vì làm chúng ta sầu khổ, có thể được sử dụng vì lợi ích của chúng ta. Lúc còn trẻ, bởi ta từng cho rằng mình sẽ sống mãi, chúng ta coi những ngày trôi qua thật quá đỗi bình thường và do đó ta đã để nhiều ngày tháng trôi qua một cách lãng phí. Tuy nhiên, lúc về già, mỗi ngày còn thức dậy là một ngày đáng để ăn mừng. Như Seneca đã nói, “Nếu Thượng Đế hài lòng ban cho ta thêm một ngày nữa, chúng ta nên đón nhận nó với một trái tim hân hoan khôn xiết.” Và sau khi ăn mừng vì được ban thêm một ngày để sống, chúng ta có thể lấp đầy ngày đó với một cuộc sống tràn đầy lòng biết ơn. Một cụ già tám mươi hoàn toàn có thể sống vui vẻ hơn đứa cháu hai mươi tuổi của bà, đặc biệt là khi cụ già đó không xem thường bất kì thứ gì bởi vì sức khỏe của bà đang đi xuống, trong khi đứa cháu xem mọi chuyện thật hiển nhiên đến mức tầm thường bởi vì sức khỏe của cô ấy đang ở độ hoàn hảo, nên cô ấy quyết định rằng cuộc sống thật là nhàm chán.

Trong nhiều triết lý sống, chủ nghĩa Khắc kỷ đặc biệt phù hợp với những năm tháng cuối đời của chúng ta. Đối với đa số mọi người, tuổi già chính là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời họ. Một nhiệm vụ căn bản của chủ nghĩa Khắc kỷ không chỉ là dạy cho chúng ta đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống mà còn phải đối mặt với nó bằng một tâm thái điềm nhiên. Hơn nữa, những người lớn tuổi thường trân quý sự thanh thản mà chủ nghĩa Khắc kỷ đem lại hơn là những người trẻ tuổi. Một người trẻ tuổi có thể cảm thấy khó chịu khi biết rằng ai đó bằng lòng với “sự thanh thản nhàm chán”; một người ngoài tám mươi không chỉ trân trọng giá trị của sự thanh thản, họ còn có thể sẽ nhận ra rằng rất ít người có thể đạt được điều đó dù cho đã đi qua hết một cuộc đời bể dâu.

Đó là lí do Musonius khuyên chúng ta nên đến với chủ nghĩa Khắc kỷ khi ta còn trẻ: Ông nghĩ đó chính là cách tốt nhất để chuẩn bị cho tuổi già. Một người thực hiện lời khuyên này, đến lúc về già, anh ta sẽ không than vãn vì tuổi xuân và những khoái lạc đã qua đi, về cơ thể ngày càng yếu ớt của mình, về sức khỏe xuống cấp, hay về việc bị người thân bỏ mặc, vì anh ta đã có “một liều thuốc hữu hiệu chống lại tất cả những thứ đó trong nội tâm của mình và trong sự hiểu biết mà anh ta sở hữu.”

Nếu ai đó xem thường việc nghiên cứu về chủ nghĩa Khắc kỷ trong thời thanh xuân của mình, anh ta cũng luôn có thể quay lại vào những giai đoạn sau của cuộc đời. Quá trình già đi có thể không cho phép chúng ta giải những bất đẳng thức, nhưng hiếm khi nào nó ngăn trở chúng ta thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Ngay cả những người già cả và yếu đuối cũng có thể đọc về các triết gia Khắc kỷ và chiêm nghiệm những điều họ viết. Họ cũng có thể thực hành tưởng tượng tiêu cực và từ chối lo lắng về những thứ ngoài tầm kiểm soát của họ. Và điều quan trọng nhất, họ có thể có một thái độ sống thuận theo cuộc đời và không dành những năm cuối cùng của mình để ước rằng giá như mọi chuyện đã khác.

>>> Quay lại trang: Mục lục

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments