Sách: Chủ nghĩa khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản | Part 15

15- Những giá trị cá nhân 2

Bàn về cuộc sống xa hoa

Bên cạnh việc coi trọng danh tiếng, con người thường đề cao sự giàu có. Hai giá trị này có vẻ độc lập, nhưng có thể cho rằng lý do chính chúng ta mưu cầu giàu sang là vì chúng ta tìm kiếm danh vọng. Chính xác hơn, chúng ta theo đuổi giàu sang vì chúng ta nhận ra của cải vật chất có thể khiến mọi người thán phục ta và do đó trao cho chúng ta một mức độ nổi tiếng nhất định. Nhưng nếu danh tiếng không đáng theo đuổi, và nếu lý do chính để chạy theo giàu sang của chúng ta là nhờ nó mà ta có được tiếng tăm, thì khi ấy sự giàu sang cũng không đáng để theo đuổi. Theo các nhà Khắc kỷ thì đúng là như vậy.

Chẳng hạn, trong thư an ủi gửi đến Helvia, Seneca nhắc rằng cơ thể của chúng ta nhỏ bé biết nhường nào và đặt ra câu hỏi này: “Ham muốn quá nhiều trong khi ta chỉ có thể chứa đựng quá ít, chẳng phải là điên rồ và mất trí nặng hay sao?” Hơn thế nữa, ông nói thật ngu ngốc khi “cho rằng vấn để quan trọng nằm ở số lượng tiền chứ không phải ở thái độ!” Musonius đồng ý với nhận định này. Theo quan sát của ông, sở hữu nhiều của cải sẽ chẳng giúp chúng ta sống cuộc đời không muộn phiền và sẽ không an ủi chúng ta khi về già. Và mặc dù sự giàu có có thể mua cho chúng ta những xa hoa vật chất và nhiều lạc thú khác về mặt giác quan, thì nó cũng không thể mang lại cho chúng ta sự thỏa mãn hay xua đi những khổ đau. Để ủng hộ cho tuyên bố này, Musonius chỉ ra tất cả những người giàu có nhưng vẫn cảm thấy buồn phiền và khốn khổ mặc cho khối tài sản của họ. Tương tự thế, Epictetus quả quyết rằng “Thà chết đói mà không phiền não và sợ hãi, còn hơn là sống giàu sang mà lo lắng, kinh hãi, nghi ngờ, và ham muốn vô độ.” Nhìn chung, ông cho rằng không màng đến giàu sang thì quý giá hơn cả bản thân sự giàu sang.

Riêng việc giàu có không mang lại hạnh phúc cho con người đã đủ tệ rồi, nhưng Musonius cho rằng tình hình còn tồi tệ hơn thế nữa: Giàu sang có quyền năng khiến con người bất hạnh. Thật vậy, nếu bạn muốn làm một người nào đó khổ sở, bạn có thể cân nhắc đến việc tặng cho anh ta của cải. Musonius từng cho một người đàn ông đang đóng giả là triết gia một khoản tiền. Khi người ta nói với ông rằng người đàn ông này là một kẻ giả danh, trên thực tế anh ta là kẻ xấu xa độc ác, Musonius, thay vì lấy lại tiền, cứ để anh ta giữ lấy tất. Ông nói với nụ cười trên môi, rằng nếu anh ta thực sự là kẻ xấu thì anh ta xứng đáng với số tiền đó.

Phần lớn mọi người sử dụng sự giàu có của họ để đáp ứng một lối sống xa hoa, nhờ thế mà họ khiến mọi người nể phục họ. Nhưng các nhà Khắc kỷ cho rằng một lối sống như vậy là phản tác dụng nếu mục tiêu của chúng ta không phải là sống dư dả mà là có một cuộc đời tốt đẹp.

Chẳng hạn, hãy xem những bữa ăn hoang phí gắn liền với cuộc sống xa hoa. Liệu những người ăn những bữa như vậy có sung sướng hơn những người ăn uống đơn giản không? Musonius không nghĩ như vậy. Ông nói rằng, những người có chế độ ăn uống xa hoa giống như một mẩu sắt kém chất lượng, phải liên tục được mài giũa; chính xác hơn, những người này sẽ cảm thấy không vui nổi với một bữa ăn trừ phi nó đã được “mài giũa” với rượu nguyên chất, giấm, hay nước sốt tart.

Thực tế có một nguy cơ là nếu tiếp xúc với lối sống xa hoa, chúng ta sẽ đánh mất khả năng tận hưởng, vui thích trước những điều đơn giản của mình. Đã có một thời chúng ta có thể nhâm nhi một bát mì ống và phô mai, kèm với một ly sữa, nhưng sau khi sống xa hoa một vài tháng, chúng ta có thể thấy bát mì ống không còn hấp dẫn khẩu vị của ta nữa; chúng ta bắt đầu từ bỏ nó để ăn Fettuccine Alfredo kèm với một chai nước uống có thương hiệu đặc biệt. Và chẳng mấy chốc, chúng ta có thể, nếu đủ khả năng chi trả, từ chối bữa ăn này để dùng món risotto ăn kèm với tôm hùm Maine và hoa bí vừa hái, kèm với một chai rượu vang trắng Riesling mà các nhà phê bình ẩm thực tán dương, và món khai vị tất nhiên sẽ là một đĩa salad xà lách xoắn xanh, bên trên là atiso hấp, đậu tằm, phô mai Valencay, măng tây non, và mấy quả cà chua anh đào.

Khi con người trở nên khó thỏa mãn, do hệ quả của việc tiếp xúc với cách sống xa hoa, một điều kỳ lạ xảy ra. Thay vì đau buồn vì mất đi khả năng tận hưởng những điều đơn giản của mình, họ lại lấy làm tự hào về khả năng mới có – chỉ yêu thích “những gì tốt nhất”. Tuy nhiên, các triết gia Khắc kỷ sẽ thấy thương hại cho những cá nhân đó. Họ chỉ ra rằng bằng việc làm suy yếu khả năng thưởng thức những điều đơn giản, những thứ dễ dàng có được của họ – ví dụ như một bát mì ống và phô mai – những người này đã làm suy yếu trầm trọng khả năng tận hưởng cuộc sống của mình. Các nhà Khắc kỷ cố gắng tránh trở thành nạn nhân của lối sống sành diệu này. Thật vậy, các nhà Khắc kỷ đánh giá cao khả năng tận hưởng cuộc sống bình thường của họ – và quả thực, khả năng tìm thấy nguồn vui ngay cả khi đang sống trong những điều kiện giản dị, thô sơ.

Một phần vì nguyên do này mà Musonius ủng hộ chế độ ăn đơn giản. Chính xác hơn, ông cho rằng tốt nhất là nên ăn những thực phẩm không tốn nhiều thời gian chuẩn bị, bao gồm trái cây, rau xanh, sữa và phô mai. Ông cũng tránh ăn thịt vì ông nghĩ đó là thực phẩm phù hợp cho động vật hoang dã hơn. Ông khuyên rằng khi một người ăn uống, anh ta nên chọn loại thức ăn “để nuôi dưỡng cơ thể chứ không phải để ăn cho sướng miệng, không phải để thỏa mãn khẩu vị của mình mà là để làm cơ thể khỏe mạnh.” Cuối cùng, Musonius khuyên chúng ta làm theo tấm gương của Socrates: Thay vì sống để ăn – thay vì dành cả cuộc đời của ta để theo đuổi khoái lạc đến từ thức ăn – chúng ta nên ăn để sống.

Tại sao Musonius tước đi những thứ tưởng chừng vô hại như thú vui ẩm thực? Vì ông ấy tin rằng chúng không phải là vậy. Ông nhớ lại lời nhận định của Zeno rằng chúng ta nên thận trọng trong việc tìm kiếm cao lương mỹ vị, vì một khi bắt đầu đi theo hướng này rồi, sẽ rất khó để dừng lại. Một điều khác cần nhớ là mặc dù qua năm tháng chúng ta có thể gặp được những nguồn khoái lạc khác nhau, nhưng ăn uống là điều chúng ta làm thường ngày, và càng thường xuyên bị cám dỗ bởi một điều khoái lạc, chúng ta càng dễ có nguy cơ bị chìm đắm trong nó. Chính vì nguyên do này mà Musonius nói, “lạc thú liên quan đến ăn uống chắc chắn là thứ khó chống lại nhất trong tất cả lạc thú.”

Bên cạnh những bữa ăn hoang phí, những người sống xa hoa cũng mặc quần áo đắt tiền và sống trong những ngôi nhà đắt tiền, đầy đủ tiện nghi. Nhưng theo các nhà Khắc kỷ, cũng giống như việc chúng ta nên chuộng chế độ ăn uống đơn giản, chúng ta cũng nên ủng hộ ăn mặc quần áo đơn giản, nhà cửa và nội thất đơn giản, chẳng hạn Musonius khuyên chúng ta ăn mặc để bảo vệ cơ thể, chứ không phải để gây ấn tượng với mọi người. Tương tự như vậy, ngôi nhà của chúng ta nên thiết thực: Nó phải không khác gì một nơi để che mưa che nắng. Một hang động cũng ổn nếu nó có sẵn. Ông nhắc chúng ta rằng những ngôi nhà có sân vườn, phối màu lạ mắt, và trần nhà mạ vàng rất khó để bảo dưỡng. Hơn nữa, ngôi nhà đơn giản của chúng ta chỉ nên được trang bị đơn giản. Nhà bếp nên được trang bị đồ bằng đất nung và đồ bằng sắt thay vì bằng bạc và vàng; bên cạnh việc rẻ tiền hơn, Musonius quan sát, những vật dụng như vậy thì dễ nấu ăn hơn và ít khi bị trộm cắp.

Những người đạt được lối sống xa hoa thường hiếm khi biết thỏa mãn: Trải nghiệm sự xa hoa chỉ kích thích cho người ta thèm muốn nhiều xa hoa hơn nữa. Để bảo vệ luận điểm này, Seneca yêu cầu người bạn của ông, Lucilius tưởng tượng rằng anh ta đã trở nên giàu có tột đỉnh, rằng ngôi nhà của anh ta có sàn đá cẩm thạch và được tô điểm bằng vàng, và quần áo của anh ta có màu tím hoàng gia. Có tất cả những thứ này, theo ông quan sát, sẽ không làm Lucilius hạnh phúc: “Bạn sẽ chỉ học được một điều duy nhất từ những thứ như vậy, rằng ham muốn của bạn ngày càng lớn hơn.” Đấy là bởi vì ham muốn những thứ xa xỉ không phải là một ham muốn tự nhiên. Những ham muốn tự nhiên, ví dụ như muốn uống nước khi chúng ta khát, có thể được thỏa mãn; còn những ham muốn trái tự nhiên thì không thể thỏa mãn. Do đó, khi chúng ta thấy mình đang khao khát một điều gì đấy, chúng ta nên dừng lại để tự hỏi liệu ham muốn của ta là thuận tự nhiên hay trái tự nhiên, và nếu nó trái tự nhiên, ta nên nghĩ kỹ về việc thỏa mãn nó.

Seneca cảnh báo, sự xa hoa dùng mưu kế để thúc đẩy những thói hư tật xấu: Trước tiên, nó khiến chúng ta muốn những thứ không cần thiết, sau đó nó làm chúng ta muốn những thứ nguy hiểm cho ta. Chẳng mấy chốc, tâm trí trở thành nô lệ cho những ý thích nhất thời và khoái lạc của cơ thể. Tương tự thế, Musonius nói với chúng ta rằng ông thà bị ốm còn hơn là sống xa hoa. Ông lập luận rằng, bệnh tật có thể gây hại cho cơ thể, nhưng một cuộc sống nhung lụa sẽ làm hại tâm hồn bằng cách khiến nó trở nên “vô kỷ luật và hèn nhát”. Vì thế, ông đưa ra kết luận “phải tuyệt đối tránh xa cuộc sống xa hoa”.

Nếu chúng ta khắc ghi lời khuyên của các nhà Khắc kỷ và từ bỏ cuộc sống xa hoa, chúng ta sẽ thấy các nhu cầu của bản thân đều khá dễ đáp ứng, vì như Seneca nhắc nhở chúng ta, những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống đều rẻ tiền và dễ dàng đạt được. Những người thèm khát sự sang trọng thường phải bỏ ra khá nhiều thời gian và năng lượng để có được nó; còn những ai làm ngơ trước sự xa hoa có thể dành hết nguồn thời gian và năng lượng này cho các công việc khác xứng đáng hơn.

Chúng ta nên giàu có đến đâu là vừa? Theo Seneca, mục tiêu tài chính của chúng ta là nên đạt được khối tài sản không ít đến mức rơi vào đói khổ, và cũng không quá xa với sự nghèo khổ.” Ông nói rằng, chúng ta nên học cách kiềm chế sự xa hoa, nuôi dưỡng lối sống thanh đạm và “nhìn đói nghèo bằng đôi mắt không thành kiến”. Ông nói thêm, lối sống của một người Khắc kỷ nên nằm đâu đó giữa lối sống của một hiền triết và của một người bình thường.

Epictetus đưa ra lời khuyên đơn giản hơn: Chúng ta nên, ông nói, “đối xử với nhục thể này bằng nhu cầu tối thiểu nhất mà nó cần.” Và chúng ta cần những gì? Đủ thức ăn để nuôi dưỡng cơ thể, đủ quần áo để che cơ thể, và một ngôi nhà đủ lớn để chứa đựng nó. Điều đáng chú ý là mặc dù sống theo lối sống Spartan (khổ hạnh, thanh đạm), những người Khắc kỷ nhờ thực hành tưởng tượng tiêu cực mà có thể thỏa mãn với những gì mình có hơn những người sống trong sự xa hoa.

Epictetus khuyến khích chúng ta ghi nhớ rằng lòng tự trọng, dáng tin cậy, và tâm hồn cao thượng quý giá hơn sự giàu có, có nghĩa là nếu phương cách duy nhất để có được của cải là phải từ bỏ những phẩm chất cá nhân trên, chúng ta là kẻ ngốc khi theo đuổi giàu sang. Hơn nữa, chúng ta nên nhớ rằng một ai đó giàu có hơn những người khác không đồng nghĩa với kẻ ấy tốt hơn người khác. Tương tự thế, chúng ta nên ghi nhớ lời bình luận của Seneca với Lucilius rằng “Người có thể thích nghi với những điều kiện khiêm tốn và sống giàu có với tài sản ít ỏi, là người đàn ông thật sự giàu có.” (Những người Khắc kỷ không hề đơn độc khi đưa ra nhận xét này. Chẳng hạn, ở phía bên kia địa cầu, Lão Tử nhận định rằng “những ai biết hài lòng chính là người giàu có.”)

Mặc dù không theo đuổi sự giàu có, một người Khắc kỷ vẫn có thể đạt được nó. Suy cho cùng, một người Khắc kỷ sẽ làm tất cả những gì có thể để bản thân trở nên hữu ích đối với đồng loại. Và nhờ tập luyện Khắc kỷ, người ấy sẽ có tinh thần kỷ luật tự giác và chuyên tâm (chỉ theo đuổi một mục đích duy nhất), những phẩm chất sẽ giúp người ấy hoàn thành được những nhiệm vụ mà họ đề ra cho bản thân. Kết quả là, họ có thể giúp đỡ mọi người rất hiệu quả và nhờ đó mà được tưởng thưởng. Nói cách khác, những người thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ vẫn có thể đạt được phần thưởng về tài chính.

Giả sử một người Khắc kỷ nọ – một lần nữa, nhờ vào việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ – đã mất hứng thú với cuộc sống xa hoa và nhìn chung đã vượt qua được sự thèm khát hàng tiêu dùng. Kết quả là, cô ấy có thể giữ lại được phần lớn thu nhập của mình và nhờ đó mà trở nên giàu có. Đây quả thật là điều mỉa mai: Một người Khắc kỷ xem thường giàu sang lại có thể trở nên giàu có hơn những người có mục tiêu chính là kiếm được nhiều của cải. Các triết gia Khắc kỷ La Mã mà ta đã xem xét có vẻ như đã kinh qua sự giàu có nghịch lý này. Seneca và Marcus đều có gia tài đồ sộ, và Musonius lẫn Epictetus, với tư cách là người đứng đầu các ngôi trường Khắc kỷ thành công, chắc hẳn cũng dư dả về tài chính. (Thật vậy, thu nhập của Musonius đủ để ông có thể tặng tiền một kẻ giả mạo triết gia.)

Một người Khắc kỷ sẽ làm gì nếu người ấy giàu có, mặc dù không chạy theo giàu sang? Chủ nghĩa Khắc kỷ không yêu cầu người đó từ bỏ sự giàu sang; nó cho phép họ tận hưởng sự giàu sang và sử dụng của cải để mang lại lợi ích cho bản thân và những người xung quanh. Tuy nhiên, nó đòi hỏi suy nghĩ chín chắn. Người ấy phải luôn khắc ghi trong lòng rằng sự giàu sang của bản thân có thể bị tước đoạt; quả thật người ấy nên dành thời gian để chuẩn bị cho sự mất mát đó – chẳng hạn bằng cách thỉnh thoảng tập sống kham khổ. Người ấy cũng phải ghi nhớ rằng nếu không thận trọng, việc tận hưởng giàu sang có thể làm suy yếu tính cách và khả năng tận hưởng cuộc sống của họ. Vì lý do này, họ sẽ tránh xa lối sống xa xỉ. Bởi thế, việc hưởng thụ sự giàu có của các nhà Khắc kỷ sẽ khác hẳn với người bình thường vừa hay tin trúng số độc đắc.

Chúng ta cần ghi nhớ sự khác biệt giữa những nhà Yếm thế và những nhà Khắc kỷ. Chủ nghĩa Yếm thế yêu cầu tín đồ phải sống trong cảnh bần hàn; còn chủ nghĩa Khắc kỷ thì không. Seneca nhắc chúng ta rằng, triết lý Khắc kỷ “kêu gọi lối sống đơn giản, chứ không phải khổ hạnh”. Nói chung, việc một người Khắc kỷ làm giàu là hoàn toàn chính đáng, theo Seneca, chừng nào anh ta không làm hại người khác để đạt được nó. Một người Khắc kỷ cũng có quyền được hưởng thụ giàu sang, miễn là anh ta thận trọng không bám chấp vào nó. Quan điểm ở đây là con người có thể vừa tận hưởng một điều gì đó và đồng thời cũng thờ ơ với nó. Vì thế, Seneca cho rằng, “Ta sẽ coi khinh vinh hoa phú quý dù cho ta có sở hữu nó hay không, ta không ưu phiền khi nó ngoài tầm tay ta, ta cũng không kiêu hãnh khi nó lấp lánh quanh ta.” Thật vậy, một người khôn ngoan “không bao giờ quá lo nghĩ về sự nghèo khó cũng không quá hài lòng khi sống trong nhung lụa”, và anh ta sẽ thận trọng để coi sự giàu có như người phục vụ chứ không phải ông chủ của anh ta.

(Tôi xin nói thêm rằng các nhà Khắc kỷ có những quan điểm khác nhau về việc một người Khắc kỷ nên hưởng thụ sự giàu sang của mình như thế nào. Musonius và Epictetus có vẻ mang tư tưởng rằng chỉ một sự tiếp xúc tối thiểu với cuộc sống xa hoa sẽ khiến chúng ta trở thành người hư hỏng, trong khi đó Seneca và Marcus cho rằng người ta hoàn toàn có thể sống trong một cung điện mà vẫn không trở nên đồi bại.)

Quan điểm của Phật giáo về sự giàu có rất giống với quan điểm mà tôi đã nói ở các nhà Khắc kỷ: Một Phật tử được phép làm giàu, miễn là bạn không bám chấp vào sự giàu sang đó. Dù sao đi nữa, đây chính là lời khuyên mà Đức Phật đã dành cho Anathapindika, một người đàn ông giàu nứt đố đổ vách: “Người bám chấp vào sự giàu có thì tốt hơn nên bỏ nó đi thay vì cho phép nó đầu độc trái tim của anh ta; nhưng nếu anh ta không bám chấp vào sự giàu có, và có nhiều của cải, sử dụng chúng một cách đúng đắn, thì sẽ là một phước lành cho những người xung quanh anh ta.”

Nhân tiện, những nhận định trên về sự giàu có cũng được áp dụng cho sự nổi tiếng. Như ta đã thấy, các nhà Khắc kỷ không theo đuổi danh vọng; ngược lại, họ sẽ cố gắng không bận tâm đến những điều thiên hạ nghĩ về họ. Tuy nhiên, họ vẫn có thể trở nên nổi tiếng. Quả thật, bốn triết gia Khắc kỷ La Mã mà chúng ta đang bàn đều có tiếng tăm lừng lẫy. (Musonius và Epictetus rõ ràng không nổi tiếng bằng Seneca và Marcus, nhưng họ được công nhận trong nghề, và thậm chí những người dân La Mã chưa từng theo học các trường của họ cũng có thể đã biết tiếng tăm của họ.)

Vậy một người Khắc kỷ nên làm gì nếu thấy mình trở nên nổi tiếng mặc dù không theo đuổi nó? Liệu họ có nên tận hưởng danh tiếng này như cách hưởng thụ sự giàu sang, mặc dù không chạy theo nó? Tôi cho rằng các nhà Khắc kỷ sẽ cảnh giác với việc tận hưởng danh tiếng hơn là tận hưởng sự giàu sang. Như ta đã thấy, có một nguy cơ là sự giàu có sẽ làm chúng ta trở nên bại hoại, nhất là nếu chúng ta sử dụng nó để đáp ứng cho lối sống xa hoa. Nhưng mối nguy hiểm mà danh tiếng mang lại cho ta thậm chí còn lớn hơn. Đặc biệt là, hào quang đến từ sự nổi tiếng có thể kích thích chúng ta thèm khát được nổi danh hơn nữa, và cách rõ ràng nhất để đạt được điều này là ăn nói, cư xử và sống toan tính để nhận được sự ngưỡng mộ của thiên hạ. Để làm điều này, chúng ta có thể sẽ phải phản bội các nguyên tắc Khắc kỷ của mình.

Chắc chắn rằng một người Khắc kỷ sẽ không đắm chìm trong danh vọng. Đồng thời, người ấy sẽ không ngần ngại sử dụng danh tiếng này như một công cụ để thực hiện những gì họ coi là nghĩa vụ xã hội của mình. Do đó, Musonius và Epictetus có lẽ chẳng bận tâm đến việc tên tuổi của họ được nhiều người biết đến, vì điều này làm tăng cơ hội thu hút nhiều học sinh đến trường của họ và nhờ đó cho phép họ phổ biến những quan điểm của chủ nghĩa Khắc kỷ hiệu quả hơn.

>>> Quay lại trang: Mục lục

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments