Sách: Chủ nghĩa khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản | Part 10

10- Quan hệ xã hội

Về việc ứng xử với người khác

Đến lúc này có thể thấy rõ là các nhà Khắc kỷ phải đối mặt với một vấn đề nan giải. Nếu kết giao với người khác, họ có nguy cơ bị những người này phá vỡ sự bình thản trong họ; nếu giữ sự bình thản bằng cách xa lánh người khác, họ sẽ không thể thực hiện được bổn phận xã hội của họ là hình thành và duy trì các mối quan hệ. Vậy câu hỏi đặt ra cho các nhà Khắc kỷ là: Làm thế nào giữ được sự bình thản trong khi tương tác với người khác? Các nhà Khắc kỷ đã suy nghĩ kỹ lưỡng về câu hỏi này. Trong quá trình tìm tòi câu trả lời, họ đã đưa ra nhiều lời khuyên về cách ứng xử với người khác.

Trước hết, các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta chuẩn bị sẵn cách ứng xử với người khác trước khi chúng ta phải ứng phó với họ. Vì vậy, Epictetus khuyên chúng ta hình thành “một khuôn mẫu và tính cách nhất định” cho bản thân khi chúng ta ở một mình. Rồi sau đó khi gặp gỡ người khác, chúng ta nên sống đúng theo con người mình.

Như đã biết, các nhà Khắc kỷ cho rằng chúng ta không thể kén chọn trong việc thực hiện bổn phận xã hội. Sẽ có lúc vì lợi ích chung, chúng ta buộc phải tiếp xúc với những kẻ phiền toái, lầm lạc hoặc hiểm độc. Tuy nhiên, chúng ta có thể lựa chọn người để kết bạn. Theo đó, các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta tránh kết bạn với những người có giá trị sống sai lạc, vì sợ rằng những giá trị sống của họ sẽ làm ô uế những giá trị sống của chúng ta. Thay vì vậy, chúng ta nên kết bạn với những người có chung giá trị sống, nhất là những người đang làm tốt hơn chúng ta trong việc sống theo những giá trị đó. Và trong khi tận hưởng tình bạn với họ, chúng ta nên nỗ lực học hỏi những gì có thể học hỏi được từ họ.

Seneca cảnh báo rằng những thói hư tật xấu có tính truyền nhiễm: Chúng lây lan nhanh chóng và khó nhận ra, từ những người sở hữu chúng sang những người mà họ tiếp xúc. Epictetus lặp lại cảnh báo này: Ở cạnh một người không trong sạch, và ta cũng trở nên không trong sạch. Nhất là nếu chúng ta giao du với những người có những ham muốn không lành mạnh, bởi lẽ có nguy cơ cao là chúng ta cũng sẽ sớm có những ham muốn tương tự, và sự bình thản trong chúng ta theo đó sẽ bị phá vỡ. Bởi vậy, chúng ta nên tránh dính dáng đến những người có giá trị sống sai lạc bất cứ khi nào có thể, giống như tránh không hôn người bị cảm cúm vậy.

Bên cạnh đó, Seneca cũng khuyên chúng ta tránh xa những người hay than vãn, “những người u sầu và bất mãn với mọi thứ, những người cảm thấy thích thú mỗi dịp được ca cẩm”. Ông nhận xét rằng một người bạn mà “lúc nào cũng bực bội và than thở về mọi chuyện chính là kẻ thù của sự bình thản”.

Theo các nhà Khắc kỷ, ngoài việc chọn lọc bạn bè, chúng ta cũng nên chọn lọc những buổi tụ tập mà mình tham dự (trừ phi việc thực hiện các bổn phận xã hội đòi hỏi chúng ta phải tham dự). Chẳng hạn, Epictetus khuyên chúng ta tránh tham dự những bữa tiệc được những người không phải là triết gia tổ chức. Ông cũng khuyên chúng ta thận trọng trong giao tiếp. Con người thường trò chuyện về một số chủ đề nhất định; vào thời của Epictetus, ông cho biết họ trò chuyện về võ sĩ giác đấu, các cuộc đua ngựa, vận động viên, ăn uống – và nhiều nhất là trò chuyện về người khác. Khi ở trong một nhóm đang nói về những chủ đề này, Epictetus khuyên chúng ta giữ im lặng hoặc chỉ nói vài lời; hoặc chúng ta có thể khéo léo tìm cách đổi sang “một chủ đề phù hợp hơn”.

Tất nhiên là lời khuyên này có phần lỗi thời; giờ đây mọi người không còn trò chuyện về võ sĩ giác đấu nữa (mặc dù họ vẫn nói về các cuộc đua ngựa, vận động viên, chuyện ăn uống – và tất nhiên rồi, về người khác). Thế nhưng, con người thời nay có thể chắt lọc điểm cốt lõi trong lời khuyên của Epictetus. Kỳ thực, đôi khi chúng ta cũng cần phải giao du với “những người không phải triết gia”, hay những người không có các giá trị sống theo chủ nghĩa Khắc kỷ.

Nhưng khi đó, chúng ta phải thật thận trọng. Suy cho cùng, vẫn tồn tại nguy cơ là các giá trị của họ sẽ bị tiêm nhiễm sang chúng ta và khiến chúng ta thụt lùi trong việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ.

Vậy còn những tình huống mà chúng ta buộc phải tiếp xúc với những người phiền toái để thực hiện bổn phận xã hội của mình thì sao? Làm sao để ngăn không cho họ quấy rầy sự bình thản của chúng ta?

Marcus khuyên rằng khi tiếp xúc với một người phiền toái, chúng ta hãy tâm niệm rằng chắc chắn cũng có những người cảm thấy chúng ta phiền toái. Nói chung, khi thấy bản thân đang bực bội vì những thiếu sót của một ai đó, chúng ta nên dừng lại để suy ngẫm về những thiếu sót của chính mình. Điều này sẽ giúp chúng ta thông cảm cho những lỗi lầm của người đó và khoan dung hơn với anh ta. Khi tiếp xúc với một người phiền toái, chúng ta cũng cần nhớ rằng sự bực bội của chúng ta đối với những việc anh ta làm sẽ luôn gây tổn hại cho chúng ta hơn bất kể điều gì mà anh ta đang làm. Nói cách khác, sự bực bội chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn.

Marcus đề xuất rằng chúng ta cũng có thể giảm bớt tác động tiêu cực của người khác lên cuộc sống của mình bằng cách kiểm soát những ý nghĩ của chúng ta về họ. Chẳng hạn, ông khuyên không nên uổng phí thời gian phỏng đoán xem hàng xóm của chúng ta đang làm gì, nói gì, nghĩ gì hoặc toan tính gì. Cũng như không nên để cho đầu óc chứa đầy “những tưởng tượng nhục dục, cảm giác ghen tị, sự hoài nghi hoặc bất cứ cảm nghĩ nào khác” về họ mà chúng ta sẽ cảm thấy xấu hổ nếu phải thừa nhận. Theo Marcus, một người Khắc kỷ chân chính sẽ không quan tâm người khác đang nghĩ gì trừ phi anh ta phải làm vậy vì lợi ích chung.

Quan trọng hơn cả, Marcus cho rằng chúng ta sẽ dễ ứng phó hơn với những kẻ vô liêm sĩ nếu tâm niệm rằng thế giới không thể tồn tại nếu thiếu đi những cá nhân như vậy. Marcus nhắc nhở chúng ta rằng con người không lựa chọn những sai lầm mà họ phạm phải. Thành thử, cũng có thể cho rằng những người làm phiền chúng ta vốn dĩ không thể làm khác đi được. Do đó, việc một số người trở nên phiền toái là không thể tránh khỏi; kỳ thực nếu mong họ hành xử khác đi, thì theo Marcus cũng giống như mong một cây sung đừng ra quả. Do đó, nếu cảm thấy sốc hoặc ngạc nhiên trước hành vi lỗ mãng của một người quê mùa, chúng ta chỉ có thể tự trách bản thân mà thôi: Đáng lẽ chúng ta phải hiểu chuyện hơn.

Như chúng ta đã thấy, Marcus ủng hộ thuyết vận mệnh giống như các nhà Khắc kỷ khác. Điều mà Marcus dường như ủng hộ ở đây là một dạng đặc biệt của thuyết vận mệnh, có thể được gọi là thuyết vận mệnh xã hội: Trong khi giao tiếp với người khác, chúng ta nên chấp nhận rằng cách hành xử của họ đã được định trước. Vì vậy mong họ bớt phiền toái hơn là chuyện vô nghĩa. Nhưng tôi xin nói thêm, Marcus cũng gợi ý rằng người khác có thể thay đổi và chúng ta nên tác động để thay đổi họ. Có lẽ ý của Marcus là mặc dù thay đổi người khác là chuyện khả thi, nhưng chúng ta có thể làm mình bớt khổ hơn khi ứng phó với họ nếu tự nhủ rằng cách hành xử hiện thời của họ đã được định trước.

Giả dụ đã làm theo lời khuyên trên, nhưng chúng ta vẫn bị ai đó làm cho khó chịu thì theo Marcus, chúng ta nên tự nhắc nhở mình rằng “đời người ngắn ngủi vô cùng”, nghĩa là chúng ta sẽ chẳng mấy chốc mà từ giã cõi đời này. Ông cho rằng khi đặt những sự việc phiền toái trong bối cảnh rộng lớn, chúng ta sẽ thấy được tính chất tầm thường của chúng và đỡ khó chịu hơn.

Theo Marcus, rủi ro lớn nhất của chúng ta khi tiếp xúc với những người phiền toái là họ sẽ khiến chúng ta thù ghét họ, và sự thù ghét này sẽ làm tổn hại chúng ta. Do đó, chúng ta cần cố gắng bảo đảm rằng người khác không thể phá vỡ lòng nhân từ của chúng ta dành cho họ. (Thật vậy, Marcus nói rằng nếu anh ta là một người tốt lành, thì các vị thần sẽ không bao giờ thấy anh ta oán hận ai.) Bởi vậy, khi con người hành xử vô nhân đạo, chúng ta không nên oán ghét họ như cách họ oán ghét người khác. Ông nói thêm rằng nếu nhận thấy bản thân đang giận dữ và muốn trả thù, thì một trong những cách trả thù đối phương tốt nhất là không trở thành người giống như anh ta. Một số mối quan hệ quan trọng nhất của chúng ta là với những người khác giới, và các nhà Khắc kỷ đã đưa ra nhiều luận điểm về những mối quan hệ này. Musonius nói rằng người đàn ông khôn ngoan sẽ không quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, còn trong hôn nhân, anh ta chỉ quan hệ tình dục với mục đích có con; quan hệ tình dục trong những hoàn cảnh khác đều là biểu hiện của sự thiếu tự chủ. Epictetus thì đồng tình rằng chúng ta nên tránh quan hệ tình dục trước hôn nhân, nhưng ông nói thêm rằng nếu làm được như vậy thì chúng ta cũng không nên tự cao tự đại về chuyện đó và xem thường những người quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Marcus thậm chí còn nghi ngại chuyện tình dục hơn cả Musonius và Epictetus. Trong cuốn Meditations, ông đưa ra một kỹ thuật để khám phá giá trị thật sự của mọi thứ: Nếu phân tích các thành phần cấu tạo nên một thứ gì đó, ta sẽ thấy được bản chất thật sự của nó và đánh giá đúng về nó. Theo đó, nếu phân tích thì rượu vang quý thực ra chỉ là nước ép nho lên men, còn những chiếc áo choàng tía mà người La Mã đánh giá rất cao thực ra chỉ là lông cừu nhuộm với chất dịch nhầy của một loài ốc. Khi áp dụng kỹ thuật phân tích này vào tình dục, Marcus nhận ra rằng nó chỉ là “sự cọ xát và xuất tinh”. Do đó, sẽ thật ngu ngốc nếu chúng ta đề cao chuyện quan hệ tình dục và còn ngu ngốc hơn nữa nếu chúng ta làm rối loạn cuộc sống của mình chỉ để trải nghiệm tình dục.

Thật tình cờ, các Phật tử cũng đưa ra kỹ thuật phân tích tương tự. Ví dụ, khi một người đàn ông cảm thấy ham muốn một người phụ nữ, một số Phật tử sẽ khuyên anh ta đừng nghĩ đến người phụ nữ này như một tổng thể nguyên vẹn, mà hãy nghĩ đến các thành phần cấu tạo nên cô ta, bao gồm phổi, phân, đờm, mủ và nước bọt của cô ta. Các Phật tử cho rằng điều này sẽ giúp anh ta dập tắt được ham muốn của mình. Nếu cách đó không hiệu quả, họ sẽ khuyên anh ta tưởng tượng hình ảnh cơ thể người phụ nữ này đang trải qua các giai đoạn phân hủy.

Đối với độc giả thời nay, việc các nhà Khắc kỷ ủng hộ tiết chế tình dục nghe có vẻ đoan trang kiểu cách, nhưng họ cũng có cái lý của mình. Chúng ta đang sống trong một thời đại buông thả về tinh dục, và đối với nhiều người, điều này gây ra hậu quả khủng khiếp đến sự bình yên trong tâm hồn họ. Chẳng hạn hãy xét đến một cô gái trẻ, bởi lẽ không thể cưỡng lại cám dỗ tình dục, nên giờ đây cô phải đối mặt với những khó khăn của việc làm mẹ đơn thân, hoặc một chàng trai trẻ vì không thể chống lại cám dỗ nên giờ đây phải chịu gánh nặng trách nhiệm (hoặc ít nhất là chi phí nuôi con), thành thử anh ta không thể theo đuổi ước mơ của mình. Ngày nay, có thể dễ dàng tìm thấy những người đồng tình rằng cuộc đời họ lẽ ra đã tốt đẹp hơn nếu họ biết tiết chế ham muốn tình dục; và khó lòng tìm thấy ai đó cho rằng cuộc đời họ lẽ ra đã tốt đẹp hơn nếu họ sống buông thả.

Chúng ta nên lưu ý rằng vào thời cổ đại, các nhà Khắc kỷ không phải là những người duy nhất chỉ ra sức mạnh hủy diệt của tình dục. Epicurus có thể là triết gia đối thủ của các nhà Khắc kỷ, nhưng ông cũng cùng chia sẻ những mối nghi ngại của họ về tình dục: “Sự giao hợp chưa bao giờ mang lại điều gì tốt lành cho một người đàn ông, và anh ta là người may mắn nếu nó không làm hại anh ta.”

Nhưng tôi phải nói thêm rằng mặc dù có những nghi ngại về tình dục, các nhà Khắc kỷ vẫn rất ủng hộ chuyện hôn nhân. Musonius nói rằng một người đàn ông khôn ngoan sẽ lập gia đình, và trong hôn nhân, anh ta và vợ sẽ nỗ lực để giữ cho đôi bên cùng hạnh phúc. Thật vậy, trong một cuộc hôn nhân tốt đẹp, hai người sẽ hợp nhất thành một liên minh tràn đầy tình yêu thương và cố gắng làm tốt hơn người kia trong việc thể hiện sự quan tâm săn sóc đến đối phương. Có thể hình dung được là một cuộc hôn nhân như vậy sẽ vô cùng hạnh phúc.

Và sau khi kết hôn, một người đàn ông khôn ngoan sẽ sinh con đẻ cái. Musonius nói rằng chẳng có cuộc diễu hành tôn giáo nào đẹp bằng một nhóm con trẻ nắm tay cha mẹ mình đi khắp thành phố và quan tâm đến họ. Musonius muốn chúng ta tin rằng rất hiếm ai hạnh phúc hơn một người vừa có một người bạn đời chu đáo vừa có những đứa con tận tâm.

>>> Quay lại trang: Mục lục

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments