Sách: Chủ nghĩa khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản | Part 14

14- Những giá trị cá nhân 1

Bàn về việc theo đuổi danh vọng

Các nhà Khắc kỷ cho rằng, con người không hạnh phúc phần lớn là do họ nhầm lẫn về điều gì là có giá trị. Bởi sự nhầm lẫn này mà họ dành những tháng ngày cuộc đời để theo đuổi những thứ, thay vì làm cho họ hạnh phúc, lại khiến họ lo lắng và khổ sở.

Một trong những điều con người vì lầm tưởng mà theo đuổi là sự nổi tiếng. Sự nổi tiếng mà ta đang bàn có nhiều mức độ. Một số người muốn nổi tiếng khắp thế giới. Một số khác thì không muốn nổi danh ở cấp quốc tế mà chỉ cần có danh tiếng ở cấp địa phương hay vùng miền. Và có cả những người không ham chạy theo danh vọng, dù là ở cấp địa phương, nhưng lại tìm kiếm sự nổi tiếng trong nhóm xã hội của họ hay sự công nhận trong ngành nghề của họ. Và gần như ai cũng tìm kiếm sự ngưỡng mộ từ bạn bè, xóm giếng. Họ tin chắc rằng đạt được danh tiếng (theo nghĩa rất rộng của từ này) sẽ làm họ hạnh phúc. Họ không nhận ra rằng sự nổi tiếng, cho dù ở mức độ toàn thế giới hay chỉ đơn giản là sự ngưỡng mộ của hàng xóm, đều phải trả bằng một cái giá nào đó. Quả thật, các nhà Khắc kỷ cho rằng cái giá của danh tiếng cao đến nỗi nó lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ lợi lạc nào mà tiếng tăm có thể ban cho chúng ta.

Để hiểu rõ hơn cái giá của sự nổi tiếng, hãy xem ví dụ sau đây của Epictetus. Giả dụ mục tiêu của bạn là trở thành một cá nhân xuất chúng của xã hội, “có tiếng tăm” trong vòng tròn xã hội của bạn, và giả sử một người nào đó trong vòng tròn xã hội của bạn đãi tiệc. Nếu người này không mời bạn dự tiệc, bạn sẽ trả một cái giá: Bạn sẽ nổi giận do bị coi thường. Nhưng ngay cả khi anh ta mời bạn, Epictetus chỉ ra, đấy là bởi vì bạn đã trả một cái giá trong quá khứ: Bạn đã cố hết sức chú ý đến người thiết đãi tiệc và tuôn một tràng những lời có cánh dành cho anh ta. Epictetus cho biết thêm là trong cả hai trường hợp, bạn đều tham lam và ngu ngốc khi kỳ vọng có được một vị trí ở bàn tiệc mà không phải trả cái giá này.

Epictetus tin rằng bạn sẽ sống ổn hơn rất nhiều nếu chẳng màng đến địa vị xã hội. Thứ nhất, bạn sẽ không phải tốn thời gian để cầu cạnh người này. Ngoài ra, bạn sẽ không cho anh ta cái quyền làm bạn bực bội đơn giản chỉ vì không mời bạn dự tiệc.

Các nhà Khắc kỷ coi trọng sự tự do của họ, và bởi vậy họ không muốn làm những việc sẽ trao cho kẻ khác quyền năng chế ngự họ. Nhưng nếu tìm kiếm địa vị xã hội, chúng ta đang trao cho người khác quyền lực đối với chúng ta: Chúng ta phải làm những việc có toan tính để khiến họ ngưỡng mộ ta, và chúng ta phải kiềm chế, tránh làm những việc khiến họ không hài lòng. Epictetus do đó khuyên chúng ta đừng mưu cầu địa vị xã hội, kể từ lúc biến nó thành mục tiêu làm vừa lòng người khác, chúng ta sẽ không còn được tự do làm vui lòng bản thân. Ông cho rằng, chúng ta sẽ biến mình thành nô lệ.

Nếu muốn giữ lại sự tự do của mình, Epictetus nói, chúng ta phải cẩn thận trong quan hệ với người khác, dửng dưng trước những gì họ nghĩ về ta. Hơn nữa, thái độ dửng dưng của chúng ta cần trước sau như một; nói cách khác chúng ta nên bỏ qua sự chấp thuận cũng như sự phản đối của họ. Thật vậy, Epictetus nói rằng khi người khác khen ngợi chúng ta, phản ứng thích hợp là cười nhạo họ. (Nhưng đừng cười to tiếng! Dù Epictetus và các nhà Khắc kỷ khác tin rằng chúng ta nên thờ ơ trước những ý kiến của người khác về ta, họ sẽ khuyên chúng ta nên che giấu thái độ bàng quan đó. Suy cho cùng, nói với ai đó rằng bạn chẳng thèm bận tâm tới suy nghĩ của anh ta rất có thể là sự xúc phạm tệ hại nhất mà bạn có thể gây ra.)

Marcus đồng ý với Epictetus rằng chúng ta thật dại dột khi cứ mải bận tâm về những gì người khác nghĩ về mình và đặc biệt ngu xuẩn khi tìm kiếm sự chấp thuận của những người mà ta bất đồng về giá trị sống. Bởi vậy, mục tiêu của chúng ta nên là sống thờ ơ trước những quan điểm của kẻ khác về mình. Ông nói thêm rằng nếu có thể làm được việc này, chúng ta sẽ cải thiện chất lượng sống của mình.

Cần thấy rằng lời khuyên chúng ta nên tảng lờ trước những điều mà thiên hạ nghĩ về mình nhất quán với lời khuyên của chủ nghĩa Khắc kỷ rằng chúng ta đừng quan tâm đến những việc mà ta không thể kiểm soát. Tôi không có quyền năng ngăn cản người khác thôi chế nhạo tôi, bởi thế tôi thật dại dột khi phí thời gian để tìm cách ngăn chặn họ. Thay vào đó, theo Marcus, tôi nên dành thời gian này cho những việc mà tôi có toàn quyền kiểm soát, cụ thể là, đừng làm bất cứ chuyện gì đáng bị nhạo báng.

Marcus cũng có đôi lời với những ai coi trọng điều mà nhiều người coi là dạng tột bậc của danh vọng: danh tiếng muôn đời. Kiểu danh tiếng đó, Marcus nói, “là một thứ rỗng tuếch”. Suy cho cùng, hãy nghĩ xem ta thật dại dột làm sao khi muốn được mọi người nhớ đến sau khi ta chết. Bởi một lẽ, khi chết rồi, chúng ta sẽ không thể tận hưởng được danh tiếng của mình nữa. Lý do khác nữa là, chúng ta thật ngu ngốc khi tin rằng những thế hệ sau sẽ tán thưởng ta, dù chưa hề gặp chúng ta, khi ngay cả ta còn thấy khó mà dành tặng lời khen cho những người sống cùng thời với mình, cho dù ta gặp họ thường xuyên. Thay vì nghĩ về danh tiếng trong tương lai, Marcus nói, chúng ta nên quan tâm đến tình trạng hiện giờ của mình; ông khuyên chúng ta nên “tận dụng tốt nhất ngày hôm nay”.

Giả sử chúng ta thừa nhận rằng các nhà Khắc kỷ đã nói đúng: Chúng ta nên phớt lờ những điều mà mọi người nghĩ về mình. Đối với phần lớn mọi người thì đây là lời khuyên khó mà tuân theo. Thử nghĩ mà xem, đa số chúng ta đều bị ám ảnh bởi những ý kiến của kẻ khác về mình: Ta làm việc chăm chỉ, trước tiên là để nhận được sự thán phục từ người khác và sau đó là tránh đánh mất nó.

Các nhà Khắc kỷ cho rằng, một phương cách để vượt qua nỗi ám ảnh này là nhận ra để có được sự khâm phục của người khác, chúng ta sẽ phải tiếp nhận các giá trị của họ. Chính xác hơn, chúng ta sẽ phải sống một cuộc đời thành công theo chuẩn thành công của họ. (Nếu chúng ta đang sống cuộc đời mà theo họ đấy là cuộc đời thất bại thì họ sẽ chẳng có lý do gì để nể phục chúng ta.) Hệ quả là, trước khi cố gắng có được sự ngưỡng mộ từ những kẻ đó, chúng ta nên dừng lại để tự hỏi liệu quan điểm về thành công của họ có tương hợp với của ta không. Quan trọng hơn, chúng ta nên dừng lại để tự hỏi liệu những người này, bằng việc chạy theo bất cứ thứ gì mà họ đề cao, có đạt được sự bình thản mà chúng ta đang tìm kiếm không. Nếu câu trả lời là không, chúng ta nên sẵn sàng từ bỏ sự ngưỡng mộ của họ.

Một cách khác để vượt qua nỗi ám ảnh của chúng ta với sự ngưỡng mộ từ thiên hạ là chịu khó làm những việc có thể khiến mọi người khinh thường chúng ta. Về phương diện này, Cato đã phớt lờ các xu hướng thời trang: Khi thiên hạ mặc đồ màu tím nhạt, ông mặc đồ màu tối, và mặc dù người La Mã cổ đại thường mang giày và áo choàng khi ra đường, Cato không dùng cả hai. Theo Plutarch, Cato làm vậy không phải để “tìm kiếm hư danh”; trái lại, ông ăn mặc khác biệt để tập cho mình quen “chỉ hổ thẹn với những điều thực sự đáng hổ thẹn, và phớt lờ những sự khinh miệt của thiên hạ về những thứ khác.” Nói cách khác, Cato cố tình làm những việc đó để chọc người khác khinh bỉ ông, đơn giản nhờ vậy mà ông có thể thực tập phớt lờ sự khinh bỉ của họ.

Nhiều người bị ám ảnh bởi một nỗi sợ, mà trong một số trường hợp, nó hạn chế sự tự do của họ, cụ thể là nỗi sợ thất bại. Những người mà ta đang bàn có thể dự định làm việc gì đó sẽ thử thách lòng can đảm, sự quyết tâm và khả năng của họ, nhưng sau đó quyết định không làm, yếu tố then chốt trong quyết định của họ là sợ thất bại. Từ góc nhìn của họ thì tốt hơn là không nên cố gắng làm việc gì đó còn thay vì cố làm mà lại thất bại.

Chắc chắn là có những thất bại mà bất kỳ ai khôn ngoan cũng đều muốn tránh – chẳng hạn, những thất bại có thể đưa đến hậu quả là mất mạng hoặc cơ thể bị hủy hoại nghiêm trọng. Tuy nhiên, những thất bại mà nhiều người tìm cách né tránh lại không tước đi mạng sống hay sức khỏe của họ. Thay vào đó, cái giá phải trả của thất bại là phải chịu đựng sự nhạo báng của thiên hạ hoặc sự thương hại âm thầm của những người biết về sự thất bại của họ.

Bởi vậy, những người ghét thất bại cho rằng, thà không cố làm việc gì đó còn hơn là gánh chịu nguy cơ bị bẽ mặt.

Hãy nhận ra là có nhiều người, rất có thể có cả bạn bè và người thân của bạn, muốn bạn thất bại trong công việc. Họ có thể không nói toẹt điều này ra trước mặt bạn, nhưng điều này không có nghĩa là họ không âm thầm chống lại bạn. Người ta làm vậy một phần vì sự thành công của bạn khiến họ trông thảm hại và cảm thấy khó chịu: Nếu bạn có thể thành công, thì tại sao họ không làm được? Hệ quả là, nếu bạn cố gắng làm việc gì đó táo bạo, họ có thể chế nhạo bạn, dự đoán thảm họa, và cố gắng khuyên nhủ bạn đừng theo đuổi mục tiêu của mình. Nếu mặc cho những lời cảnh báo của họ, bạn vẫn cố gắng và đạt được thành công, họ cuối cùng có thể chúc mừng bạn – hoặc không.

Hãy xem lại ví dụ về người phụ nữ mà tôi đã nói đến ở trên, mục tiêu của cô ấy là viết một cuốn tiểu thuyết. Giả sử cô ấy tâm sự với bạn bè, người thân và đồng nghiệp về hoài bão văn chương của mình. Một số người nghe cô thổ lộ sẽ chân thành động viên cô. Những người khác sẽ phản ứng trước thông báo của cô với vẻ mặt vui mừng xen lẫn bi quan. Họ có thể dự đoán rằng cô sẽ không đời nào hoàn thành được cuốn tiểu thuyết. (Và như muốn chọc tức cô, họ có thể đều đặn như cái đồng hồ, hỏi xem tình hình cuốn sách viết tới đâu.) Nếu cô viết xong, họ có thể dự rằng cô sẽ không tìm được nhà xuất bản cho cuốn sách. Nếu cô tìm được nhà xuất bản, họ có thể dự rằng cuốn tiểu thuyết sẽ không ăn khách. Và nếu sách bán chạy, họ có thể nghĩ rằng thành công của cô là bằng chứng cho thấy tiêu chuẩn thấp của những người mua sách.

Tất nhiên, người phụ nữ này có thể nhận được sự chấp thuận của những kẻ luôn bài bác này: Cô chỉ cần từ bỏ giấc mơ trở thành tiểu thuyết gia của mình. Nếu cô làm vậy, những kẻ bài bác này sẽ coi cô như một người cùng chung chí hướng và sẽ chào đón cô với vòng tay rộng mở. Họ sẽ mời cô ngồi cùng họ trên một đi-văng thoải mái ở đâu đó và cùng họ chế giễu những người đang theo đuổi giấc mơ của họ bất chấp khả năng thất bại. Nhưng đây có thật sự là một tình bạn mà cô muốn giữ? Phải chăng cô ấy thực lòng muốn từ bỏ việc theo đuổi giấc mơ của mình để có được sự chấp nhận của những người đó?

Theo các nhà Khắc kỷ, người phụ nữ này sẽ sống tốt hơn khi không bận tâm đến những điều người khác nghĩ về cô. Và những kẻ hay bài bác ở trên rõ ràng nên nằm ở vị trí đầu tiên trong danh sách những người có quan điểm mà cô nên tảng lờ. Thật trớ trêu, bằng việc khước từ tìm kiếm sự ngưỡng mộ của người khác, những người thực hành Khắc kỷ có thể có được sự ngưỡng mộ của thiên hạ (cho dù miễn cưỡng). Chẳng hạn, nhiều người sẽ coi thái độ dửng dưng trước dư luận của những người thực hành Khắc kỷ như một dấu hiệu của sự tự tin: Chỉ những người thực sự biết mình là ai – một người, mà theo họ, cảm thấy hài lòng về bản thân – mới thể hiện được kiểu thái độ dửng dưng này. Cơ chừng chính những người này cũng ước rằng họ có thể phớt lờ những suy nghĩ của thiên hạ về mình.

Trong một số trường hợp, sự thán phục của mọi người đủ lớn để khiến họ hỏi người Khắc kỷ làm sao cô ấy làm được như thế. Khi cô ấy tiết lộ bí mật của mình – khi cô thú nhận rằng cô đang thực hành Khắc kỷ – liệu cô ấy có kích hoạt một sự biến đổi ở những người đặt câu hỏi? Không chắc lắm. Họ có thể tưởng rằng cô ấy đang trêu họ. Thời này mà vẫn còn người thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ ư? Hoặc họ có thể cho rằng mặc dù chủ nghĩa Khắc kỷ có tác dụng với cô ấy thì nó sẽ không có tác dụng với họ bởi vì những khác biệt về tính cách. Hoặc trong quá nhiều trường hợp, họ sẽ kết luận rằng mặc dù thật là tuyệt khi có được sự tự tin như những người Khắc kỷ, có những thứ khác đáng theo đuổi hơn, chẳng hạn như danh tiếng… hoặc một cuộc sống xa hoa.

>>> Quay lại trang: Mục lục

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments