Làm sao để hạnh phúc?

Hạnh phúc là khi cái bạn nghĩ, điều bạn nói và việc bạn làm hoà hợp với nhau. – Mahatma Gandhi

Nếu ai đó đã nói với tôi những gì tôi sắp nói với bạn khi tôi còn là một thiếu niên, cuộc đời tôi có thể đã đi theo một con đường hoàn toàn khác. Gần đây tôi nhận được một tin nhắn mà tôi cảm thấy cần phải tiết lộ phần nào những khó khăn mà tôi đã phải trải qua trong cuộc đời mình nhằm làm rõ một số quan điểm trong bài luận này. Phản hồi của tôi khá dài trong nỗ lực giải quyết cho câu hỏi mà tôi đã được nhận và kết quả là bài viết này đã ra đời.

Câu hỏi: Làm thế nào để tôi trở nên hạnh phúc?

Chẳng ai có thể trao cho bạn hạnh phúc, chỉ bạn và không ai ngoài bạn có thể tự mình đạt được nó, nó là cái đặc quyền được suy nghĩ tích cực về bản thân. Mọi người thường không hạnh phúc bởi họ tức giận chính bản thân mình vì đã vô kỷ luật hoặc vì họ đang không đủ thành công hoặc thành công không đến nhanh như họ tin rằng bản thân họ xứng đáng nhận được (tham vọng không được thoả mãn).

Tôi đã từng rơi vào trầm cảm nhiều lần trong đời và nguồn gốc của sự khốn khổ đó đến từ hai khiếm khuyết cốt lõi về tính cách:

Tôi thiếu kỷ luật tự giác:

Kỷ luật tự giác đã không đến với tôi dễ dàng vì mức độ tập trung chú ý của tôi rất tệ và tôi đã không nhận được sự giáo dục nghiêm ngặt từ gia đình. Vì khi còn là một đứa trẻ, tôi đã được phép làm bất cứ những gì mình muốn, tôi đã trở thành một người trưởng thành với sự thiếu kỷ luật tự giác. Thiếu đi sự huấn luyện, tôi đã hầu như luôn luôn mặc định chọn con đường dễ dàng (ít trở ngại) nhất.

Tất nhiên, những bậc cha mẹ đã không trao cho con cái của mình một sự giáo dưỡng đầy đủ và chỉn chu là những bậc cha mẹ tệ hại, thế nhưng việc đổ lỗi những lỗi lầm của bạn cho việc nuôi dạy con cái không trọn vẹn của họ đồng nghĩa với việc chẳng thay đổi được gì và bạn chối bỏ trách nhiệm của mình trong việc hành động để thay đổi hoàn cảnh hiện tại. Với tư cách là một người trưởng thành, bạn phải nhận trách nhiệm tự xây dựng kỷ luật đối với bản thân.

Tại sao kỷ luật là rất quan trọng?

Kỷ luật tự giác là điều cần thiết nếu bạn muốn trở thành một người có giá trị. Nếu bạn thiếu nó, đây sẽ là điều đầu tiên bạn phải bắt tay vào xây dựng. Không có việc gì được hoàn thành mà thiếu đi kỷ luật tự giác.

Có một vạn kiểu hội thảo và sách nhảm nhí ngoài kia đang tìm cách moi tiền từ sự bất an của bạn bằng cách hứa hẹn sẽ khiến bạn tự tin. 99,9% là vô nghĩa. Như PT Barnum đã nói, mỗi phút lại có một kẻ thất bại sinh ra trên đời. 

Sự thật: chỉ có bạn mới có thể khiến bạn tự tin.

Những người có kỷ luật là những người tự tin (không nhất thiết là tự cao tự đại) vì họ tự hào về những gì họ làm. Khi bạn biết bạn đang nỗ lực lao động, sản phẩm phụ từ những nỗ lực của bạn sẽ là niềm tự hào. Niềm tự hào chuyển thành sự tự tin, sự tự tin chuyển thành sự quyến rũ, và đó là một vòng tròn tích cực. Nhưng mọi thứ bắt đầu với kỷ luật –  tất-cả-mọi-thứ. Kỷ luật là gốc rễ của thành công cũng như mặt trời thì mọc ở hướng đông. Nếu bạn không phải là người được ban phước với sự tự tin phi lý bẩm sinh, đó là cách bạn tự tin.

Tôi bị phân tích quá mức:

Tôi bẩm sinh dễ bị tê liệt khi phân tích vấn đề vì tôi vốn có bản chất phân tích. Một khi bạn đạt được một mức độ kỷ luật tự giác nhất định, bạn có thể nhận ra lúc nào mình đang trì hoãn và buộc bản thân phải hành động.

Ngoài sự trì hoãn, việc phân tích quá mức làm cho bạn có khả năng nhìn ra tất cả các mặt tiêu cực trên đời (có rất nhiều, ở mọi nơi, mọi lúc) và chúng có thể và chắc chắn sẽ làm bạn thất vọng tràn trề nếu bạn không cẩn trọng.

Nếu bạn là người có trí tuệ, khả năng phân tích của bạn sẽ áp đặt một lăng kính tiêu cực cho cuộc sống bởi vì bạn dễ bị hoài nghi, suy nghĩ quá mức và hệ quả là nó gây cho bạn tê liệt, không hành động. Những đặc điểm này tạo môi trường thuận lợi nảy sinh trầm cảm và trầm cảm sẽ phá hủy năng suất. Tôi nghĩ rằng tôi đang mô tả tất cả những người thông minh nhưng không đạt được thành tựu đã và đang tồn tại trên đời – biết rất nhiều, nhưng làm rất ít.

Tôi đã phải tìm con đường của riêng mình trong cuộc sống giống như hầu hết các chàng trai đã không có một bàn tay vững chắc để dẫn dắt họ khi trẻ tuổi. Tôi đã sống vô tổ chức, bốc đồng. Tôi đã từng “nước đến chân mới nhảy” – cuống cuồng cắm đầu cắm cổ cố gắng hoàn thành việc của mình lúc deadline sát nút thay vì bắt đầu trước đó vài tuần và thực hiện nó thong thả. Tôi đã  giao du lang thang vô định với những “bè bạn” – những kẻ tầm thường không có định hướng trong cuộc sống, cố gắng lấp đầy khoảng trống thời gian của nhau như tôi đã từng – thay vì theo đuổi những sở thích có ý nghĩa: thể thao, nhạc cụ, ngoại ngữ hoặc võ thuật. Đây là một sai lầm mà tôi sẽ không bao giờ để con cái mình mắc phải.

Tôi đã phải lãng phí rất nhiều thời gian để nhận ra điều đó thật quý giá, bởi vì khi bạn là một kẻ thất bại lang thang vô định, bạn không trân trọng chính bản thân cũng như thời gian của mình. Bạn luôn cố gắng tìm ra những cách mới để phung phí nó vào những thứ vô nghĩa vì bạn không có mục tiêu. Và kể cả khi bạn có mục tiêu, bạn vẫn thiếu động lực xuất phát từ kỷ luật để gắn bó với một chế độ cần thiết để biến chúng thành hiện thực.

Tôi là một trong những kẻ mơ ước lớn lao, nhưng đã tự kéo tụt mình lại. Và với sự tự mãn lặp đi lặp lại, một nỗi sợ phi lý nhất đã bén rễ. Không hành động sẽ gây sợ hãi cho đến khi tôi mất hết động lực. Và không có động lực, bạn có nguy cơ bị trầm cảm. Theo lời của Einstein:

“Cuộc sống giống như việc đi một chiếc xe đạp. Để giữ thăng bằng bạn phải di chuyển liên tục.”

Tôi đã luôn biết những gì tôi phải làm, nhớ lại thì chẳng ai cho rằng tôi ngu dốt, nhưng sở hữu trí thông minh thôi là không đủ. Trí thông minh không làm cho bạn miễn nhiễm với khiếm khuyết của tính cách, nó không đảm bảo đạo đức công việc (cái mà kỷ luật làm được) và nó đe dọa niềm vui sống (vì sự quá tải của những kích thích đến từ một đầu óc có trí tuệ.) Một kẻ ngốc có nỗ lực còn gặt hái nhiều thành tựu hơn là một kẻ có trí tuệ nhưng nhàn rỗi ngồi ngoài cuộc.

Sự lười biếng của tôi khiến tôi bất hạnh; Tôi đã trở thành tù nhân của vùng thoải mái của mình.

Sau khi suy ngẫm với nội tâm, cuối cùng tôi cũng nhận ra mọi điều tôi đã nói tới ở trên. Khả năng phân tích cuối cùng cũng có ích, nó cho phép tôi tự phân tích về mặt tâm lý và xác định được nguyên nhân và kết quả. Điểm yếu của tôi trở thành một điểm mạnh, bên cạnh những gì tôi học được từ red pill, nó cho phép tôi tạo ra sự thay đổi tư duy / mindset cần thiết để lập trình lại bản thân.

Tôi không hạnh phúc vì tôi biết mình không sống đúng với tiềm năng của bản thân. Nguồn gốc sự bất hạnh của tôi bắt nguồn từ sự tức giận và bất mãn mà tôi nuôi lớn vì tôi kém cỏi hơn là tôi đáng lẽ có thể trở thành. Khoảng cách là quá lớn trong sự so sánh giữa “tôi thực sự là gì” và “tôi kỳ vọng tôi có thể trở thành ai”. Nhưng trong một thời gian dài, tôi không đủ nhận thức để nhận ra rằng đây là nguồn gốc của tất cả các tai ương của tôi, bao gồm cả những cơn trầm cảm cấp tính.

Thật tuyệt khi bạn đã tìm thấy red pill, nhưng nếu bạn bị mắc kẹt trong suy nghĩ của bản thân và bạn thiếu kỷ luật, bạn sẽ không bao giờ vượt ra ngoài việc đọc về red pill. Và khi cuộc sống của bạn không được cải thiện, nếu bạn không tự biết nguyên nhân tại sao, bạn sẽ đổ lỗi cho Red Pill vì sự thiếu thành công của bạn hơn là chịu trách nhiệm với sự (thiếu) thành công của chính mình.

Red Pill sẽ không trực tiếp sửa chữa cuộc sống của bạn, nó chỉ là một công cụ. Cách bạn sử dụng nó mới là cái xác định kết quả quá trình định hình lại cuộc sống của bạn thành một điều khiến bạn tự hào. – Nói thế nào nhỉ? – “Một người thợ giỏi không bao giờ đổ lỗi cho công cụ của mình.” Red Pill chỉ là một công cụ. Chỉ biết thôi là không đủ, bạn phải bắt tay vào áp dụng. Và khi bạn gặp thất bại, bạn phải chịu trách nhiệm cho những thất bại của bản thân. Nếu Red Pill không hiệu quả với bạn thì đó là vì bạn đã không thay đổi cách tiếp cận cuộc sống, và đó là lỗi của bạn, không phải của ai khác.

Để có một thân hình đẹp, bạn phải thực sự luyện tập. Để kiếm được nhiều tiền hơn, bạn phải thực sự  làm việc hết mình. Để có được những cô gái, bạn phải thực sự tiếp cận (hoặc đăng những bức ảnh khoe thân hình đẹp của bạn trên Tinder.) Nhưng bạn hiểu ý tôi rồi. Kiến thức là vô nghĩa nếu không có áp dụng vào thực tế, nếu bạn cần một điều để tự nhắc bản thân mình sau khi đọc bài viết này, thì nó nên là câu trên. Nếu bạn quá sợ hãi để làm những điều mới, bạn là tù nhân của vùng thoải mái như tôi đã từng. Và nếu ngôn ngữ cơ thể rụt rè mà bạn thể hiện ra hàng ngày là biểu hiện của bất cứ điều gì, tôi nghĩ rằng khả năng cao là bạn đang ở trong tình huống đó. Bạn đang âm thầm xấu hổ về bản thân.

Vậy tôi đã tìm thấy hạnh phúc như thế nào? Tôi chấp nhận bản thân bất kể những điều đã xảy ra trong quá khứ. Và đó là cách những người đã từng sai lầm trong quá khứ tìm thấy hạnh phúc trong hiện tại. Vấn đề với sự bất hạnh là nó phá hủy năng suất và tính xã hội của bạn. Những người khốn khổ là những kẻ theo chủ nghĩa hư vô / không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, họ không nhìn ra được bất cứ ý nghĩa nào trong việc thực hiện bất cứ điều gì. Họ không thu hút được những người có thể cải thiện cuộc sống của họ vì cái năng lượng tiêu cực của họ đẩy những người đó ra xa.

Nếu bạn bị trầm cảm, bạn ngủ không yên và bạn không có năng lượng để làm bất cứ điều gì. Bạn không muốn giao tiếp xã hội và bạn phá huỷ các tương tác xã hội vì mức năng lượng của bạn nằm ở dưới vực thẳm; cả thế giới cảm thấy như một thứ không đâu. Và khi đó, bạn không thể xây dựng cuộc sống mà bạn hằng mơ ước.

Tôi nhận ra bước đầu tiên này rất quan trọng để vượt qua bất hạnh. Hãy để tôi nhắc lại lần nữa:

Tôi chấp nhận bản thân bất kể những điều đã xảy ra. Tôi đã ngừng hành hạ chính mình vì đã trở thành kẻ thua cuộc và bắt đầu tự động viên mình khi đã làm những gì có thể để xây dựng bản thân.

Ngay cả khi tôi chưa đạt được mức độ thành công / hình tượng theo tiêu chuẩn cao một cách quá đáng như  tham vọng của tôi mong muốn, tôi vẫn chấp nhận những gì tôi có và tôi là ai miễn là tôi làm hết sức mình. Bởi vì điều tốt nhất của bạn là tất cả những gì bạn đã và đang có, đòi hỏi nhiều hơn thế giống như là treo cho mình một phần thưởng trước mặt nhưng nó liên tục bị cướp đi.

Tôi tận hưởng cuộc hành trình ít dần những điều tồi tệ mỗi ngày, tôi tận hưởng “the grind” – sự tôi luyện, cuộc tranh đấu, sự phấn đấu của mình. Bạn phải giữ bản thân nguyên vẹn trước khi muốn đi đến bất cứ đâu. Và nếu những gì tốt nhất của tôi là không đủ, thì cứ vậy đi. Tôi sẽ thử một cái gì đó khác. Tôi ổn với việc bản thân không hoàn hảo.

Tôi chấp nhận rằng thất bại là một phần tất yếu của cuộc sống, thà rằng thất bại bởi vì bạn không đủ tốt còn hơn là thất bại bởi vì bạn sợ rằng bạn sẽ không đủ tốt. Bất cứ điều gì vẫn tốt hơn là từ bỏ. 

“Không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, dù lớn hay nhỏ, to hay bé, không bao giờ nhượng bộ ngoại trừ những niềm tin về danh dự và những điều tốt đẹp. Không bao giờ chịu khuất phục; không bao giờ chịu khuất phục trước sức mạnh áp đảo của kẻ thù. – Winston Churchill

Tham vọng là vô ích nếu nó làm bạn chán nản vì không đạt được nó. Tham vọng / mục tiêu cần sự khích lệ (để tránh trở thành kẻ thua cuộc.) Hầu hết mọi người nghĩ rằng mục tiêu sẽ mang lại hạnh phúc. Và đúng là như vậy trong lần đầu tiên đạt được. Nhưng nó không kéo dài. Hạnh phúc dài lâu nằm ở sự chấp nhận bản thân, tất cả các dạng hạnh phúc khác đều chỉ là nhất thời.

Một điều không ngoan tôi đã làm là biến nỗi sợ hãi của mình trở thành thứ chống lại chính nó. Nỗi sợ hãi từng giam cầm tôi bây giờ cũng chính là thứ thúc đẩy tôi. Tôi không bao giờ thoát khỏi nỗi sợ hãi của mình, tôi chỉ đảo ngược nó. Thay vì để nỗi sợ rời khỏi vùng an toàn của mình phá hủy tiềm năng của mình, tôi đã sử dụng nỗi sợ bị trở thành kẻ thua cuộc để thúc đẩy bản thân và bắt đầu hành động ở nơi mà tôi đã từng tránh né. Nỗi sợ trở thành kẻ thua cuộc của tôi lớn hơn là nỗi sợ tham gia vào một sự xung đột hoặc nỗi sợ phải trải qua một tình huống xã hội khó xử. Sử dụng nỗi sợ để phục vụ mục đích của tôi.

Hầu hết mọi người đều không hạnh phúc vì một trong hai lý do (có thể là cả hai):

Lý do thứ nhất, họ đang phung phí tài nguyên tốt nhất của bản thân: quỹ thời gian của họ. Nếu bạn nhấm nháp nó trong một tháng, bạn có thể hạnh phúc vì bạn tận hưởng những thú vui trong khoảnh khắc. Nhưng khi một, hai năm trôi qua, và bạn thậm chí chỉ cần một khoảnh khắc để nhìn lại và so sánh bản thân với bạn lúc đó – và bạn không tốt hơn, thậm chí còn tệ hơn cái con người của bạn trong quá khứ, việc đó làm bạn tan vỡ. Bạn sẽ đau khổ vì bạn đã làm chính bản thân thất vọng.

Lý do thứ hai, tham vọng của họ vượt xa họ trong hiện tại và sự thiếu địa vị khiến họ tự gây áp lực cho chính mình đến mức khó thở và không thể tận hưởng được những điều đơn giản. Mặt trời trên đầu, không khí xung quanh v.v… , họ không thể cảm nhận chúng.

Tôi đã từng bị ảnh hưởng bởi cả hai. Bạn có thể bị ảnh hưởng bởi một trong hai. Nếu bạn không bị ảnh hưởng bởi điều gì, nhưng bạn vẫn không hạnh phúc, có thể bạn đang bị bao vây bởi những người độc hại  hoặc đang cô đơn.

Trong trường hợp bạn không phải là kẻ thua cuộc, nhưng vẫn cảm thấy không hạnh phúc?

Nếu bạn thành công mà vẫn không hạnh phúc, rất có thể bạn là một người đã có nhiều thành tựu nhưng cảm thấy không bao giờ là đủ. Tham vọng của bạn đang trói buộc bạn. Sự bất mãn của bạn có nghĩa là bạn luôn vội vàng, thay vì tận hưởng “the grind” – sự tôi luyện.

Vấn đề với việc đó là một khi bạn đến được “đó” – nơi bạn muốn đến, điều đó là không đủ. Bởi vì bạn chưa học được cách hạnh phúc, bạn chỉ học được cách thành công. Nếu bạn có thể đạt được tiền bạc, sự độc lập, thân hình cân đối, IQ / kỹ năng cao và một công việc tốt nhưng vẫn khốn khổ – đó là vì bạn đã không học cách chấp nhận bản thân. Thành công không phải là vấn đề, bạn có rất nhiều thành tựu, lỗi nằm ở việc thiếu sự tự chấp nhận bản thân.

Người ta phải chấp nhận những nỗ lực của họ, rằng họ đang làm những gì họ có thể. Điều đó không có nghĩa là lười biếng. Bạn chỉ là người con người, không phải mỗi phút, mỗi ngày đều sẽ có năng suất 100%. Bạn không hoàn hảo, chỉ vì bạn thành công, không có nghĩa là bạn  hoàn hảo. Nếu bạn giữ cho mình những tiêu chuẩn nằm ngoài khả năng con người và bất khả thi, bạn sẽ luôn ghét bỏ chính mình (dù bạn có nhận ra điều đó hay không) và như vậy bạn sẽ không hạnh phúc từ trong thâm tâm. Tha thứ cho bản thân về những điểm yếu của bạn và hành động để khắc phục chúng thay vì ghét bỏ bản thân vì đã sở hữu chúng.

Nếu bạn thành công và thoải mái với chính mình, nhưng vẫn không hạnh phúc, có lẽ bạn đang cô đơn hoặc bị bao vây bởi những người tệ hại.

Hãy tìm những người bạn tốt, họ làm cho cuộc sống bớt tồi tệ hơn. Mọi thứ đều tốt hơn với những mối quan hệ tốt, sự cô đơn làm một người suy nhược không kém gì sự lười biếng. Nếu bạn dễ bị cô đơn, tôi cảnh báo không nên chuyển sang “monk mode” hoàn toàn, điều đó sẽ chỉ khiến bạn trở nên tồi tệ hơn. Nghỉ 2 ngày một tuần để giao tiếp và nạp năng lượng từ xã hội.

Nhiều người đàn ông lãng phí cuộc đời để tìm kiếm người phụ nữ phù hợp, nhưng trong khi những người bạn tốt có thể theo ta suốt cuộc đời, phụ nữ hiếm khi làm được điều đó. Những người bạn thật sự quan tâm đến sở thích của bạn, phụ nữ tìm ra lợi ích của riêng họ. Những người bạn thật sự rất hiếm, vì hầu hết chỉ quan tâm đến những gì họ có thể nhận được từ bạn hoặc sử dụng bạn cho một mục đích nhất định. Một người bạn thật sự như là một thành viên trong gia đình chỉ là không chia sẻ cùng dòng máu với bạn, họ trung thành và quan tâm đến sự tiến bộ của bạn và luôn ở bên bạn trong những thời điểm khó khăn.

Họ có quan tâm đến vấn đề của bạn không? Họ có dành thời gian cho bạn khi bạn cần không? Nếu họ không? thì đó không phải là bạn của bạn, bất kể họ tự xưng là gì đi nữa.

    Lược dịch: C8H10N4O2

Nguồn: https://illimitablemen.com/2015/10/22/how-to-be-happy/

Chia sẻ để phát triển cộng đồng:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Donate cho tác giả tại đây để duy trì website và phát triển thêm những nội dung hữu ích khác.

Related Posts

0 0 votes
Article Rating
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments