Sách: Chủ nghĩa khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản | Part 13

13- Cơn giận

Vượt qua tâm thế phản đối niềm vui

Giận dữ là một cảm xúc tiêu cực khác mà nếu được cho phép, nó có thể quấy nhiễu sự thanh thản của ta. Thật vậy, cơn giận có thể được coi là đối lập của niềm vui. Do vậy những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ suy nghĩ các phương pháp nhằm giảm thiểu cảm giác giận dữ mà ta phải trải qua.

Tài liệu có giá trị nhất về lời khuyên của những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ trong việc phòng tránh và xử lý cơn giận là bài luận On Anger (Bàn về cơn giận) của Seneca. Ông cho rằng, giận dữ là “cơn điên ngắn” và thiệt hại mà nó gây ra cực kỹ lớn: “Không có tai họa nào gây tổn hại cho loài người hơn sự giận dữ.” Ông nói, vì nó mà chúng ta trông thấy những người xung quanh bị giết, đầu độc và kiện tụng; chúng ta phải nhìn những thành phố và quốc gia lụi tàn. Và bên cạnh những thành phố và quốc gia, cơn giận còn có thể phá hủy từng cá nhân. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều sống trong một thế giới mà ở đó có quá nhiều thứ để cáu giận, nghĩa là nếu không học được cách kiểm soát cơn giận, thì lúc nào ta cũng phải mang trong mình cảm giác tức tối. Seneca kết luận rằng, giận dữ là một sự lãng phí thời gian quý giá.

Một số người bênh vực rằng cơn giận cũng có tác dụng của nó. Họ chỉ ra khi giận dữ, chúng ta được thúc đẩy. Seneca bác bỏ luận điệu này. Ông nói, đúng là đôi lúc người ta hưởng lợi từ cảm xúc giận dữ, song không thể vì thế mà ta nên chào đón cơn giận bước vào đời mình. Thật vậy, có thể thấy người ta đôi khi cũng được hưởng lợi từ một thất bại nào đó, song chẳng có ai đầu óc bình thường lại đi làm tăng khả năng thất bại của mình lên để có lợi theo cách ấy. Điều mà Seneca lo lắng khi dùng cơn giận làm công cụ tạo động lực là một khi đã bật công tắc lên, ta khó mà tắt nó đi được, và rồi bất cứ điều gì tốt đẹp xảy đến lúc ban đầu cũng sẽ không bù đắp nổi những tác hại của nó về sau. Ông cảnh báo, “lý trí sẽ không bao giờ tận dụng được sự hỗ trợ của những cơn bốc đồng liều lĩnh vô tổ chức vì nó không có thẩm quyền trong việc này.”

Vậy thì, liệu có phải Seneca đang nói rằng khi một người chứng kiến cảnh cha bị giết còn mẹ bị hãm hiếp thì không nên nổi giận chăng? Rằng anh ta nên đứng yên đó và không làm gì cả ư? Không hề. Anh ta nên trừng phạt kẻ ác và bảo vệ cha mẹ mình, song ở mức độ nhất định, anh ta nên giữ bình tĩnh khi làm điều đó. Thật vậy, anh ta có lẽ sẽ thực hiện việc trừng phạt và bảo vệ tốt hơn nếu né tránh được cơn thịnh nộ đang bùng lên. Nói chung, Seneca cho rằng, khi ai đó làm điều sai quấy với ta, anh ta nên bị trừng phạt bằng “khuyên răn và vũ lực, khoan dung và đồng thời nghiêm khắc”. Tuy thế, những biện pháp trừng phạt này không nên được đưa ra trong cơn giận dữ. Chúng ta trừng phạt người khác không phải vì đó là quả báo cho những gì họ gây ra mà là cho lợi ích của chính họ, nhằm ngăn họ tái phạm. Trừng phạt, nói theo cách khác, nên là “một biểu hiện của sự thận trọng thay vì giận dữ”.

Trong phần luận bàn về sự xúc phạm, chúng ta đã thấy rằng Seneca tạo ra một ngoại lệ cho quy tắc đáp lại hành vi xúc phạm bằng sự hài hước hoặc không phản ứng gì: Nếu chúng ta đang giao tiếp với một người tuy là người lớn nhưng hành xử như con nít, ta có lẽ muốn trừng phạt họ vì đã xúc phạm ta. Sau rốt, đó là điều duy nhất mà người đó hiểu được. Tương tự vậy, có những người mà khi làm điều sai trái với ta, họ không có khả năng sửa chữa hành vi của mình để đáp lại lời thỉnh cầu hợp lẽ và thận trọng của ta. Khi giao tiếp với kiểu người nông cạn như vậy, việc trở nên giận dữ là vô lý – làm như thế cũng phá hỏng tâm trạng một ngày của ta – mà theo Seneca, hành động hợp lẽ hơn là giả bộ tức giận. Bằng cách này, ta có thể khiến người kia sửa đổi, đồng thời giảm thiểu tác hại đối với sự yên bình tâm trí của bản thân. Nói cách khác, mặc dù Seneca bác bỏ ý tưởng cho phép bản thân nổi giận nhằm có thêm động lực, song ông lại cởi mở với ý tưởng giả bộ giận dữ để thúc đẩy người khác.

Seneca đưa ra nhiều lời khuyên cụ thể về cách thức ngăn chặn cơn giận. Ông nói, chúng ta nên đấu tranh với khuynh hướng tin vào điều tồi tệ nhất ở người khác và kết luận vội vã về những động cơ của họ. Chúng ta cần nhớ rằng chỉ vì điều gì đó không xảy ra theo ý ta, không có nghĩa là người khác đang bất công với mình. Cụ thể, Seneca cho rằng, chúng ta cần nhớ rằng trong một số trường hợp, người mà ta bực tức thực ra đang giúp ta; trong những trường hợp như vậy, điều nên khiến ta càng giận dữ là việc anh ta đã không giúp đỡ nhiều hơn.

Khi nhạy cảm quá mức, chúng ta sẽ rất dễ cảm thấy tức giận. Nói chung, Seneca cho rằng nếu ta quá nuông chiều bản thân, nếu ta tự làm hư mình, thì dường như ta chẳng chịu đựng nổi điều gì, và lý do không phải vì mọi việc quá khó khăn mà vì ta quá yếu mềm. Do đó Seneca đề xuất chúng ta nên đảm bảo rằng mình không bao giờ được cảm thấy quá thoải mái. (Dĩ nhiên, đây chỉ là một trong những lý do khiến người theo chủ nghĩa Khắc kỷ tránh sự thoải mái, trong chương 7 chúng ta đã phân tích một số lý do khác). Nếu ta nghiêm khắc với bản thân theo cách này, tâm trí ta sẽ ít bị xáo động vì tiếng ồn của người đầy tớ hay tiếng sập cửa, và từ đó cũng ít bực tức vì chúng hơn. Ta sẽ không quá nhạy cảm với những gì người khác nói hay làm, và ta cũng sẽ ít bị kích động vì những thứ “tầm thường vụn vặt”, như bị đối xử một cách thờ ơ hay nhìn thấy mớ lộn xộn trên ghế sô-fa.

Nhằm tránh việc bộc lộ cơn giận, Seneca cho rằng chúng ta cũng nên nhớ thứ khiến ta bực tức nói chung không gây hại gì đến ta mà chỉ là những phiền toái. Khi cho phép bản thân giận dữ với những thứ nhỏ nhặt, ta đang dùng những khoảng gián đoạn gần như không đáng chú ý trong ngày đổi lấy trạng thái không mấy yên bình trong tâm trí. Hơn thế nữa, như Seneca quan sát dược, “cơn giận của chúng ta luôn kéo dài lâu hơn những tổn thất mà ta phải chịu”. Do đó, thật ngu ngốc biết bao khi ta cho phép sự thanh thản tâm hồn bị phá quấy vì những điều nhỏ nhặt.

Như chúng ta đã thấy, các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta dùng sự hài hước để chuyển hướng những hành vi xúc phạm: Cato buông ra một câu nói đùa khi có người nhổ nước miếng vào mặt ông, và Socrates cũng làm như vậy khi bị người ta bạt tai. Seneca cho rằng bên cạnh việc phản hồi hiệu quả với một hành vi xúc phạm, sự hài hước còn được sử dụng để tránh cho ta nổi cơn thịnh nộ. Ông nói, “thật nhiều tiếng cười là cách phản hồi chính xác cho những điều khiến ta rơi nước mắt”. Ý tưởng là bằng việc chủ động nghĩ về những điều tồi tệ xảy ra với ta theo cách hài hước thay vì bị tổn thương, một sự việc khiến ta nổi xung có thể trở thành trò giải trí. Thật vậy, người ta có thể hình dung ra Cato và Socrates khi dùng khiếu hài hước của mình để phản ứng lại một lời chế giễu, họ không chỉ chuyển hướng nó mà còn bảo vệ bản thân không bị bực tức vì người đã xúc phạm họ.

Marcus cũng đưa ra lời khuyên về việc né tránh cơn giận. Ông đề xuất rằng chúng ta nên ngắm nhìn những điều vô thường quanh ta. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ nhận ra rằng nhiều thứ mà ta cho là quan trọng trên thực tế lại không phải như vậy, ít nhất là trong toàn thể vũ trụ. Ông suy ngẫm về thời đại Vua Vespasian trước đó gần một thế kỷ. Khắp nơi mọi người đều làm những việc bình thường giống nhau: kết hôn, nuôi dạy trẻ con, làm ruộng, yêu đương, ghen tị, chiến đấu và thết đãi. Song, ông chỉ ra rằng, “tất cả những cuộc đời đó đều không còn bất cứ dấu vết tồn tại nào cho đến ngày nay.” Với ngụ ý này, đây sẽ là định mệnh của thời đại chúng ta: Những điều dường như cực kỳ quan trọng với ta dường như sẽ chẳng là gì với những đứa cháu của ta. Do đó, khi cảm thấy mình đang giận dữ điều gì đó, ta nên tạm dừng lại để xem xét đến ý nghĩa vũ trụ của nó. Cách làm này sẽ dập tắt cơn giận ngay từ khi nó mới nhen nhóm.

Giả sử ta thấy rằng mặc cho mọi nỗ lực ngăn chặn cơn giận, hành vi của người khác vẫn làm khởi sinh cảm giác tức giận trong ta. Seneca cho rằng nếu ta nhớ là những hành vi của bản thân cũng khiến người giác nổi giận, ta sẽ vượt qua được cơn giận của mình. “Chúng ta là những kẻ xấu sống giữa một đám đông xấu xa, và điều duy nhất giúp ta xoa dịu chính mình là cư xử phóng khoáng với đối phương.” Ông cũng đưa ra lời khuyên kiểm soát cơn giận tương đồng với lời khuyên của đạo Phật. Khi giận dữ, chúng ta nên “biến mọi dấu hiệu [của cơn giận] thành thứ đối lập với nó”. Ta nên ép bàn thân thả lỏng gương mặt, hạ giọng và bước đi chậm lại. Nếu làm được điều này, trạng thái nội tâm của ta sẽ sớm quay lại khớp với trạng thái bên ngoài, và cơn giận sẽ tiêu tan.” Các Phật tử cũng thực hành kỹ thuật tư duy thay thế tương tự. Khi có một ý nghĩ không lành mạnh nổi lên, các Phật tử buộc bản thân nghĩ đến cái đối lập với nó, và đó là các ý nghĩ lành mạnh. Chẳng hạn, khi cảm thấy tức giận, họ hướng mình nghĩ về tình yêu. Đó là vì hai suy nghĩ đối cực không thể tồn tại trong tâm trí cùng một lúc, nên suy nghĩ lành mạnh sẽ thế chỗ cho cái đối lập của nó.

Sẽ ra sao nếu chúng ta không có khả năng kiểm soát cơn giận? Thật vậy, nếu như ta phản ứng dữ dội lại với bất cứ ai chọc giận ta thì sẽ ra sao? Chúng ta nên xin lỗi. Cách làm này gần như có thể sửa chữa ngay lập tức thiệt hại về mặt xã hội mà cơn thịnh nộ của ta gây ra. Nó cũng có lợi ích riêng cho ta: Hành động nhận lỗi, bên cạnh tác dụng làm dịu còn giúp ta ngăn chặn những ám ảnh theo sau về cái khiến ta giận dữ. Cuối cùng thì, một lời xin lỗi vì đã giận dữ có thể giúp ta trở thành một người tốt hơn: Bằng cách thừa nhận lỗi lầm, ta giảm khả năng lặp lại nó trong tương lai.

Ai trong chúng ta cũng có đôi lúc cảm thấy giận dữ: giống như nỗi đau, cơn giận cũng là một phản ứng cảm xúc. Mặc dù vậy, có những người dường như lúc nào cũng thấy bực tức. Họ không chỉ dễ bị kich động, mà thậm chí khi tác nhân kích thích không còn nữa thì cơn giận của họ vẫn dai dẳng ở lại. Thật vậy, trong những thời gian rảnh rỗi, họ có thể hồi tưởng lại các sự kiện hay các sự vật nói chung trong quá khứ khiến họ nổi giận với một mức độ hứng thú nhất định. Và trong khi nó đang gặm nhấm họ, thì cơn giận xuất hiện cung cấp thêm năng lượng cho nó.

Người theo chủ nghĩa Khắc kỷ gọi những tình huống như vậy là bi kịch. Vì một điều duy nhất, cuộc đời quá ngắn ngủi để chìm đắm trong giận dữ. Hơn thế nữa, một người lúc nào cũng cáu gắt sẽ làm khổ những người xung quanh họ. Seneca hỏi rằng, vì sao không “khiến bản thân trở thành người được mọi người yêu quý khi còn sống và tưởng nhớ khi đã mất?” Vì sao lại chịu đựng tâm trạng phản đối niềm vui khi bạn có quyền năng cảm nhận niềm vui? Quả thực, vì sao vậy?

>>> Quay lại trang: Mục lục

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments