Sách: Chủ nghĩa khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản | Part 11

11- Sự xúc phạm

Vượt qua những hành vi xúc phạm

Có người sẽ lấy làm lạ rằng các nhà Khắc kỷ La Mã lại dành thời gian luận bàn về những hành vi xúc phạm và cách ứng phó tốt nhất với chúng. “Đó có phải là nhiệm vụ thích đáng của một triết gia hay không?” họ sẽ đặt ra câu hỏi như vậy. Câu trả lời là có, nếu chúng ta đồng tình với các nhà Khắc kỷ rằng vai trò thích đáng của triết học là phát triển một triết lý sống.

Như đã thấy, các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta theo đuổi sự bình thản. Tuy nhiên, họ nhận ra rằng thứ duy nhất ngăn cản con người đạt được và duy trì sự bình thản là những hành vi xúc phạm của người khác. Thế nên, các nhà Khắc kỷ đã dành thời gian phát triển các kỹ thuật ngăn không cho những hành vi đó khiến họ khó chịu. Ở chương này, tôi sẽ phân tích một số kỹ thuật như thế.

Tiếp theo đây, tôi sẽ sử dụng cụm từ hành vi xúc phạm theo nghĩa rất rộng, không chỉ hàm ý xúc phạm bằng lời nói, chẳng hạn như mỉa mai ai đó bằng một tên gọi, mà cả “sự xúc phạm bằng cách lờ đi”, như khinh thường hoặc làm mất mặt ai đó, cũng như sự xúc phạm về mặt thể xác, như tát ai đó chẳng hạn. Con người ta thường rất nhạy cảm đối với những hành vi xúc phạm. Như Musonius chỉ ra, trong một số tình huống, một cái liếc nhìn thôi cũng có thể được xem là một sự xúc phạm. Hơn nữa, kể cả không tác động đến cơ thể, những hành vi xúc phạm cũng có thể gây ra nhiều đau đớn. Nếu ai đó ở vị thế cao hơn, chẳng hạn như một cấp trên hoặc một người thầy, trách mắng bạn ở chỗ đông người, thì rất có thể bạn sẽ cảm thấy vô cùng giận dữ và nhục nhã. Không chỉ vậy, nỗi đau trong bạn có thể kéo dài rất lâu sau khi hứng chịu những hành vi xúc phạm này. Mười năm sau sự vụ mắng nhiếc kể trên, trong một khoảnh khắc vu vơ, bạn chợt nhớ ra và mặc dù đã lâu lắm rồi, bạn vẫn có thể lại giận run lên.

Để hiểu rõ sức mạnh của những hành vi xúc phạm trong việc phá vỡ sự bình thản, chúng ta chỉ cần nhìn vào những thứ khiến mình khó chịu trong cuộc sống thường ngày. Đứng đầu danh sách sẽ là những hành vi xúc phạm của người khác, bao gồm bạn bè, người thân và đồng nghiệp của chúng ta. Đôi khi, họ xúc phạm chúng ta một cách trực tiếp và thẳng thắn: “Đồ mất trí.” Tuy nhiên, thường thì những hành vi xúc phạm của họ lại tinh vi và gián tiếp. Họ có thể chế giễu chúng ta: “Làm ơn đội mũ lên được không? Nắng phản chiếu trên đỉnh đầu cậu làm tôi chói mắt quá.” Hoặc sau khi chúc mừng chúng ta vì đạt được một số thành tựu, họ có thể cảm thấy buộc phải nhắc nhở chúng ta, lần thứ một trăm, về một số thất bại trong quá khứ. Họ có thể đưa ra những lời khen nửa đùa nửa thật. Họ có thể xem nhẹ và không dành cho chúng ta đủ sự tôn trọng. Họ cũng có thể nói xấu chúng ta với người khác, rồi người đó lại kể cho chúng ta. Tất cả những điều trên đều có thể phá hỏng tâm trạng của chúng ta.

Không chỉ con người thời nay mới nhạy cảm với sự xúc phạm. Ví dụ, hãy thử xét đến những hành vi mà theo Seneca được xem là xúc phạm người khác ở xã hội La Mã cổ đại: “Có kẻ hôm nay không tiếp tôi, nhưng lại tiếp người khác”; “anh ta ngạo mạn phản đối hoặc công khai cười nhạo trong lúc trò chuyện với tôi”; “anh ta không xếp tôi ngồi ở vị trí danh dự mà xếp tôi ngồi cuối bàn”. Những hành vi trên nếu xảy ra vào thời nay thì chắc chắn cũng sẽ được xem là xúc phạm người khác.

Khi bị xúc phạm, con người ta thường trở nên giận dữ. Bởi lẽ giận dữ là một cảm xúc tiêu cực có thể phá vỡ sự bình thản, thế nên các nhà Khắc kỷ cho rằng việc phát triển những chiến lược để ngăn không cho những hành vi xúc phạm chọc giận chúng ta là vô cùng quan trọng – những chiến lược nhằm loại bỏ nọc độc của một hành vi xúc phạm. Một trong những chiến lược của họ là dừng lại, khi bị xúc phạm, để xét xem những lời lẽ xúc phạm của đối phương có đúng thật hay không. Nếu đúng thật thì chẳng có lý do gì để bực bội cả. Chẳng hạn, giả sử ai đó giễu cợt chúng ta là đồ hói trong khi chúng ta hói thật, vậy thì “tại sao ta lại cảm thấy bị xúc phạm khi người khác nói ra một điều hiển nhiên cơ chứ?” Seneca đã đặt ra câu hỏi như vậy.

Một chiến lược khác được Epictetus đề xuất là dừng lại để xét xem đối phương có nắm rõ thông tin hay không. Có thể anh ta nói những điều không hay về chúng ta không phải là vì muốn làm tổn thương chúng ta, mà là vì anh ta thật sự tin vào những điều mình nói, hoặc có thể chỉ là anh ta đang nói ra góc nhìn của mình. Thay vì tức giận với đối phương vì đã quá thẳng thắn, chúng ta nên bình tĩnh nói cho anh ta vỡ lẽ.

Một chiến lược hiệu quả nữa là xét đến nguồn của hành vi xúc phạm. Nếu như tôi tôn trọng nguồn này, nếu như tôi đánh giá cao ý kiến của anh ta, vậy thì tôi không nên khó chịu trước những lời phê bình của anh ta. Chẳng hạn, giả sử tôi đang học chơi đàn banjo và người phê bình cách chơi đàn của tôi là một nhạc công giỏi mà tôi đã thuê về dạy mình. Trong trường hợp đó, tôi đang trả tiền cho người này để phê bình tôi, thành thử sẽ thật ngu ngốc nếu tôi cảm thấy tổn thương vì những lời phê bình của anh ta. Trái lại, nếu như nghiêm túc học đàn banjo, thì tôi nên cảm ơn anh ta vì đã phê bình tôi.

Tuy nhiên, giả sử tôi không tôn trọng nguồn của hành vi xúc phạm; giả sử tôi thấy anh ta là một kẻ hoàn toàn đáng khinh. Trong trường hợp đó, thay vì cảm thấy bị tổn thương trước hành vi xúc phạm của anh ta, tôi nên cảm thấy nhẹ nhõm: Nếu anh ta phản đối những gì tôi đang làm thì những gì tôi đang làm chắc chắn là đúng. Điều đáng lo ngại là không biết cái con người đáng khinh này có tán thành những gì tôi đang làm không. Lời đáp trả thích đáng nhất đối với sự xúc phạm của anh ta là: “Thật nhẹ nhõm khi anh cảm thấy như vậy về tôi.”

Theo Seneca, khi xem xét đối tượng xúc phạm chúng ta, thường thì chúng ta có thể mô tả họ là những đứa trẻ to xác. Giống như một người mẹ sẽ thật ngớ ngẩn nếu bực tức vì “hành vi xúc phạm” của đứa con nhỏ, chúng ta cũng sẽ thật ngớ ngẩn nếu bực tức vì hành vi xúc phạm của những đứa trẻ to xác kia. Ở những trường hợp khác, chúng ta sẽ nhận thấy rằng những đối tượng xúc phạm chúng ta có thiếu sót lớn trong tính cách. Marcus cho rằng những người như vậy xứng đáng được chúng ta thương cảm hơn là tức giận.

Trong quá trình thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, dần dà chúng ta sẽ không còn quan tâm đến ý kiến của người khác về mình. Chúng ta sẽ không sống nhằm đạt được sự chấp thuận hay tránh né sự phản đối của họ, và bởi chúng ta không quan tâm đến ý kiến của họ, chúng ta sẽ không cảm thấy đau đớn khi bị họ xúc phạm. Kỳ thực, một nhà hiền triết theo phái Khắc kỷ có lẽ sẽ xem hành vi xúc phạm của những người xung quanh như tiếng chó sủa bên tai. Khi một con chó sủa, ta có thể nghĩ thầm rằng con chó kia dường như không ưa ta, nhưng sẽ thật ngu ngốc nếu ta để cho mình bực tức vì chuyện này và đắm chìm trong suy nghĩ, “Ôi, trời! Con chó kia không ưa mình!”

Một chiến lược quan trọng khác khi bị xúc phạm là hãy nhớ rằng chính chúng ta là nguyên nhân gây ra bất kỳ nỗi đau nào đi cùng với hành vi xúc phạm đó. Epictetus nói: “Hãy nhớ rằng thứ xúc phạm anh không phải là những kẻ lăng mạ hoặc đánh đập anh, mà là sự phán xét trong anh rằng họ đang xúc phạm anh.” Do đó, ông nói “kẻ khác sẽ chẳng thể gây hại cho anh trừ khi anh mong muốn điều đó; anh sẽ bị hãm hại ngay giây phút cho phép mình bị hại”. Thành thử, nếu thuyết phục bản thân rằng hành vi xúc phạm của một người không hề làm tổn hại chúng ta, thì hành vi xúc phạm của anh ta sẽ không còn khiến chúng ta khó chịu.

Lời khuyên cuối cùng thực ra chỉ là vận dụng rộng hơn quan điểm của phái Khắc kỷ rằng, như Epictetus từng nói, “điều làm cho con người ta khó chịu không phải là bản thân sự việc mà là đánh giá của họ về những sự việc đó”. Để hiểu rõ hơn câu nói này, hãy giả dụ rằng có ai đó lấy đi tài sản sở hữu của tôi. Anh ta chỉ có thể gây tổn hại cho tôi nếu tôi cho rằng tài sản sở hữu đó của mình thực sự có giá trị. Cụ thể hơn, giả dụ có ai đó đánh cắp bồn nước cho chim tắm ở sân sau nhà tôi. Nếu như tôi quý trọng bồn nước đó, tôi sẽ rất bực tức về vụ trộm. (Và hàng xóm của tôi, khi trông thấy tôi bực tức như vậy, có thể cảm thấy khó hiểu: “Sao phải lồng lộn lên chỉ vì một cái bồn nước ngớ ngẩn cơ chứ?”) Tuy nhiên, nếu như tôi không quan tâm tới cái bồn nước này, tôi sẽ không cảm thấy bực tức khi bị mất nó. Ngược lại, tôi sẽ thản nhiên – hay chính xác hơn, tôi sẽ phản ứng giống một người Khắc kỷ – trước vụ việc này: “Chẳng việc gì phải lồng lộn lên vì một cái bồn nước cho chim tắm ngớ ngẩn”, tôi sẽ tự nhủ như vậy. Sự bình thản trong tôi sẽ không bị phá vỡ. Cuối cùng, giả dụ rằng tôi ghét cay ghét đắng cái bồn nước cho chim tắm ấy: tôi giữ lại chỉ vì nó là một món quà của người thân và người đó sẽ phật lòng nếu tôi không đặt nó ở sân sau nhà mình. Trong trường hợp đó, có khi tôi còn thấy mừng vì nó đã biến mất.

Những thứ xảy đến với tôi là có lợi hay có hại? Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào các giá trị của tôi, như các nhà Khắc kỷ thường nói. Họ sẽ tiếp tục nhắc nhở tôi rằng các giá trị của tôi là những thứ mà tôi có toàn quyền kiểm soát. Do đó, nếu có thứ gì đó bên ngoài làm tôi bị tổn hại, thì đó hoàn toàn là lỗi của tôi: tôi nên lựa chọn những giá trị khác.

Ngay cả nếu như thành công trong việc loại bỏ sự khó chịu khi bị xúc phạm, chúng ta vẫn phải đứng trước câu hỏi rằng tốt nhất nên đối diện với nó như thế nào. Hầu hết mọi người cho rằng sự đáp trả tốt nhất là xúc phạm ngược lại đối phương, mà tốt hơn cả là phải thật thông minh. Tuy nhiên, các nhà Khắc kỷ lại bác bỏ lời khuyên này. Vậy chúng ta nên phản ứng như thế nào đối với một hành vi xúc phạm, nếu không phải là xúc phạm ngược lại đối phương? Theo các nhà Khắc kỷ, một trong những cách hữu hiệu là sử dụng sự hài hước.

Do đó, Seneca tán thành việc Cato sử dụng sự hài hước để đáp lại một hành vi xúc phạm đặc biệt trắng trợn. Cato đưa đến một ví dụ khi một đối thủ tên là Lentulus nhổ nước bọt vào mặt ông. Thay vì giận dữ hay sỉ nhục lại kẻ đó, Cato bình tĩnh chùi nước bọt trên mặt mình và nói, “Tôi xin thề, Lentulus ạ, người ta thật bậy khi nói rằng anh không biết sử dụng miệng lưỡi của mình!” Seneca cũng đồng ý với phản ứng của Socrate trước một hành vi xúc phạm còn nặng nề hơn thế. Có người từng tới gặp Socrate và, không hề báo trước, bạt tai ông. Thay vì giận dữ, Socrate đã nói đùa rằng chuyện này mới phiền toái làm sao, vì mỗi khi ra khỏi nhà, chúng ta không biết có phải đội mũ sắt lên đầu hay không.

Trong số các kiểu hài hước mà chúng ta có thể sử dụng để đáp lại một hành vi xúc phạm, sự hài hước tự xem nhẹ bản thân có vẻ đặc biệt hiệu quả. Trong số đó, Seneca mô tả một người đàn ông, Vatinius, có một khối u ở cổ và đôi chân bị bệnh, và ông ta đùa cợt về dị tật của mình nhiều tới nỗi người khác không còn gì để thêm vào. Epictetus cũng tán thành việc sử dụng lối hài hước xem nhẹ bản thân. Ví dụ, giả như bạn phát hiện có ai đó nói xấu về bạn. Epictetus khuyên rằng bạn không nên phản ứng bằng cách cư xử theo kiểu phòng thủ mà hãy đặt câu hỏi về năng lực xúc phạm của anh ta; ví dụ như, bạn có thể nhận xét rằng nếu kẻ xúc phạm kia biết bạn đủ rõ để phê phán bạn một cách thuần thục, anh ta sẽ không vạch ra thất bại như thế của bạn mà thay vì vậy, sẽ nhắm vào những thất bại khác, tồi tệ hơn nhiều.

Bằng cách cười nhạo một hành vi xúc phạm, chúng ta ngụ ý rằng chúng ta không coi trọng kẻ xúc phạm và những hành vi xúc phạm của anh ta. Khi ám chỉ như vậy, tất nhiên, chính là tỏ rõ sự xem thường kẻ xúc phạm mà không cần trực tiếp làm như vậy. Vì thế đây là một phản ứng có vẻ sẽ khiến kẻ xúc phạm thất vọng sâu sắc. Vì lý do này, một câu trả lời hài hước trước một hành vi xúc phạm có thể sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc đáp trả bằng một hành vi xúc phạm tương ứng.

Vấn đề của việc đáp trả một hành vi xúc phạm bằng sự hài hước là nó đòi hỏi cả sự hóm hỉnh và sự hiện diện của tâm trí. Nhiều người trong chúng ta thiếu những đặc điểm này. Khi bị xúc phạm, chúng ta đứng chết trân tại chỗ: Chúng ta biết rằng mình đã bị xúc phạm nhưng không biết phải làm gì tiếp theo. Nếu một lời đáp lại thông minh có nảy ra trong đầu chúng ta, thì nó đến vào nhiều giờ sau đó, khi nó chẳng còn ích lợi gì nữa. Rốt cuộc, không có gì thảm hại hơn là một kẻ, một ngày sau khi bị xúc phạm, gặp lại kẻ đã xúc phạm anh ta, nhắc nhở anh ta về hành vi xúc phạm kia, và rồi đưa ra câu đáp trả của mình đối với nó.

Các nhà Khắc kỷ đã nhận ra điều này và do đó tán thành cách thứ hai để phản ứng lại sự xúc phạm: không phản ứng gì cả. Thay vì phản ứng lại trước một hành vi xúc phạm, Musonius nói rằng, chúng ta nên yên lặng và bình tĩnh chịu đựng điều đã xảy ra”. Đây, ông nhắc nhở chúng ta, là hành vi thích hợp đối với một người muốn trở thành người cao thượng”. Lợi thế của việc không phản ứng, của việc chỉ đơn giản là tiếp tục như thể kẻ xúc phạm kia chưa nói gì hết, là sự đòi hỏi không suy nghĩ gì ở phía chúng ta. Thật vậy, ngay cả người trì độn nhất trên Trái đất này cũng có thể phản ứng như thế trước một hành vi xúc phạm.

Theo đó, Seneca tán thành phản ứng của Cato khi một người lạ mặt tấn công ông ở nhà tắm công cộng. Khi kẻ kia sau đó nhận ra Cato và xin lỗi ông, Cato, thay vì giận dữ với người đàn ông này và trừng phạt hắn ta, chỉ đơn giản trả lời rằng, “Tôi không nhớ là mình bị đánh.” Cato, như Seneca nói, cho thấy một tinh thần cao đẹp hơn khi không thừa nhận cú đánh so với việc thể hiện sự tha thứ.

Từ chối đáp lại một hành vi xúc phạm, ngược đời thay, là một trong những câu trả lời tốt nhất mà ta có thể đưa ra. Vì rằng, như Seneca chỉ ra, sự không phản ứng của chúng ta có thể khiến kẻ xúc phạm thấy bối rối, người đó sẽ băn khoăn rằng liệu ta có hiểu lời xúc phạm của anh ta hay không. Hơn thế nữa, ta đã tước đi của anh ta niềm vui của việc được làm ta khó chịu, và anh ta vì thế sẽ trở nên bực bội.

Cũng cần lưu ý rằng bằng việc không đáp lại kẻ xúc phạm, ta đã chỉ cho anh ta và bất kì ai đang theo dõi rằng ta đơn giản là không có thời gian cho những hành vi trẻ con của người này. Nếu một câu trả lời hài hước trước một lời xúc phạm cho thấy ta không xem trọng lời xúc phạm ấy, thì việc không phản ứng trước một lời xúc phạm sẽ tạo cảm giác ta thờ ơ trước sự tồn tại của kẻ xúc phạm: Ta không chỉ không coi trọng anh ta, mà ta còn không hề quan tâm đến anh ta! Không có ai muốn bị phớt lờ cả, và kẻ xúc phạm kia dường như sẽ cảm thấy bị bẽ mặt bởi việc chúng ta không đáp lại anh ta – không phải là với một lời xúc phạm độp lại, thậm chí là một sự hài hước cũng không!

Điều nói trên khiến các nhà Khắc kỷ có vẻ như hoàn toàn là những người theo chủ nghĩa yêu hòa bình với sự tôn trọng dành cho những sự xúc phạm, như thể họ sẽ không bao giờ đáp lại một sự xúc phạm bằng một lời xúc phạm hay bằng cách trừng phạt kẻ xúc phạm. Tuy nhiên, không phải vậy. Theo Seneca, vào những lúc thích hợp ta cần phải phản ứng mạnh mẽ trước sự xúc phạm.

Mối nguy hiểm của việc phản ứng lại sự xúc phạm bằng khiếu hài hước hay không phản ứng gì là một số kẻ xúc phạm rất trì độn nên họ sẽ không nhận ra rằng bằng việc từ chối đáp lại lời xúc phạm của họ với một lời xúc phạm, chúng ta đang bày tỏ sự coi thường trước những gì họ nghĩ về chúng ta. Thay vì bị bẽ mặt trước cách phản ứng của chúng ta, họ lại có thể được khuyến khích bởi câu đùa hoặc sự yên lặng của chúng ta, và họ có thể bắt đầu tấn công ta bằng một chuỗi vô tận những lời lẽ xúc phạm. Điều này có thể đặc biệt khó chịu nếu kẻ xúc phạm, trong thời cổ đại, là nô lệ của một ai đó hoặc nếu anh ta, trong thế giới hiện đại, là nhân viên, học sinh, hoặc con cái của ai đó.

Các nhà Khắc kỷ nhận ra điều này và đưa ra lời khuyên về cách đối phó với những kẻ như vậy. Cũng giống như việc một người mẹ có thể răn dạy hoặc trừng phạt một đứa con vì túm tóc bà, chúng ta, trong một vài trường hợp, cũng sẽ muốn quở trách hoặc trừng phạt kẻ xúc phạm ta một cách trẻ con. Do vậy, nếu một sinh viên xúc phạm người thầy của mình trước cả lớp, người thầy sẽ thật thiếu khôn ngoan nếu bỏ qua lời xúc phạm đó. Kẻ xúc phạm kia và các bạn đồng học của cô ta có thể, rốt cuộc, diễn giải sự không phản ứng của người thầy như một sự phục tùng và kết quả là sẽ tấn công người thầy đó bằng một loạt những lời xúc phạm khác. Hành vi này hiển nhiên sẽ quấy rối lớp học và ảnh hưởng đến việc học tập của các sinh viên khác.

Tuy nhiên, trong những trường hợp như thế người theo chủ nghĩa Khắc kỷ cần phải nhớ rằng anh ta đang trừng phạt kẻ xúc phạm không phải bởi vì cô ta đã cư xử tồi tệ với mình mà là để chấn chỉnh hành vi không đúng đắn của người kia. Điều này, theo Seneca, cũng giống như khi ta huấn luyện một con vật: Nếu trong quá trình huấn luyện một con ngựa, ta trừng phạt nó, thì đó nên là bởi ta muốn nó nghe lời ta về sau, chứ không phải vì ta tức giận trước việc nó không nghe lời ta trong quá khứ.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà chắc chắn là chỉ có rất ít người sẵn sàng đáp lại một lời xúc phạm bằng sự hài hước hoặc là không phản ứng gì. Thật vậy, những người ủng hộ lời nói đúng đắn về mặt chính trị cho rằng cách thích hợp để đối phó với những lời xúc phạm là trừng phạt kẻ xúc phạm. Điều khiến họ quan tâm hơn cả là sự xúc phạm hướng vào “những người thiệt thòi”, bao gồm thành viên của các dân tộc thiểu số và những người khuyết tật về thể chất, tinh thần, xã hội và kinh tế. Họ cho rằng, những cá nhân chịu thiệt thòi là những người yếu ớt về tâm lý, và nếu như ta cho phép kẻ khác xúc phạm họ, họ sẽ phải chịu tổn thương tâm lý nặng nề. Do đó những người ủng hộ chính sách lời nói đúng đắn đã kiến nghị với chính quyền – các quan chức chính phủ, các chủ lao động, và các nhà quản lý trường học – cần trừng phạt bất cứ kẻ nào xúc phạm một cá nhân chịu thiệt thòi.

Epictetus sẽ phản đối hành vi đối phó với sự xúc phạm như thế này vì sự phản tác dụng ghê gớm của nó. Ông chỉ ra rằng, đầu tiên, cuộc vận động chính sách đúng đắn có một số tác động phụ không lường trước được. Một trong số đó là quá trình bảo vệ các cá nhân thiệt thòi khỏi sự xúc phạm sẽ có khuynh hướng khiến họ đặc biệt nhạy cảm trước sự xúc phạm: Họ sẽ, như một hệ quả, cảm thấy bị xúc phạm không chỉ trước những lời xúc phạm trực tiếp mà còn cả những lời xúc phạm gián tiếp nữa. Một điểm khác nữa là các cá nhân bị thiệt thòi sẽ tin rằng họ bất lực trong việc tự mình đối phó với sự xúc phạm – rằng trừ khi chính quyền thay mặt họ can thiệp, họ hoàn toàn không có khả năng tự vệ.

Epictetus cho rằng, cách tốt nhất để đối phó với sự xúc phạm nhắm vào những người kém may mắn không phải là trừng phạt những kẻ xúc phạm họ mà là phải dạy cho các thành viên của những nhóm người chịu thiệt thòi các kỹ thuật tự vệ trước sự xúc phạm. Cụ thể là, họ cần phải học cách loại bỏ sự khó chịu trước những lời xúc phạm nhắm vào họ, và khi còn chưa làm được như vậy, họ sẽ còn tiếp tục siêu nhạy cảm trước sự xúc phạm và kết quả là, họ sẽ nếm trải cảm giác đau khổ đáng kể khi bị xúc phạm.

Điều đáng chú ý là Epictetus, theo như tiêu chuẩn hiện đại, sẽ được xem là bị thiệt thòi gấp đôi: Ông vừa là người què vừa là một nô lệ. Bất chấp những thiệt thòi này, ông vẫn tìm cách để vượt lên trên những sự xúc phạm. Quan trọng hơn cả ông đã tìm ra cách để trải nghiệm niềm vui bất chấp số phận nghiệt ngã của mình. Sẽ có người cho rằng, một người “chịu thiệt thòi” thời hiện đại có thể học được rất nhiều từ Epictetus.

>>> Quay lại trang: Mục lục

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments